Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Bệnh phổi và thuốc lá


2011-10-19
Tiếp theo đề tài về các bệnh mãn tính, không lây nhiễm, chương trình Sức khoẻ và đời sống xin gởi đến quý vị một số thông tin về bệnh phổi và sự liên quan giữa thuốc lá với chứng bệnh này.
AFP photo
Trên các bao thuốc lá ở Pháp đều có ghi dòng chữ "Hút thuốc gây ung thư phổi"

Tỷ lệ tử vong cao

Trong số các bệnh mãn tính, không lây nhiễm được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Y tế Quốc tế do Liên Hiệp quốc tổ chức tại New York hồi tháng trước, những bệnh mãn tính liên quan đến phổi chiếm 12% trong tổng số hơn 36 triệu người chết vì các bệnh mãn tính hàng năm. Tại các nước công nghiệp phát triển như Hoa kỳ các bệnh mãn tính không lây nhiễm chiếm tỉ lệ 87% các trường hợp tử vong, trong đó chỉ riêng các bệnh liên quan đến phổi đã đến hơn 7%.
Phổi là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể, và những triệu chứng của các bệnh liên quan đến phổi rất đặc trưng nhưng đôi khi cũng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh đơn giản khác như cảm cúm, khó thở. Một số các biểu hiện thường thấy ở những bệnh liên quan đến phổi như: ho, khó thở, đau ngực. Trước tiên là ho, đây là một cách để giúp thông đường thở khỏi những thứ lạ khi hít phải như, khói, nước, vật lạ. Ho là một triệu chứng phổ biến nhất cho thấy phổi đang có vấn đề. Một biểu hiện rất nghiêm trọng của ho là ho ra máu. Đây có thể là kết quả của việc ho kéo dài quá lâu, ho triền miên hoặc do một căn bệnh nguy hiểm nào đó nên không thể coi thường.
Khó thở, là triệu chứng cho thấy hệ thống hô hấp, tim mạch không được bình thường. Cần lưu ý sự khó thở ở những người già vì khó thở không phải là dấu hiệu của tuổi tác.
Một biểu hiện khác là đau ngực. Khi bị đau ngực thì có thể do phổi, màng phổi, cơ hoặc xương ở thành phổi gặp trục trặc. Vấn đề này có thể rất bình thường nhưng cũng có thể trở nên rất nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy khi thấy đau phổi, chúng ta nên đến gặp bác sĩ ngay. 
Ngoài ra, nếu da, môi, móng tay không hồng hào mà có màu xanh, hay tím ngắt thì cũng có thể là do đang mắc một căn bệnh về phổi vì triệu chứng đó cho thấy máu không nhận đủ oxy để cung cấp cho các cơ quan khác trong cơ thể. Những dấu hiệu này thường đi kèm với việc đôi khi bệnh nhân cảm thấy khó thở.
Một trong số những bệnh liên quan đến phổi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là một chứng bệnh phổi trong đó phổi bị tổn thương, cuống phổi bị tắc nghẽn một phần gây ra khó thở. Bệnh có thể diễn tiến lâu ngày, nhiều năm trước khi bệnh nhân có triệu chứng khó thở. Bệnh này bao gồm viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Tuy nhiên, các bệnh khác như xơ nang, dãn phế quản hoặc viêm tiểu phế quản tắc nghẽn cũng hạn chế khí lưu thông mãn tính.
Theo dự báo, đến năm 2020, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ là căn bệnh gây tử vong nhiều thứ ba trên thế giới. Do thời gian ủ bệnh dài và không gây tổn thương, khó nhìn thấy được, nên nhiều người chủ quan đến khi phát hiện thì bệnh đã ở mức trầm trọng.
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do hút thuốc lá, hoặc hít khói thuốc lá trong nhiều năm có thể bị chứng bệnh này. Bên cạnh đó, làm việc trong môi trường khói bụi hoặc hoá chất trong nhiều năm, hay tiếp xúc với môi trường không khí bị ô nhiễm nặng cũng dễ mắc bệnh. Bệnh nhân ho có đàm kéo dài, dần dần trạng thái khó thở ngày càng tăng và giảm khả năng gắng sức.Ngoài ra, các bệnh nhân có bệnh sử mắc các bệnh như hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, lao phổi,… nhưng điều trị không đúng cách hoặc dự phòng không tốt sau điều trị lâu ngày sẽ đưa đến tình trạng xơ hóa phế quản và dãn các phế nang không hồi phục được.
Đồng thời một số yếu tố khách quan cũng làm bệnh này nặng lên, thường gặp nhất là bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp, thời tiết thay đổi như gặp khi trời lạnh. Và quan trọng nhất là đối với người hút thuốc lá thì bệnh sẽ tiển triển nhanh hơn và hồi phục chậm hơn khi điều trị.

Ung thư phổi

Trong đợt bộc phát cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nếu bệnh nhân không được điều trị đúng có thể đưa đến những biến chứng như suy hô hấp cấp tính và đưa đến tử vong. Còn về lâu dài, thì bệnh có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tràn khí màng phổi, khí phế thũng, tâm phế mãn tính, ... khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị giảm sút nghiêm trọng. 
043_dpa_7376303-200.jpg
Ảnh minh họa mối liên hệ giữa thuốc lá và ung thư phổi. AFP photo
Theo lời Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, thuộc Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh, số bệnh nhân chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã gia tăng kể từ 1999 đến nay, với khoảng mỗi năm có trên 3.000 bệnh nhân cần được chữa trị tại bệnh viện nơi ông làm việc.
Trong số các bệnh nguy hiểm, không lây nhiễm về phổi thì ung thư phổi là căn bệnh khó trị nhất. Đề cập đến nguyên nhân gây ung thư phổi thì thuốc lá chính là nhân tố chiếm hàng đầu. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Mấy loại ung thư mà khó biết sớm là ung thư phổi và ung thư gan. Ung thư phổi thì rõ ràng có liên hệ tới thuốc lá. Như bên Mỹ bây giờ có những quy định về cấm hút thuốc lá nên nó đỡ cho người ta ít hút hơn, chứ còn ở Việt Nam thì còn hút thuốc nhiều lắm. Chắc chắn cái đó nó  gây ra ung thư phổi rất nhiều. Tóm lại những thứ ung thư khó phát hiện mà bị nhiều nhất là ung thư phổi và ung thư gan thì lại có thể phòng ngừa được. Nhà nứơc có biện pháp phòng ngừa và cá nhân cũng phải tự mình biết mà phòng ngừa.”       
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trung bình một người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi gấp từ 5 đến 10 lần so với người không hút thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân của trên 80% ca ung thư phổi tại các nước đang phát triển. Tại Ấn độ, có khoảng 2/3 các bệnh nhân bị ung thư phổi là những người hút thuốc lá. Còn ở Trung Quốc, theo một tài liệu nghiên cứu, khoảng một triệu ca tử vong tại đây thì những trường hợp chết vì ung thư phổi rơi vào những người hút thuốc lá từ hai đến bốn lần so với những người không hút thuốc lá. Thống kê củaTổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trung bình cứ 10 giây thì có một người chết do thuốc lá.
Thật vậy, theo báo cáo của một cơ quan y tế Hoa kỳ vừa công bố cho thấy, khói thuốc lá chưá khoảng 7.000 chất độc hoá học thay vì 4.000 chất được công bố trước đây, trong số những độc chất này có hàng trăm chất cực độc và ít nhất là 70 chất có thể gây ung thư. Những chất độc hại này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu, và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và nhất là các bệnh ung thư.    
Ngoài ung thư phổi, thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư khác như: ung thư đầu và cổ bao gồm miệng, lưỡi, thực quản, vòm họng, cổ họng, tuyến nước bọt, ung thư vú, ung thư tuỵ tạng, ung thư ruột già, ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư cổ tử cung. 
Hít khói thuốc lá thụ động cũng có hại, Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức khẳng định, ngay cả việc thường xuyên hít phải khói thuốc lá của người khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trẻ em sống trong các gia đình có người hút thuốc lá sẽ dễ bị nhiễm bệnh phổi hay mắc các bệnh về đường hô hấp gấp nhiều lần so với những trẻ em khác. 
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật Hoa kỳ (CDC) vừa đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy con của những bà mẹ hút thuốc lá trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có khả năng mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn 70% so với các trường hợp bình thường. Vì việc hấp thu các chất có trong thuốc lá của bà mẹ đang mang thai sẽ dẫn đến sự tắc nghẽn trong quá trình bơm máu về phổi để trao đổi khí của tâm thất phải ở em bé. Do vậy CDC cũng cho biết, số người Mỹ trưởng thành hút thuốc lá đang ngày càng ít đi, và những người vẫn còn giữ thói quen này thì đang giảm số lượng thuốc hút. Theo Giám đốc CDC, Tiến sĩ Thomas Frieden, những tiểu bang nào của Hoa kỳ triển khai các chương trình kiểm soát thuốc lá nghiêm ngặt nhất đều thu được thành công lớn trong mục tiêu giảm thiểu hoạt động hút thuốc lá. Utah và California là hai Tiểu bang có ít người hút thuốc lá nhất nước Mỹ.         

Hút thuốc thụ động

Mới vài ngày trước đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sĩ Margarette Chan vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước đoàn kết chống lại ngành công nghiệp thuốc lá. Bà Chan cáo buộc các công ty thuốc lá đã sử dụng những mánh khoé thiếu đạo đức để khiến người ta tiếp tục hút thuốc.      
000_Nic455995-250.jpg
Một người Palestin với tủ thuốc lá hôm 05/5/2010. AFP photo
Trong khi đó Việt Nam đứng đầu bảng về tỷ lệ người hút thuốc lá với trên 56%. Cả nứơc có khoảng 16 triệu người hút thuốc lá. Theo bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng Phòng chống Tác hại Thuốc lá quốc gia của Việt Nam cho biết, mỗi năm người dân ở đây bỏ ra khoảng 10.400 tỉ đồng để mua thuốc lá hút. Số tiền này tương đương với khoản chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo nghề trong một năm. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá, và chi phí chữa bệnh lên tới 1.000 tỉ đồng.
Tại Việt Nam có đến 70% trẻ dưới 5 tuổi bị phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động. Điều tra mới nhất của Trường Đại học Y tế Công cộng cho thấy, mỗi năm trong nước có khoảng từ 150.000 cho đến 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, hoặc nhiễm trùng đường hô hấp, hầu hết đều có liên quan đến nhân tố khói thuốc lá. Những trẻ sống trong môi trường có nhiều khói thuốc lá sẽ có kết quả học tập kém hơn những bạn bè khác không bị phơi nhiễm với khói thuốc lá.    
Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá đối với người hút thuốc lá và người hít khói thuốc lá, từ hơn 10 năm qua các cơ quan y tế trong nước đã xây dựng những chương trình “Không hút thuốc lá” ở trường học, bệnh viện, và gần đây chính phủ đã ban hành quy định “Cấm hút thuốc lá” ở nơi công cộng, nhưng tỉ lệ người hút thuốc vẫn còn cao. Theo ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, do các biện pháp xử phạt những người vi phạm hút thuốc lá tại những nơi công cộng vẫn chưa được thực hiện nghiêm dù đã có những quy định cụ thể. 
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các biện pháp cưỡng chế và xử phạt với những trường hợp vi phạm này.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét