Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Thư cảm ơn những người đã tham gia và ủng hộ đòi trả tự do cho blogger Điếu Cày -

Nguyễn Văn Hải.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) - Sau hơn một tháng vận động chữ ký gửi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu trả tự do cho blogger Điếu Cày, bức thư ngỏ và toàn bộ (số chữ ký) đã được gửi bằng đường bưu điện đến Văn phòng Chủ tịch nước.

Như Quỳnh và các bạn khởi xướng công việc này xin gửi lời cảm tạ chân thành nhất đến các bác, cô chú, anh chị và bạn bè đã tham gia cùng ký tên, góp ý và tiếp tay thông tin.

Sự hỗ trợ của nhiều người đã đem lại những kết quả cũng như mang nhiều ý nghĩa khác nhau:
1. Gia tăng sự quan tâm của dư luận khắp nơi đối với anh Điếu Cày và một cách công khai, chính thức cùng nhau lên tiếng rõ ràng, minh bạch về trường hợp bị giam giữ trái phép của một công dân từ 4 năm trước đã cùng với hàng ngàn người đứng giữa thành phố Sài Gòn khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

2. Chứng minh rằng trong khuôn khổ của Hiến pháp và quy định pháp luật hiện hành, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể sử dụng quyền công dân để công khai bày tỏ ý kiến của mình với ông Chủ tịch nước một cách nghiêm chỉnh: việc tiếp tục giam giữ công dân Nguyễn Văn Hải không có phán xét của tòa án, không một thông tin gì về ông đến thân nhân, và cũng không một tuyên bố chính thức gì về những quy trình pháp luật sẽ áp dụng cho ông Hải là một hành động vi hiến, phạm pháp, vô nhân đạo và không tôn trọng quyền công dân.

3. Bất kỳ công dân nào cũng có quyền bày tỏ tinh thần tôn trọng cơ sở luật pháp như chính lời tuyên bố của ông Chủ tịch nước: "Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…” và cơ sở luật pháp này phải được áp dụng bình đẳng cho mọi công dân Việt Nam, trong đó có blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải.

Kính thưa quý bác, cô chú, anh chị và bạn bè,

Trong một thời gian hơn một tháng, tổng số chữ ký cũng là một sự đo lường về tình trạng phát triển xã hội dân sự của Việt Nam dựa vào sự tham gia của quần chúng vào một vấn đề chung của đất nước.

Vấn đề của công dân Nguyễn Văn Hải cũng như tình trạng chị Bùi Hằng bị bắt vào trại cải tạo Thanh Hà mới đây không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một vấn đề chung của xã hội.

Việc ký tên với dữ kiện cá nhân vào thư ngỏ gửi Chủ tịch nước hay tham gia biểu tình yêu nước đều mang một ý nghĩa như nhau: thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với những vấn đề chung của đất nước. Đồng thời cả hai hành động này, con số tham gia cũng cho chúng ta biết phần nào về tình trạng phát triển xã hội dân sự tại đất nước của chúng ta.

Chính vì vậy mà các bạn khởi xướng công việc này tin rằng ngoài việc vận động tự do cho cá nhân anh Điếu Cày, 824 chữ ký còn là nền tảng cho việc vận động tự do của nhiều người: Tự do công khai, minh bạch, khẳng khái cùng nhau lên tiếng nói cho mọi vấn đề có ảnh hưởng đến Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của dân tộc và đất nước Việt Nam.

Mỗi người chúng ta ngày hôm nay đều có thể trở thành một Điếu Cày bị giam giữ không có phán xét của tòa án, không một thông tin gì đến với thân nhân, và cũng không một tuyên bố chính thức gì về những quy trình pháp luật bị áp đặt lên cá nhân mình.

Không có một lối đi dễ dãi nào cho những người lương thiện. Chỉ có một con đường chông gai nhưng ấm lòng hơn, ít cô đơn hơn và chóng đến đích hơn khi có nhiều người đồng hành. Với ý nghĩ đó, Như Quỳnh và các bạn của mình xin gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành nhất.

Lời cuối cùng của lá thư này, cách riêng xin đặc biệt cám ơn mẹ tôi, người đã thầm lặng hy sinh hỗ trợ cho tôi có thêm thời gian làm những công việc chung như thế này, cảm ơn những người đã lặng lẽ động viên khích lệ tinh thần bằng cách này hay cách khác.

Chân thành cảm tạ,

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

P/s: Trong lúc cập nhật lại file thông tin của mọi người, và sắp xếp lại theo thứ tự alphabet nên số thứ tự đã thay đổi khác với email thông báo mà mọi người đã nhận được. Có thể có một số trường hợp đã đăng ký nhưng do không thể liên lạc được với mọi người để xác minh thông tin nên không có tên. Thành thật cáo lỗi và xin cám ơn.

Phải chi ngày ấy

Huy Phương - Saturday, December 10, 2011
Chưa lúc nào ở trong nước lại rộ lên phong trào truy tầm, cải táng những nấm mộ tập thể của Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị vùi dập trong những ngày đầu khi miền Nam bị thất thủ như hiện nay, tất cả đều do thân nhân nóng lòng đi tìm hoặc dân chúng vì lòng trắc ẩn hướng dẫn. Tháng 5, 1994 tại Bình Dương, một ngôi mộ tập thể chôn 37 người đã được bà quả phụ Nguyễn Viết Thông vì theo dấu vết chồng mà tìm ra, cuối cùng chỉ tìm được 17 người nhờ số thẻ bài, căn cước nhựa còn lại. Tháng 12, 2010 dân làng An Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên đã cải táng và xây lăng mộ cho 128 tử sĩ VNCH gồm TQLC và quân nhân các binh chủng khác cũng như dân chúng chết trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3, 1975. Tại bãi biển Tư Hiền, dân chúng cũng đã chôn cất nhiều anh em binh sĩ TQLC, nhưng hiện nay rất khó tìm ra dấu vết đã trên 35 năm.
Nhân nghe nguồn tin này anh Dương Công-An, nguyên là một hạ sĩ quan thuộc tiểu đoàn 223 Pháo Binh, hiện sống tại Ðức Quốc, đã cho biết tại Quân Y Viện Qui Nhơn, có một hầm chôn tập thể của 47 thi hài tử sĩ vào cuối tháng 3, 1975, trong số này có Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 42, SÐ 22BB. Dù nóng lòng biết có thân nhân trong hầm chôn, nhưng không ai có khả năng gõ cửa chính quyền để xin khai quật nấm mộ này.
Tại Chu Lai, Quảng Nam trong khi người ta dùng xe ủi đất để xây cảng Kỳ Hà, người lái máy cày đã gom được một số xương và vật dụng của các binh sĩ thuộc Trung Ðoàn 4, SÐ2BB. Tại chùa Dương Lâm, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, người ta cũng tìm ra trên 100 hài cốt của các chiến sĩ trong đó chỉ tìm được 6 người còn có thẻ bài vì dân chúng cho biết khi vùi lấp các chiến sĩ này, Việt Cộng đã giựt hết thẻ bài, một số thẻ bài còn lại nhờ các binh sĩ đã giấu trong giầy trận của họ.
Nghĩa trang của các quân nhân Sư Ðoàn 18BB tại An Lộc bị san bằng, trồng cây cao su lên xác lính, bia lấy về lót chuồng nuôi heo, dân chúng dò tìm theo mương suối đào tìm được 25 tấm bia đem về chùa hương khói. Cũng tại An Lộc, nghĩa trang của các quân nhân Liên Ðoàn 81 Biệt Kích Dù đã bị san bằng, hiện nay không biết xương cốt của các binh sĩ này ở đâu.
Tại xã Sơn Quang, quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, con gái của một nạn nhân trước đây là đảng viên Quốc Dân Ðảng, tiết lộ với chương trình Huynh Ðệ Chi Binh của chúng tôi, là cha cô bị cộng sản chôn sống vào tháng 4, 1975. Dò theo đường đi của cha, cô được đồng bào địa phương cho biết nấm mộ tập thể này chôn 30 người nhưng không dám lên tiếng vì sợ hãi, đồng thời cũng lo ngại khu mộ này sẽ bị sóng cuốn mất vì ở sát biển.
Nguồn tin từ gia đình 81 Biệt Kích Dù, hai toán hoạt động ở Long Thành, tháng 5, 1975, sau khi ra hàng đã bị bắn và vứt xác xuống giếng cạn, người dân có đánh dấu nhưng không dám tiết lộ cho ai.
Trong nhiều trại “cải tạo” từ Nam ra Bắc, nhiều người miền Nam chết vì bệnh tật hay bị xử bắn đã bị chôn cất sơ sài, xiêu lạc mồ mả hiện nay không còn dấu vết. Nhiều gia đình đã nhờ các “nhà ngoại cảm” trong nước giúp đi tìm mộ, nhưng người chết cũng còn bị phân biệt đối xử nên nhiều nhà ngoại cảm từ chối không giúp thân nhân tìm hài cốt lính “ngụy.” Không khuyến khích việc truy tầm những nấm mộ “oán thù” trong những ngày cuối của cuộc chiến, chính quyền cộng sản còn làm khó khăn cho thân nhân người chết và dân chúng địa phương khi muốn tiến hành các nghi thức cầu siêu hay tế lễ, hình như chúng sợ đám đông, sợ sự liên tưởng, sợ sự hoài niệm đến một hình ảnh người lính miền Nam đã khuất. An Dương là một bài học như thế! Khi người quả phụ cùng con, đem hương hoa, lễ vật cúng cho người chồng chết từ ba mươi lăm năm về trước, trong trận chiến rút lui cuối cùng, đã bị công an mời vào đồn làm việc, sau đó bị đuổi về không cho vào thăm phần mộ!
36 năm sau, tiến súng đã ngưng, nhưng “hòa hợp, hòa giải” chỉ là lời nói đầu môi chót lưỡi, ngay cả với ngân khoản của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dành cho việc kiếm người mất tích, Hà Nội không chấp nhận tìm kiếm quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, với lý do “đã nhân đạo thì không có điều kiện.” Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, chủ tịch Tiểu Ban Ðông Á-Thái Bình Dương tuyên bố Mỹ sẽ ngưng tiền viện trợ tìm kiếm quân nhân mất tích tại Việt Nam “cho đến khi chúng ta được bảo đảm chắc chắn rằng chương trình viện trợ áp dụng đồng đều cho tất cả những ai chiến đấu ở tất cả các bên.”
Chính ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng CSVN, trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC hồi 30 tháng 4, 2007, cho hay Việt Nam nay đã bắt tay với tất cả các kẻ thù trong quá khứ, Pháp trước đây, Mỹ sau này, và mới đây Trung Cộng đã tàn phá ba tỉnh biên giới, nhưng đối với người lính miền Nam, hận thù không thể quên.
Hôm nay, những dòng nước mắt chưa ngừng chảy vì những oan khuất chưa được giãi bày, những linh hồn chưa được siêu thoát. 36 năm là một thời gian quá dài, trên mặt đất, địa hình không còn để lại dấu vết, bia mộ xiêu lạc, dưới mộ sâu xương đã tàn cốt đã mục. Nếu có, thân nhân may mắn chỉ tìm ra nắm xương tàn hay chút di vật nhỏ nhoi.
Ðã có những bà mẹ, những người vợ sau chiến tranh, tuyệt vọng vì không tìm được tin tức thân nhân của mình, chết sống ra sao, hài cốt xiêu lạc nơi nào. Cộng Sản Hà Nội vẫn căm thù dai dẳng, đối xử tàn tệ cả với người đã chết, từ nghĩa trang quân đội hoang tàn, đổ nát đến hàng nghìn địa điểm chôn người chưa được khai quật. Cuối cùng tất cả đều tan nát với cỏ cây, xóa nhòa theo thời gian, như nỗi buồn của những bà mẹ già đã đem theo nỗi trông ngóng xuống mộ sâu, chờ nắm xương xiêu lạc của đứa con chưa trở về.
Phải chi ngày ấy, sau khi chiến thắng, miền Bắc đã có chính sách kêu gọi dân chúng, cán bộ trong nước, ai biết tin tức gì về những nấm mộ tập thể của những người lính miền Nam, dù là kẻ thù trước đây, hãy khai báo, để giúp đào xới, kiểm kê, nhận dạng cho thân nhân cải táng, đem về quê quán cho đúng với truyền thống đạo lý của Ðông phương “nghĩa tử là nghĩa tận,” “không có ai thắng ai thua.”
Nhưng không!
Ðược như thế thì họ đã là con người, còn nói làm gì nữa

Con Cháu Các Cụ (4C) ở Việt Nam

(1) Không có con cháu nào của cấp lãnh đạo CSVN phục vụ trong quân đội nhân dân CSVN. Tập đoàn quyền lực chính trị, tư bản đỏ đều do các con cháu của các tay chóp bu CSVN.
(2) Tội nghiệp các thành phần thấp cổ bé miệng phải đem thân phục vụ Quân Đội CSVN, sẳn sàng hy sinh mạng sống nơi chiến trường nếu có chiến tranh Việt-Trung.
(3) Tội nghiệp khoảng 80 triệu dân lành vô tội và nghèo khổ phải can tâm làm dân bị trị.

Trân trọng,
Trần Văn Thưởng ( 15/12/2011)


Xin nói ngay các cụ đây không phải các cụ già trong hàng dân dã mà là các cụ ủy viên trong Trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Chế độ Cộng Sản Việt Nam hôm nay không phải chỉ là chế độ đảng trị mà thực sự là một chế độ quân chủ chuyên chế trong đó tập thể con cháu, hàng họ các đảng viên cao cấp thay phiên nhau cầm quyền và bốc lột người dân giống như thuở các triều đại khi xưa.
Bài viết sau đây là một sưu tập các 4C, tuy chưa đầy, nhưng đủ để cho thấy chế độ Cộng Sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh cho đến nay chỉ là một thứ gia đình trị, tập hợp các đảng viên cao cấp bạo ngược, phân chia quyền lực và quyền lợi từ cha đến con, cả đến hàng họ xa gần và bè đảng đã đưa xã hội đến chỗ vô đạo, đất nước đến chỗ nghèo đói, và hiểm họa Bắc thuộc lần thứ tư như điều không tránh khỏi.
Con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006 - )
Chúng tôi bắt đầu với người có nhiều quyền lực, gian xảo và tham nhũng nhất nước hiện nay là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Lý lịch của Nguyễn Tấn Dũng thật mù mờ. Trên trang mạng của Nguyễn Tấn Dũng ghi là sinh năm 1949 tại Cà Mau, nhưng ngôi nhà tự nguy nga của Dũng thì ở Rạch Giá. Ông Hoàng Dũng, một cán bộ Văn phòng Trung ương đảng đã làm việc với nhiều ủy viên cao cấp trong đảng, đã tiết lộ nhiều bí mật về đời tư của nhiều người lãnh đạo. Về Nguyễn Tấn Dũng, ông viết: «Theo cụ Nguyễn văn Linh, Tổng Bí Thư, thì trong thời gian Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư Liên khu ủy Khu IV từ năm 1948 đến 1950 đã có quan hệ với một cán bộ phong trào ở đây và sinh ra Nguyễn Tấn Dũng và cụ còn cho biết là Nguyễn Tấn Dũng còn có một người em trai nữa cũng là con của tướng Thanh.
Cũng trong tài liệu nầy, ông Hoàng Dũng tiết lộ là có gặp nhiều lần Nguyễn Tiến Thắng (Tư Thắng) là em của Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng). Ông viết về Tư Thắng như sau: Điều tôi quan tâm nhất là anh ta có quan hệ với nhiều người Đài Loan, đặc biệt trong mạng lưới các chân rết của Tư Thắng có một ngân hàng Đài Loan hoạt động chui tại VN là First China Bank. Như vậy, có thể hiểu được đây chính là «sân sau» của Ba Dũng và để tránh đụng chạm với các thế lực khác cạnh tranh, anh em ông Ba Dũng đã nhắm vào địa bàn hoạt động chủ yếu ở miền Trung và Nam Bộ, sau đó việc rửa tiền và chuyển ngân lậu được thực hiện qua ngã Đài Loan...(Hoàng Dũng 09/10/2006 Những bí ẩn về Nguyễn Tấn Dũng, trang mạng winc100.multiply.com/journal/ item/261/261)
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy (Paris), căn cứ vào sự nâng đỡ tận tình của tướng Lê Đức Anh (chủ tịch nước 1992-1997, nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn còn uy thế trong Trung ương đảng) lại đưa giả thuyết không những Nguyễn Tấn Dũng mà cả Nguyễn Minh Triết đều là con rơi của Lê Đức Anh (cần phân biệt với tướng Lê Hồng Anh, là đàn em được Dũng cất nhắc cho làm Bí Thư Tỉnh Rạch Giá, rồi phong quân hàm đại tướng, Bộ trưởng bộ Công An cho đến tháng 8/2011)
Dù là con của ai, căn cứ vào lý lịch và đường hoạn lộ thênh thang của Dũng, chắc chẳn Dũng là con rơi của một cán bộ cao cấp cộng sản. Lúc 12 tuổi, Dũng đã bỏ học (vừa học xong bậc tiểu học) đi làm du kích, y tá cứu thương ở vùng Cà Mau rồi chính ủy tiểu đoàn, trung đoàn ở vùng Cà Mau, tiến lên đến Tỉnh ủy Kiên Giang. Trong thời gian nầy (1980-1985), Dũng đã có công bắt nhóm Trần Văn Bá (bị xử tử), Mai Văn Hạnh được tha trở về Pháp vì là bạn học cũ của thủ tướng Pháp thời đó. Ngoài ra, Dũng còn tổ chức những cuộc vượt biên bán chính thức ở Rạch Giá và Hà Tiên để làm giàu cho đảng và cho cá nhân. Nhờ Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh cất nhắc, Dũng được đưa về trung ương làm Thứ trưởng Công An (1995-1996), Thống đốc Ngân hàng, Phó Thủ Tướng rồi Thủ Tướng (thay thế Phan Văn Khải) từ tháng 11-2006 và được tái cử trong kỳ đại hội đảng lần thứ XI (2010). Thử tưởng tượng một người vừa học hết tiểu học (sau nầy có học trường đảng cho có lệ, nhưng trong lý lịch ghi là Cử Nhân Luật), mà được đưa lên làm thống đốc ngân hàng trong thời kỳ kinh tế Á châu bị khủng hoảng, và thủ tướng của một quốc gia có nhiều liên hệ với các cường quốc, thì phải hiểu là việc lãnh đạo quốc gia đối với cộng sản là việc riêng của đảng. Ngoài ra, Nguyễn Tấn Dũng lại là người có nhiều mưu trí và thế lực trong Trung ương đảng, là đảng viên cao cấp duy nhất sớm gởi con du học ở Mỹ và làm sui gia với Việt kiều, điều cấm kỵ tối hậu của đảng. Báo chí thuật lại trong lần họp hội nghị APEC năm 2006, Tổng Thống George Bush chúc mừng xỏ xiên Dũng có con du học ở Mỹ và lấy Việt kiều, Dũng bối rối phải chống chế là con trai đi học bằng học bổng (có lẽ để biện hộ với lương của thủ tướng độ 1000 mỹ kim thì làm sao có thể cho con du học) và lờ đi chuyện con gái lấy Việt Kiều.
Đứa con mà Bush nhắc đến là Nguyễn Thanh Nghị, tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ sư công chánh (Structural Engineering) ở đại học George Washington University, và khi về VN giảng dạy tại đại học Kiến Trúc thành phố HCM, rồi Phó Hiệu Trưởng (Phó Khoa Trưởng) trường nầy. Trong đại hội đảng lần thứ XI, Dũng đã dọn đường lãnh đạo cho con bằng cách đưa Nguyễn Thanh Nghị vào làm ủy viên dự khuyết trong Trung ương đảng và ngày 11-11-2011, Dũng đã bổ nhiệm con trai mình làm Thứ Trưởng Bộ Xây Dựng mặc dù bộ nầy đã có 5 thứ trưởng (Dũng đã hèn nhát không ký tên trên nghị định bổ nhiệm mà sai phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký thay). Tại VN hiện nay, hai mỏ vàng để hốt bạc và tham nhũng là ngành xây dựng (đất đai và địa ốc) và hải quan. Về mặt kinh tế, từ nhiều năm nay, Nghị có liên hệ mật thiết với Công ty Betexco là đại công ty xây cất các tòa nhà chọc trời ở Saigon và HàNội. Tầm hoạt động của Betexco còn bao trùm cả kỹ nghệ may dệt, vô chai và thủy điện. Như vậy, Nguyễn Thanh Nghị là cột trụ chính trị và kinh tế cho gia đình Dũng và cho đảng Cộng Sản.
Đứa con lấy Việt kiều tên là Nguyễn Thanh Phượng, du học ở Thụy Sĩ, đậu MBA ở International University in Geneva là đại học có liên kết với Michigan State University (cô chỉ đến Mỹ năm 2004 trong 2 tuần để nhận bằng từ đại học nầy chớ không có du học tại Mỹ). Tháng 1 năm 2006, lúc mới 26 tuổi, Phượng đã làm Giám đốc đầu tư của công ty Vietnam Holding Asset Management, quản trị trên 100 triệu MK của các nhà đầu tư Thụy Sĩ tại VN. Đến tháng 11 cùng năm, Phượng làm Chủ tịch Quỹ đầu tư chứng khoán Việt (Viet Capital Fund Management Joint Stock Company, viết tắt là VCFM) gồm hàng ngàn tỷ bạc (VN) của các nhà đầu tư và công ty người Việt. Công điện Wikileaks tiết lộ là trong báo cáo của Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Saigon là Seth Winneck gởi về Bộ Ngoại giao ngày 26/12/2006 đã viết : « Tại sao người ta có thể tin tưởng để giao một số vốn khổng lồ như thế cho một người trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm như Phượng. Và câu trả lời hiển nhiên là về mặt chính trị, giao quỹ đầu tư cho cô con gái cưng của thủ tướng quản trị là một điều khôn ngoan bởi lẽ quỹ nầy tập trung những ngành mà chánh phủ kiểm soát như dầu khí, ngân hàng và truyền thông »
(danluan.org/node /10093).
Năm 2011, Phượng 31 tuổi là một tỷ phủ, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Chứng khoán Bản Việt sở hữu 6.5 triệu cổ phần chiếm 43.2% vốn của công ty, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Bản Việt và vài ngày trước khi người anh được cử là thứ trưởng, Phượng được đề cử vào HĐQT Ngân hàng Bản Việt (trước có tên là Gia Dinh Bank) với số vốn là 3,000 tỷ VN. Với các thành tích trên, Phượng là nhà doanh thương trẻ tuổi kỳ tài nhất của thế giới !
Người chồng của cô Phượng là Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyen) con của Việt kiều «tội đồ» Nguyễn Bang (Nguyễn Tấn Dũng đã gọi Việt Kiều Nguyễn Cao Kỳ là tên tội đồ). Henry Nguyễn là Tổng Giám Đốc Điều Hành công ty IDG Ventures với số vốn là 100 triệu MK (sau tăng lên 200 triệu) phần lớn do người anh rể là Thomas Connor, một tài phiệt Mỹ đã làm ăn với Bộ Viễn Thông Bưu Chính Việt Nam, kiểm soát hầu hết hệ thống thuê bán Internet và truyền thông tại VN. Thomas Connor đã một lần khai phá sản, nhưng số đầu tư vẫn gia tăng, do đó câu hỏi đặt ra phải chăng các công ty do vợ chồng Phượng-Hoàng quản trị là cửa ngõ hợp pháp cho cha vợ và đồng bọn rửa tiền, tẩu tán tài sản tham nhũng ra ngoại quốc.
Đứa con thứ ba của Dũng là Nguyễn Minh Triết, học kỹ sư hàng không ở đại học Queen Mary tại Anh Quốc, và đã có giữ chỗ ở Bộ Quốc Phòng khi về nước. Gia đình Nguyễn Tấn Dũng là điển hình của chế độ con vua thì lại làm vua tại VN hôm nay.
Con của nguyên Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh (2001-2010)
Trong kỳ hợp đảng lần thứ XI còn có một 4C thứ hai cũng được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương đảng, tạo nên nhiều tai tiếng là Nông Đức Tuấn, con trai của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh (2001-2010). Cá nhân Nông Đức Mạnh cũng đã là một 4C, con rơi của Hồ Chí Minh với Nông thị Ngát, bí danh là Nông Thị Trưng. Được báo chí hỏi có phải Mạnh là con tư sinh của Hồ Chí Minh hay không, Mạnh đã trả lời lửng lơ «Ở đất nước nầy ai chẳng là con cháu của Bác».
Nông Đức Tuấn sinh năm 1963, người dân tộc Tày, đã đi lao động xuất khẩu tại Đông Đức từ lúc 18 tuổi, lúc ấy Nông Đức Mạnh đã làm Tỉnh ủy tỉnh Bắc Thái. Sỡ dĩ cha làm quan mà đưa con đi lao động xuất khẩu vì cha muốn đưa con ra ngoài nước để cai nghiện khỏi xấu hổ. Từ khi trở về nước cuối năm 1988 cho đến năm 2008, Tuấn lêu bêu với mấy chức vụ trong Đoàn Thanh niên và Ủy Ban Sắc tộc. Để dọn đường cho con trai làm lãnh tụ, Nông Đức Mạnh «dàn xếp » với Thủ Tướng Dũng cử Nông Đức Tuấn làm Phó tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang vào tháng 4 năm 2009. Vận may đến với Tuấn là khi người thanh niên tên Nguyễn Văn Khương bị công an tỉnh Bắc Giang đánh chết và dân chúng xuống đường đòi nợ máu với chánh quyền, Tỉnh ủy Bắc Giang tên Đào Xuân Cẩn bị ép buộc từ chức để nhường ghế Tỉnh ủy cho Tuấn. Khi Đại hội Đảng họp lần thứ XI, tuy Mạnh bị mất chức Tổng Bí Thư nhưng lại gài được cho con vào ghế Ủy viên Trung ương, mở đường cho chế độ cha truyền con nối dòng họ Nông.
Con của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn (1960-1986)
Lê Duẩn là người Tổng bí thư cầm quyền lâu nhứt của chế độ Cộng Sản VN. Từ 1960 đến 1976, Lê Duẩn là Bí Thư thứ nhứt của đảng và từ sau 1976, chức vụ được đổi là Tổng bí thư, chức vụ mà Duẩn nắm giữ cho đến khi Duẩn mất năm 1986. Trong lý lịch các nhân vật cao cấp cộng sản, Duẩn cũng như Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí được xếp vào hạng vừa dốt, vừa độc tài và đa thê. Vì nhiều vợ, Duẩn có nhiều con, trong số có nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong chánh phủ và cơ sở kinh tế đầu não. Theo Hứa Hoành, thuở sinh thời, Lê Duẩn có ba vợ, bà vợ chính tên Cao thị Khê ở Quảng Trị cưới khi Duẩn 20 tuổi, có em là Cao Xuân Diệm, sau nầy trở nên Trung tướng công an bí danh Dương Thông phụ trách đàn áp văn nghệ sĩ. Bà thứ hai là Đỗ Thị Sảnh. Năm 1942, khi hoạt động trong Nam, Lê Duẩn dùng thủ đoạn cưới thêm bà Thụy Nga, cháu gọi ông Đỗ Hữu Vị (đại úy phi công VN đầu tiên trong quân đội Pháp). Ngoài ba bà vợ, Lê Duẩn còn lăng nhăng với nhiều người khác, trong đó có bác sĩ Hồ Thị Nghĩa, con của Hồ Viết Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban kế hoạch nhà nước trong thập niên 80. Theo nhà văn Xuân Vũ, bà Thụy Nga đã có người yêu nhưng bị Lê Đức Thọ dàn xếp lừa bà vào một căn lều vắng để Lê Duẩn đến cưởng hiếp khiến bà phải chịu làm vợ ba. (Hoàng Dung, tr.83, 84)
Trừ Lê Hãn, Giám Đốc Tiếp Liệu cho các trường quân sự nay đã về hưu, các người con khác của Lê Duẩn đảm nhiệm các chức vụ béo bở như sau :
- Lê Kiến Trung: Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hải quan Thành phố HCM, hiện nay là Phó Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An.
- Lê Kiến Thành: là tỷ phú, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Techcombank (1994-2004), chủ tịch Công ty xây dựng và phát triển đô thị và hiện nay là Tổng Giám Đốc Công ty chế biến thực phẩm Thái Minh. Ngoài ra, Thành còn là Phó Chủ Tịch thường trực Hội Golf Việt Nam, một loại kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận do các 4C độc quyền nắm giữ. Báo chí trong nước hồi tháng 10/2011 xôn xao vì Lê Kiến Trung đã công kích và nói xách mé Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải là Đinh La Thông khi ông nầy cấm nhân viên của Bộ Giao Thông chơi golf. Bức thư của Lê Kiến Thành có đoạn như sau: «Vấn đề giao thông thấp kém lạc hậu, đầu tư vào giao thông như muối bỏ bể, một con đường quy hoạch cho 30,000 dân, giờ phải tải cả triệu người, điều nầy đã tồn tại ngót 30 năm nay. Hẳn ông Bộ Trưởng cũng biết golf mới du nhập vào VN chừng 10-15 năm nay, vậy trước khi có golf điều gì đã ảnh hưởng tới chất lượng lãnh đạo của cán bộ giao thông vận tải. Chơi golf không có tội, lãnh đạo trước hết phải thượng tôn pháp luật» (bee.net.vn/channel/1988/ 201110ngày24/10/211)
Việc tranh chấp giữa ông con của cựu bí thư bố già và ông bộ trưởng khoác lác là điễn hình của chế độ luật rừng và thế lực của 4C tại VN hôm nay.
- Lê Thị Muội : Hoàng hữu Quýnh trong tác phẩm «Tôi bỏ đảng» đã viết về cô gái nầy như sau: Trong số du học sinh VN tại Liên Sô có 3 đứa con của Lê Duẩn, học dốt nhưng lại đài các nhất. Đó là Lê Hản học tại đại học quân sự không quân, Lê thị Hồng và Lê Thị Nga.
Lê thị Hồng có tên thật là Lê Thị Muội. Là con đẻ của anh Ba, nhưng Lê thị Hồng không đồng quan điểm với ba mình. Triết lý sống của Lê thị Hồng là sống phải cho ra sống. Phải được thoải mái về mặt tinh thần. Về vật chất phải có miếng ăn ngon, phải mặc đẹp và phải biết tận hưởng mọi hạnh phúc khi tình yêu đến. Hồng đi nghỉ hè và «hành nghề» tại hải cảng Sochi trên bờ biển Hắc Hải. Không chỉ Hồng làm cái «nghề đó», các nữ sinh Liên Sô cũng vậy (Tôi bỏ đảng, tr.105). Khi về nước, Lê Thị Muội được cử làm Phó Bộ Trưởng bộ Nội Thương.
- Lê Vũ Anh tên thật là Lê Thị Nga: du học ở Nga, cãi lời cha ở lại lấy ông thầy người Nga tên Marlov, sau đó chết vì tai nạn xe cộ. Người ta đồn cái chết nầy do Lê Duẩn ra lịnh giết để giữ uy tín cho ông, (Hoàng Dung, tr. 131) không muốn cho con kết hôn với người ngoại quốc, điều cấm kỵ của đảng, ngay cho người ngoại quốc đó là người Nga. Điều nầy cho thấy việc Nguyễn Tấn Dũng làm sui gia với Việt kiều là một dấu hỏi lớn, phải chăng đảng đã cho phép để tẩu tán tài sản tham nhũng của đồng bọn.
-
Con của Lê Đức Thọ (Trưởng Ban tổ chức đảng, Ủy Viên Bộ chính trị 1956-1986)
Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải là anh của Phan Đình Đồng (bí danh là Mai Chí Thọ) và Phan Đình Dinh (bí danh là Đinh Đức Thiện). Cả 3 anh em đều không coi trọng dòng họ của tổ tiên, giữ bí danh cho đến khi chết, thậm chí con của Lê Đức Thọ vẫn mang họ Lê là Lê Nam Thắng hiện là Thứ Trưởng thường trực Bộ Thông Tin và Truyền Thông (nghĩa là thứ trưởng số 1, ưu tiên thay Bộ Trưởng). Mai Chí Thọ là Đại Tướng, trùm Công An miền Nam sau 1975, còn Đinh Đức Thiện được phong là Thượng Tướng, giữ nhiều chức vụ cao cấp mà chức vụ sau cùng là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Như vậy cha con chú cháu đều nắm giữ các chức vụ then chốt trong đảng và chính phủ.
Lê Đức Thọ và Lê Duẩn có nhiều điểm giống nhau: độc tài, gian xảo, cầm quyền sinh sát trong đảng lâu năm (từ 1948 đến 1986), có vào Nam công tác (Xứ Ủy Nam Bộ 1948-54, chính ủy cuộc đại tấn công miền Nam 1975) và đặc biệt là dâm đảng
Ông Bùi Tín nói rõ là 2 bà vợ của Lê Đức Thọ ở chung một nhà trên đường Nguyễn Cảnh Chân, Hànội, xưa là biệt thự của viên Hiệu trưởng trường Albert Sarraut, cùng ăn chung một bàn với ông chồng và con cái theo tinh thần Nam-Bắc đề huề. Đúng là một nhà tổ chức đại tài. (Mặt Thật, tr.177).
Trong Lớn lên với đất nước, tác giả Vy Thanh, một cựu đảng viên, sau trở về thành, du học ở Mỹ và trở về nước làm Tổng thơ ký một đại học VNCH xác nhận là Lê Đức Thọ đã dùng những thủ đoạn đê tiện hãm hiếp nữ cán bộ khi làm Xứ Ủy Nam Bộ. «Một đêm chị Thanh đang ngủ, bác Sáu (tức Lê Đức Thọ, mà trong khu gọi là Sáu Búa, chú thích của người viết) mò vô mùng chị. Chị sợ quá tốc mùng chạy la làng, làm lối xóm náo động. Đội bảo vệ bắn súng như Tây tới …» (Vy Thanh, tr. 290)
Con của tướng Nguyễn Chí Thanh
Tên là Nguyễn Chí Vịnh, sinh năm 1957, là con út của tướng Nguyễn Chí Thanh, và là em một cha khác mẹ với Nguyễn Tấn Dũng như lời đồn đãi Dũng là con rơi của Nguyễn Chí Thanh. Vịnh học ở trường đại học quân sự ở Vĩnh Yên, nhưng chưa tốt nghiệp, được tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng bộ Quốc Phòng rồi sau là Chủ Tịch nước nhận làm con nuôi (cũng giống như trường hợp của Dũng). Nguyễn Chí Vịnh kết hôn với con gái của Đặng Vũ Chính, Tổng cục trưởng Tổng Cục 2 là một cơ quan có quyền hành vô hạn và ngân sách khổng lồ bao trùm các hoạt động tình báo, quốc phòng, kinh tế, văn hóa của nước. (Cộng Sản có nhiều Tổng cục (TC) như: TC An Ninh, TC Cảnh Sát, TC Tình Báo, TC Xây Dựng, TC Hậu Cần…Mỗi Tổng Cục có nhiều Cục, thí dụ như TC An Ninh có cục A25 đặc trách về báo chí, Cục A18 kiểm soát ngoại kiều và Việt kiều, Cục A41 đặc trách về tôn giáo, Cục A24 chuyên về kiểm tra, xét hỏi, Cục A42 theo dõi bắt bớ những người chống chế độ. Những Tổng Cục trưởng và Cục trưởng đa số là ủy viên Trung ương đảng hay hàng họ với lãnh đạo cao cấp)
Đặng Vũ Chính đưa cả gia đình vào nắm các chức vụ then chốt của Tổng Cục. Con rể là Nguyễn Chí Vịnh là Tổng Cục Phó, con trai là Đặng Vũ Dũng từ lao động xuất khẩu trở về nước giữ chức Giám đốc Công ty xây dựng Hồng Bàng, hai con gái là Đặng Thị MaiĐặng Thị Tuyết mang quân hàm đại úy phụ trách công tác mật, vợ gốc là con buôn đảm nhiệm giám đốc Khách sạn Hoàng Đế và chi nhánh công ty Decatour ở miền Trung. Riêng Nguyễn Chí Vịnh, với sự nâng đỡ tận tình của cha vợ và cha nuôi được thăng cấp từ đại úy lên đại tướng trong một thời gian kỷ lục mà trong lịch sử quân đội chưa bao giờ có. Khi Đặng Vũ Chính về hưu, Nguyễn Chí Vịnh lên thay làm Tổng Cục Trưởng.
Bộ ba Đặng Vũ Chính, Nguyễn Chí Vịnh, Lê Đức Anh dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như thu âm lén điện thoại, chụp ảnh (như khi Lê Khả Phiêu tằng tịu với 2 nữ nhân viên trong phái đoàn công du sang Pháp) để làm áp lực khuynh đảo các ủy viên trong Trung ương đảng hay các đối thủ bởi lẽ tất cả các chóp bu của đảng đều làm điều phi pháp, tham nhũng. Nhóm nầy còn tạo chiến dịch hạ nhục Võ Nguyên Giáp như Giáp là con nuôi của trùm mật thám Pháp Marty, Giáp là tướng bất tài, sợ chết (trong trận Điện Biên Phủ, Giáp nằm trốn trong hầm để cho Nguyễn Chí Thanh và Hoàng Văn Thái chỉ huy, nhưng khi thắng trận thì giành công; khi đánh Mỹ thì sợ bom nên không dám vào Nam), tằng tịu với vợ nhà văn Đào Vũ khi bà nầy đến dạy dương cầm. Sau khi làm mưa làm gió ở Tổng Cục 2, Vịnh được chuyển qua làm Thứ trưởng bộ Quốc Phòng và được đưa vào Ủy viên Trung ương đảng kỳ đại hội XI.
Nguyễn Chí Vịnh còn có người chị tên là Nguyễn Thị Thanh Hà có thời là Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Con của nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh (1992-1997)
Lê Đức Anh hiện là «bố già» trong đảng cộng sản mafia, là người lãnh đạo quân sự và chính trị cộng sản từ hơn nửa thế kỷ qua, cực kỳ thân Trung Quốc. Cả 2 ông đại tướng tên Anh (Lê đức Anh và Lê hồng Anh) đều là hai cây dù của Nguyễn Tấn Dũng (Đức Anh là dù to, Hồng Anh là dù bọc hậu) và cả hai đều xuất thân là phu cạo mủ cao su ở Hớn Quản.
Con trai của Lê Đức Anh là Lê Mạnh Hà hiện là Phó Chủ Tịch Ùy Ban Nhân dân TP HCM. Ông Hà được học bổng Fulbright du học ở Harvard từ 1998 đến 2000. Con dâu là Nguyễn thị Đoan là Phó Chủ tịch nước (thay Trương Mỹ Hoa) từ 2007 đến 2010. Bà Đoan có tiến sĩ ở Bulgarie và có tu nghiệp ở Pháp.
Những tân ủy viên Trung ương đảng trong kỳ đại hội đảng lần thứ XI (2010)
Được vào ủy viên Trung ương đảng là bảo đảm một chức vụ cao cấp, béo bở trong chánh phủ nên cuộc chạy đua vào chức vụ nầy thường diễn ra trong hậu trường với nhiều cuộc liên kết phe nhóm, tranh chấp ác liệt và đòn phép bẩn thỉu. Ngoài các nhân vật vừa kể, trong đại hội đảng lần thứ XI còn có các tân ủy viên sau đây :
- Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976 là con của Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Kiểm Tra trung ương. Nguyễn Xuân Anh nhảy vọt từ Bí thư huyện Liên Châu (Đà Nẳng) đi thẳng vào Trung ương đảng. Tháng 7/2011, Anh được bổ nhiệm Phó chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẳng và chắc chẳng bao lâu sẽ là chủ tịch, nắm giữ thành trì của miền Trung
- Trần Sĩ Thanh, sinh năm 1972. Phó bí thư tỉnh ủy Darlac là cháu của Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ Tướng (Nguyễn Sinh Hùng là cháu của Hồ Chí Minh). Darlac hiện nay là một vùng béo bở, có nhiều tài nguyên và nhiều cơ sở kỹ nghệ của ngoại quốc đã và sẽ thành lập tại đây.
- Trần Bình Minh : Phó Tổng giám đốc đài truyền hình VN là con trai của Trần Lâm, nguyên Tổng giám đốc đài Tiếng nói VN.
- Nguyễn thị Kim Tuyến, Thứ trưởng Bộ Y tế là cháu ngoại của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập.
Điểm đáng lưu ý là Cộng Sản đặt chỗ cho con cháu trước tiên vào ghế số 2 ở mỗi cơ quan bằng các chức vụ như phó (Phó Tổng Cục, Phó Cục, Cu Phó Giám đốc, Phó ban..), hay thứ (Thứ Trưởng) để chờ khi các ông số 1, vốn đang có những dù lộng cũng to để chiếm chỗ khi các ông số 1 về hưu, được điều động đi nơi khác để nhường chỗ, hay bị hất chân khi cái gốc không còn đứng vững.
Những hình thức «truyền ngôi» cho con cháu, hàng họ trong chế độ Cộng Sản
Không thể nào kể hết chi tiết các tên họ những 4C, bởi lẽ chế độ con ông cháu cha cộng sản chằng chịt ngang dọc từ trung ương đến địa phương như những dây leo, hay đúng ra như những tế bào độc hại của bịnh ung thư tràn lan khắp cơ thể, chúng tôi xin tóm tắt tổng quát cách truyền ngôi, tập quyền và tản quyền của hệ thống 4C theo như tổ chức mafia dưới 3 hình thức chính yếu là: tham chính, lập công ty kinh doanh, kết thông gia và bè đảng.
*Tham chính
Thông thường, những người có học, có khả năng thường được đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy trong các cơ quan của đảng hay chính phủ. Ngoài những nhân vật kể trên, cần kể thêm một số nhân vật đang tại chức hay vừa rời chức vụ gần đây.
- Nguyễn Thiện Nhân : Phó thủ tướng là con của y sĩ Đông Dương Nguyễn Thiện Thành, gốc người tỉnh Trà Vinh (có tài liệu ghi là Biên Hòa) một cán bộ cao cấp cộng sản đã tham gia từ phong trào Việt Minh. Mặc dù Nguyễn Thiện Nhân đậu tiến sĩ ở Đông Đức và có tu nghiệp ở Harvard, đã bị mất chức Bộ Trưởng bộ Giáo Dục vì bất tài nhưng lại thích phô trương, đã đưa nền giáo dục VN đến chỗ lạc hậu, nhưng vẫn được tiếp tục lưu nhiệm chức vụ Phó thủ tướng, đúng như lời mỉa mai của giáo sư Hoàng Tụy, một nhà giáo dục được trong nước và ngoại quốc nể trọng : Bộ giáo dục (ý nói ông Nhân) trơ như đá, vững như đồng.
- Phạm Bình Minh: hiện là Bộ Trưởng Bộ ngoại giao, con của Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương), phụ tá cho Lê Đức Thọ trong hội nghị hòa đàm Paris và là Bộ Trưởng bộ ngoại giao sau đó (1980-1991). Có tin là con của Phạm Bình Minh cũng đang du học ngành ngoại giao hi vọng nối nghiệp cha ông.
- Trần Tuấn Anh: nguyên lãnh sự Việt Nam tại Hoa Kỳ (San Francisco) là con của chủ tịch Trần Đức Lương.*
* Lập công ty
Những con cháu cán bộ cao cấp không có khả năng học vấn hay thiếu đạo đức (thực ra ông cha cũng đã thiếu đạo đức, nhưng thành phần các ông con nầy trác táng, lêu lỏng, không thể đảm nhiệm vai trò chỉ huy) thì quay ra kinh doanh, lập công ty. Thực ra những công ty nầy chỉ là bình phong để lợi dụng danh nghĩa của ông cha mà làm giàu phi pháp. Số 4C loại nầy thì kể sao cho hết bởi tràn lan khắp nơi ăn chịu với khắp các cơ quan. Chỉ đan kể vài tên con cháu của các cấp lãnh đạo ở Trung ương đảng.
Con rể của Võ Nguyên Giáp
Tên là Trương Gia Bình, là một tỷ phú, giám đốc công ty FPT, là một trong những công ty lớn nhất nước cung cấp dịch vụ internet, truyền thông.
Con rơi của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt
Võ văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, người được xem là cấp tiến, mở đầu cho phong trào đổi mới kinh tế. Nhân nói đến đứa con rơi của Võ văn Kiệt tên Phan Thành Nam, tưởng cần nói qua về đạo đức tồi tệ của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản.
Ông Hoàng Dũng, Thư ký Văn phòng Trung Ương đảng đã viết về lai lịch của Phan Thành Nam như sau: Theo cụ Nguyễn Văn Linh kể thì Bộ chính trị lúc bấy giờ biết rằng cụ Hồ gặp những khó khăn và thiếu thốn về tình cảm cá nhân, như chuyện muốn nối lại mối tình với người vợ cũ ở Trung Quốc nhưng bị phản đối, do vậy bộ Chính trị có bí mật sắp xếp nhiều người phụ nữ khác để chăm sóc và phục vụ cụ Hồ về mặt sinh hoạt tình dục. Đặc biệt từ thuở còn thanh niên, cụ Hồ đã có một mối tình rất đẹp với một người con gái miền Nam (sự thật nầy đã được nhà văn Sơn Tùng sưu tầm và công bố trong bài viết «Đi tìm Út Huệ»). Biết thế nên lúc nầy Nguyễn Văn Linh là Bí thư Trung ương cục miền Nam phải kín đáo tìm kiếm trong số những cán bộ, du kích miền Nam một số cô gái còn trẻ đẹp để đưa ra miền Bắc phục vụ cụ Hồ và các vị trong bộ Chính trị (đứng đầu là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ). Thời điểm đó thì Võ Văn Kiệt đang là ủy viên Trung ương cục được cụ Linh tin tưởng tuyệt đối và giao cho trực tiếp phụ trách nhiệm vụ đặc biệt nầy. Trong số vài cô gái tuyển lựa được lúc đó chuẩn bị bố trí bí mật đưa ra miền Bắc có một cô còn trẻ và sắc sảo họ Phan. Giữa lúc đó thì tình hình chiến sự đang diễn ra khá ác liệt nên không thể đưa các cô đi ngay được và rồi không hiểu thế nào mà ông Kiệt lại quan hệ dan díu với chính cô gái họ Phan kia. Đến lúc sự việc vỡ lỡ thì cô gái đã có thai mấy tháng, thế là cô ta phải ở lại và cái bào thai đó chính là Phan Thành Nam.
Phan Thanh Nam hiện nay là một tỷ phú đỏ, Tổng Giám Đốc Công Ty quốc doanh Tracodi, chuyên về «xuất khẩu lao động», xuất cảng hàng hóa, xây cất và du lịch.
Điều cần nói thêm là ông Kiệt cũng có chính thức 2 vợ: bà vợ cả tên là Trần Kim Anh và 3 đứa con đã chết trong chiến tranh, chỉ còn lại đứa con gái tên là Võ Hiền Dư. Ông lấy vợ kế là Phan Lương Cầm nổi tiếng tham nhũng được các công ty đặt tên là Bà Mười Cầm vì tất cả các dự án đầu tư đều phải đóng «hụi chết » cho bà ít nhứt 10%.

Con của nguyên thủ tướng Phan Văn Khải

Tên là Phan văn Tỵ tục danh là Hoàng Tỵ là một tay du đảng chọc trời khuấy nước, có lần vì tranh giành địa bàn buôn lậu đã bắn chết Phạm Văn Hưng là sĩ quan công an, con của Phạm Thế Duyệt cũng là đảng viên trong Trung ương đảng, chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc. Về kinh doanh, Hoàng Tỵ lợi dụng thế lực của cha và của các đồng chí của cha, nhập cảng lậu xe hơi cũ rồi tân trang lại bán sang Trung Đông, nhập cảng xe đạp mới nguyên chiếc từ Thái Lan, Singapore đem tháo ra từng bộ phận rồi lắp ráp lại (bởi luật VN lúc ấy chỉ cho phép bán xe đạp lắp ráp ở VN), bán với giá gấp đôi gấp ba. Hoàng Tỵ cũng là chủ nhân của hai đại khách sạn Hoàng Gia và Planet ở Saigon và HàNội, cho du khách ở tại hai khách sạn nầy được ưu tiên khỏi bị xét hỏi khi đến và khi rời phi trường. Nhờ tất cả mánh khoé và thế lực, Hoàng Tỵ cũng là một tỷ phú.
Con của Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng bộ Quốc Phòng
Phùng Quang Thanh xuất thân là một bộ đội không có học thức nhưng nhờ phe cánh thân Trung Cộng trong đảng nên được phong quân hàm đại tướng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng từ nhiều năm nay. Con trai của Phùng Quang Thanh là Phùng Quang Hải, lý lịch cũng không ghi học lực và trường đào tạo, nhưng mang cấp bậc Thượng tá, là Tổng giám đốc Công ty xây dựng 319 là một công ty quốc doanh bao gồm hơn mươi công ty hoạt động trong lãnh vực xây cất, cung cấp vật dụng cho quân đội và các cơ quan chính phủ trên địa bàn khắp nước. Đây là một nguồn lợi khổng lồ cho gia đình họ Phùng và các phe cánh trong đảng để tham nhũng và độc quyền các lãnh vực béo bở.
Nếu cần phải kể thêm thành tích của những 4C vì ăn chia không đồng đều bị tố cáo hay bị ra tòa, hay bị làm vật tế thần thì có mấy vụ gần đây như Mai Văn Dậu, Thứ trưởng Bộ Thương Mại bị ra tòa cùng với con là Mai Thanh Hải vì tham nhũng trong việc xuất nhập cảng, Đoàn Văn Kiểm, chủ tịch Hội đồng Quản Trị Tập đoàn Than - Khoáng sản bị bãi chức vì cho phép em là Đoàn Duy Thức khai thác quặng mỏ trái phép, Phạm Thanh Bình, chủ tịch Hội Đồng Quản trị Tổng đoàn Công nghiệp Tàu Thủy VN bị bắt giam vì bổ nhiệm con trai là Phạm Bình Minh (một Bình Minh khác, không phải là Bình Minh con Nguyễn cơ Thạch) vào công ty Vinashin, Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng bộ Bưu Chính Viễn Thông, bị cảnh cáo vì cho con rể là Hoàng Minh gian lận trong việc trúng thầu.
Đảng Cộng Sản Việt Nam cai trị bằng bạo lực và áp dụng luật mafia ngay trong hàng ngũ đảng viên cao cấp của họ theo kiểu mạnh được yếu thua. Trong sự phá sản hàng tỷ mỹ kim của công ty Vinashin, người chịu trách nhiệm là Nguyễn Tấn Dũng thì không hề hấn gì trong khi bộ trưởng Phạm Thanh Bình bị bắt giam vì một sự bổ nhiệm. Vụ ăn hoa hồng trong việc in giấy bạc polymer ở Úc (12 triệu Úc kim) liên hệ đến nguyên Thống đốc ngân hàng Lê đức Thúy đã có bằng chứng rõ ràng thì chẳng ai bị tù tội.
Lãnh đạo Việt Nam hôm nay làm trò hề và gây ô nhục cho đất nước mà không biết nhục. Vũ Văn Hiến, Ủy viên trung ương đảng, Tổng giám đốc Truyền hình VN gởi con gái tên Kiều Trinh sang Thụy Điển tu nghiệp bị cảnh sát Thụy Điển bắt vì ăn cắp trong siêu thị, bị báo chí trong nước phanh phui nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn hóa – Du Lịch của đài truyền hình, chưa kể Hiến đưa bè đảng vào cơ quan để tham nhũng, bị nhân viên các cấp tố cáo nhưng vẫn bình chân như vại.
*Kết thông gia và bè đảng
Người Việt Nam ta có câu Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, những cán bộ cao cấp gian manh thường tìm gần nhau để hợp quần gây sức mạnh trong công cuộc trấn áp, bóc lộ lương dân. Những cuộc liên kết giữa các cán bộ qua các cuộc hôn nhân là một hình thức lưu chuyển quyền hành và tham nhũng theo hàng ngang và hàng chéo đến độ hệ thống tham nhũng Việt Nam hôm nay là những loại ung thư đang tàn phá một cơ thể chỉ chờ ngày bị tiêu hủy toàn diện. Dĩ nhiên không sao kể hết loại liên kết nầy, chỉ cần đan kể vài thông gia gần đây tạo nhiều tai tiếng to lớn.
Tại Việt Nam, nhắc đến tướng công an Nguyễn Đức Nhanh là người dân kinh sợ và khinh bỉ vì chánh sách đàn áp lương dân và tham nhũng của tên trùm công an nầy (đàn áp giáo dân Thái Hà). Nhanh đảm nhiệm 2 chức vụ: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (tổng cục 1: lo về tình báo hải ngoại, tổng cục 2: lo về an ninh quốc nội) kiêm Giám Đốc Công An TP HàNội. Nguyễn Đức Nhanh kết thông gia với Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng bộ ngoại giao, Chủ tịch Ủy Ban nhà nước về người VN ở nước ngoài. Như vậy hai gia đình thông gia nầy đảm nhiệm vai trò chiến lược của đảng Cộng Sản và chánh phủ Việt Nam.
Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch Quốc hội (2002-2007) là con của Trương Văn Đẩu, Tỉnh ủy viên Gò Công (cũng gốc là phu cạo mủ cao su) có em là Trương thị Hiền, Hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM, kết hôn với Lê Thanh Hải, Ủy Viên Trung ương đảng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Lê Thanh Hải làm sui với Huỳnh Ngọc Sỹ nổi tiếng trong vụ tham nhũng xây xa lộ Đông Tây nối liền từ Bình Chánh đến Saigon, qua Thủ Thiêm chạy đến Cát Lái trên đường về miền Tây. Xa lộ nầy do Nhật viện trợ và giao cho công ty Nhật PCI xây cất, Huỳnh Ngọc Sỹ làm quản lý. Lúc đầu, Sỹ đòi hối lộ 15%, sau sụt xuống 10% và đã nhận 2.6 triệu MK thì bị báo chí Nhật phanh phui, 4 người đại diện công ty Nhật bị Nhật bắt giữ vì đưa hối lộ. Chánh phủ Nhật đòi Việt Nam phải có biện pháp chế tài với người nhận hối lộ là Huỳnh ngọc Sỹ nhưng VN vẫn binh vực Sỹ khiến Nhật trả đủa bằng cách ngưng tất cả tiền cho vay ODA và đòi lại 30 triệu tiền viện trợ, điều hiếm có trong lịch sử bang giao quốc tế. Trước áp lực của các quốc gia viện trợ cho VN và Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đành phải miễn cưởng đưa Sỹ ra tòa với án chung than khổ sai, sau giảm xuống 20 năm tù. Thì ra Sỹ chỉ là vật tế thần của một tập đoàn tham nhũng, mà những án vụ tham nhũng như thế chỉ là hãn hữu trong số ngàn ngàn vụ tham nhũng chẳng bao giờ bị phanh phui bởi được bao che từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và 700 cơ quan truyền thông trong nước chỉ là bầy két lập lại luận điệu của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có một vài ngoại lệ khi báo chí đăng tin tham nhũng liên quan đến 4C, hoặc vì nhà báo có lương tâm, hoặc vì thanh toán nội bộ bởi chia phần không sòng phẳng. Thí dụ như trường hợp khi báo chí đăng tin tiền in của công ty TechBank của Lê Đức Minh là con của nguyên thống đốc ngân hàng Lê Đức Thúy không có phẩm chất thì hai tờ báo Thời ĐạiCông Lý bị đình bản, và 6 tờ báo khác như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, An Ninh Thủ Đô, Công Luận...bị cảnh cáo.
Về chuyện nhà báo bị khủng bố vì dám đá động đến việc tham nhũng của các 4C, tưởng cũng nên nhắc lại một vụ tham nhũng lớn bị phanh phui cách đây 5 năm, nhưng vụ án đã bị ém nhẹm vì liên quan đến các thủ phạm ở chóp bu, nhưng hai phó tổng biên tập của báo Thanh NiênTuổi Trẻ bị bắt giam và 5 phóng viên bị thu hồi thẻ hành nghề vì tội phá hoại an ninh quốc gia. Vụ tham nhũng bị vở lở khi công an bắt được 2 cầu thủ cá độ ngày 13/12/2005 và cuộc điều tra cho biết Bùi Tiến Dũng, Tổng Giám Đốc Đơn vị Quản Lý các dự án PMU-18 đã chi tiêu 2.6 triệu trong trò chơi cờ bạc nầy. PMU-18 (Project Management Unit) trực thuộc bộ Giao Thông Vận Tải (GTVT) là cơ quan phụ trách thực hiện xây cất các dự án cầu đường với số vốn 20 tỷ gồm ngân sách quốc gia và quỹ tài trợ ODA của Nhật, Tây Âu và Ngân hàng Quốc Tế (World Bank). Bùi Tiến Dũng là con trai của Bùi Thiện Ngộ, Bộ trưởng Bộ Công An, cấu kết với Nguyễn Việt Tiến (Thứ trưởng Bộ GTVT), Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng tài chánh), rể của Nguyễn Việt Tiến cùng với Phạm Hoàng Hải, rể của Nông Đức Mạnh, Nguyễn Việt Bắc, rể của Đào Đình Binh (Bộ trưởng Bộ GTVT) cùng với nhiều bạn bè hàng họ lập ra hàng chục công ty để trúng thầu dù các công ty nầy không khả năng và không vốn. Tài sản tham nhũng của Nguyễn Việt Tiến, Phạm Hoàng Hải, Nguyễn Việt Bắc, mỗi người trên trăm triệu MK. Báo Thanh Niên tiết lộ là có ít nhất 40 quan chức cao cấp liên quan đến vụ tham những khổng lồ nầy. Bị gọi ra thẩm vấn trước tòa án, Bộ trưởng Đặng Đình Binh tuyên bố «Tôi thuộc diện Trung ương quản lý» có nghĩa là chỉ trả lời với trung ương đảng mà thôi. Ngoài ra, 2 đảng viên cao cấp là tướng Cao ngọc Oánh, Cục trưởng Cục điều tra C15, Phạm Xuân Quấc, Cục trưởng Cục điều tra C14 cũng bị dính líu, nhưng được miễn truy tố, rốt cuộc chỉ có Bùi Tiến Dũng và các « tép riu» bị lãnh án.
Một vụ tham nhũng khác gần đây còn to tát hơn là vụ Vinashin liên quan đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm thất thoát 5 tỷ mỹ kim, nhưng rút kinh nghiệm đau thương vụ PMU-18, không một tờ báo nào dám hé môi. Trên thế giới, có quốc gia nào tham nhũng và ngang ngược như Việt Nam cộng sản hay không ?
Ngoài việc cấu kết quyền lực bằng kết thông gia, các cán bộ cộng sản các cấp đều kết nạp đàn em hàng họ làm vây cánh để chia chác lợi nhuận tham nhũng và bao che lẫn nhau. Điển hình như khi Nguyễn Tấn Dũng về trung ương thì kéo theo Lê Hồng Anh vào bộ Công An, Huỳnh Vĩnh Ái vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Thể Thao quốc gia (như Thứ trưởng), Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y Tế. Đọc lý lịch các cán bộ trong các cơ quan nhà nước và công ty quốc doanh, từ trung ương đến làng xã đều thấy bóng dáng của nguời chỉ huy. Một người bạn của người viết khi về thăm quê hương ở một quận lỵ thuộc tỉnh Long An gặp rất nhiều nhân viên trong quận, thậm chí đến người phu quét chợ, nói tiếng giọng «trọ trẹ» như ông huyện ủy. Trong khi đó, đồng chí Giải phóng miền Nam thì phải trở về cái chòi lá xiêu vẹo bên bờ kinh để chờ chết trong nghèo đói, và bà mẹ chiến sĩ răng rụng quần áo tả tơi đứng trước cơ quan xỉa xói «phải chi hồi đó tao kêu lính Quốc Gia bắt nhốt hết cái bọn khốn nạn nầy !».
Cái «bọn khốn nạn» nầy đã dùng mọi mưu chước xão quyệt để cai trị với chánh sách bạo ngược miền Bắc trong 66 năm và cả nước trong 36 năm qua và hôm nay run sợ phủ phục trước bọn đàn anh láng giềng để «dựa hơi» tiếp tục kềm kẹp 90 triệu dân Việt Nam hầu tiếp tục vơ vét bóc lột mà viễn ảnh cuộc cách mạng mùa xuân Á Rập làm chúng vừa hoảng hốt, vừa càng hung hản hơn.
Thay lời kết
Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với chánh sách gọi là «đổi mới» vào cuối thập niên 80, khi sinh viên Việt Nam lũ lượt ra nước ngoài du học hay tu nghiệp, nhiều người Việt Nam trong nước và nhất là ở hải ngoại hi vọng nước Việt Nam sẽ lần lần thoát khỏi được chế độ độc tài, nghèo đói và chậm tiến. Họ hi vọng với sự tiếp cận tinh thần tự do và kỹ thuật Tây phương, đất nước Việt Nam sẽ được khai phóng hơn. Nhưng đó chỉ là ảo vọng. Trong 20 năm qua, hàng ngàn sinh viên Việt Nam du học và tu nghiệp ở các nước dân chủ và kỹ nghệ đã trở về nước, chẳng những không giúp gì cho đất nước khả quan hơn mà còn đồng lỏa với những người lãnh đạo bất tài, vô lương để gia tăng thêm guồng máy tham nhũng, đưa đất nước mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn. Hãy nhìn vài ủy viên trung ương đảng như Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, Lê Mạnh Hà, Lê Đức Thúy, Nguyễn Thị Đoan, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Nghị ...và biết bao Bộ trưởng, Tổng giám đốc, Giám đốc cơ quan là những sinh viên tốt nghiệp từ Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức, Pháp, họ chỉ lợi dụng cái nhãn hiệu du học ngoại quốc để vinh thân phì gia, làm tay sai hay tác nhân trong hàng ngũ quỷ đỏ. Họ chỉ là những cái lọ bằng đất sét được tráng men và một đất nước bị cai trị bằng những cái đầu nhồi nhét đất sét thì làm sao khá lên được.
Khi cuộc «cách mạng mùa xuân» lần lượt bùng nổ tại các quốc gia Á Rập, nhiều người Việt Nam ở hải ngoại và một ít người Việt Nam trong nước hớn hở. Họ hớn hở bởi họ hi vọng khi thấy những chế độ độc tài đã thống trị ngót mấy mươi năm tại những vùng đất mà không ai nghĩ dân chúng có thể nổi dậy thì bỗng chốc lại bốc lên khói lửa, dân chúng đồng loạt xuống đường để lật đổ chế độ độc tài, thanh toán bè lũ ác ôn. Người Việt hải ngoại hi vọng những biến cố nầy sẽ lan tràn đến Việt Nam. Nhưng hi vọng ấy chóng đi qua để trở về với nỗi thất vọng bởi lẽ Việt Nam hôm nay chưa hội tụ đủ những yếu tố của một cuộc «cách mạng mùa xuân Á Rập ».
Trước tiên phải kể đến chế độ kiểm soát, kềm kẹp người dân VN quá tinh vi và nghiệt ngã. Tuy những thống kê của nhà nước mang bản chất phô trương, khoác lác, với con số 3 triệu đảng viên, 2 triệu cảnh sát công an và nửa triệu quân nhân, tuy vẫn biết có nhiều đảng viên bất mãn vì bị lừa dối hay bị bạc đãi, và không phải cảnh sát công an nào cũng có được chức vụ để có thể tham nhũng trong một xã hội có nền văn hóa phong bì, nhưng phải hiểu là thành phần trung kiên, cúc cung tận tụy cho chế độ, chiến đấu cho chế độ đến giọt máu cuối cùng để cùng chia sẻ và bảo vệ quyền lợi cũng rất đông đảo. Bị nhuộm đỏ khối óc và đánh mất lương tri, nhóm đảng viên lớn nhỏ nầy đang chia chác các đặc quyền đặc lợi trong một hệ thống quyền lực mafia, dùng mọi biện pháp sắt máu để cai trị và bóc lột người dân còn thậm tệ hơn thời Pháp thuộc.
Trong lịch sử, cuộc cách mạng nào cũng bắt đầu bằng sự nổi dậy của khối người bị áp bức. Nhưng muốn cảm nhận được sự áp bức, người dân cần được thông tin những quyền lợi căn bản của con người, những cảnh sống tự do, no ấm để từ đó cảm nhận thân phận mà đòi hỏi. Dưới chế độ độc tài, công an trị của cộng sản Việt Nam, mọi thông tin từ bên ngoài, bên trong có mảy may bất lợi cho chế độ đều bị kiểm duyệt và ngăn chận, mọi hành động đối kháng đều bị tiêu diệt từ trong trứng nước. Người dân chỉ được quyền nghe biết những gì chánh phủ nói. Từ khi có truyền thông qua trang mạng, thông tin tuy có lưu hành nhiều hơn, nhưng luôn bị bức tường lửa ngăn chận. Internet vẫn còn là phương tiện truyền thông của lớp thị dân trung lưu hay giàu có, vốn là thành phần bằng lòng với cuộc sống, với chế độ, trong khi 80% dân số là những nông dân, thợ thuyền nghèo khổ, ít học, phải vật vã với bữa no bữa đói thì thời giờ tim óc đâu mà nghe tin tức, mà nghĩ đến đấu tranh trong cảnh giành giựt giữa những người đồng cảnh ngộ và trạng thái kềm kẹp thường xuyên của hệ thống cán bộ, công an .
Ngoài chuyện thông tin từ thế giới bên ngoài và trong nước bị bưng bít, bị kiểm duyệt, cơ cấu dân số VN hiện nay còn là một yếu tố giải thích phần nào lý do cuộc «cách mạng mùa xuân» chưa đến VN. Nếu tính với người dân VN sinh ra sau 1975 thì thành phần nầy nay đã 35 tuổi và nếu phải kể thêm những đứa trẻ khoảng 5 tuổi vào năm 1975 thì đến nay họ cũng đã đến tuổi 40. Đó là thế hệ người Việt chẳng biết gì về chiến tranh Việt Nam, chẳng có ý niệm gì về chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Năm 2008, số người VN dưới 40 tuổi chiếm đến 66% dân số. Ngoài ra, lớp trẻ sinh ra sau 1986 là năm cộng sản bắt đầu chánh sách đổi mới kinh tế thì đến nay lớp người nầy đã hơn 20 tuổi. Như vậy, trên đất nước VN hiện nay có hơn phân nửa dân số chưa biết thế nào là kinh tế «xếp hàng cả ngày» và chế độ «Mỹ Ngụy» để họ có thể xác định một lập trường chính trị rõ rệt chống Cộng hay theo Cộng. Dĩ nhiên, sanh ra và lớn lên trong nền giáo dục bác đảng và văn hóa phong bì, đa số người Việt Nam trong nước hiện nay không có chọn lựa nào khác là phải sống theo những bản chất của người cộng sản. Tuy nhiên, đó cũng là một sức mạnh vô song để hi vọng lật đổ chế độ bạo tàn cộng sản nếu khát vọng tìm tự do và no ấm được huy động.
Khi 36 người tự xưng là trí thức gởi thư ngỏ cho chánh phủ bạo quyền, nhiều chống đối và mỉa mai vì «quá khứ» của người chủ xướng và cung cách, ngôn từ sử dụng trong thư ngỏ đã khiến một số người có thành tín, ưu tư với đất nước đồng ký tên bị vạ lây. Phải hiểu rằng những người bỏ xứ ra đi là những người không chấp nhận sống với chế độ Cộng Sản và sự trở về, thỏa hiệp với chế độ là hành động thiếu lương tri. Vã chăng, với 66 năm cầm quyền bằng phản bội, dối trá và bạo lực của chế độ cộng sản đã quá đủ để cho người có chút suy nghĩ hiểu rằng thỏa hiệp với cộng sản đồng nghĩa với khuất phục hay đầu hàng. Với cộng sản, biên giới bạn và thù họ đã vạch rõ. Trừ một thiểu số người, chỉ vì ham danh ham lợi, ngụy trang dưới lớp son phấn thương nước thương dân, đã ra đi trong nhục nhã năm xưa rồi hôm nay quay về hợp tác với bạo quyền, cộng đồng 3 triệu người Việt tỵ nạn trên thế giới tự do trong 36 năm qua, mỗi người, mỗi cách đã kiên quyết chống chế độ cộng sản. Những cuộc biểu tình, tuyên ngôn, bài viết, bài nói chuyện của cộng đồng người Việt tỵ nạn qua các phương tiện truyền thông phổ biến khắp năm châu là một sức mạnh mà cộng sản khiếp sợ bởi lẽ đó là tiếng nói của người Việt tự do nói cho Thế giới tự do biết được những xấu xa của chế độ cộng sản Việt Nam, và do đó chánh quyền cộng sản tìm mọi cách ngăn chận tiếng nói nầy vang dội trong nước làm thức tỉnh 90 triệu người dân đang bị họ bịt mắt bịt tai.
Hàng năm, vào dịp Tết, dịp hè, hàng triệu người Việt, trước đây đã bị bạo quyền đày ải trong các trại tù, trại cải tạo, hay nín thở trong các đám lau sậy chờ giờ lên ghe, đi tìm cái sống trong cái chết, thì nay họ đã sớm quên những ngày ngục tù, nhục nhã khi xưa, nhởn nhơ trở về du hí trên cái đất nước mà đồng bào họ không có cơ may vượt thoát được. Sự có mặt của những du khách Việt kiều nầy cũng là một nguyên nhân khiến cho «cuộc cách mạng mùa xuân» chậm đến. Họ hằn sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo và niềm cay đắng giữa những người đồng cảnh ngộ khi xưa, và dưới mắt của người bất hạnh, có gì khác biệt trong sự phản bội giữa người bạn cũ và người thù mới. Người bạn cũ phải ngoảnh mặt để khỏi bị tủi nhục mà kẻ thù mới còn khinh rẻ họ nhiều. Tuy nhiên, không phải ai trở về cũng là những du khách bị «mất trí». Có những người, phải nói là hiếm hoi, trở về quê để xây lại mồ mả tổ tiên đã bị cộng sản đào xới vì hận thù, vì chiếm đất, hay mang về những món quà mà họ đã chắt chiu dành dụm trong những ngày lao tâm lao lực ở xứ người để tiếp sức cầm hơi cho thân nhân đói khổ, thông tin cho người bị bịt tai biết được những quyền tự do, bình đẳng ở thế giới bên ngoài để như vết dầu thắp sáng ngọn nến cách mạng. Nếu cứ mỗi năm, hai triệu du khách Việt kiều trên các nẽo đường du hí, thay vì nhi nhô tiếng Tây tiếng Mỹ, khoe khoang nhà cao cửa rộng, thực hay láo, làm cho đồng bào nghèo khổ càng thêm bi phẩn, thì hãy mang về cho đồng bào những bản tin, những tấm ảnh, đại loại như cha Lý bị bịt miệng trước tòa án, công an đánh đập giáo dân Thái Hà, công ty Vinashin bị tập đoàn lãnh đạo tham nhũng hàng tỷ mỹ kim, để cho người dân biết được sự thật bị bít kín, khơi động mối hận thù cộng sản, thì cuộc cách mạng mùa xuân Việt Nam có cơ may sẽ đến nhanh hơn.
Nghĩ cho cùng, lịch sử chỉ là sự lập lại những biến cố giống nhau trong những thời điểm và địa điểm khác nhau. Mọi chế độ độc tài rồi cũng bị tiêu diệt. Hình ảnh cha con Kadhafi phơi thây sình thúi trong cái nhà kho, Moubarak nằm im bất động trên cái «băng ca» trước tòa án, phải chăng đó cũng là hình ảnh ngày tàn của những bạo chúa cộng sản Việt Nam một ngày nào, xa hay gần.
Lâm Văn Bé
12/2011
Tài liệu tham khảo
- Bùi Tín. Mặt Thật.- Paris : Turpin Press, 1994.
- Hoàng Dung. Sau bức màn đỏ. – Virginia : Tiếng Quê Hương, 2007.
- Hoàng Hữu Quýnh. Tôi bỏ đảng.- Midway City : Mister Print, 2002.
- Vy Thanh. Lớn lên với đất nước.- Westminster : Tủ sách Sự Thật, 2006.
- Các trang mạng điện tử trong đó có bài viết của Hoàng Dũng.

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Cấm Chiếu Hoàng Sa?

Trần Khải
Hoàng Sa... Hoàng Sa... Nghe như còn xưa hơn chuyện cổ tích Tấm Cám, vì tuổi trẻ ở VN không được học tử tế, học công khai, học đầy đủ về quần đảo Hoàng Sa, nơi có 120 đảo nhỏ và bãi cạn đã bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn từ cuộc hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong năm 1974.
Câu hỏi để suy nghĩ: trong khi chính phủ Hà Nội muốn sửa đoạn kết chuyện Tấm Cám cho có vẻ nhân đaọ hơn, phần vì không muốn cho thấy hình ảnh Tấm Cám tương tàn (nghe như một thời nội chiến Nam và Bắc VN trước 1975), thì có ai cản được chính phủ Hà Nội sửa lại đoạn kết Hoàng Sa, một chuyện có vẻ còn xưa hơn cổ tích đối với trẻ em VN?
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 11-2011, bất ngờ Trung Quốc công bố chương trình mở tuyến du lịch Hoàng Sa, nghĩa là mời du khách toàn cầu tới để vui chơi trên nơi một thời là đảo của dân tộc Việt Nam.
Có phải đó là đoạn kết có hậu với Bắc Kinh, nếu Hà Nội im lặng cho đoạn kết chuyện cổ tích này? Nhìn toàn cảnh, trước giờ chính phủ Hà Nội vẫn tìm cách ém các thông tin nhạy cảm về Hoàng Sa nói riêng, và Biển Đông nói chung. Chuyện có vẻ như kiểu Bắc Kinh tiên đoán rằng đàn em vẫn tuân thủ chỉ thị từ Công Hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký để công nhận chủ quyền các vùng biển do TQ áp đặt thời đó.
Nhưng may mắn, Việt Nam từ cuối năm 2007 đã có một cuộc biểu tình đầu tiên phát khởi tại Sài Gòn, do Điếu Cày và nhóm Nhà Báo Tự Do, lúc đó mặc áo đen, giăng biểu ngữ ra đứng ở tam cấp Nhà Hát Lớn Sài Gòn để phản đối Trung Quốc thiết lập huyện đảo Tam Sa, trong đó bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa.
Điếu Cày hiện còn ở tù, chưa được ra, dù đã mãn án, nhưng tiếng vang cuộc biểu tình này đã đánh thức giới trí thức, và là cảm hứng cho nhiều cuộc biểu tình khác trong năm 2011.
Bộ Ngoại Giao VN đã phản đối TQ vụ du lịch Hoàng Sa, và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ngày 25-11-2011 đã nói trước Quốc Hội rằng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, và lúc đó, theo lời ông Dũng, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (cô Tấm nói về cô Cám? Hay cô Cám nói về cô Tấm?) đã kiện lên tận Liên Hiệp Quốc.
Đó là lần đầu tiên Tấm Cám biết ơn nhau?
Tại sao ông Dũng không nói rằng vào tháng 12-2007, nhân dân Việt Nam (nói trống không, nếu ông Dũng không muốn nhắc tới tên của anh Điếu Cày và các bạn nhà báo tự do) đã đứng biểu tình giữa Sài Gòn?
Và tại sao ông Dũng không nói rằng liên tục 12 tuần lễ trong năm 2011, nhân dân VN (cứ nói trống không, nếu ông Dũng không muốn nhắc tới Lê Hiếu Đằng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Xuân Diện, Trịnh Kim Tiến, Phương Bích và vân vân) đã biểu tình để đòi chủ quyền Hoàng Sa?
Nhưng thôi, kể công VNCH như thế cũng là bước đi tiến bộ của ông Dũng, dù chúng ta chưa rõ có cạm bẫy nào trong lời nói này không.
Đài BBC khi tường thuật đã ghi lời Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam, trích:
“Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay, một lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam công khai tuyên bố rành rẽ về vấn đề Hoàng Sa...
"Khác với Trường Sa, vốn được cho là khu vực tranh chấp, Hoàng Sa luôn được Trung Quốc coi là lãnh thổ của nước này một cách hiển nhiên và không bao giờ đặt Hoàng Sa vào trong nội dung các cuộc đàm phán."...”(hết trích)?
Dù vậy, trong khi công an vẫn còn cấm biểu tình (dù là về Hoàng Sa), các cơ quan truyền thông chính thống đã nương lời ông Nguyễn Tấn Dũng để nói tới Hoàng Sa, dù là còn dè dặt.
Thí dụ, lời kêu gọi hiếm hoi này đưa ra từ báo Tuổi Trẻ, qua bài viết hôm Thứ Ba 29-11-2011, có nhan đề “Toàn dân góp sức đòi lại Hoàng Sa” của tác giả Giáp Văn Dương, trích:
“Đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình là một việc lớn và lâu dài. Có rất nhiều việc phải làm và điều chắc chắn là phải huy động lực lượng và cần có thời gian. Đây chắc chắn phải là sự nghiệp toàn dân.
Bước đầu tiên trong việc đòi lại Hoàng Sa là để cho toàn dân thấy được sự thật và tạo điều kiện cho người dân tham gia sự nghiệp này.
Muốn vậy, trước hết cần công khai hiện trạng Hoàng Sa đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm cho toàn dân biết. Và ngày 25-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc này tại Quốc hội.
Báo chí - truyền thông không chỉ tường thuật một lần mà phải nhắc đi nhắc lại thường xuyên liên tục, để vấn đề đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình đến được với mọi người dân, tạo cơ sở cho toàn dân góp sức.
Trên thực tế, ngay từ khi Hoàng Sa vẫn còn bị cho là “vấn đề nhạy cảm”, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng cần thực hiện chiến lược 3C: Công khai - Công luận - Công pháp đối với tranh chấp biển Đông.
Có thể diễn giải chiến lược 3C này sơ lược như sau: trước hết, cần công khai hiện trạng tranh chấp biển Đông nói chung và Hoàng Sa bị cưỡng chiếm nói riêng, đồng thời công khai lập trường của các bên, công khai các sự kiện nghiêm trọng xảy ra cho toàn dân biết.
Từ đó, sử dụng công luận, mà cụ thể là báo chí - truyền thông, nói cho toàn dân và nhân dân thế giới biết sự thật về tranh chấp biển Đông, trong đó có việc Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1974 để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông...”(hết trích)
Như thế, công khai về Hoàng Sa, nghĩa là trước giờ chính phủ CSVN ém tin khá kỹ, may nhờ Internet mới lộ hàng ra hết. Đặc biệt trên trang báo Tuổi Trẻ đó còn có một thông tin cho thấy chính phủ không cách nào bịt miệng nổi, trích: “Theo ông Đặng Công Ngữ - chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, cuốn sách Kỷ yếu Hoàng Sa dày hơn 200 trang, gồm các phần: Hoàng Sa là của Việt Nam, Công tác quản lý nhà nước đối với huyện Hoàng Sa, Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử, Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Ngoài ra Kỷ yếu Hoàng Sa còn giới thiệu cho người đọc về vị trí địa lý, tầm quan trọng cùng những nội dung cơ bản của quá trình xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ trong lịch sử.
Điểm nổi trội của cuốn sách này là sự hiện diện của 24 nhân chứng sống từng có một thời làm việc tại Hoàng Sa trước năm 1974...”(hết trích)
Hóa ra, còn 24 nhân chứng sống về Hoàng Sa 1974. Nghĩa là những người của thời cổ tích VNCH.
Điều khó hiểu rằng, tại sao chính phủ cho in, cho xuất bản sách Kỷ Yếu Hoàng Sa này, với thông tin từ và về 24 nhân chứng thời 1974 ở Hoàng Sa? Có phaỉ là đã cởi mở, biết tôn trọng thôngt in cần để giữ nước, giữ biển? Trong khi đó, CSVN lại cấm chiếu phim về Hoàng Sa mới đây?
Bản tin đài RFA ngày 2-12-2011 kể:
“Bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát” nói về cuộc sống của ngư dân huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu do ông André Menras-Hồ Cương Quyết hợp tác với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện năm 2011 đã bị cấm chiếu ra mắt vào đêm 29 tháng 11 tại quận Bình Thạnh vừa qua.
Theo lời ông André Menras Hồ Cương Quyết tác giả bộ phim kể lại thì vào lúc 17 giờ 30 tối hôm 29 tháng 11 ông cùng bạn bè cũng như anh em trong đoàn làm phim của hãng phim TFS dự định chiếu ra mắt cuốn phim Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát trong vòng thân hữu tại quán cà phê Ami thuộc khu du lịch Văn Thánh, Quận Bình Thạnh TPHCM.
Cấm chiếu bằng cách cắt điện
Tuy nhiên cuốn phim đã gặp phải sự cấm đoán của cơ quan an ninh và theo lời thuật lại của nhiều nhân chứng thì hàng rào chào đón cuốn phim do an ninh thiết lập từ bên ngoài đã rất dày dặc...”(hết trích)
Có thể thấy rằng, sách Kỷ Yếu Hoàng Sa cho in, vì đó là sách thực hiện bởi “Nhà xuất bản Thông Tin & Truyền Thông (Bộ Thông tin - truyền thông) đã họp với Hội đồng thẩm định trung ương do giáo sư Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.”
Còn phim “Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi đau mất mát” bị cấm chiếu, bởi vì không có bàn tay nhà nước nhào nắn, không chịu kể công Đảng CSVN -- ngắn gọn, “thiếu tính đảng.”
Ngắn gọn, nhân dân, đất nước không là cái gì hết. Sẽ bị bịt miệng cả nước.
Chỉ có đảng trên hết, phải không, hỡi những người cấm chiếu bộ phim Hoàng Sa?

Tổng Kết Thị Trường Cổ Phiếu

Lưu Thế Vũ
Hôm thứ Ba, các cổ phần blue-chip tương đối tiến lên sau khi báo Financial Times nói Hiệp Hội Âu Châu đang thương lượng tăng gấp đôi quỹ tài trợ trong buổi họp thượng đỉnh hầu giải quyết cơn khủng hoảng tài chánh.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa lên 52.30 ở mức 12,150.13 trong khi Nasdaq xuống 6.20 ở mức 2,649.56. Lãi suất T-note 10-năm ở mức 2.09% lên 0.04%. Dầu thô xuống $0.06 với giá $100.93. Vàng xuống $1.40 với giá $1,729.30.
General Electric (GE) lên 0.39 với giá 16.72 nhờ được Bernstein Research nâng rating vì lợi tức vững vàng.
3M (MMM) lên 1.20 với giá 82.13 sau khi nói lợi tức trong 2012 sẽ như dự tính.
Thua là dẫy tiệm ăn Darden Restaurants (DRI), chủ của Reb Lobster và Olive Garden, xuống 5.91 với giá 41.82 vì giảm dự tính lợi tức và mức bán trong năm 2012.
MetroPCS (PCS) lên 0.65 với giá 9.00 nhờ được nâng rating.
Nhóm nhu liệu “cloud” được Barclays Capital nâng rating, với Citrix Systems (CTXS) lên 0.22 với giá 73.23 và LogMeIn (LOGM) lên 1.68 với giá 43.92.
Ngoài ra, LinkedIn (LNKD) lên 3.25 với giá 73.20 cũng nhờ được n
Hôm thứ Hai, các cổ phần tiến lên với tin các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đề nghịmột hiệp ước mới để giải quyết cơn khủng hoảng nợ Âu Châu, mặc dù S&P nói đang kiểm xét lại credit rating của tất cà 17 quốc gia trong hiệp hội Châu Âu EU.
Chỉ số hoạt động dịch vụ ISM giảm xuống ở mức 52.0% trong tháng 11 so với 52.9% tháng 10, thấp nhất trong 22 tháng từ tháng Giêng 2010.
BộThương Mại nói mức đặt hàng cơ xưởng giảm 0.4% trong tháng 10 sau khi giảm 0.1% tháng 9.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa lên 78.41 ở mức 12,097.83 trong khi Nasdaq lên 28.83 ở mức 2,655.76. Lãi suất T-note 10-năm ở mức 2.05% lên 0.01%. Dầu thô xuống $0.11 với giá $100.85. Vàng xuống $27.30 với giá $1,719.70.
Nhóm tài chánh tiến lên với JP Morgan Chase (JPM) lên 1.18 với giá 33.51, Bank of America (BAC) lên 0.15 với giá 5.79 và Citigroup (C ) lên 1.66 với giá 29.83.
Walgreen (WAG) lên 1.25 với giá 34.37 sau khi nói mức bán tăng 1.8% trong tháng 11.
MetLife (MET) lên 1.16 với giá 32.92 nhờ nói lợi tức trong 2012 sẽ trên dự tính của Wall Street.
Đặc biệt Affymax (AFFY) lên 1.01 với giá 6.26 sau khi thuốc thử nghiệm chửa anemia được nói có hiệu quả như thuốc đang được bán của Amgen (AMGN).
Thắng là SuccessFactors (SFSF) lên 13.50 với giá 39.75 nhờ được nhu liệu quản trị xí nghiệp của Đức là SAP AG (SAP) mua với giá $3.4B.
Đối thủ của SFSF là Taleo Corp (TLEO) lên theo 6.54 với giá 39.50.âng rating.
Hôm thứ Sáu, các cổ phần tương đối dậm chân tại chỗ và tổng kết một tuần thắng nhiều nhất từ đầu năm 2009, với tin tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong 2 1/2 năm.
BộLao Động  nói nền kinh tế tạo thêm 120,000 việc làm trong tháng 11 và giúp đưa tỷlệ thất nghiệp xuống ở mức 8.6% từ 9.0% tháng 10. Mức gia tăng hoàn toàn trong lãnh vực tư với số nhân công được mướn tăng 140,000, trong khi chính quyền sa thải 20,000 việc làm và đưa tổng số việc làm bị mất trong 2 năm qua lên khoảng 600,000.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa xuống 0.61 ở mức 12,019.42 trong khi Nasdaq lên 0.73 ở mức 2,626.93. Lãi suất T-note 10-năm ở mức 2.04% xuống 0.08%. Dầu thô lên $0.77 với giá $100.97. Vàng lên $10.40 với giá $1,745.70.
Nhóm tài chánh tiến lên với JP Morgan Chase (JPM) lên 1.87 với giá 32.33 và Citigroup (C ) lên 1.18 với giá 28.17.
Barnes& Noble (BKS) lên 1.57 với giá 16.16 nhờ được Maxim Group LLC nói “nên mua”.
Big Lots (BIG) xuống 3.45 với giá 36.28 sau khi báo cáo lợi tức giảm nhiều.
H&R Block (HRB) xuống 1.03 với giá 15.03 vì báo cáo khai lỗ nhiều hơn dự tính.
Phía technology, Western Digital (WDC) lên 2.19 với giá 31.44 nhờ nâng dự tính mức thu trong tài khóa.
Thua là Research in Motion (RIMM) xuống 1.81 với giá 16.77 sau khi báo động lợi tức trong năm sẽ dưới dự tính vì điện thoại Blackberry bán chậm và sẽ khai phí tổn lỗ sản phẩm mới Playbook tablet vì không bán chạy.
Google (GOOG) lên 6.59 với giá 620.36 vì được nói đang dự định ra dịch vụ giúp giới tiêu thụ mua sắm online giao hàng trong 1 ngày hầu cạnh tranh với Amazon.com giao hàng trong 2 ngày.
Hôm thứ Năm, các cổ phần tương đối yếu sau một ngày vùng lên rất mạnh với chỉ số kỹ nghệ Dow lên gần 500 điểm.
Bộ Lao Động nói số người lần đầu khai thất nghiệp trong tuần qua tăng 6,000 lên ở mức 402,000, tức trở lại trên mức 400,000.
ISM nói chỉ số sản xuất cơ xưởng tăng lên ở mức 52.7% trong tháng 11 so với 50.8% tháng 10, trên dự tính 52.0%.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa xuống 25.65 ở mức 12,020.03 trong khi Nasdaq lên 5.86 ở mức 2,626.20. Lãi suất T-note 10-năm ở mức 2.12% lên 0.05%. Dầu thô xuống $0.30 với giá $99.97. Vàng xuống $1.00 với giá $1,744.50.
Phía blue-chip, Boeing (BA) lên 2.29 với giá 70.98 trong khi Travelers Group (TRV) xuống 1.21 với giá 55.04.
Đặc biệt Clearwire (CLWR) lên 0.25 với giá 2.03 nhờ tin ký giao kèo đáng giá đến $1.6B trong vòng 4 năm với Sprint Nextel (S).
Magma Design Automation (LAVA) lên 1.41 với giá 7.13 sau khi được Synopsys (SNPS) mua với giá $7.35 / cổ phần.
Barnes & Noble (BKS) xuống 2.85 với giá 14.59 sau khi khai lỗ vì mức bán giảm trong tài khóa 2.
Finisar (FNSR) xuống 2.32 với giá 16.12 vì giảm dự tính lợi tức trong tài khóa 3.
Kohl’s (KSS) xuống 3.43 với giá 50.37 sau khi nói mức bán giảm 6.2% so với năm trước, kéo theo đồng nghiệp bán lẻ Sears Holdings (SHLD) xuống 2.85 với giá 57.48.
Hôm thứ Tư, các cổ phần vùng lên rất mạnh với chỉ số kỹ nghệ Dow lên gần 500 điểm, nhiều nhất trong hơn 3 năm, nhờ phấn khởi với tin các ngân hàng trung ương quốc tế thông báo chương trình cứu giúp hệ thống tài chánh toàn cầu và Trung Hoa tuyên bố sẽ nới giảm chính sách tiền tệ.
Dự Trữ Liên Bang Mỹ cùng với 5 ngân hàng trung ương ECB, Canada, U.K., Japan và Switzerland đồng ý tung ra thêm tiền tệ để giúp đỡ Âu Châu qua khỏi cơn khủng hoảng nợ quốc gia.
Trung Hoa nói sẽ giảm điều kiện dự trữ của ngân hàng xuống 0.5% điểm, vì thấy tình hình kinh tế chậm lại trong nước.
Ngoài ra, ADP nói số việc làm mới tăng 206,000 trong tháng 11, nhiều nhất từ tháng 12 năm trước.
Chỉ số Dow Jones đóng cửa lên 490.05 ở mức 12,045.68 trong khi Nasdaq thắng 104.83 ở mức 2,620.34. Lãi suất T-note 10-năm ở mức 2.07% lên 0.07%. Dầu thô lên $0.71 với giá $100.50. Vàng lên $34.20 với giá $1,747.60.
Các cổ phần blue-chip như Caterpillar (CAT) lên 7.34 với giá 97.88 và IBM (IBM) lên 7.06 với giá 188.00.
Nhóm ngân hàng như Bank of America (BAC) lên 0.37 với giá 5.44 và Citigroup (C ) lên 2.24 với giá 27.48.
Advanced Analogic Tech (AATI) lên 1.40 với giá 5.74 nhờ được Skyworks Solutions (SWKS) mua với giá $5.80 một cổ phần. SWKS cũng lên 1.80 với giá 16.31.
Cisco Systems (CSCO) lên 0.96 với giá 18.64 nhờ được Deutsche Bank nói “nên mua”.
Leap Wireless (LEAP) lên 1.26 với giá 9.07 sau khi được RBC Capital nâng rating.
Riêng NetFlix (NFLX) xuống lại 3.04 với giá 64.53 vì bị hạ rating.
Hôm thứ Ba, các cổ phần blue-chip tương đối tiến lên với mức tin tưởng tiêu thụ tăng hơn dự tính và tình hình tài chánh Âu Châu đang được giải quyết, nhưng nhóm tài chánh vẫn khá yếu.
Conference Board nói chỉ số tin tưởng của giới tiêu thụ tăng lên ở mức 56 trong tháng 11 so với 39.8 tháng 10, mức cao nhất từ tháng 7.
Giá bán nhà trong 20 thành phố chính giảm 0.6% trong tháng 9 và đưa tổng số giảm giá trong năm xuống 3.6%, với giá nhà giảm xuống mức thấp mới ở Atlanta, Las Vegas và Phoenix.
Chỉsố Dow Jones đóng cửa lên 32.62 ở mức 11,555.63 trong khi Nasdaq xuống 11.83 ởmức 2,515.51. Lãi suất T-note 10-năm ở mức 2.00% lên 0.04%. Dầu thô lên $1.55 với giá $99.76. Vàng lên $3.70 với giá $1,714.50.
Nhóm ngân hàng như Bank of America (BAC) xuống 0.17 với giá 5.08 và Morgan Stanley (MS) xuống 0.49 với giá 13.31.
Nhóm thời trang sang trọng yếu với Tiffany & Co (TIF) xuống 6.40 với giá 67.22 mặc dù báo cáo lợi tức tăng 63% nhưng thấy mức bán yếu bên Âu Châu và vùng Đông Mỹ,kéo theo Coach (COH) xuống 1.93 với giá 60.20 và Polo Ralph Lauren (RL) xuống 4.68 với giá 140.66.
Sôi nổi là AMR Corp (AMR), tức American Airlines, chính thức khai phá sản Chapter 11, cổ phần bị ngừng trao đổi mấy lần, xuống 1.36 chì còn 0.26.
Cho nên các hãng chuyên chở hàng không cạnh tranh như United Continental (UAL) lên 1.05 với giá 17.63 và JetBlue (JBLU) lên 0.39 với giá 4.07.
NetFlix (NFLX) xuống 2.38 với giá 67.60 vì bị S&P hạ rating.
Corning (GLW) xuống 1.59 với giá 13.19 sau khi hãng sản xuất kiếng cho LCD TV giảm dựtính lợi tức trong tài khóa 4.
Ngoài ra, Research in Motion (RIMM) lên 0.89 với giá 17.41 sau khi thông báo dịch vụmới giúp khách hàng dùng Blackberry cùng với iPhone và Android.