Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Cải tiến Năng suất để Tăng trưởng Bền vững

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012-02-29
Tuần qua, một ngẫu nhiên là hai báo cáo của quốc tế cùng đưa ra những khuyến cáo về yêu cầu cải cách kinh tế tại Trung Quốc và Việt Nam.
AFP photo
Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh bên trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng Venetian casino ở Macau vào ngày 29 tháng 2 năm 2012. Nền kinh tế của Macau phụ thuộc nhiều vào du lịch và đánh bạc.
Trước hết là của doanh nghiệp tư vấn kinh doanh McKinsey về việc Việt Nam cần cải tiến năng suất để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Sau đó là của Ngân hàng Thế giới về việc kinh tế Trung Quốc có sáu ưu tiên cần cải cách để tránh cơn khủng hoảng. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu trước hết về những khuyến cáo cho Việt Nam qua cuộc trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Yêu cầu cải cách

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, gần như cùng lúc, người ta thấy một nghịch lý ở hai bờ biển Thái bình dương. Hội nghị tuần qua tại Mexico của khối G-20 hoài nghi kế hoạch cứu nguy kinh tế Hy Lạp và đồng Euro của Âu Châu nên không muốn châm thêm tiền cấp cứu. Thế rồi, tại Bắc Kinh, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cùng các giới chức Trung Quốc công bố một kết quả nghiên cứu hỗn hợp với sáu khuyến cáo về cải cách kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, doanh nghiệp nổi tiếng về tư vấn kinh doanh là McKinsey lại vừa phổ biến báo cáo về cải cách kinh tế tại Việt Nam. Câu đầu tiên, thưa ông, vì sao mà nơi nào cũng nói đến cải cách vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu lùi lại một chút để nhìn vào tin tức thời sự trong viễn ảnh dài thì ta thấy ra một nghịch lý còn lạ hơn. Trước bao khó khăn chồng chất của khối công nghiệp hoá Âu, Mỹ và Nhật, nhiều người vội nói như đã từng nói từ mấy trăm năm về khủng hoảng tất yếu của tư bản chủ nghĩa hay thể chế kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Trong khi ấy, mà cũng xuất phát từ các quốc gia này, ta lại thấy nhiều công trình nghiên cứu về hai nền kinh tế có vẻ đang lên là Trung Quốc và Việt Nam với một số khuyến cáo rất chuyên môn về yêu cầu cải cách.
Như vậy, chả hoá kinh tế tự do đang khủng hoảng mà chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc hay Việt Nam cũng không khá hơn hay sao? Mà tại sao khuyến cáo về cải tổ khá cấp bách lại chỉ xuất phát từ các quốc gia tư bản? Chuyện ấy mới khiến ta lưu ý đến hai lối nhìn gần xa vào cùng một đối tượng là kinh tế.
Các quốc gia tiên tiến đang tranh luận dữ dội về khủng hoảng của họ, nhưng cũng phân tích các nền kinh tế đi sau và đang lên, như Trung Quốc và Việt Nam, để cảnh báo về rủi ro trước mặt, là những điều mà họ đã gặp hay đã nghiên cứu, và đề nghị những biện pháp cải cách cụ thể. Hai lối nhìn trường kỳ và đoản kỳ ấy có phản ảnh hai cách hành xử khác nhau. Trong bối cảnh đó, mình mới nhắc sơ về hai bản nghiên cứu dành cho Trung Quốc và Việt Nam.
Vũ Hoàng: Như vậy, trước hết, xin đề nghị ông tóm lược về công trình nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới thực hiện cho Trung Quốc.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là một định chế quốc tế do các nước Tây phương lập ra để yểm trợ - qua viện trợ và cố vấn kỹ thuật - các nền kinh tế nhược tiểu và đang lên từ sau Thế chiến II. Từ 30 năm qua, tổ chức này đã quan tâm và tích cực yểm trợ việc cải cách kinh tế của Trung Quốc, tích cực đến độ nhiều người cho là nó thiên vị với Trung Quốc nếu so với các nước nghèo khác.
Thế rồi năm 2010, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, là một người Mỹ, mới đề nghị lãnh đạo Bắc Kinh là cần nghiên cứu tình hình kinh tế Trung Quốc vì xứ này đã tiến tới một hình thái phát triển khác nên đòi hỏi một cách quản lý khác. Ta không quên rằng năm 2010 cũng là khi kinh tế Trung Quốc mới vừa vượt qua Nhật Bản. Kết quả là một trung tâm nghiên cứu về phát triển của Chính phủ Bắc Kinh đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới để tiến hành việc nghiên cứu.
Hôm Thứ Hai 27 vừa rồi họ mới công bố một phúc trình dày hơn 400 trang dưới tiêu đề "Trung Quốc 2030" với một kết luận tôi xin ngắn gọn tóm lược là "kinh tế Trung Quốc là một trái bom nổ chậm và nếu không cấp tốc cải cách thì có thể rơi vào bẫy xập của các nước có lợi tức trung bình là không lên tới trình độ có lợi tức cao". Chúng ta sẽ còn cơ hội nói về bản báo cáo đặc biệt này và nhất là việc Ngân hàng Thế giới tránh nói đến những vấn đề chính trị tiềm ẩn ở dưới.
Vũ Hoàng: Có lẽ ông muốn tập trung vào một báo cáo khác, của công ty McKinsey? Đầu tiên, thưa ông công ty đó là gì?
Nội dung kết quả nghiên cứu là "thời vàng son của kinh tế Việt Nam đã hết!"... kinh tế Việt Nam đang hụt hơi – out of steam – và chỉ thấy thời tăng trưởng cao trong tấm kính chiếu hậu!
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trong thế giới văn minh, các doanh nghiệp dù là tiên tiến vẫn mời người bên ngoài vào nghiên cứu và cố vấn họ về cách kinh doanh hữu hiệu hơn. Nôm na là họ không chủ quan mà cần cái nhìn chuyên môn và khách quan của các chuyên gia về quản trị. Vì vậy mới có một ngành gọi là "tư vấn quản trị".
McKinsey là loại doanh nghiệp đứng đầu về tư vấn quản trị, đã hoạt động từ hơn 80 năm, hiện có 9.000 nhân viên trong cả trăm văn phòng ở 55 quốc gia trên thế giới. Khách hàng của họ chủ yếu là các doanh nghiệp, nhất là loại doanh nghiệp có phương tiện thuê cố vấn rất đắt tiền.

Thế rồi vì nhu cầu tư vấn cho khách hàng, họ nghiên cứu các thị trường và tích lũy kinh nghiệm đa diện từ các nước lớn nhỏ, và còn công bố kết quả nghiên cứu. Việc đó có lợi cho Mckinsey vì giúp khách hàng hiểu biết hơn về môi trường kinh doanh và nếu có nhu cầu thì sẽ mời McKinsey làm cố vấn. Do đó, giá trị của công trình nghiên cứu là yếu tố quan trọng. Bây giờ, họ vừa công bố một kết quả nghiên cứu về kinh tế Việt Nam.
Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần hấp dẫn cho thính giả vì đề cập đến trường hợp Việt Nam. Thưa ông, nội dung kết quả nghiên cứu này gồm có những gì là đáng chú ý?
Nguyễn Xuân Nghĩa: McKinsey phổ biến phúc trình dày hơn 40 trang rất chuyên môn về kinh tế Việt Nam và giới thiệu phần tóm lược trên số mới nhất của tập Quý san McKinsey Quarterly. Nội dung kết quả nghiên cứu là "thời vàng son của kinh tế Việt Nam đã hết!" Dĩ nhiên là họ không nói phũ như vậy mà chỉ bảo rằng kinh tế Việt Nam đang hụt hơi – out of steam – và chỉ thấy thời tăng trưởng cao trong tấm kính chiếu hậu! Đấy là một thực tế.
Trên cơ sở của số liệu kinh tế do Việt Nam phổ biến, rất lịch sự, McKinsey trình bày các khó khăn trước mặt và trong lâu dài của xứ này. Nhưng, là doanh nghiệp có chức năng và kiếm tiền nhờ giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề, McKinsey mới nêu ra bốn hướng giải quyết cho chính quyền Việt Nam, chủ yếu tập trung vào việc nâng cao năng suất thay vì cứ ỷ vào lợi thế dân đông lương thấp để chiêu dụ khách hàng vì lợi thế ấy đã và đang mất dần....
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ tìm hiểu trước tiên về hiện tượng họ gọi là hụt hơi đó. Thưa ông, vì sao lại như vậy? Câu hỏi này rất đáng quan tâm khi mà lãnh đạo Việt Nam cũng đang ráo riết nói đến cải cách và tái cơ cấu giữa những khó khăn được cho là nguy kịch nhất từ 20 năm qua.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sống trong thế giới thật, các doanh nghiệp không thích khẩu hiệu để tự ru ngủ và cũng chẳng tin vào phép lạ của nghị quyết. Họ thực tế hay thành thật hơn nhiều!
McKinsey rà lại thành tích kinh tế của Việt Nam từ 1986 đến nay, tập trung vào năm năm sau cùng, và nhận định rằng sở dĩ Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao chính là nhờ 1) dân số gia tăng, 2) chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp qua chế biến và dịch vụ và 3) là nhờ năng suất. Họ còn phân định ra sức đóng góp của ba thành tố đó theo tỷ lệ 36, 30 và 34 cho đà tăng trưởng 7% một năm kể từ 2005 đến 2010.
Kế đó, họ nói chỉ tiêu tăng trưởng 7-8% cho đến năm 2020 như Đại hội XI đề ra từ đầu năm ngoái là vô vọng cũng do thay đổi trong cơ cấu dân số. Trong khi ấy, Việt Nam đang gặp thất lợi vì bối cảnh bất trắc của toàn cầu và nhất là vì bất ổn của chế độ quản lý kinh tế vĩ mô hiện nay. Sau cùng, nếu muốn tăng trưởng 7% thì Việt Nam chỉ có một cách là cải tiến năng suất. Căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế và lâu dài của mình, McKinsey cụ thể nêu ra bốn hướng giải quyết cho chính quyền Việt Nam nếu muốn có được tăng trưởng vững bền, là tựa đề của bản báo cáo.

Hiện trạng kinh tế VN


000_Hkg6786283-250.jpg
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 11 tháng 1 năm 2012. AFP photo
Vũ Hoàng:
Nếu ta hiểu không lầm thì McKiney đi từ quá khứ vàng son đến thực tại bất ổn và tương lai khó bền vững nếu Việ Nam không nâng cao năng suất. Khi đối chiếu với nhận định của Ngân hàng Thế giới về Trung Quốc thì hình như cả hai nền kinh tế này đều đã đi hết chu kỳ sáng láng và đang gặp vấn đề. Có phải như vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả là thế và ta nên mừng là thế giới có người cảnh báo như vậy, và mỉa mai thay, lời cảnh báo lại xuất phát từ những nơi mà lãnh đạo Việt Nam cứ mạ lỵ là "các thế lực thù địch"! Đúng là chuyện của người tỉnh và kẻ điên!
Trở lại chuyện Việt Nam, McKinsey nhìn vào sự bất ổn hiện tại, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để chẩn bệnh và cảnh báo. Căn cứ trên những gì đã xảy ra ở xứ khác vào thời khác, họ thấy ra triệu chứng báo hiệu những biến động tín dụng, ngân sách và ngoại hối mà Việt Nam sẽ gặp nay mai. Họ chẳng phê phán mà chỉ khách quan nói về chuyên môn. Thế rồi nhìn vào trường kỳ, cũng với lời lẽ lịch sự, họ khuyên Việt Nam nên thay đổi. Nếu không, thì từ nay đến năm 2020, đà tăng trưởng sẽ chỉ còn là 4,5 đến 5%, và kinh tế sẽ mất 30%, cụ thể là 46 tỷ đô la, và tiêu thụ sẽ hụt mất 31 tỷ. Và như vậy Việt Nam khó thoát khỏi bẫy xập lợi tức nên sẽ còn nghèo.
Vũ Hoàng: Trước khi ta nói đến cải tiến năng suất, McKinsey nhận định thế nào về hiện trạng kinh tế của Việt Nam?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đối chiếu tình hình Việt Nam với các nước Á châu và căn cứ trên 20 năm nghiên cứu về cải tiến năng suất tại hơn hai chục quốc gia trong 30 khu vực sản xuất khác nhau, McKinsey cho rằng Việt Nam phải chấn chỉnh lại hiện trạng bất ổn để có được nền móng lành mạnh và ổn định. Cụ thể thì không còn là lúc hỏi nhau rằng phải làm gì mà là làm thế nào. Đi vào thực tế, Việt Nam có bốn ưu tiên phải cải tiến thì về dài mới nâng cao được năng suất.
Vũ Hoàng: Đúng là cái nhìn tích cực của một cơ quan tư vấn khi họ nói ra là làm như thế nào. Thưa ông, cụ thể thì làm như thế nào trong bốn hướng mà McKinsey khuyến cáo?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Khuyến cáo thứ nhất là Việt Nam phải duy trì được quân bình vĩ mô và tài chính ngân hàng, điều này thì chính quyền đã biết và cũng biết sợ vì McKinsey nói trước về nguy cơ khủng hoảng. Thứ hai là phải tăng cường sức mạnh cho những thành tố có thể cải tiến năng suất. Trong các động lực của năng suất, vì nhược điểm nặng nhất của Việt Nam so với các xứ khác chính là giáo dục và hạ tầng cơ sở nên McKinsey đề ra một số giải pháp thiết thực cho hai lĩnh vực đó, với phần nhấn mạnh về đào tạo tay nghề và về kỹ nghệ du lịch.
Thứ ba, sau khi ổn định môi trường vĩ mô thì chính quyền phải tinh vi kiểm lại xem khu vực nào có tầm quan trọng nhất để cải tiến năng suất mà tập trung khai thông trở ngại và ra sức yểm trợ các khu vực đó. McKinsey nêu ra bốn khu vực đáng chú ý là 1) thủy sản, 2) là ở nhà mà làm gia công cho thiên hạ về công nghệ điện tử, 3) là nâng trình độ trong khu vực chế biến lên cấp cao hơn và sau cùng, 4) là cải tiến hiệu năng tiêu thụ điện lực để giảm số cầu.
Khuyến cáo thứ tư là chính phủ phải tiếp tục cải tiến hiệu năng quản lý của khu vực nhà nước. Về phần này, họ nhắc đến việc quản lý doanh nghiệp nhà nước và tăng cường khả năng thực thi các quyết định cùng khả năng ứng phó mau lẹ với những đòi hỏi của tình hình. Đáng chú ý trong khuyến cáo này là lời ngầm khuyên về nhu cầu quan niệm lại vai trò của nhà nước trong kinh tế và nỗ lực giải quyết những vấn đề ngày một tinh tế và phức tạp hơn của quản lý và cai trị.
Vũ Hoàng: Theo như chúng ta hiểu, McKinsey có thân chủ là các doanh nghiệp mà hình như nội dung báo cáo lại hướng vào những chính sách ứng phó cần thiết của chính quyền. Với các doanh nghiệp quốc tế và Việt Nam thì họ có khuyên gì không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rất ngắn gọn là đừng tưởng bở!
Nhiều doanh nghiệp quốc tế nghĩ đến việc đầu tư vào Việt Nam như cách thủ thế để tránh rủi ro trên thị trường Trung Quốc. Thật ra, Việt Nam đang có thực tại đầy biến động và tương lai là một đà tăng trưởng chậm hơn. Vì vậy, trong phần kết luận họ khuyên cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân ở Việt Nam lẫn các công ty đa quốc của thế giới là phải cải tiến khả năng cạnh tranh, phải linh động ra soát tình hình thực tế và góp phần yểm trợ lẫn tác động để chính quyền Việt Nam phải nâng cao năng suất.

Để kết luận, tôi cho rằng McKinsey rất nhã nhặn nói đến sự bất toàn kinh tế của Việt Nam và rất chuyên môn chỉ ra cái hướng thoát hiểm mà các xứ khác đều đã gặp và Việt Nam sẽ gặp. Còn lại, có tin tưởng và dám cải cách không thì tùy trình độ và nói cho cùng, với loại doanh nghiệp như McKinsey thì Việt Nam là một thị trường nhỏ, đang mất dần những ưu thế rất giai đoạn vừa qua và nếu không cải tiến thì sẽ tụt hậu, thiên hạ sẽ đi nơi khác.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về đề tài khá phức tạp này.

Xe cháy nổ là do xăng?

Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2012-01-20
Nhiều vụ xe máy nổ cháy, xảy ra gần đây khiến dư luận thắc mắc về việc gian thương vì ham tiền mà bán rẻ lương tâm, xem nhẹ mạng sống con người.
AFP photo
Một điểm bán xăng lẻ ở TPHCM

Dân lãnh đủ

Bao nhiêu thắc mắc được người dân nêu lên, phải chăng vì doanh nghiệp pha trộn quá nhiều chất methanol hay acetone, được xem là một cách “rút ruột xăng dầu”, gây ra những tai họa ấy, ngành chức năng có cách nào xử lý việc chế biến và bày bán xăng dỏm?
Theo giới tiêu thụ thì nếu cố tình sử dụng xăng A 83, rồi pha trộn với các nhiên liệu rẻ tiền khác, sau đó bán ra với giá của xăng A 92 thì mỗi cây xăng có thể kiếm thêm dễ dàng từ 10 đến 15 triệu đồng, mỗi ngày. Như vậy, nếu pha chất methanol, lợi nhuận thu về còn cao gấp bội, có nghĩa là các chủ cây xăng làm ăn không ngay thẳng thu về lợi nhuận hàng tháng từ 300 tới 400 trăm triệu đồng.
Được biết, Methanol là chất không màu, bốc hơi nhanh, khả năng cháy cao, làm nồng độ xăng tăng cao, phù hợp cho việc sản xuất nhiên liệu cho động cơ. Ngày nay, các hãng xe Âu, Mỹ, Ý, Nhật đã quyết định ngăn ngừa việc sử dụng methanol trong nhiên liệu.
Methanol có tính độc hại rất cao, với từ một đến hai ml trên mỗi kg trọng lượng trong cơ thể con người, có thể dẫn đến tử vong. Đối với các loại xe thì Methanol có thể làm hỏng lớp sơn thùng xăng, hỏng đường ống cao su dẫn xăng, gây hoen rỉ bình xăng.
Qua câu chuyện với nhà báo, các doanh nghiệp đầu mối ngành xăng dầu đều giải thích rằng, chất lượng xăng dầu do họ bán ra đều đạt tiêu chuẩn do nhà nước quy định, nếu có chuyện làm ăn gian đối, pha trộn xăng dỏm là do mưu chước của các cửa hàng bán lẻ tư nhân.
Từ Saigon, ông Trần Bá Tước, chuyên gia kinh tế, tài chánh, nói lên quan điểm của ông về những vụ hỏa hoạn xảy ra nơi các loại xe gắn máy, mà người ta nghi là do xăng dỏm:
“Trên một cái tỷ lệ nào đó thì con số đó cũng không phải là lớn lắm, nhưng dĩ nhiên chắc chắn là phải có vấn đề, tôi cũng đang xem xét, theo dõi, chứ không thể có kết luận nào rõ ràng.”
VNExpress đưa tin, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu 4 bộ truy tìm nguyên nhân cháy xe, các sở khoa học và công nghệ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, được giao công tác thanh, kiểm tra các cơ sở xăng dầu, lấy mẫu xăng, mang đi kiểm định, báo cáo kết quả và xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại.
Chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước cho biết ý kiến của ông về thông tin này:
“Đó là vai trò của nhà nước, để nhà nước lo và sẽ thông báo kết quả cho người dân biết. Hiện nay, xăng nhớt ở Việt Nam đâu phải do cùng một nguồn mà ra đâu? Xăng mà người là gọi là “cọc cạch” thì người ta đâu biết nó là gì? Giá xăng đó lại rẻ hơn xăng mua từ cây xăng, thì rõ ràng nó phải có vấn đề và làm cho người dân bức xúc, nhưng hiện nay chưa có gì rõ ràng, bởi vì nếu nói là pha xăng dỏm, thì bao nhiêu người đổ mà nó chỉ cháy từng đó xe, thì đúng là có cái gì đó mà người ta chưa giải thích được.”

Ai chịu trách nhiệm?


chay-no-xe-250.jpg
Chiếc xe Mercedes cháy rụi trên đường Nguyễn Xiển thuộc quân Thanh Xuân, Hà Nội.
Kỹ sư Trọng Thắng, một người dân Hà Nội quan tâm đến chuyện xăng dỏm, cho rằng có nhiều nguyên nhân khác gây ra xe nổ cháy, tuy nhiên cho dù âu lo thì cũng rất khó tránh, một khi tai họa xảy đến bất chợt:
“Thật ra thì bây giờ người ta mới nói đến nhiều chứ trước đây đã có những vụ cháy xe bình thường như thế rồi, khi nghe nói tới nhiều thì người dân đâm ra lo, vì Tết nhất đến nơi rồi. Cũng có thể là do xăng, cho nên người ta mang xăng dầu đi kiểm tra, nhưng không chắc hoàn toàn là do xăng đâu. Có khi là do thù oán cá nhân, hay do chuột cắn dây điện xe máy. Nhà nước cần phải kiểm tra nhiều hơn, vì lo thì người ta vẫn lo, nhưng rồi ai cũng cần phải dùng xe mà.”
Dư luận thì cho rằng, giá xăng dầu ngày cứ một nhích lên hoài là gánh nặng của người dân lao động, thấp cổ bé miệng, trong khi đó gian thương thì vẫn xoay đủ mọi cách để rút ruột từ những công trình xây dựng, cầu đường đến xăng dầu, ai phải chịu trách nhiệm trước những vụ xe máy cháy liên miên? Người dân có đặt tin tưởng vào hiệu lực của các cơ quan chức năng hay không?
Ông Tấn Tài, một người trong giới tiêu thụ ở Cần Thơ nói với RFA là người dân không tin là mình được bảo vệ:
“Dù có thanh tra, kiểm tra hay gì đi nữa thì mọi việc cũng bình thường, khắc phục cái gì, khắc phục sao đây? Đó là chuyện phải làm, hay làm cho có làm, cũng có thể đem vài con cá nhỏ làm chốt để thí vậy thôi, chả có tác dụng gì đâu. Người ta có tìm ra một số nguyên nhân gây cháy, như những chiếc xe ráp trong nước, có lỗi kỹ thuật, rồi dùng xăng kém chất lượng, có nhiều thứ, chứ không phải chỉ một thứ. Nhưng nguyên do quan trọng nhất vẫn là do xăng gây ra, đối với người tiêu dùng thì nói vậy thôi, chứ biết ai bảo vệ cho ai.”
Báo điện tử của chánh phủ loan tin cho hay từ ngày 16 tháng giêng đến ngày 31 tháng 3, 2012, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thực hiện việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp trong lãnh vực này. Người dân trông chờ để sớm biết rõ sự thật quanh những vụ xe bốc cháy, nhưng không biết đến bao giờ và sự thật ra sao?

Malaysia biểu tình đòi đóng cửa nhà máy khai thác đất hiếm của Úc

RFA 26.02.2012Hàng ngàn người Malaysia tập trung biểu tình phản đối một nhà máy khai thác đất hiếm của Australia và tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy này.
AFP PHOTO
Đất hiếm được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Hơn 5 ngàn người đã tập trung tại nhà máy Lynas của Australia nơi sắp hoàn thành một loạt cơ sở sản xuất và chế biến đất hiếm được chính phủ Malaysia cho phép.
Nhóm người này đòi đóng cửa nhà máy Lynas vì cho rằng trong khi sản xuất loại khoáng sản này thì phóng xạ sẽ lan tỏa vào lòng đất và nguồn nước ngầm sẽ bị ô nhiễm gây hại cho cư dân trong vùng.
Ông Anwar Ibrahim, một lãnh đạo đối lập của Malaysia có mặt trong đoàn người biểu tình cho biết đảng đối lập của ông ta chiếm hơn 1/3 ghế trong quốc hội sẽ bác bỏ giấy phép cấp cho công ty Lynas.
Trong khi đó hãng Lynas nhấn mạnh nhiều lần rằng các công đoạn chế biến đất hiếm của họ là an toàn và được kiểm soát nghiêm ngặt trong một quy trình khoa học.
Chính phủ Malaysia cũng có cùng nhận định với hãng Lynas nhưng dân chúng vẫn không ngớt chống đối. Vào năm 1992 tại một khu vực nằm về phía bắc của Perak một nhà máy chế biến đất hiếm đã bị đóng cửa sau khi nhiều cuộc biểu tình xảy ra vì cho rằng chất thải của nhà máy này làm giảm dân số trong vùng vì những chứng bệnh liên quan đến thai sản.

Có gì mới trong hợp tác Việt Úc?

Việt Hà, phóng viên RFA
2012-03-02
Ngày 21/2 vừa qua, đối thoại chiến lược ngoại giao quốc phòng lần đầu tiên giữa VN và Úc đã diễn ra tại Canberra, Úc, cho thấy mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
Photo: Commonwealth of Australia
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Stephen Smith và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh trao quà tặng tại cuộc đàm phán song phương ở Canberra, Úc hôm 21/02/2012.

Những tiềm năng

Những điểm gì mới trong quan hệ hợp tác hai nước? Và đâu là những tiềm năng cũng như trở ngại trong quan hệ hai nước? Để tìm hiểu vấn đề này, Việt Hà của đài chúng tôi có bài phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc. Trước hết nói về những lợi ích mà Việt Nam và Úc đạt được trong quan hệ chiến lược với Úc, giáo sư Carl Thayer phát biểu:
GS Carl Thayer: Mối quan hệ hợp tác này giúp cho quyền lợi của cả hai nước. Úc ủng hộ việc Việt Nam tham gia vào WTO, là thành viên không thường trực của hội đồng bảo an, đổi lại, Việt Nam ủng hộ Úc mạnh mẽ trong ASEAN, đặc biệt là thời kỳ Mahathir Mohamad đang nắm quyền ở Malaysia, khi có nhiều khó khăn, rồi khi thượng đỉnh đông á thành hình và các thành viên ASEAN muốn mở rộng thượng đỉnh này bao gồm cả Úc và Newzealand thì Việt Nam cũng ủng hộ mạnh mẽ. Cho nên Việt Nam nhìn thấy ở Úc một đối tác luôn sẵn sàng hợp tác trong khu vực và giúp đỡ lẫn nhau và do đó giúp gạt bỏ những khó khăn vì Việt Nam ủng hộ vai trò của Úc trong khu vực.
Việt Hà: Liên quan đến hợp tác quốc phòng hai nước, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của quan hệ này kể từ năm 1999 đến nay?
Việt Nam nhìn thấy ở Úc một đối tác luôn sẵn sàng hợp tác trong khu vực và giúp đỡ lẫn nhau và do đó giúp gạt bỏ những khó khăn vì VN ủng hộ vai trò của Úc trong khu vực.
GS Carl Thayer
GS Carl Thayer: Năm 1999 là năm hai nước bắt đầu thiết lập quan hệ quốc phòng, cho đến nay Úc là nước có thể coi là đứng đầu hoặc đứng thứ hai trong việc đào tạo sĩ quan cho Việt Nam ở nhiều cấp từ cấp sĩ quan thấp theo học ở các trường đại học cho đến cấp tham mưu tức là trung cao cấp. Sĩ quan Việt Nam được cấp học bổng theo học tại Úc. Úc cũng tài trợ cho các khóa học về quân sự khác như tình báo, hậu cần, các hội thảo về vũ khí hóa học, chống sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt… Đồng thời Úc cũng tham gia vào các diễn đàn đa biên trong khu vực ASEAN. Úc cung cấp tài chính cho việc đào tạo những giảng viên cho Việt Nam, dạy tiếng Anh cho các sĩ quan Việt Nam để họ có thể tự tin và giao tiếp được với các đối tác trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho các hợp tác quốc phòng sau này.
Việt Hà: Vậy Úc được lợi gì từ hợp tác quốc phòng với Việt Nam?
GS Carl Thayer: Không có vấn đề quốc phòng nào có thể được giải quyết bởi chỉ một nước, các nước cần hợp tác, có rất nhiều hợp tác về quân sự cho các nước ví dụ như cứu trợ thảm họa, hay trong việc chống sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng điều quan trọng hơn cả là xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng vì quốc phòng cũng đóng vai trò chính trị ở Việt Nam, cho nên hợp tác này có thể là cơ sở để Úc có thể tạo ảnh hưởng lên chính phủ Việt Nam, hay ảnh hưởng đến Việt Nam trong một số vấn đề.

20120221adf201084LJB_010-250.jpg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Stephen Smith và Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trao quà tặng tại cuộc đàm phán song phương ở Canberra, Úc hôm 21/02/2012. Photo: Commonwealth of Australia.
Thứ hai nữa là nếu nhìn vào khu vực xung quanh thì chúng ta thấy là Việt Nam là một nước đang nổi lên do yếu tố kinh tế, và cũng là một người chơi quan trọng, xu hướng này có nhiều khả năng sẽ tiếp tục. Việt Nam đang cố gắng hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó thì Úc cũng có những hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với các nước trong khu vực và đó là vì lợi ích của chính nước Úc.
Việt Hà: Vậy vấn đề tranh chấp trên biển Đông đóng vai trò thế nào trong quan hệ quốc phòng hai nước?
GS Carl Thayer: Trước hết, tất cả các nước sử dụng biển Đông bao gồm Việt Nam và Úc đều có chung quyền lợi tức là đảm bảo thông thương trong khu vực này, và Úc không muốn đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Mặc dù vậy, Úc cũng như nhiều nước khác luôn khẳng định phải đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu bè đi lại, và máy bay bay qua khu vực này. Úc phối hợp với các nước chia sẻ cùng quan điểm này, và đẩy mạnh hợp tác an ninh hàng hải. Úc muốn hướng tới các hợp tác thực tế, tức là đảm bảo các tàu thuyền hoặc hoạt động quân sự của các nước trong khu vực bao gồm cả Trung Quốc phải tuân thủ luật quốc tế. Có rất nhiều các sự kiện xảy ra trong khu vực này thời gian gần đây được bắt đầu bởi Trung Quốc. Úc làm việc với Việt Nam và các nước ASEAN khác và muốn thấy có cách nào đó hạn chế những hành động gây hấn này của Trung Quốc.

Cần tăng hợp tác quân sự

Việt Hà: Úc đã có những hoạt động tập trận chung với một số nước ASEAN, theo ông, Việt Nam có thể sớm tham gia các hoạt động chung này với Úc và các nước khác?
Việt Nam cũng cần phải tăng cường khả năng của mình và họ không muốn cảm thấy phải xấu hổ khi tham gia các cuộc tập trận.
GS Carl Thayer

GS Carl Thayer: Việt Nam đang rất thận trọng trong việc tham gia các hoạt động quân sự chung với các nước. Cho đến giờ Việt Nam chỉ có hoạt động phối hợp tuần tra chung với Trung Quốc trên vịnh bắc bộ, và cũng chỉ là các hoạt động cứu nạn mà thôi. Tàu Úc có ghé thăm Việt Nam hàng năm nhưng chưa có các hoạt động chung với Việt Nam, theo tôi được biết thì là như vậy. Nhưng trong khu vực ASEAN rộng lớn hơn thì khác, vì ASEAN đang mở rộng và Australia cũng tham gia vào khu vực. Chúng ta nghe nói đến tập trận hổ mang vàng giữa Úc và các nước trong khu vực, Việt Nam có cử người đến quan sát nhưng không tham gia. Với các hoạt động chung về cứu nạn trên biển do thảm họa thì ngay cả Miến Điện cũng tham gia với Úc. Cho nên nếu có các hoạt động quân sự chung xảy ra thì chủ yếu cũng chỉ là cứu trợ, cứu nạn trong thảm họa, vì nói ít gây tranh cãi hơn.
Việt Hà: Ông nói đến các hoạt động ít gây tranh cãi hơn, tức là không phải các cuộc tập trận thực sự, vậy có phải là do yếu tố Trung Quốc hay còn một lý do nào khác?
GS Carl Thayer: Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây Việt Nam mới bắt đầu gửi tàu đến thăm Thái Lan hay Malaysia, Trung Quốc, đó là những hoạt động mà Việt Nam có thể làm, Việt Nam cũng cần phải tăng cường khả năng của mình và họ không muốn cảm thấy phải xấu hổ khi tham gia các cuộc tập trận.

20120221adf201084LJB_012-250.jpg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Stephen Smith và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tại cuộc đàm phán song phương ở Canberra, Úc hôm 21/02/2012. Photo: Commonwealth of Australia.
Đã có nguồn tin nói rằng tàu Mỹ đã từng ghé thăm Việt Nam và mời tàu Việt Nam ghé thăm lại nhiều lần nhưng Việt Nam cũng rất cẩn trọng về vấn đề này. Theo thời gian thì Việt Nam cũng sẽ hiện đại hóa được quân đội của mình, họ đã mua tàu chiến hiện đại. Tất nhiên chúng ta cũng phải nghĩ đến Trung Quốc, một cuộc tập trận thực sự trên biển sẽ bao gồm tàu ngầm của Úc tham gia vào trận chiến giả và Việt Nam phải tìm cách chặn và mục đích chính là để tăng cường khả năng đánh chặn cho Việt Nam với tàu ngầm Trung Quốc, và Trung Quốc tất nhiên sẽ không hài lòng chút nào. Xét về mặt chính trị thì khó có thể xảy ra một cuộc tập trận như vậy.
Việt Nam phải rất cẩn thận khi chơi với lửa, những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc đã nhiều lần đưa ra các bình luận trên tờ Hoàn cầu thời báo như là một cách để tạo sức ép lên Việt Nam. Bản thân Trung Quốc cũng đã nhiều lần cảnh báo các nước, trong đó có Việt Nam cẩn thận không nên sử dụng các nước khác chống lại Trung Quốc. Do đó Úc và Việt Nam phải cân nhắc Trung quốc, không để Trung Quốc nổi giận.