Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Ông Putin nhậm chức Tổng thống Nga


Cập nhật: 11:12 GMT - thứ hai, 7 tháng 5, 2012
Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Putin
Ông Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba tại Điện Kremlin ở Moscow.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Ông Vladimir Putin đã nhậm chức tổng thống Nga trong một buổi lễ long trọng tại thủ đô Moscow.
Ông Putin trở lại làm tổng thống sau thời gian vắng mặt bốn năm khi ông giữ chức vụ thủ tướng. Tổng thống mãn nhiệm, Dmitry Medvedev, được xem là một đồng minh của ông Putin.
 
Ông Putin đắc cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ ba trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng Ba.
Ngày Chủ nhật, hàng ngàn người biểu tình phản đối lễ nhậm chức đã đụng độ với cảnh sát ở Moscow.
Ông Putin đã tuyên thệ tổng thống tại Điện Kremlin, trong một hội trường từng là nơi đặt ngai vàng của các Nga hoàng.
Trong một diễn văn ngắn, ông nói rằng nước Nga đang "đi vào một giai đoạn mới phát triển quốc gia".
"Tôi coi đó là ý nghĩa suốt đời của tôi và nghĩa vụ của tôi là để phụng sự tổ quốc và nhân dân."
Tổng thống Nga Vladimir Putin
"Chúng ta sẽ phải quyết định các nhiệm vụ ở một cấp độ mới, một chất lượng và quy mô mới. Những năm tới sẽ là quyết định cho số phận của nước Nga trong nhiều thập niên tương lai."
Ông nói ông Medvedev đã tạo ra một động lực mới để hiện đại hóa, và cuộc "chuyển đổi" của nước Nga phải tiếp tục.
Ông cũng nói về sự cần thiết phải củng cố dân chủ và các quyền hiến pháp Nga.
"Tôi coi đó là ý nghĩa suốt đời của tôi và nghĩa vụ của tôi là để phụng sự tổ quốc và nhân dân," ông Putin nói.
"Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu của mình nếu chúng ta kết thành một khối, đoàn kết mọi người - nếu chúng ta giữ gìn Tổ quốc thân yêu của chúng ta, tăng cường nền dân chủ Nga, các quyền hiến định và tự do."
'Tốn kém, xa xỉ'
Buổi lễ nhậm chức của ông Putin
Kinh phí buổi lễ nhậm chức tổng thống và chào mừng ông Putin lên tới gần 1 triệu đôla
Cử tọa tại Điện Kremlin bao gồm cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, góa phụ của Tổng thống đầu tiên của nước Nga, Naina Yeltsin, và bốn ứng cử viên tổng thống thất cử.
Nếu hoàn tất nhiệm kỳ sáu năm của mình, ông Putin sẽ là lãnh đạo Nga cầm quyền lâu nhất tính từ thời của cố lãnh đạo tối cao của Liên Xô cũ, Joseph Stalin, theo phóng viên BBC Steve Rosenberg tại Moscow.
Tuy nhiên, ông Putin phải đối mặt với nhiều vấn đề, hệ thống chính trị mà ông tạo ra đã đang bộc lộ những rạn nứt, tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ chậm lại, và bạo lực ở vùng Bắc Kavkaz nhiều bất ổn tiếp tục, phóng viên của chúng tôi nói thêm.
Chi phí cho buổi lễ hôm thứ Hai được ước tính khoảng 20 triệu rouble (hay 664.000 đôla), một nửa trong đó để làm huy chương kỷ niệm cho khách khứa.
Ngoài ra, một bữa tiệc trị giá 12 triệu rouble sẽ được tổ chức để chào mừng Tổng thống Putin.
Biểu tình phản đối
Việc ông Putin sẽ xử lí‎‎‎ ra sao làn sóng các cuộc biểu tình phản đối nổ ra từ cuối tháng Mười Hai sẽ là một thử thách quan trọng đối với chính quyền của ông, vẫn theo phóng viên của chúng tôi.
Cảnh sát chống bạo động Nga
Đông đảo cảnh sát và lực lượng chống bạo được huy động bảo vệ buổi lễ ở Kremlin hôm thứ Hai
Đông đảo cảnh sát hiện diện trong buổi lễ ở điện Kremlin hôm thứ Hai và một số người biểu tình chống ông Putin đã bị bắt giữ.
Cuộc biểu tình lớn hơn hôm Chủ nhật phản đối lễ nhậm chức đã diễn ra ôn hòa cho đến khi một nhóm nhỏ người biểu tình cố gắng vượt qua hàng rào các cảnh sát chống bạo động.
Một số người phản đối đã biểu tình ngồi bên cạnh các hàng rào cảnh sát, và từ chối rời đi trừ khi buổi lễ nhậm chức bị hủy bỏ.
Họ cũng đòi hỏi một giờ phát sóng truyền hình và yêu sách về các cuộc bầu cử mới.
Các nhà hoạt động đối lập nổi bật Alexei Navalny, Sergei Udaltsov và Boris Nemtsov ở trong số hàng chục người bị bắt giữ.
Một cuộc biểu tình hậu thuẫn ông Putin cũng diễn ra tại thủ đô.

TQ và Mỹ muốn tránh chiến tranh mạng


Cập nhật: 14:33 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng TQ sang Mỹ kể từ năm 2003.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc nói rằng họ sẽ làm việc với nhau về chủ đề an ninh mạng, bất chấp những cáo buộc rằng Trung Quốc là nguồn chính có các cuộc tấn công mạng chống Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã gặp người tương nhiệm phía Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Washington vào ngày thứ Hai.
 
Ông nói để hai bên làm việc cùng nhau nhằm "tránh một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này" là "cực kỳ quan trọng"
Ông Lương phủ nhận rằng Trung Quốc là nguồn chính của các cuộc tấn công mạng chống lại Hoa Kỳ.
Tránh khủng hoảng
"Tôi khó có thể đồng ý với đề xuất rằng các cuộc tấn công mạng trực tiếp nhắm vào Hoa Kỳ đến trực tiếp từ Trung Quốc," ông nói.
Ông Panetta đã thừa nhận rằng các nước khác cũng tham gia vào việc tấn công mạng.
"Tôi khó có thể đồng ý với đề xuất rằng các cuộc tấn công mạng trực tiếp nhắm vào Hoa Kỳ đến trực tiếp từ Trung Quốc"
Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
"Vì Hoa Kỳ và Trung Quốc đã phát triển hạ tầng và chuyên môn công nghệ trong lĩnh vực này, chúng tôi cho rằng sẽ cực kỳ quan trọng để hai phía làm việc với nhau nhằm đưa ra những cách để tránh bất kỳ tính toán sai lầm cũng như ngộ nhận mà có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này", ông Panetta nói.
Một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ vào năm ngoái cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin công nghệ nhạy cảm phục vụ mục đích kinh tế. Các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc tham gia hoặc hỗ trợ mạng cho tin tặc và nói rằng các hoạt động này thường là vô danh và khó theo dõi.
Ông Lương và ông Panetta cũng đã thảo luận một loạt các vấn đề khác, kể cả tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, và chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sang Hoa Kỳ kể từ năm 2003.
Vụ bỏ trốn đầy kịch tính của nhà hoạt động Trung Quốc, ông Trần Quang Thành, vào Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gần đây đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cả khi giới lãnh đạo cao cấp của hai quốc gia đang hội đàm thương mại và chiến lược thường niên.
Giới quan sát nói cuộc hội đàm tại Bắc Kinh của giới lãnh đạo Bắc Kinh trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, với mục đích tập trung vào các vấn đề như Bắc Hàn và Syria đã bị phủ bóng mờ do sự kiện Trần Quang Thành

Ngải Vị Vị được quyền khiếu nại tòa


Cập nhật: 16:10 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Ông Ngải đã phải nộp 1,3 triệu đôla tiền thế chấp vào tháng Một để tòa mở phiên này
Nghệ sĩ và nhà hoạt động chính trị Trung Quốc Ngải Vị Vị được thông báo rằng ông có thể khiếu nại phán quyết của tòa liên quan tới hóa đơn thuế rất lớn.
Ông bị buộc tội trốn thuế liên quan đến công ty thiết kế Fake Cultural Development Ltd. trong năm 2011 và được lệnh phải trả 2,4 triệu đôla tiền phạt.
 
Nghệ sỹ 54 tuổi nói việc ông bị phạt là việc làm trả đũa đối với những hoạt động chính trị của ông.
Ông đã phải nộp 1,3 triệu đôla tiền thế chấp vào tháng Một để tòa tiến hành các thủ tục theo đó ông có thể khiếu nại.
Một tòa án ở Bắc Kinh nói nay họ sẽ nghe lập luận của ông trong vụ này.
Hiện chưa rõ liệu chính ông Ngải sẽ ra tòa hay không. Ông là nhà thiết kế cho Fake Cultural Development Ltd. nhưng không phải là đại diện pháp luật của công ty này.
Nổi tiếng thế giới
Nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nói với BBC rằng ông rất ngạc nhiên khi các nhà chức trách đã đồng ý để ông khiếu nại quyết định của tòa.
Ông Ngải đã sử dụng danh tiếng quốc tế của mình để chỉ trích hoạt động kiểm soát của chính phủ Trung Quốc cũng như thực trạng lạm dụng và vi phạm nhân quyền.
Tháng Tư năm ngoái, ông bị bắt và bị giam giữ trong 81 ngày tại một địa điểm bí mật.
Nhà chức trách đưa cho ông trát nộp phạt khi thả ông hồi tháng Sáu, nhưng ông vẫn tiếp tục dùng mạng xã hội Tweeter để nhắn tin và nói chuyện với truyền thông quốc tế.
Sau đó ông bị buộc tội trốn thuế.
Nhà chức trách Trung Quốc duy trì lập trường rằng công ty của ông nợ họ tiền và phải trả khoản tiền này.

So sánh cải tổ chính trị ở VN và TQ



Cập nhật: 21:31 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Nhiều trí thức Trung Quốc cho rằng nước họ phải học Việt Nam về cải tổ chính trị
Kể từ năm 2006, cải tổ chính trị ở Việt Nam đã được thực hiện theo cách tương tự ở Trung Quốc trong nửa cuối thập niên 1980 trước khi tàn sát Thiên An Môn năm 1989 làm mọi sự chựng lại.
Đặc biệt, một cơn sốt truyền thông còn mô tả Việt Nam là đi trước Trung Quốc về cải tổ chính trị, sau khi Quốc hội Việt Nam bác bỏ đề nghị của chính phủ về hệ thống đường sắt cao tốc năm 2010. Giới cải cách Trung Quốc xem vụ này là tiến bộ rất đáng kể trong quá trình xây dựng cơ chế kiểm tra ở tầng mức cao nhất trong chính trị Việt Nam. Nhiều người Trung Quốc tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sớm cho phép để hai người nắm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, giống như ở Việt Nam.
Trước đó, người Trung Quốc còn ca ngợi tiến bộ của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực cải tổ lớn: tranh đua chức Tổng Bí thư, bầu trực tiếp Đại biểu Quốc hội (người Trung Quốc được cho hay một số ứng viên độc lập đã giành được ghế trong Quốc hội), và Quốc hội Việt Nam bác bỏ một số ứng viên bộ trưởng do Thủ tướng đưa ra. Báo chí Trung Quốc nói với độc giả rằng các phiên họp Quốc hội Việt Nam có thể xem trực tiếp, và không phải chuyện hiếm khi các quan chức cao cấp lúng túng, toát mồ hôi trước câu hỏi khó của dân biểu.
Ai ngưỡng mộ ai?
Mặt khác, một số người Việt lại có thể nói rằng thay đổi chính trị ở Trung Quốc đáng được Việt Nam ngưỡng mộ. Trung Quốc đã bỏ tù vài thành viên Bộ Chính trị và tử hình nhiều cán bộ ở cấp bộ trưởng, cấp tỉnh vì tham nhũng. Suốt nhiều thập niên, nông dân Trung Quốc được phép bầu trưởng thôn và bí thư xã cũng được chọn một cách cạnh tranh, trong khi ở Việt Nam, những việc như thế chỉ mới được thí điểm.
Một người bạn Việt Nam bảo tôi rằng sự ngưỡng vọng lẫn nhau như thế có thể xem là hội chứng “cỏ nhà người khác xanh hơn”. Tôi đồng ý, vì ở cả hai nước, đảng cộng sản không tỏ ra có dấu hiệu sẵn sàng chia sẻ quyền lực với người khác. Một dấu hiệu cho thấy cả hai đảng sẵn sàng ở lại nắm quyền vĩnh viễn là sự hình thành “thái tử đảng” ở cả Hà Nội và Bắc Kinh. Một lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nói ngay từ thập niên 1980, trước khi Liên Xô sụp đổ, rằng “chúng ta chỉ có thể tin con cháu của mình”. Sự thách thức mang tính tổ chức chống lại Đảng bị loại hẳn ở hai nước và thường bị trừng phạt nhanh chóng. Nghề báo cũng là nghề nguy hiểm nhất. Kết quả là, ở cả hai nước, khủng hoảng xã hội đã hằn sâu thêm như các vụ tranh chấp đất gần đây ở Ô Khảm và Tiên Lãng.
Dân làng Trung Quốc đã có thể tự bầu trưởng thôn
Với những sự tương tư căn bản như trên, có vẻ hài hước khi bàn nước nào “tiến bộ hơn” về cải tổ chính trị. Nhưng tôi vẫn phải nói rằng thảm cỏ dân chủ ở Việt Nam dường như xanh hơn Trung Quốc một chút, đặc biệt khi xét về tiềm năng tương lai. Niềm tin này chủ yếu được củng cố bằng việc so sánh hiến pháp hai quốc gia.
Cải tổ chính trị ở Việt Nam gặp ít hạn chế hiến pháp hơn, nếu ta so sánh những điều quan trọng nhất trong phần đầu của hai bản hiến pháp. Tôi ngạc nhiên khi biết câu nói “Của dân, do dân và vì dân” của Abraham Lincoln được nhắc lại y chang trong Hiến pháp Việt Nam. Nó cũng nói “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp Việt Nam còn nhấn mạnh “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, mở ngỏ để có thể giải thích rõ hơn về tam quyền phân lập. Những từ này không hề có trong Hiến pháp Trung Quốc.
So sánh Hiến pháp
Hiến pháp Việt Nam không nhấn mạnh bản chất “xã hội chủ nghĩa” của nhà nước”. Nhưng Hiến pháp Trung Quốc, ngay điều đầu tiên, không chỉ tuyên bố Trung Quốc là “nhà nước xã hội chủ nghĩa” mà còn cảnh cáo ngăn cấm việc “phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa”. Hiến pháp Trung Quốc đòi hỏi nhân dân Trung Quốc “chiến đấu chống lại các thế lực, ở cả trong nước và nước ngoài, thù địch và có ‎ định phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”. Trong khi đó, điều đầu tiên của Hiến pháp Việt Nam chỉ nói “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Ở điều Ba, Việt Nam chỉ nói “nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân” mà không nhắc đến “chủ nghĩa xã hội”.
"Hiến pháp Trung Quốc nhấn mạnh đấu tranh giai cấp sẽ tồn tại thời gian dài, còn của Việt Nam không thấy nhắc đến từ này. Việc đưa cụm từ này vào hiến pháp cho thấy Đảng Cộng sản cố tình đặt tiền đề cho việc đàn áp lớn ở trong nước."
Một điều khác có thể so sánh là quan niệm “đấu tranh giai cấp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”. Hiến pháp Trung Quốc nhấn mạnh đấu tranh giai cấp sẽ tồn tại thời gian dài, còn của Việt Nam không thấy nhắc đến từ này. Việc đưa cụm từ này vào hiến pháp cho thấy Đảng Cộng sản cố tình đặt tiền đề cho việc đàn áp lớn ở trong nước.
So sánh hai hiến pháp, ít nhất về mặt ngôn từ, có vẻ như ở Việt Nam, những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa lập hiến và bản chấp trung lập của nhà nước được tôn trọng nhiều hơn – vì thế có nhiều khoảng trống hơn cho cải tổ chính trị tiếp theo. Hiến pháp Trung Quốc phản dân chủ hơn. Ở Trung Quốc gần đây, một số trí thức đề nghị lập ra “chính thể một đảng lập hiến”, rõ ràng lấy cảm hứng từ “chế độ quân chủ lập hiến” để thỏa hiệp giữa chế độc độc đảng và dân chủ. Nếu thực sự có một chính thể lạ đời như vậy, Việt Nam có thể sẵn sàng hơn một chút và Bắc Kinh chắc chắn sẽ học gì đó từ Hà Nội.
Ngoài ra, tôi lạc quan về Việt Nam hơn một chút khi so sánh sự biến đổi xã hội hậu cộng sản ở hai nước. Ở đây, “hậu cộng sản” ám chỉ việc từ bỏ các học thuyết Stalin-Mao-it, cải tổ kinh tế và mở cửa với thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vượt qua điểm bế tắc năm 1989 cùng khủng hoảng chính thể kèm theo sau đó, và nay tự tin hơn khi Trung Quốc nhanh chóng trở thành tân siêu cường. Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai nói với thế giới rằng họ đã tìm ra con đường hiện đại hóa mới bằng cách bác bỏ dân chủ và tự do. Ôn Gia Bảo – thủ tướng ít quyền lực – là lãnh đạo duy nhất còn cổ vũ “cải tổ chính trị”. Chẳng ai nói theo ông. Trong phiên họp gần đây của Quốc hội Trung Quốc, “cải tổ chính trị” gần như trở thành cấm kị.
Nhiều người dễ nói với bạn rằng ở Trung Quốc hôm nay, có nhiều tự do trí thức hay thậm chí tự do ngôn luận. Nó thể hiện qua các tranh luận trái chiều trên và ngoài mạng. Thậm chí có cả cổ vũ chính trị - cả chủ nghĩa tự do, tân tự do, tân tả, tân Mao, cựu Mao, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hiếu chiến, tân phát xít, tân Nho giáo. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng một nền văn hóa lành mạnh sẽ sinh ra từ sự bừng nở trí thức này. Phần nào đó, Trung Quốc hôm nay rất giống nước Đức (1919-1933), hay Nhật Bản thập niên 1920 và 1930. Ở hai nước giai đoạn đó, trên bề mặt là sự cạnh tranh của nhiều hệ tư tưởng, nhưng rốt cuộc chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa dân tộc quá khích đã chiến thắng.
"Ở Việt Nam, tình cảm bài phương Tây, bài Mỹ không thu hút như ở Trung Quốc. Chủ nghĩa tự do phương Tây cũng có đôi chút ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam, như thể hiện qua Tuyên ngôc Độc lập của Hồ Chí Minh. "
Tại Trung Quốc, xu hướng này đã phát triển cùng tình cảm chống phương Tây, đặc biệt là bài Mỹ, mặc dù sự thăng tiến của Trung Quốc là nhờ giao thiệp với phương Tây. Chủ nghĩa dân tộc mới này không chỉ phản dân chủ mà còn mang tính bành trướng. Theo nó, lịch sử hiện đại Trung Quốc là “100 năm ô nhục”. Nó xem nhiều nước là kẻ thù của Trung Quốc mà Việt Nam là kẻ gây rối khu vực. Việt Nam bị cho là vô ơn cho dù Trung Quốc đã giúp đỡ trong thập niên 1950 và 1960. Việt Nam đã quên béng “bài học” mà Trung Quốc đã dạy trong chiến tranh Việt – Trung 30 năm trước, không biết về khả năng quân sự hiện nay của Trung Quốc mà lại mong Hoa Kỳ hỗ trợ. Theo những người dân tộc chủ nghĩa bàn luận trên mạng, mà cũng được ủng hộ của nhiều trí thức, viên chức dân sự, quân sự, cuộc chiến đầu tiên khi Trung Quốc đã trở thành quyền lực toàn cầu sẽ có thể là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản và Ấn Độ cũng nằm trong danh sách trả thù, nhưng đó là kẻ thù khó hơn và chiến tranh sẽ có hậu quả quốc tế nghiêm trọng hơn.
Chính thể Việt Nam chưa gặp khủng hoảng nghiêm trọng như Trung Quốc 1989. Chúng ta không rõ liệu những cải tổ chính trị hiện nay sẽ tiếp tục để chính thể hạ cánh nhẹ nhàng, hay cải tổ sẽ đi đến mức khiến Đảng đối diện tình hình tương tự như Trung Quốc năm 1989. Nhưng ta biết từ năm 2006, Việt Nam đã thảo luận và thí điểm cải tổ theo một cách chưa hề có ở Trung Quốc.
Ở Việt Nam, tình cảm bài phương Tây, bài Mỹ không thu hút như ở Trung Quốc. Chủ nghĩa tự do phương Tây cũng có đôi chút ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam, như thể hiện qua Tuyên ngôc Độc lập của Hồ Chí Minh. Thật không thể hình dung một chính khách Mỹ, dẫu là Lincoln, lại được Hiến pháp Trung Quốc trích dẫn. Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc không đi chung với tư tưởng phản dân chủ như ở Trung Quốc. Thái độ đó với Mỹ và phương Tây chắc chắn có tác động đến những nỗ lực vì dân chủ.
Để kết luận, chính thể cộng sản ở Trung Quốc phản dân chủ hơn và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc bài phương Tây hung hăng hơn. Không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không dân chủ hóa. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng Việt Nam có vị thế tốt hơn để tiến hành thêm cải tổ chính trị.
Tác động qua lại về dân chủ hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam là thế này. Cải tổ ở Việt Nam cho phép những thảo luận hay thậm chí cổ vũ chính trị vốn không dễ xảy ra ở Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có những cải tổ nghiêm túc, nó sẽ tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho Việt Nam. Nhưng nếu Trung Quốc không cải tổ, Việt Nam sẽ đối diện một láng giềng bành trướng và dân tộc quá khích. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ nhận biết được tương lai khi nó đã xảy ra.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một sử gia người Mỹ gốc Hoa, là Phó giáo sư thuộc Đại học Delaware State, Hoa Kỳ.

Gia đình blogger Điếu Cày 'sẽ khiếu nại'


Cập nhật: 12:41 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Blogger Tạ Phong Tần
Luật sư bào chữa vẫn chưa gặp được bà Tạ Phong Tần
Sau khi có tin, phiên tòa xét xử ba blogger về tội tuyên truyền chống Nhà nước cuối cùng đã bị hoãn không biết đến bao giờ, gia đình ông Nguyễn Văn Hải nói sẽ khiếu nại lên tòa.
Ba cây bút trong Câu lạc bộ báo chí tự do là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần, lúc đầu được dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 15/5 tới tại Tòa án thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý là việc ra quyết định xử và hoãn xử chỉ cách nhau có vài tiếng đồng hồ làm tất cả những người liên quan đều bất ngờ.

Chỉ trong một ngày

BBC Việt ngữ đã trao đổi với luật sư Nguyễn Quốc Đạt thuộc Văn phòng luật sư La Bàn, người bào chữa đồng thời cho cả ông Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần để tìm hiểu về vấn đề này.
Luật sư Đạt kể lại rằng trong buổi sáng thứ Sáu ngày 4/5 ông và các luật sư có liên quan khác nhận được quyết định của Tòa án thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ án này ra xét xử thì ngay trong buổi chiều hôm đó tòa lại thông báo hoãn xử.
Ông Đạt cho biết viên thư ký tòa án đã gọi điện thoại cho các luật sư xin thu hồi lại các quyết định xét xử đã giao lúc sáng.
“Các luật sư có đặt vấn đề lý do thu hồi thì được trả lời là dời ngày xét xử sang ngày khác,” ông kể và cho biết viên thư ký tòa không giải thích gì thêm.
Ông nói việc hoãn xử chỉ được nói bằng miệng chứ không hề có bất cứ văn bản gì yêu cầu thu hồi quyết định hay thông báo dời ngày xét xử.
Ông Đạt cũng không hiểu tại sao tòa án lại ‘có quyết định cập rập như vậy’ trong khi ‘hoàn toàn có thể ra một thông báo khác’ thay thế cho thông báo mở phiên tòa.
“Luật có quy định nếu có lý do chính đáng thì thẩm phán có thể quyết định hoãn phiên tòa,” ông nói.
Thông thường khi thông báo hoãn xử thì tòa án sẽ nêu lý do tại sao, theo luật sư Đạt. Các lý do hoãn xử thường là do các luật sư của nguyên đơn, bị cáo, bị can hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan xin hoãn hoặc do quá trình xem xét hồ sơ vụ án cần thêm thời gian, ông cho biết.
Phan Thanh Hải và Nguyễn Văn Hải
Cả ba blogger đang đợi ngày ra tòa về tội tuyên truyền chống nhà nước
Ông dẫn luật quy định rằng trong vòng 15 ngày kể ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải mở phiên tòa, còn trong vụ án ‘đặc biệt nghiêm trọng’ như vụ này thì thời hạn mở phiên tòa là 30 ngày.
Do đó, nếu sau 30 ngày mà tòa vẫn chưa xét xử thì các bị cáo và luật sư có quyền khiếu nại.

Tư thế sẵn sàng

Ông cho biết cho đến giờ phía tòa án vẫn chưa ra thông báo ngày giờ dời phiên tòa.
Theo kinh nghiệm của luật sư Đạt thì ông chưa từng gặp qua trường hợp như thế này mặc dù cũng có khi luật sư vừa ra đến tòa thì tòa tuyên bố hoãn xử.
Ba blogger này đã bị bắt giam trong một thời gian dài. Có lúc tung tích họ còn không được biết rõ. Mãi đến gần đây thì mới có quyết định đưa họ ra xét xử.
Việc bắt giữ họ đã khiến chính phủ Việt Nam bị nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và tự do báo chí.
“Tinh thần là các luật sư chuẩn bị sẵn sàng tâm lý vì phiên tòa có thể sẽ diễn ra bất cứ lúc nào,” luật sư Đạt nói.
“Có luật sư cũng hoang mang là không biết lần sau lịch xét xử có cho các luật sư đủ thời gian chuẩn bị hay không,” ông nói và cho biết theo đúng quy trình thì các luật sư phải có ít nhất 10 ngày chuẩn bị trước khi phiên tòa diễn ra.
Bà Dương Thị Tân, người vợ đã ly dị của ông Nguyễn Văn Hải, cũng khẳng định với BBC Việt ngữ rằng cho đến giờ bà và các con cũng chưa nhận được thông báo gì của tòa án về các quyết định mở phiên xử và hoãn phiên xử.
Bà cho biết bà đang nhờ luật sư thảo đơn khiếu nại về vấn đề này cũng như yêu cầu cho bà được tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
“Nếu họ nại ra lý do tôi và ông Hải đã ly hôn thì tôi sẽ đặt vấn đề tại sao họ vào nhà tôi đập phá khám xét và thu giữ các đồ đạc cá nhân của tôi đem đi,” bà nói.

Không gặp được thân chủ

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải
Chưa từng có ai thoát tội khi bị cáo buộc về An ninh quốc gia theo Bộ luật hình sự
Luật sư Nguyễn Quốc Đạt cho biết cũng trong ngày 4/5 khi ông nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đồng thời ông cũng nhận được giấy chứng nhận là luật sư bào chữa cho Tạ Phong Tần.
Trong buổi chiều ngày 4/5 ông có lên trại giam xin gặp thân chủ thì được hẹn là chiều thứ Ba ngày 8/5.
Sau khi từ trại giam trở về ngày 8/5, ông cho BBC Việt ngữ biết là trại giam lại tiếp tục hẹn ông đến tuần sau.
“Họ không từ chối cho gặp mà hẹn lý do rất khéo léo là điều tra viên đi vắng, đi công tác nên không có ai thụ lý để làm việc với luật sư được,” ông nói.
Ông nói ông muốn gặp Tạ Phong Tần để tìm hiểu vấn đề ăn ở sinh hoạt của bà trong trại giam để xem bên ngoài có thể đáp ứng những gì theo yêu cầu của trại và tìm hiểu quan điểm của bà về bản cáo trạng của Viện kiểm sát để ông làm căn cứ bào chữa theo đúng tinh thần của pháp luật.
Ông cho biết do quy định của điều 88 Bộ luật hình sự về tội ‘Tuyên truyên chống nhà nước’ là quy định ‘rất chung chung’ cho nên ông sẽ bào chữa bằng cách viện dẫn nhiều nguồn luật khác nhau như luật về công nghệ thông tin, quyền tự do lập hội, tự do báo chí cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Dù có tự tin và khách quan đến mấy thì tôi nghĩ xác suất này không cao lắm,” ông trả lời khi được hỏi về khả năng bào chữa thành công cho bà Tần.
Theo kinh nghiệm của ông thì ông chưa thấy ‘vụ án nào của chương an ninh quốc gia mà thân chủ được vô tội.’

'Chúng tôi đã bị hành hung, bắt giữ'


Cập nhật: 12:17 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012
Hình ảnh video vụ cưỡng chế Văn Giang
Giới chức Hưng Yên nói có clip giả trong vụ Văn Giang để bôi nhọ chính quyền
Lãnh đạo phòng Phóng viên thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam Bấm xác nhận với BBC vụ ông và một phóng viên đã bị đánh đập khi xuống địa bàn công tác trong vụ cưỡng chế đất cho dự án đô thị sinh thái Ecopark ở huyện Văn Giang.
Trả lời BBC tiếng Việt hôm 8/5, Trưởng phòng Phóng viên Thời sự-Chính trị-Kinh tế (thuộc Trung tâm tin của VOV) Nguyễn Ngọc Năm xác nhận ông và phóng viên thuộc Trung tâm Tin của đài này, ông Hán Phi Long, đã bị lực lượng cưỡng chế hành hung.
Cùng ngày, tờ VnExpress.net cho biết Trung tâm tin của VOV đã "có công văn gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị xác minh, làm rõ vụ hành hung hai nhà báo, nhưng hiện chưa nhận được hồi âm."
Tờ này cũng nói Chánh văn phòng Công an tỉnh Hưng Yên "đã nhận được công văn của Trung tâm tin - Đài TNVN nhưng từ chối trả lời thêm."
Còn Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên nói với tờ báo rằng: "Nếu đúng là có chuyện phóng viên bị đánh và Đài TNVN gửi công văn thì UBND tỉnh chắc chắn phải xem xét".
Trong cuộc trao đổi với BBC, ông Năm khẳng định hai ông chính là những người bị tấn công trong một video loan tải trên mạng Internet gần đây.
"Tôi xác nhận điều đó," ông Năm nói và cho biết chi tiết về phản ứng của ông và đồng nghiệp sau vụ việc:
"Chúng tôi đã báo cáo và tường trình với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam."
"Chúng tôi đang tìm câu trả lời từ phía lực lượng cưỡng chế," ông nói khi được hỏi vì sao bị hành hung hôm 24/4 ở Hưng Yên.
Ông cũng cho biết lý do vì sao đã bị áp giải tới trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Văn Giang sau khi bị đánh và bắt giữ:
"Chúng tôi đã được thăm hỏi, động viên và đại diện Hội nhà báo cũng cho biết sẽ kiên quyết bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật"
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm
"Tôi được đưa về đấy để người ta lấy lời khai và tôi viết bản tường trình."
Về phản ứng của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) sau khi được báo cáo về sự việc, ông Năm nói:
"Chúng tôi có nhiệm vụ đi làm việc và khi sự việc xảy ra, chúng tôi báo cáo sự việc cho lãnh đạo Đài, theo đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định hiện hành của pháp luật," ông Năm trả lời về phản ứng của lãnh đạo cơ quan này.
"Thế còn lãnh đạo Đài đã có những động thái gì thì có lẽ hỏi lãnh đạo Đài thì chính xác hơn vì tôi chỉ thừa hành các công việc."
Khi được hỏi liệu ông và đồng nghiệp có dự định khởi kiện hay khiếu nại việc bị hành hung hay không, ông Năm nói:
"Ngay tại ngày kết thúc lấy lời khai của chúng tôi, ngày 24/4/2012, tức ngay ngày chúng tôi bị hành hung và bị bắt về để lấy lời khai thì tôi đã có đơn đề nghị gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, ngay ngày hôm đó. Và đơn của tôi đã được gửi qua cán bộ công an Tỉnh."
'Bình tĩnh chờ đợi'
Dùng vũ lực mạnh với dân Văn Giang
Video lưu truyền trên mạng xã hội cho thấy chính quyền Hưng Yên dùng vũ lực mạnh với dân trong đợt cưỡng chế đất.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Tuy nhiên, ông Năm cho biết ông vẫn chưa nhận được phúc đáp của cơ quan chức năng tỉnh này.
"Đến giờ phút này tôi chưa nhận được bất cứ một câu trả lời nào," ông nói.
"Chúng tôi đã chờ đợi đến hôm nay được nửa tháng và chúng tôi cũng vẫn có đủ thời gian và bình tĩnh để chờ đợi thêm."
Ông Năm giải thích bản thân ông và đồng nghiệp quan tâm tới vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang hôm 24/4 và đã xuống địa bàn công tác vì "được giao nhiệm vụ về đó để nắm bắt thêm thông tin".
Được hỏi về phản ứng của Hội Nhà báo Việt Nam ra sao sau khi biết tin, ông Năm nói: "Chúng tôi làm theo đúng trình tự, thủ tục là chúng tôi báo cáo với lãnh đạo Đài và Liên chi hội nhà báo của Đài TNVN,
"Thực ra, chúng tôi đã được thăm hỏi, động viên và đại diện Hội nhà báo cũng cho biết sẽ kiên quyết bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của hội viên hội nhà báo."
Ông Nguyễn Ngọc Năm
Ông Nguyễn Ngọc Năm nói ông đã bị hành hung, bắt giữ, và bị giải về Viện Kiểm sát huyện Văn Giang
Ông Năm nói hiện tại ông và đồng nghiệp "đã ổn định" và đi làm trở lại: "Chúng tôi thương tích trên cơ thể không nặng lắm, chủ yếu tinh thần mệt mỏi một chút."
Ông không bình luận về tin nói ông và đồng nghiệp, phóng viên Phi Long, đã được đại diện lãnh đạo dự án khu đô thị sinh thái Ecopark tiếp cận và đề nghị "bồi thường."
Tuy nhiên ông gián tiếp cho rằng sự việc ở Văn Giang với hai ông hôm 24/4 đã có tác động ít nhiều đối với dư luận và giới làm truyền thông trong nước khi cho hay đã có những bàn tán, tin bài trên báo chí, các trang blog và mạng Internet.
Hình ảnh hai người đàn ông bị lực lượng cưỡng chế đất ở Văn Giang hành hung được loan tải qua một clip video trên mạng gần đây và cũng được BBC đăng tải một ngày sau.
Các hình ảnh, mà ông Năm đã xác nhận bản thân và đồng nghiệp là nạn nhân, cho thấy hàng chục công an, thành viên lực lượng cưỡng chế đã dùng “dùi cui” và tay chân tấn công hai nam giới đầu đội mũ bảo hiểm xe máy.

Bà Clinton kết thúc chuyến thăm châu Á


Cập nhật: 11:06 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Ngoại trưởng Mỹ, H.Clinton, và Ngoại trưởng Ấn, S.M.Krishna
Ngoại trưởng Mỹthúc giục Ấn Độ giảm bớt mua dầu lửa của Iran để gây áp lực về chương trình hạt nhân của Iran

Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, vừa kết thúc vòng công du châu Á vào hôm thứ Ba trong một chuyến đi đầy các vấn đề tranh chấp gai góc.
Theo bà thì đã có những dấu hiệu tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh từ sức mạnh tăng lên của Trung Quốc và Ấn Độ.
Chuyến đi kéo dài một tuần của bà Clinton đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng xung quanh một nhân vật bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, ông Trần Quang Thành, người đã chạy trốn vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Vòng công du của bà kết thúc ở Ấn Độ, nơi quan hệ thân thiện với Hoa Kỳ gần đây được thử thách vì bất đồng hai bên về Iran.
Bà Clinton, người gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S.M. Krishna, hôm thứ Ba trước khi trở về Washington, đã gây áp lực với Ấn Độ để nước này mua ít dầu hơn từ Iran nhằm gây áp lực lên Tehran vì lý do chương trình nguyên tử của họ.
Ấn Độ đã nổi giận trước các biện pháp trừng phạt mà Mỹ từng đe dọa sẽ áp dụng đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu lửa từ Iran, một trong những tranh cãi công khai nhất giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới kể từ khi hai quốc gia xích lại gần nhau hơn vào cuối những năm 1990.
Tuy nhiên các công ty Ấn Độ đã lặng lẽ giảm bớt lượng hàng mua từ Iran, và các quan chức Mỹ thì bày tỏ hy vọng rằng áp lực trên thị trường sẽ có tác dụng ngay cả khi các chính phủ phải công khai bác lại những gì họ nhìn nhận như những áp đặt đơn phương của nước ngoài.
Bà Clinton bác bỏ ý kiến nói rằng các mối quan hệ đã trở nên tồi đi. Bà chỉ ra các giá trị cùng chia sẻ giữa hai quốc gia, nhắc lại phương châm của Mỹ rằng mối quan hệ với Ấn Độ sẽ là một trong những "mối quan hệ đối tác tối quan trọng của thế kỷ 21."
"Hai quốc gia lớn không thể nào đồng ý với nhau về tất cả mọi thứ," bà Clinton nói với sinh viên tại thành phố Kolkata ở phía đông Ấn Độ vào hôm thứ Hai.





"Tôi thực sự tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển"



Bà Clinton nói về quan hệ Mỹ - Ấn
"Nhưng chúng tôi sẽ thảo luận và nói ra tất cả mọi vấn đề. Tôi cho rằng đó là cách cần để phát triển quan hệ. Vì vậy, tôi thực sự tin rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển", bà nói.
Quan hệ phát triển
Bà Clinton tới New Delhi để chuẩn bị cho Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn, được tổ chức thường niên từ năm 2010, vốn được dự trù diễn ra vào tháng tới tại Washington. Ở Bắc Kinh, bà Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner, đã tham gia Đối thoại Chiến lược và Kinh tế với Trung Quốc.
Trong khi các cuộc họp chính thức đó có thể làm mờ nhòa con mắt người không thuộc giới ngoại giao, các viên chức Mỹ tin rằng những cuộc đối thoại như vậy đã cho phép đạt được tiến bộ bằng cách vạch ra một cách thức để các quốc gia khác giải quyết một loạt các vấn đề với Washington.
"Chúng tôi nói về tất cả mọi thứ. Không có điều gì không được bàn tới," bà Clinton nói.



Chuyến thăm châu Á của bà Clinton bị lu mờ bởi vụ Trần Quang Thành tại Bắc Kinh
Các viên chức Mỹ cho biết trong chỗ riêng tư rằng họ không thể hình dung chuyện có được một giải pháp với Trung Quốc về vụ ông Trần Quang Thành nếu như đã không thiết lập được mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc thông qua đối thoại thường niên và các dàn xếp khác như vậy.
Ông Trần, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất Trung Quốc, bị mù do một căn bệnh từ khi còn nhỏ, đã khiến chính quyền Trung Quốc tức giận khi phơi bày chuyện cưỡng bức phá thai và triệt sản theo chính sách một con của Trung Quốc.
Ông đã trải qua bốn năm tù giam trước khi bị quản thúc tại gia, nơi ông nói rằng ông và gia đình bị đánh đập tàn nhẫn.
Vài ngày trước chuyến thăm của bà Clinton tới Trung Quốc, trong một diễn tiến đầy kịch tính, ông Trần đã bỏ chạy vào Đại sứ quán Mỹ. Các viên chức Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận mà theo đó ông Trần sẽ theo học tại một trường đại học và giới chức Trung Quốc hứa sẽ bảo đảm an toàn cho ông.
Đạt được thỏa thuận về ông Trần vào khi đang có các đàm phán cấp cao nhất "cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi biết bao để chúng ta có thể có các cuộc hội thoại như vậy," một viên chức cấp cao Mỹ cho biết sau khi có các đàm phán ban đầu.
Tuy nhiên, một số nhà lập pháp Mỹ và các nhà hoạt động bày tỏ quan ngại lớn về thỏa thuận này và họ đặt câu hỏi tại sao Hoa Kỳ lại tin vào những gì Trung Quốc nói về việc bảo đảm an toàn cho ông Trần và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quan tâm hơn tới mối quan hệ với Bắc Kinh.
Sau khi nói chuyện với các nhà hoạt động và gia đình mình từ một bệnh viện ở Bắc Kinh, ông Trần cho biết ông không còn cảm thấy an toàn khi ở lại Trung Quốc.
Các viên chức Mỹ đã hối hả trở lại đàm phán và đạt được một thỏa thuận thứ hai, theo đó họ cho biết Trung Quốc sẽ cho phép ông Trần sớm rời Trung Quốc tới nghiên cứu tại Hoa Kỳ.
Mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ thân thiện hơn nhiều so với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các viên chức Mỹ cũng mong muốn mở rộng đối thoại với Ấn Độ, với cuộc họp của bà Clinton vào hôm thứ Hai ở Kolkata và bà Mamata Banerjee, một ngôi sao đang lên của chính trị Ấn Độ.
Bà Banerjee, người có ý kinh nghiệm ngoại giao nhưng hồi năm ngoái đã giành chức vụ cao cấp nhất tại bang Tây Bengal, chức Bộ trưởng thứ nhất (tương đương thủ hiến tiểu bang) sau khi phắng phe cộng sản vốn cầm quyền tại bang đông dân thứ tư của Ấn Độ trong suốt gần 35 năm qua.