Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

VN: Khó Chống Tham Nhũng Vì ‘Phong Tục’ Tặng Quà Cảm Ơn

VN: Khó Chống Tham Nhũng Vì ‘Phong Tục’ Tặng Quà Cảm Ơn
Khó Phân Biệt Quà Biếu Và Hối Lộ; Dân Cứ Muốn Đưa Tiền Chạy Chọt...
HANOI -- Có thực rằng tình hình tham nhũng tại VN đã trở nên quá phổ biến như quốc tế khảo sát?
Một viên chức trong đơn vị chống tham nhũng nói rằng đánh giá như thế là sai, vì “Ta đánh giá khác họ...” và vì tại VN, “khó  phân biệt giữa quà biếu và hối lộ...” Thêm nữa, cũng vì người dân cứ muốn đưa tiền cho nhanh việc...
Bản tin đăng trên báo Đời Sống & Pháp Luật hôm Thứ Năm 16/12/2010 nói như thế.
Bản tin nhan đề “Về báo cáo tình hình tham nhũng ở Việt Nam do Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa công bố: “Ta đánh giá khác họ”...” trong đó ghi cuộc phỏng vấn ông Lê Mạnh Luân - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương.
Báo DS&PL có lời dẫn rằng:
“Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa đưa ra báo cáo về tình hình tham nhũng của Việt Nam theo đó, tình hình tham nhũng ba năm gần đây đều gia tăng. Tham nhũng tập trung vào các lĩnh vực như cảnh sát 82%, Giáo dục 67%, cán bộ công chức Nhà nước 61%, Tư pháp 52%. Để làm rõ tính khách quan của báo cáo này, ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Luân - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương...”
Báo này ghi lời ông Luân rằng”
“...Chính phủ hay từ các vụ án. Để kết luận là tăng hay giảm ngay cả các cơ quan chuyên trách của ta cũng khó khăn nên việc nhận xét cũng chỉ mang tính định tính.
Việc Tổ chức Minh bạch thế giới đưa ra nhận định tham nhũng tăng là do họ làm cuộc điều tra xã hội học ở 1000 người trong đó có 620 người nói tăng. Đây cũng chỉ là tài liệu mang tính chất tham khảo...
... Xin nhắc lại là thông tin của tổ chức này chỉ là những điều tra xã hội học trên 1000 người dân, mang tính phản ánh điều tra, còn kết luận cũng chỉ mang tính chất kiến nghị.”
Đặc biệt là ông Lê Mạnh Luân đổ tội cho người dân “cố tình  đưa tiền chạy chọt” và vì “Khó phân biệt quà biếu - hối lộ...”
Bản tin  ghi lời ông Luân:
“...Thủ tục hành chính của chúng ta đã chuyển biến tích cực nhiều nhưng chưa phải là hết những thủ tục rắc rối, phiền hà mà người công chức vin vào đó để nhũng nhiễu người dân. Người dân cũng vi phạm pháp luật nên cố tình đưa tiền để chạy chọt. Ví dụ trong lĩnh vực giao thông nếu người dân cứ đi đúng luật, tuân thủ đúng các quy định thì không ai động đến mình nhưng chỉ khi vi phạm mới bị công an tuýt còi...
...Tham nhũng nước nào cũng có nhưng ở các nước công chức hưởng lương 40 ngàn usd thì việc chống tham nhũng không đến nỗi khó, nhưng ở ta lương công chức trung bình vài triệu đồng/tháng thì khó  ổn định cuộc sống nên dễ sa ngã. Thêm vào đó luật của chúng ta cũng chưa rõ ràng, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân còn hạn chế. Chúng ta còn có những phong tục tập quán cứ giúp đỡ nhau thì có quà cảm ơn, ranh giới khó phân biệt đâu là quà và đâu là hối lộ...”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét