Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

LM Giuse Nguyễn An Khang

Thánh Lễ Giỗ 20 năm Cha Phêrô Thông, Giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội
(25-11-1922 - 22-3-1991)


Cha Thông: sinh ngày 25-11-1922 tại giáo xứ Kẻ Tâng, quê bà cố. Gia đình có 8 anh em 4 trai (Thông, Phán, Ký, Lục) 4 gái (Nhuần, Quý, Hóa, Đào). Năm 6 tuổi Ngài về Thọ Cách quê ông cố, được cha Vũ Xuân Kỷ nhận cho đi tu. Sau đó, Ngài tiếp tục theo đuổi ơn gọi. Năm 1950, thầy Thông, thầy Oánh, thầy Quynh, đang học thần học, được Đức cha Khuê cho đi du học.
Thầy Thông đi Pháp đăng ký học đại học Sorbonne, nhưng học tại Bỉ môn Triết học Đông Phương. Thầy Thông tỏ ra thông minh đặc biệt, đứng đầu lớp. Nhà trường có tổ chức một cuộc gặp gỡ những triết gia hữu thần và vô thần, Thầy được đứng trong ban tổ chức.
Sau khi chịu chức Linh Mục, về nước dạy Chủng Viện, Cha giám đốc là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng ca ngợi sự thông minh của Ngài và nói: có ba Linh Mục miền Bắc: Cha Vinh, cha Thông, Cha Quynh có đủ khả năng tu Dòng Tên. Như Đức Cha Yến nói: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI rất mến Cha Thông và ca ngợi sự thông minh của Ngài.

Năm 1954, với hiệp định Paris, Việt Nam chia đôi hai miền: Bắc và Nam. Thế giới lúc đó có hai phe đối lập: Cộng sản và Tư bản. Đối với cộng sản, để một nước trở thành cộng sản: Trí, Phú, Địa, Hào, phải đào tận gốc, trốc tận rễ, tôn giáo bị tiêu diệt, vì tôn giáo là kẻ thù số một.

Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha, Trung Quốc... những nhà trí thức, giầu có, cường hào đã bị giết hàng loạt đặc biệt hàng Giáo sĩ. Giáo Hội các nước đó sống dưới màn sắt, không liên hệ được với Tòa Thánh, không biết gì thế giới bên ngoài.
Bởi thế, khi miền Bắc thuộc cộng sản, cả một làn sóng người: Giám Mục, Linh Mục, giáo dân sợ hãi, tuốn vào Nam. Giáo dân đi quá nửa, Giám Mục, Linh Mục, đi hầu hết. Chỉ còn Địa Phận Hà Nội, Đức Cha Trịnh Như Khuê và Đức Khâm sứ Gioan Đôlây ở lại. 160 Cha còn lại 60, 2 phần 3 là Cha già. Thật là một tai hoạ, không một cơn bách hại nào trong lịch sử, trong một thời gian mấy tháng, một miền rộng lớn như miền Bắc, lại bị quét sạch trống trơn như thế. Đây không phải là cấm cách mà là trốn chạy, là tự sát.
Cha Thông đang làm văn bằng tiến sĩ triết học. Đức Cha Khuê đã gọi Cha Thông và Cha Oánh về nước, để phục vụ Giáo Phận. Cha Oánh ngại ngùng, nhưng Cha Thông nói với Cha Oánh: Về đi, chúng ta sẽ được Thánh Thần.
Vâng, Thánh Thần đã thổi Cha Thông, Cha Oánh về Hà Nội để cùng với Đức Cha và các Cha còn lại dẫn dắt Giáo Phận. Cha Thông lúc đó 32 tuổi, một con người cường tráng, trí thức, có sức thu hút.
Một hôm, nhà nước tổ chức họp mặt các nhà trí thức ở nhà hát lớn, Cha Chính Vinh được mời. Ông Ngô Quốc Kha, hiệu trưởng trường cấp 3, thấy một bóng thâm chùng tiến vào với vẻ oai phong, mọi người thán phục. Hôm sau ông đã vào nhà chung, để xin gặp Ngài. Sau nhiều lần gặp gỡ, ông xin đi đạo. Cha Vinh đã nhờ Cha Thông dậy đạo cho ông. Sau hai năm, ông đã được rửa tội. Khi Ông Ngô Quốc Kha trở lại, cho dù bị cấm cản, nhiều sinh viên đã trốn đến với cha Thông. Cha Thông chẳng những giúp đỡ họ về đạo mà còn cả kinh tế, số tiền Ngài có đều dành giúp cho sinh viên. Khi đổi tiền, Ngài chỉ còn có 30 đồng chưa kịp cho. Đáp lại sinh viên rất yêu mến Ngài, quần áo Ngài mặc phần nhiều là do sinh viên may tặng.
Uy tín của Cha Thông đối với giới trẻ thủ đô đặc biệt là sinh viên rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp muốn tìm hiểu đạo. Cha Vinh, Cha Thông, Cha Oánh... đã phải mở lớp giáo lý ở trường Dũng Lạc, hàng ngàn người đến tham dự, thủ đô khi đó đượm bầu khí công giáo, khiến chính quyền thành phố đã phải ngăn cấm. Cũng từ đó, Đức Cha, các Cha toà Giám Mục bị kiềm toả. Toàn Giáo Phận phải đương đầu với phong trào uỷ ban liên lạc công giáo, một tổ chức do nhà nước lập nên, nhằm biến Giáo Hội Miền Bắc thành Giáo hội tự trị.
Cha Chính Vinh Giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse (từ 1958-1960 đóng cửa), có lần đã nói với các Thầy: các nước cộng sản Đông Âu, khi muốn bắt các Linh Mục, họ tạo nên một sự kiện: L'Étoile contre la Croix (Ngôi sao chống lại Thánh Giá). Noel 1958, các người trong uỷ ban liên lạc công giáo tự động đến trang trí nhà thờ lớn, Cha Chính Vinh không thấy Cha Căn, cha xứ ra ngăn cản. Đang dậy học, dừng lại, Ngài nói với các Thầy đã đến lúc: L'Étoile contre la Croix. Sau đó, ngài đi ra quảng trường nhà thờ, chuông nhà thờ vang lên, hàng vạn người tuôn đến và những người ủy ban liên lạc công giáo buộc phải dừng. Sau Noel đó Cha Vinh bị bắt. Năm 1963 Cha Thông vào hoả lò, 1965 Cha Oánh bị quản thúc ở Chuôn Trung, 60 chủng sinh lớp lớn bị đi tù, chánh trương, trùm quản các xứ cũng lần lượt ra đi.
Đây là lúc công giáo bị cộng sản tàn sát một cách kinh khủng. Theo Cha Mai nói: sau ba ngày Cha Thông ở Hoả Lò tóc đã trắng xoá. Khi công an báo cho Ngài biết lên xe đi đến toà án, Ngài vỗ tay reo mừng. Tại phiên toà có rất đông giáo dân đứng để biểu tình, đòi thả Cha Thông. Thế nhưng, Ngài đã nhận tất cả các tội toà kết án trong niềm hân hoan phấn khởi. Lúc này giáo dân mới hiểu lời Đức Hồng Y Balan viết trên giấy để trên bàn làm việc: khi tôi mất tự do thì những lời tôi nói đều không giá trị, đã được áp dụng cho Cha Thông. Cha Thông đã được đưa đi tù trong sự bùi ngùi, khóc lóc của giáo dân. Một trong các trại giam Ngài, đó là trại Yên Bái.
Trong trại giam, Cha Thông chịu cực hình thế nào không rõ. Trại cổng trời nơi giam cha chính Vinh, ông Kiều Duy Vĩnh kể: " chúng tôi được tập hợp ở Hoả Lò Hà Nội (1960) tay xích còng số 8 hai người một. Hàng đầu Cha Vinh Hà Nội còng với Cha Quế Nghệ An, thứ đến Nguyễn Hữu Đang, người cầm đầu nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với tu sĩ Nguyễn Bá Lung xứ Ngọc Đồng Hưng Yên... tổng số là 72, 70 là tu sĩ, hai người là tù chính trị.
Ở Cổng trời có năm khu: khu O, H, A, B, C. Khu O, H thế nào, tôi chịu, chỉ biết cha Vinh, cha Quế vào đó và không thấy trở về. Khu A nơi tôi ở, tù nhân hầu hết là tu sĩ. Ở đó như một cái nhà mồ, cấm đọc kinh. Cái màn trong tù là một cái quan tài bằng vải: cao 40cm, dài 1.8m, để đêm các tu sĩ có muốn cầu kinh sẽ bị phát hiện. Khẩu phần ăn của một tù nhân là 6.5kg gạo trộn sắn. Rau ăn là lá bắp cải già cho lợn, nấu trong chảo cho muối, nước đen sì. Trong suốt mười năm tù, tôi chỉ có một ước mơ được một bữa ăn no và một bát muối, nhưng không được. Tù nhân đói đến mức khi được ra ngoài, thấy bất cứ cái gì động đậy đều vồ lấy ăn hết, họ ăn giun, dế, gián và cả trứng con bọ hung. Sáu tháng tù nhân mới tắm 1 lần, ít khi đánh răng rửa mặt, mắt đầy dỉ, mồm vêu ra đầy bựa. Cắt tóc, cắt râu bằng tông đơ. Hằng ngày, họ phải chịu sự giám sát của các giám thị, phó giám thị (tôi không nhớ tên, chỉ nhớ y là người Đức Thọ, Hà Tĩnh cùng quê với cố Hoàng (giáo dân), như quỷ sứ hiện hình, đen đủi, mắt nọ chửi mắt kia, mồm méo xệch, lúc nào cũng như ma hiện hình, đột ngột đến, đột ngột đi, lúc nào cũng rình mò, giựt một cái gì đó. Nhìn ai thì trợn trừng chằm chặp như muốn giết người ta. Cố Hoàng bảo với tôi: tôi biết hắn mà, hắn giết nhiều người lắm đó, hắn đồng hương với tôi. Phó giám thị nói: sự sống chết của các anh ở trong tay chúng tôi, tôi sẽ cho đi ngủ với giun kẻ nào không chịu cải tạo và cố tình chống đối. Với tù nhân chống đối, nhẹ là trói cánh tiên, nặng là cùm xà lim. Trước những đau khổ và lời đe dọa đó: các vị Thánh Tử Đạo chẳng sợ hãi vẫn hiên ngang đọc kinh. Đôi lúc tôi nghe thấy Cố Hoàng hát: Dù gươm chém hay đầu rơi, lòng vàng đá không hề phai. Các Ngài mong chờ ngày được giám thị gọi đi xà lim.

Năm 1961 chúng giết anh em ở khu O, khu H, khu A. Cứ không độ là gọi đi xà lim, xà lim là một cái quan tài bằng đất dầy 1m (ở khu O, quan tài bằng đá) cùm răng cá sấu cắn chân không bao giờ được mở và bỏ đói cho đến chết. Khi chết, được hai tù nhân hình sự quấn chiếu đi chôn, chôn xong được lĩnh 1 cân đường. Riêng Cha Vinh, Cha Quế hai tù nhân hình sự chôn Ngài kể lại được lĩnh thêm một cân lòng trâu. Trong 72 tù nhân được đưa lên cổng trời năm 1960, đến nay 1997 tôi chỉ còn gặp lại mình anh Nguyễn Hữu Đang đứng đầu nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, còn 70 người kia chẳng còn ai cả". (Trích: Cổng Trời Cắn Tỷ của Kiều Duy Vĩnh).

Cha Thông có lẽ cũng bị cảnh tù đày như thế. Khi ở Sài Gòn Cha Thông kể lại cho bà Đào, em gái: có khoảng 30 lần Cha bị tra tấn tưởng như không sống nổi, nhiều lần Cha kêu trách Chúa và có một lần Cha cảm thấy không còn sức, được các Thiên Thần đến yên ủi và thêm sức cho Cha.

Năm 1979, cha Thông được đưa về quản thúc ở Thọ Cách, quê nội. Mỗi tuần trình diện ủy ban một lần. Nhà ở là kho thuốc sâu của hợp tác xã, mái lá vách đất. Giường là tấm ván ghép đặt trên nền nhà. Sống do toà giám mục tiếp tế. Cha Quế quản xứ Bình Cách nói: Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn rất thương Cha Thông, tiếp tế cho Ngài đầy đủ mọi cái cần cho sinh hoạt: từ những cái nhỏ nhất như thuốc đánh răng, đến chăn màn, áo mantosan. Được tiếp tế bao nhiêu như: gạo, thuốc men, vải vóc, áo quần đều cho hết, mùa đông trời rét, có một cái chăn cũng cắt làm đôi cho người nghèo một nửa. Ngài ăn uống rất đơn giản: gạo, rau, tôm, cá đổ chung một nồi đun một thể. Nhiều khi ngài ăn cơm thiu, cá thối cũng chẳng sao. Ngài kể lại với giáo dân Thọ Cách: khi ở tù, ngài phải đi dân công đắp đê lấn biển, lúc giải lao mọi người được ăn bánh mì, còn ngài phải ngồi riêng một chỗ, đói quá ngài đã lấy đất thịt vê tròn ăn rất ngon. Những người Thọ cách nói: Nhiều người trong họ thập tử nhất sinh đã được Cha chữa lành, thuốc là lá nhãn, lá tóc tiên, củ hẹ... Vợ ông chủ tịch xã cũng được Ngài chữa khỏi. Một bé trai 8 tuổi ốm liệt, gia đình đã chuẩn bị đóng ván cũng được Cha cứu sống. Hiện nay anh làm nghề lái xe, có hai cháu. Cha còn hướng dẫn nghề nghiệp, chỉ hướng đi tương lai cho nhiều thanh niên làng. Họ đã thành đạt.
1986 ông Nguyễn Văn Linh làm bí thư. 1987 Cha Thông được về tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, với điều kiện phải dâng lễ riêng, không được nhập Linh Mục đoàn. Cả Giáo phận vui mừng, Đức Hồng Y và Đức Cha Sang Phụ Tá, rất yêu quý và chăm sóc Ngài, các Cha trong giáo phận kính mến Ngài, người thầy của mình, các Đại chủng sinh cầu nguyện cho Ngài chóng bình phục, để có thể lại tiếp tục làm cha giáo.

Xẩy ra khi Hội Đồng Giám Mục họp, sắp đến giờ dâng lễ, Ngài quỳ ở hàng ghế hai, Đức Cha Sang mời Ngài xuống ghế cuối. Khi các Linh Mục giáo phận về cấm phòng, Cha Sinh đã nói với Ngài, nhà nước không cho Ngài đồng tế, phải dâng lễ riêng. Trước những đề nghị đó, Ngài tỏ ra phẫn ức đến cực độ. Khi ốm ở bệnh viện, Thầy Trác, Thầy Trạc mang cơm nếu nói là của Đức Hồng Y, Ngài không dùng. Thực ra, Ngài không hiểu hoàn cảnh lúc đó. Như Cha Sinh nói: Nếu để Ngài đồng tế thì các Cha trong giáo phận sẽ bị dừng cấm phòng. Và nếu Cha thông quỳ ở hàng ghế hai thì cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục sẽ bị liên luỵ và Cha Thông có thể bị đưa đi nơi khác.

Để giải khuây cho Ngài, Đức Cha Trọng và Đức Ông Oánh đã đưa Ngài vào Sài Gòn ở nhà Bà Đào, em gái. Sau sáu tháng, ngày 23 tháng 3 năm 1991 Ngài bị vỡ túi mật và qua đời, an táng tại vườn thánh Bình Triệu-Thủ Đức. Bà Đào nói: những ngày Ngài ở nhà bà tỏ ra rất minh mẫn và dâng lễ sốt sáng.

Cha Thông qua đời đã 20 năm. Thế nhưng, những ai đã gặp Ngài, nhất là những học sinh của Ngài không thể quên. Đức Cha Sang học trò đầu tiên của Ngài nhớ Thầy đã kể: sau khi viết cuốn sách Khoa Học Với Tôn Giáo, tôi xin Cha Thông đề tựa. Xem qua, Ngài bảo: trẻ con. Cha Thông được mọi người gọi là Thông Siêu, Đức Cha Sang cũng muốn được mang mác của thầy: Sang Siêu. Nhưng mọi người bảo chỉ có Thông Siêu chứ không có Sang Siêu. Sở dĩ Cha Thông được gọi là Siêu, vì Ngài cao 1.87m khi đi đầu nghênh như con hươu và đôi mắt ngước lên, đã được gọi là Thông Hươu. Sau đó vì Ngài quá Siêu, nên từ Thông Hươu chuyển thành Thông Siêu. Cha Thông chẳng những siêu về trí thức, Ngài còn siêu về đạo đức, Ngài có một đời sống tu đức của một triết gia, là một Linh Mục thánh thiện. Khi các Giám Mục, Linh Mục bỏ Bắc vào Nam. Giống như Thánh Phêrô bỏ Rôma ra khỏi thành. Cha Phêrô Thông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá và hỏi Chúa Giêsu? Quo vadis? Chúa Giêsu đã trả lời: Thầy về Hà Nội để chịu đóng đanh và Cha Phêrô Thông đã cùng Chúa Giêsu về Hà Nội, chịu đóng đanh với Người.
Chúa Giêsu khi chịu đóng đanh Ngài cảm thấy cô đơn tột cùng, đến nỗi đã phải thốt lên: Lạy Cha, Cha nỡ bỏ con sao đành Cha. Cha Phêrô Thông, trong những năm tù đầy, 30 lần bị tra tấn có những lần không chịu nổi đã kêu trách Chúa. Và khi về Hà Nội phẫn ức vì không hiểu được cách hành xử của bề trên, Ngài tưởng Chúa bỏ rơi. Nhưng Chúa vẫn luôn đồng hành với Ngài, ngay cả lúc Ngài điên dại, cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Như lời Cha Oánh nói, khi ôm hôn Ngài lúc hấp hối: Anh Thông ơi! anh đã chiếm được Thầy Giêsu rồi.

Cha Thông đã qua đời 20 năm, cộng sản tưởng đã giết được Ngài. Nhưng Ngài vẫn còn đó, với công trạng của Ngài, chắc Ngài đang ở trên trời. Tinh thần của Ngài vẫn sống mãi nơi 200 học trò. Trong đó: 4 Giám Mục: Đức cha Sang, Đức cha Yến, Đức cha Tuyến, Đức cha Minh; gần 60 linh mục; nhiều kỹ sư, bác sĩ, giám đốc, chánh trương, trùm, quản... đã theo gương Ngài hết mình với Giáo Hội Mẹ, phục vụ tha nhân, tùy theo địa vị khả năng của mình, dẫu có phải đổ máu./.

Xuân Bảng, ngày 21 tháng 3 năm 2011.
LM Chính xứ
Giuse Nguyễn An Khang


***
Linh mục, lễ toàn thiêu

Trong bữa tiệc ly hôm nay, Đức Giêsu lập phép Thánh Thể, đồng thời cũng thiết lập phép Truyền Chức Thánh. Giờ đây tôi xin chia sẻ với anh chị em về chức Linh mục.
Linh mục thường được gọi là Alter Christus, Đức Kitô thứ hai. Tự bản tính, Đức Giêsu là linh mục và là lễ vật toàn thiêu; Ngài là Đấng tế lễ và là lễ vật hy sinh, trên Núi Sọ và trên bàn thờ. Vị linh mục, đấng đại diện, người cũng vừa là đấng tế lễ nhưưng cũng vừa là lễ vật hy sinh. Thánh Phaolô nói: “Tôi hoàn thành trong xác thịt tôi, điều còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Đức Kitô”. Vậy, trong cuộc tử nạn của Đức Kitô còn thiếu sót điều gì? Chắc không thiếu gì cả, bởi vì Đấng bị đóng đinh và tắt thở trên thập giá, là Thiên Chúa. Cái chết của Người có một công phúc vô biên về đủ mọi phưương diện.


Tuy nhiên, dưới một góc cạnh nào đó, ta vẫn thấy thiếu một cái gì. Đó là Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác vào ơn cứu độ của Người để cứu chuộc chúng ta. Nhưư lời thánh Augustinô: “Dựng nên ta, Chúa không cần ta; nhưng cứu chuộc ta, Chúa cần có ta”. Nói cách khác, Chúa muốn có giọt máu hy sinh của chúng ta, để làm cho bình chứa công nghiệp mênh mông của Chúa được tràn trề đến các linh hồn.

Nếu mọi giáo hữu buộc phải cộng tác với công trình cứu chuộc, thì linh mục, còn phải cộng tác thế nào? Bởi do chức vụ, linh mục đã hoá thành kênh đào thông chuyển máu Đức Giêsu. Một người bạn gặp cha Perreyve vừa giảng xong, thấy mình mẩy cha Perreyve ướt đầm mồ hôi, liền nói: “Ông bạn ơn, ông kiệt sức rồi”. Cha Perreyve trả lời: “Trời, một linh mục mà không kiệt sức linh mục đó còn dùng làm gì được”.

Thế gian, biết bao mồ hôi, biết bao công sức đổ vì một công danh. Người ta thấy nhiều thanh niên trong những cuộc chạy đua, trong những trận đấu, trong các cuộc thi để đoạt giải nhất, để được đăng trên báo chí, để trở thành những minh tinh thời đại.

Trong chuyến đua xe đạp vòng quanh nưước Pháp, khi các đối thủ đua nhau bò lên núi Pyrénée, dốc đứng đến nỗi họ phải nằm rạp trên tay lái, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi. Nếu ta xin họ làm 1/10 (hay 1/100) các cố gắng ấy để giữ Mùa Chay, để đi lễ ngày Chúa Nhật... họ sẽ cười, cho ta là đồ già cả lẩm cẩm, là phường lạc hậu cũ rích không hợp thời chút nào.

Đáng thương thay, ý thức Kitô giáo không còn nữa. Người ta không đánh giá sự vật theo đúng giá trị của chúng.

Nhiều người thế gian, giống hệt các chú mọi đen ngày xưa, quen đổi những thỏi vàng hoặc những ngà voi... lấy một tấm gương cũ, một đồ bài trí vô giá trị. Họ không biết thẩm định giá trị các sự vật.

Cũng thế, quá nhiều Kitô hữu đã mất ý thức Kitô giáo; mà yếu tính là một tinh thần hy sinh. Họ không thấy cái giá trị vô song trong các đau khổ họ chấp nhận vì Chúa; họ không biết khai thác.

Linh mục, với gánh nặng tội truyền, cũng mang bản tính mỏng dòn yếu đuối như mọi người. Nhưng giữa loài người, ngài phải sống nhưư một thiên thần, trọn vẹn lo lắng công việc cho Người Cha trên trời. Vô tội như bồ câu, để đi qua giữa bùn nhơ mà không bị vấy bùn. Khôn ngoan như con rắn, để tránh khỏi mọi cạm bẫy gài dưới chân. Hiền lành như chiên non, để không bao giờ hắt hủi ai và để thu phục lòng tín nhiệm của các linh hồn sợ sệt. Đôi lúc phải hung hăng hùng dũng như sư tử, để dám bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa; dám quát tháo “Coi chừng!” đối với các tín hữu đang khiêu vũ trên đường dẫn về hoả ngục; dám nói “non licet - không được phép”, như thánh Gioan Tẩy Giả, đối với cả hạng quyền thế thế gian.

Trong đời sống linh mục, hơn bất cứ đời sống nào khác, cần phải có giọt máu hy sinh. Hy sinh trí tuệ, để phải quen nghĩ tưởng như Đức Kitô; hy sinh ý chí, để phải quen ước muốn điều Đức Kitô ước muốn, hy sinh quả tim, để phải quen yêu mến điều Đức Kitô yêu mến. Muốn nên Thánh, Linh mục phải sống anh hùng liên lỉ. Linh mục tựa hồ tấm bánh được người ta ăn ngon lành. Tóm lại, Linh mục phải vác thập giá theo Chúa Giêsu: "Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình vác thập giá mình theo Thầy". Lời đó nhắm tới tất cả mọi giáo hữu nhưng tiên vàn nhắm đến các Linh mục. Vác thập giá, Linh mục phải đổ máu.
Giọt máu hy sinh các cuộc băng ngàn tìm chiên lạc.


Giọt máu các buổi cầu nguyện chiêm bái lâu giờ trong nhà thờ cô quạnh.

Giọt máu các buổi ngồi toà giải tội dài đằng đẵng.

Giọt máu các buổi thường xuyên thăm viếng bệnh nhân, để thu phục linh hồn họ và chuẩn bị cho họ đi tìm chuyến đi đến đích.

Giọt máu các ngộ nhận, các khinh chê, các vu khống.

Giọt máu các vết thương, gây ra bởi chính các người lẽ ra phải nâng đỡ ngài.

Giọt máu các cảnh khốn cùng tinh thần thể xác.

Giọt máu cảnh cô đơn trơ trọi.

Người thế tục nhìn thấy thập giá, nhưng không thấy cái cao quý ẩn núp bên trong. Thánh Phaolô vui sướng khôn tả trong lúc đau khổ; vinh dự của ngài là thập giá Đức Kitô. Còn thánh Gioan Vianney, cha sở Ars, lại bảo: “Thánh giá giống như cây gai, sờ vào chúng, bạn thấy đau và mang thương tích. Nhưng bạn thử đốt cháy đi, tro của chúng thật êm ái nhẹ nhàng”.

Một linh mục, một ơn thiên triệu cao quý nhất, là của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa và các linh hồn. Như vậy, không một hy sinh nào đối với linh mục là quá nặng nề khó nhọc.
Khi ta yêu mến Đức Kitô, ta không thấy gì là quá khó chịu đựng vì Người; mọi vật đều trở nên nhẹ nhàng. Và lạ lùng thay, càng mau mắn làm tế vật với Đức Kitô, ta càng khao khát hy sinh. Do đó, linh mục trong chiếc áo dòng rách nát, sẽ không thèm đổi địa vị mình cho các kẻ hạnh phúc đời này, với túi vàng đầy ních. Niềm vui riêng của các linh mục, cao vọng riêng của các linh mục; là tận dụng sức lực để mưưu cầu vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn.


Đức cha Bossuet nói: “Trong vũ trụ, không gì cao cả hơn Đức Kitô. Trong Đức Kitô, không gì cao cả hơn hơi Người thở cuối cùng, và giây phút linh hồn Người lìa khỏi xác, là giây phút cao quý nhất”.

Tại sao thế? Vì trong giây phút cuối cùng đó, Đức Giêsu đã hoàn tất lễ hy sinh của Người. Cũng thế, trong đời sống linh mục, do chức vụ, mọi giây phút đều là thánh lễ, suốt đời làm lễ vật hy sinh, nhưng cái chết của linh mục trở thành thánh lễ cuối cùng mà linh mục dâng lên Thiên Chúa. Các linh mục phải nhìn vào cái chết, và phải xem cái chết, như là một chức vụ thuộc thiên chức linh mục của các ngài, nó là thánh lễ sau cùng kết liễu đời các linh mục.

Cha Léandro Juan Garcia đã tuẫn giáo. Bọn lý hình lột da bàn chân của ngài, chặt các ngón tay của ngài, hành hung ngài cho đến khi ngài tắt thở. Ngài đã chết trong lúc ngài cử hành thánh lễ cuối cùng.

Ở Lagos, hai linh mục cũng bị bắt vì tội làm lễ. Lý hình vừa chặt hai cánh tay một vị linh mục, vừa ngạo nghễ nói: “Mi sẽ không làm lễ được nữa rồi”. Ngài đã chết trong lúc ngài cử hành thánh lễ cuối cùng.

Còn bao linh mục khác... Các linh mục tử đạo Việt Nam.

Thời giờ, máu huyết, đời sống, mọi nghị lực... của linh mục, sẽ được giương ra để tiến đến mục đích cao thượng ấy.
Có ba em bé cùng nói về ngày đẹp nhất trong đời. Cậu thứ nhất bảo: “Đó là ngày rước lễ lần đầu”, cậu thứ hai nói: “Đó là ngày vị tân linh mục bước lên bàn thờ lần đầu tiên và truyền cho Chúa trong lòng bàn tay mình”, nhưng cậu thứ ba tiếp, xa lắm, xa lắm, xa tít đằng kia, rằng: “Đó là ngày linh mục chết. Linh mục vừa là đao phủ, vừa là người tuẫn giáo. Ngày linh mục chết là ngày tử đạo”.

Lạy Chúa, hôm nay thứ năm Thánh, Chúa thiết lập phép Truyền chức. Xin cho đới sống các Linh mục trở thành của lễ toàn thiêu./.
Xuân Bảng, ngày 21 tháng 04 năm 2011.
Linh Mục Chính Xứ
Giuse Nguyễn An Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét