Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Cánh đồng mẫu lớn không lớn nổi

2012-07-07
Những “cánh đồng mẫu lớn” được thực hiện ở 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã không thể “lớn” lên được, ngoại trừ tỉnh An Giang.
RFA photo
Cánh đồng lúa đang vụ Hè Thu, ảnh minh họa


Nguyên nhân nào khiến các cánh đồng mẫu lớn trở về điểm xuất phát.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 15.500 ha thực hiện cánh đồng mẫu lớn; trong đó riêng An Giang đạt khoảng 8.000 ha, phần còn lại ở 11 tỉnh thành khác.
Nói một cách dễ hiểu, cánh đồng mẫu lớn là một mô hình sản xuất tập trung, nơi doanh nghiệp và nông dân hợp tác sản xuất với mục đích hai bên cùng có lợi. Những nông hộ nhỏ của nông dân tập trung thành cánh đồng lớn, doanh nghiệp chủ trì có bổn phận cung cấp vật tư đầu vào chất lượng tốt với giá ổn định, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phục vụ sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo giá thỏa thuận.
Như vậy những điều kiện cần và đủ để làm cánh đồng mẫu lớn, là phải có nông dân tham gia và phải có doanh nghiệp nhiều vốn chịu đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch như thiết lập nhà kho hợp chuẩn, nhà máy xay xát, đánh bóng và thực sự có đầu ra tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu.

Doanh nghiệp chưa đủ gắn bó

Ở những nơi mô hình cánh đồng mẫu lớn bị thất bại, chúng tôi cảm nhận là vai trò doanh nghiệp rất mờ nhạt, không bỏ vốn đầu tư nhà kho nhà máy, cũng chẳng bảo đảm khâu tiêu thụ mà vẫn mang tính cách đi buôn dù mang tiếng là tham gia cánh đồng mẫu lớn.
Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam nhận định rằng Việt Nam phải làm sao thoát ra được phương thức canh tác nhỏ lẻ không hiệu quả.
“Quan trọng nhất, chủ yếu nhất là phải tổ chức nông dân lại như hợp tác xã hay cánh đồng mẫu lớn thì mới có thể giải quyết khâu sau thu hoạch, chứ không thể dựa vào nhà nước đầu tư… Nếu có chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ đầu tư, hiện nay số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, đếm trên đầu ngón tay thôi.
Nhà nước cần có chính sách tốt để khuyến khích họ. Hướng làm cánh đồng mẫu lớn tập trung nông dân là hướng đi rất đúng đắn trong tương lai. Hiện nay có những trở ngại nhất định do sự cam kết giữa hai bên doanh nghiệp - nông dân hay bị vỡ là do luật lệ còn nhiều kẽ hở, khắc phục vấn đề này thật sự không quá khó.”

Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Mùa gặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. AFP photo
Thật ra An Giang đã tiên phong thực hiện ý tưởng của riêng mình với những điều kiện khá tốt mà không phải nơi nào cũng làm được. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu trên Saigon Tiếp Thị Online, từ năm 2003 tỉnh này cố gắng thực hiện liên kết bốn nhà: nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học nhưng không khả thi. Lý do không làm được theo ông Năng, vì không có sự phân chia lợi nhuận hợp lý giữa 5 thành phần tham gia qui trình sản xuất lúa gạo. Đó là nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, lau bóng và nhà xuất khẩu. Các thành phần trung gian như thương lái, nhà máy xay, lau bóng được hưởng lợi nhuận rất lớn, chiếm khoảng 50%. Vẫn theo ông Năng, lợi nhuận năm 2011 ước tính là 2.100 đồng/kg mà các khâu trung gian đã hưởng 1.100 đ.
Tới vụ đông xuân 2011 - 2012 là vụ lúa thứ tư An Giang triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn theo mô hình mới là loại bỏ các khâu trung gian. Mô hình mới chỉ còn nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể là nông dân và Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang. Ông Năng trình bày trên Saigon Tiếp Thị Online về sự ích lợi rõ ràng của cánh đồng mẫu lớn, đó là chất lượng gạo được bảo đảm và chi phí sản xuất của nông dân giảm. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long vì hoàn cảnh chật vật nên thường mua chịu vật tư từ các đại lý, cuối vụ thu hoạch mới thanh toán, do vậy họ phải chịu giá cao hơn từ 20%-55%. Góp ruộng sản xuất bên trong mô hình, nông dân được công ty cung ứng vật tư không tính lãi với giá ổn định và đảm bảo chất lượng. Nông dân trồng một hoặc hai giống lúa theo yêu cầu của công ty, sử dụng giống xác nhận canh tác theo kỹ thuật chỉ dẫn, năng suất cao hơn giống lúa thầu từ 5-10%, thu hoạch bằng máy tỷ lệ thất thoát là 2%, trong khi đó gặt bằng tay tỷ lệ hao hụt khoảng 5%.
Trong dịp trả lời chúng tôi Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng mô tả rõ nét về cánh đồng mẫu lớn của tỉnh nhà:
“Có thể nói khái niệm diện tích nhỏ của từng hộ và cánh đồng lớn là khái niệm của Bộ NN-PTNT. Còn ở đây, chúng tôi đang kiên trì một mô hình gọi là cụm dịch vụ lúa gạo chung quanh một cánh đồng sản xuất lúa, có thể gọi là vùng nguyên liệu của cụm dịch vụ sản xuất lúa gạo. Khâu quan trọng nhất cho tính cách thành bại là sự đề xuất và hưởng ứng của doanh nghiệp trong chủ trương sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.”
Nếu có chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ đầu tư, hiện nay số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, đếm trên đầu ngón tay thôi.
GS Bùi Chí Bửu
Nếu như vấn đề tiêu thụ lúa của nông dân làm ra trên các cánh đồng mẫu lớn ở nhiều tỉnh đang là trở ngại lớn và gây mất niềm tin, thì tình hình ở An Giang khá hơn nhiều. Cách làm của An Giang rõ ràng rất khác với số đông các địa phương mà việc đăng ký thực hiện cánh đồng mẫu lớn là chạy theo phong trào. Phó Chủ tịch tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng phân tích:
“Chúng tôi không dùng khái niệm bao tiêu sản phẩm, khái niệm này chả có lợi ích gì. Vấn đề tiêu thụ là một khái niệm mở, nó gắn chặt trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt quá trình nông dân thu hoạch. Ở tại mô hình này tạo ra một điều kiện mà chúng tôi gọi là điều kiện để người nông dân thể hiện được quyền của mình hay nói cách khác là quyền của người bán.
Khi lúa được đưa đến kho được đo độ ẩm, xác định được khối lượng thì người nông dân có quyền bán hoặc gởi lại kho trong một tháng mà không phải tính tiền lưu kho. Nếu giá cả vẫn chưa thuận để bán, người ta vẫn cho gởi lại kho nhưng nông dân phải chịu chi phí.”
Ông Huỳnh Thế Năng từng có ý kiến là trên mô hình cánh đồng mẫu lớn ở An Giang, trong trường hợp thị trường gặp khó chính phủ có thể trực tiếp hỗ trợ nông dân thay vì hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ gạo. Bởi vì lúa gạo đủ tiêu chuẩn của nông dân đang gởi trong kho có danh sách minh bạch.
Ông Ba một trung nông làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có những ý kiến rất thực tế xuất phát từ kinh nghiệm xương máu của nông dân.
“Nếu anh có kho trữ lúa nhưng anh không bảo đảm được giá lúa là bao nhiêu thì cũng không được. Bởi vì nợ nần ngân hàng, nợ vật tư nông nghiệp nhiều lắm phải bán. Chủ yếu phải bao tiêu sản phẩm thì nông dân sẽ vào cánh đồng mẫu lớn nhiều. Bây giờ nông dân đã hiểu cái lợi của cánh đồng mẫu lớn nhưng còn đắn đo là ở chỗ đó, bên doanh nghiệp không bao tiêu sản phẩm cho mình.”

Vừa làm vừa run


kho-lua-gao-250.jpg
Kho chứa gạo tự xây của nông dân. RFA file photo.
Theo báo Đất Việt Online người nông dân “vừa làm vừa run với cánh đồng mẫu lớn”. Tờ báo trích lời ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc sở NN-PTNT Tiền Giang nhận định rằng, trên diện tích nhỏ ban đầu thì cánh đồng mẫu lớn khá trôi chảy, nhưng khi nông dân Tiền Giang hào hứng tham gia, mở rộng diện tích thì khó đủ đường. Tại nhiều cánh đồng mẫu lớn, lúa trồng ra không biết bán ở đâu, không có đơn vị nào đứng ra thu mua. Tờ báo cũng mô tả tình trạng tương tự ở Cần Thơ, Hậu Giang. Riêng Hậu Giang có 5 cánh đồng mẫu lớn, 3 của tỉnh và 2 của huyện, nhưng các doanh nghiệp tham gia vẫn chưa thực hiện việc xây dựng nhà kho.
Tình trạng thảm hại của cánh đồng mẫu lớn ở một số nơi khác được báo Dân Việt Online phản ánh, Công ty Docimexco có hợp đồng ghi nhớ không có tính ràng buộc pháp lý với Hợp tác xã Tân Cường tỉnh Đồng Tháp, do vậy đã nại lý do kỹ thuật lúa thu hoạch sớm chưa đủ chín và bỏ mặc nông dân tự bơi. Tỉnh Kiên Giang cũng khó khăn với tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn đạt 1.320 ha, nhưng chỉ có hợp đồng bao tiêu khoảng 300 ha.
Khi đọc những bài báo vừa nêu, chúng tôi cảm nhận rằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thực hiện cánh đồng mẫu lớn không giống nhau, cứ có nông dân tham gia là gọi là cánh đồng mẫu lớn, trong khi chẳng có doanh nghiệp chủ trì bảo đảm cụm dịch vụ phục vụ cánh đồng lớn, trong đó cần thiết phải có nhà kho trữ lúa gạo và đầu ra tiêu thụ. Đây cũng chính là điều ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đơn vị khai sinh mô hình cánh đồng mẫu lớn phát biểu trên Đất Việt Online, để làm cánh đồng mẫu lớn là phải tổ chức lại sản xuất từ cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thực hiện thu hoạch bằng cơ khí, phải có nhà kho, nhà máy xay xát cho đến tiêu thụ sản phẩm. 4 cánh đồng mẫu lớn của BVTV An Giang đang vận hành trơn tru và sẵn sàng chuyển giao mô hình cho các doanh nghiệp muốn tham gia ở các địa phương.
Saigon Tiếp Thị Online ngày 28/6 trích lời TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định là, cánh đồng mẫu lớn trừ An Giang khá tốt, còn lại đều gặp khó khăn. Mô hình sản xuất tập trung phải gắn bó với nông dân nhưng chỉ “gắn” chứ chưa “bó”. TS Đặng Kim Sơn cho rằng, ở Việt Nam ít có doanh nghiệp đưa kỹ thuật, vật tư và vốn đến cho nông dân, tức là một hợp đồng hai chiều mà chỉ có hợp đồng một chiều mua nông sản. Theo lời ông, ngay cả ở mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng chưa thể hiện việc nông dân bỏ cổ phần vào doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì đầu tư vào đồng ruộng của nông dân.
Cuối năm 2011 Bộ NN-PTNT phấn khởi đưa tin thực nghiệm với cánh đồng mẫu lớn đầy triển vọng và định hướng đến cuối năm 2012 đạt từ 40.000 tới 80.000 ha, năm 2013 đạt từ 100.000 tới 200.000 ha và đến năm 2015 sẽ đạt 1 triệu ha. Các nhà lãnh đạo chính sách nông nghiệp đã phải hết sức tự tin khi đưa ra định hướng như vậy.
Đầu tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo phải có biện pháp cứu nguy cánh đồng mẫu lớn, Theo đó Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa tại các mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”.
Trên thực tế cánh đồng mẫu lớn khó phát triển đại trà vì chỉ có cha đẻ của nó Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang là thể hiện một cuộc cách mạng trong liên kết với nông dân. Trong khi đó những đại gia nhà nước như các Tổng công ty lương thực Vinafood I và Vinafood II chi phối thị phần xuất khẩu gạo tới 60%-70% tức kiếm lời từ công sức của nông dân lại chẳng thấy có sự liên kết gì với người trồng lúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét