Lời toà soạn: Tưởng niệm biến cố 30/4 báo Đẹp hân hạnh gới thiệu bài viết về người thật, chuyện thật của thuyền nhân Ngô Văn Thu là người tài công bất đắc dĩ nhờ lòng can đảm, tánh trầm tỉnh đã đưa 145 thuyền nhân vào bờ Mã Lai an toàn. (TRẦN KIM VY)
NGÔ VĂN THU *****
Năm 1985 tôi vượt biển, tàu xuất phát từ Mỹ-Tho, khi ra đến hải phận thì bị tắt máy trôi ròng rã ba ngày đêm, dạt vào vùng biển Trường Long Hòa thuộc tỉnh Trà Vinh. Bị bắt đi tù ở nông trường trồng dừa 30/4 gần hai năm, trốn trại về Sài-gòn, sống chui rúc bất hợp pháp trong con hẻm 220, Trương Minh Giảng.
Năm 1987 thuê căn phòng khác cùng hẻm, trên lầu đã có một gia đình cư ngụ. Tết năm đó gia đình nầy ăn tết thật rôm rã, có cả công-an khu vực đến dự. Nhờ đó tôi dựa lây sự an toàn “thế lực” của gia đình nầy để sống ngoài vòng pháp luật.
Tết xong qua tháng 3, 4 âm lịch. Hằng ngày thấy xe cộ vào ra, người tới lui hơi bất thường trên lầu.Tìm hiểu chủ nhà cho biết: bà Hai là người đầu mối của các tổ-chức vượt biên, bị bắt vừa chạy chọt ra trước tết, nay đang “bày hàng” bán lại nên có vẻ hấp dẫn người mua. Bà đi suốt ngày, đêm nào cũng 12 giờ khuya mới về.
Một đêm tôi đợi tại cầu thang khi bà mở cửa bước vào, tôi chào hỏi xã giao xong, vào đề:
- Bà Hai, chừng nào tổ chức xong cho gia đình tôi đi với. Như đĩa gặp phải vôi, bà la ơi ới:
- Ông nói gì lạ vậy, công an nghe sẽ bắt tôi. Tôi bảo:
- Tôi biết việc làm của bà là giúp mọi người, nên tha thiết nhờ bà chứ không có ý gì khác.Tôi là sĩ-quan đi tù về, nay có chuyến đi là đi ngay, giấy ra tù của tôi đây bà xem đi. Bà vẫn thoải thác và đi thẳng lên lầu.
Mấy đêm sau tôi lại đón bà và cũng lập lại lời yêu cầu cũ. Như có chút thiện cảm trứơc cảnh sống khó khăn của tôi. Bà dịu giọng hỏi.
- Vậy ông là sĩ-quan ông có biết coi địa bàn không?
Tôi trả lời:
- Là sĩ quan mà không biết coi địa bàn thì coi cái gì? (Lẽ ra bà phải hỏi tôi: ông có coi được hải-bàn không mới đúng). Vì bà đang tổ chức vượt biên bằng đường biển. Giá như bị hỏi như vậy tôi đã từ chối rồi, vì tôi là lính bộ binh chứ không phải là lính biển làm sao tôi coi được hãi-bàn). Do sự thiếu hiểu biết, nên bà Hai không phân biệt được cách xử dụng từ hãi-bàn hay địa bàn cho đúng.
Nghiệp dĩ đã cột chặt tôi vào tổ chức nầy. Gần ngày đi, bà cho tôi biết giá cả:
- Mỗi đầu người hai cây rưỡi vàng, đưa trước năm chỉ khi lên xe.Chuyến đi đầu tiên khởi hành từ chợ vườn chuối, Q.3 Sài Gòn xuống Cà Mau. Đổ một ngày đường dài vất vã, với bao nỗi âu lo bất trắc có thể xảy ra ở các trạm kiểm soát dọc đường. Đến nơi thì tin cho biết: Biển động(?!) phải trở về. Xem như năm chỉ vàng tan theo bụi mờ của bánh xe lăn!
Một tháng sau khởi hành chuyến khác. Đi từ khu cư-xá Thanh Đa Sài-Gòn xuống núi Bà Châu Đốc, như là đoàn khách hành hương đến viếng Bà. Ăn và ở nhà trọ, phải di chuyển liên tục 5 ngày quanh khu vực núi Sam để tránh sự dòm ngó của dân chúng và công an. Sau đó tất cả xuống tàu đò đi Cà Mau. Đến nơi thì “cá lớn” bị trục trặc kỹ thuật (?!) phải trở về, 5 chỉ vàng lại tan theo bọt nước.!
Lần đổ quân vào bờ kỳ nầy, thập phần gian nan! Trời đã khuya bỗng dưng có một chiếc tàu đò đổ xuống một lượng khách vài chục người, tay xách nách mang, dáng dấp không phải là người địa phương thì có khác nào tự tố cáo rằng: thưa ông tôi ở bụi nầy. Do đó tàu đò đổi hướng chạy về kinh Ô Môn Cần Thơ để thả hàng xuống.
Từng đoạn một, tàu tấp vào bờ nhả ra từng tốp người với lời hối thúc cấp bách:
- Nhảy lẹ lên, nhảy lẹ lên... nếu không sẽ bị bắt hết!
Đánh động sự sợ hãi của mọi người. Thế là có người đã nhảy ra khỏi tàu, trong khi tàu vẫn chạy chầm chậm. Có người chưa bám được bờ thì đã rơi tỏm xuống nước! Mặc! Tàu vẫn chạy, vẫn cố tình đổ khách, để trút hết cục nợ đang mang trên mình!
Phần tôi cũng nằm trong số phận đó. Phải nhảy để thoát thân. Lấy thế đã tập lộn nhào, cơ bản thao diển học được ở quân trường ngày nào. Tôi phóng người vào bờ với hai vòng lộn, xem ra cũng còn ngoạn mục lắm! Đứng dậy co giản chân tay xem có sứt mẻ gì không. May thay an-toàn!
Nhìn quanh khu vực để định hướng, nhưng chỉ thấy đêm đen bao phủ. Tôi lủi vào bụi cây nằm chờ trời sáng. Thiếp đi một lúc nào đó, tai tôi bỗng nghe tiếng máy xe “lam” nổ dòn từ xa vọng lại ở một góc trời.Tôi lần mò theo hướng tiếng xe lam vì nghĩ: sẽ có một hương lộ nên mới có xe chạy. Bình minh đã ló dạng.
Con lộ hiện ra, tôi không biết phải tìm hướng nào để đến quận lỵ hay nơi họp chợ, vì từ đây mới có phương tiện xe đò để thoát thân. Bỗng có tiếng xe gắn máy chạy trờ đến. Đánh liều, tôi khoát tay xin xe dừng. Một người đàn ông trạc tuổi 40 cho xe ngừng nhìn tôi và quan sát. Không để ông ta kịp thấy vẽ bối rối. Tôi nói: Chú cho quá giang lên bến xe Cần Thơ, con bịnh đang nằm nhà thương trên đó, vừa nói tôi vừa dúi tiền vào tay ông, thấy tiền ông cho lên ngay.
Bến xe đò Cần Thơ sáng sớm nhộn nhịp khách ngược xuôi. Một vé chợ đen giá cao đi Sài-Gòn. Xe rời bến. Hú hồn thoát nạn, năm chỉ vàng bỏ ra mua cảm giác mạnh của sự trốn chạy, chỉ thiếu pha rượt đuổi, bắn nhau như phim James Bonds 007 mà thôi.!
Như say men vượt biên vào người, một tháng sau khăn gói ra đi trở lại, dù nỗi kinh hoàng đêm “đổ bộ” ở kinh Ô-Môn chưa nguôi ngoai.
Hai chiếc xe đò đậu sẳn trước rạp hát Hòa-Bình (Viện Hoá Đạo cũ) đường Trần Quốc Toản. Khách lần lượt lên xe, với danh nghĩa: “thân nhân đi thăm bộ-đội ở Cambuchia về”. Xe qua phà được ưu tiên không chờ đợi vì tờ sự vụ lệnh có lý do đặc biệt đó.
Suốt cuộc hành trình dài không gặp trở ngại, vì tổ chức đã mua từ trên xuống dưới.Khoảng 12 giờ đêm xe xuống điạ phận tỉnh Cà-Mau và dừng lại trước trại tù Cây-Gừa (trại giam khét tiếng ác độc nhất của tỉnh). Tất cả xuống xe, hàng một nối đuôi nhau vào trại. Tôi bàng hoàng sửng sốt vì nghĩ: mọi người lần nầyđã bị gạt trắng tay, vừa tiền vừa tù. Làm sao có thể vào tù dễ dàng như thế nầy được? Không có vây bắt rượt đuổi nào cả, vậy mà tự rủ nhau vào tù quả là chuyện quái lạ!
Tôi đi hết ngạc nhiên nầy đến sửng sờ nọ trong đêm tối. Người dẫn đầu vẫn tiếp tục dẫn đoàn người đi sâu ra phía sau, băng qua mấy dãy nhà giam rồi lẫn vào bóng đêm ra đến tận bờ sông.
Lù lù bóng một con tàu xuất hiện. Mọi người được lệnh lên tàu. Có tiếng trượt té, có tiếng lội bì bõm dưới nước trong cảnh im lặng nghẹt thở, chưa ai biết biến cố gì sẽ xãy ra. Có tiếng hối thúc cấp bách:
- “Lẹ lên, lẹ lên, tất cả xuống khoang tàu”
Gia đình tôi gồm ba người cũng đã có mặt, nằm xếp lớp như cá vừa ngột ngạt, vừa sợ hãi. Mãi một giờ sau tàu mới nổ máy rời bến. Khói tàu phun ra, một số quyện vòng vòng trong khoang cộng với hơi người toát ra từ thân nhiệt, làm cho không khí trầm uất khó thở. Tôi liên tưởng đến cảnh một con tàu chở dân nô lệ đi bán trong một phim nào đó mà tôi đã có dịp xem ngày trước.
Hơn một giờ sau. Bỗng nắp khoang tàu mở ra. Một cái đầu thò xuống. Một giọng nói phát ra:
-Có chú T.. đây không?
Không có tiếng trả lời. Đầu người được gỡ ra, rời khỏi nắp khoang đi vài phút và trở lại tiếp tục hỏi:
- Có chú T... ở số... hẻm 220 đường Lê văn Sĩ (Trương minh Giảng củ) không?
Một phút trôi qua không ai trả lời...Thấy không có tên ai ngoài tên mình. Tôi lên tiếng:
-Tôi là T.. đây, có việc gì không? Có tiếng vọng lại:
- Chú lên đây!
Tôi đáp:
-Tôi đi với gia-đình, không thể bỏ gia-đình đi một mình được. Có tiếng đáp lại:
-Chú đưa cả gia-đình lên đây luôn.
Tôi phải né tránh từng bước chân dưới lớp người đang nằm bẹp dí vì quá chật chội mới đến được nắp khoang tàu. Trồi đầu ra khỏi khoang. Trời hỡi! Tôi không biết nói gì ngoài sự sung sướng, vì đã hít thở được đầy đủ khí trời trong mát êm diụ.Tôi không biết trên chốn Cực Lạc hay Thiên Đàng có được như thế nầy không chứ ở đây gió sông thổi lồng lộng mát rượi khiến tôi tỉnh người và cảm nhận rằng: không đâu xa, đây chính là chốn Cực Lạc cuả trần thế, khác với dưới hầm tàu nóng nực, ngộp thở như cảnh giới của địa ngục!
Một người bảo tôi:
- Gia đình chú nằm quanh cabine nầy. Cơm, cháo, bánh mì cứ ăn uống tự nhiên và ngủ ở đó luôn.
Tôi không biết việc gì sẽ xảy ra cho gia-đình tôi, vì sao tôi có sự biệt đãi nầy?
Thây kệ, phó mặc cho số phận và nghĩ nhãm: Người tử tù trước khi ra pháp trường còn được bữa ăn, còn gia-đình tôi, trước khi bị đạp xuống sông chắc cũng hưởng được ân huệ cho hít thở khí trời, ăn uống, mì, cháo rồi sẽ “mò tôm” sau cũng đành! Vợ con tôi nhấm nháp qua loa rồi lăn đùng ra ngủ vì quá mệt. Riêng tôi cũng đã ngất ngư, nhưng chỉ vờ nhắm mắt ngủ vì còn phải đề phòng những bất trắc có thể xảy ra!
Tàu vẫn nhấp nhô lượn sóng, gió sông vẫn lồng lộng thổi. Đêm về khuya càng gây cảm giác u-tịch rờn rợn. Hai giờ tàu chạy trôi qua. Đợi mãi không thấy động tịnh gì, hầu như ai nấy trên boong tàu đều ngủ say, ngoại trừ tiếng máy tàu nổ bơn-bơn và tiếng chân vịt lùa nước đẩy tàu lướt tới...
Khoảng 5 giờ sáng, có tiếng chân người bước từ hướng mũi tàu đến nói với tôi: Gia đình chú xuống lại dưới khoang, tàu gần đến đồn công-an biên phòng rồi. Gia đình tôi trở về cảnh địa ngục cũ.
Mở hé nắp khoang tàu để quan sát động tĩnh. Một số người mặc đồ bộ-đội, vai mang súng đủ loại đi tới, đi lui trên boong trong tư thế sẳn sàng chiến đấu. Tôi không biết việc gì sẽ xảy ra. Nếu công-an biết tàu nầy đang chở người vượt biên bắt dừng lại để khám xét, và phiá người trên tàu cố tình chạy thoát thì có sự đụng độ, súng nổ, người lãnh đạn sẽ là thuyền nhân khốn khổ chúng tôi phải hứng chiụ, tôi thầm cầu nguyện Phật Bà Quán-Âm che chở cho tai qua nạn khỏi.
Bình minh ló dạng phương Đông. Tàu qua khỏi khúc sông tưởng chừng sẽ có nguy biến xảy ra. Gia đình tôi được lên boong trở lại. Tàu luồn lách qua các con kinh vùng Cà-Mau.
Một cảnh đẹp rực rỡ hiện ra trước mắt trong bình minh! Trên từng ngọn cây rừng Tràm Cà Mau, được phủ trắng xoá bởi hằng hà sa số đàn cò trắng từ đâu quy tụ về đây làm chốn dung thân. Những cánh cò bay nhấp nhô, chao lượng trên mặt nước trước ánh sáng êm dịu của bình minh trông thật nên thơ. Một bức tranh thiên nhiên, lung linh đẹp tuyệt vời mấy ai có thể ngắm nhìn được trong hoàn cảnh thật bất ngờ hiếm quý nầy. Cám ơn thiên nhiên đã cho tôi vài giây phút quý báu đó để giảm áp lực căng thẳng thần kinh suốt một đêm dài vật vã với bao nỗi sợ hãi tột cùng...
Tàu ra khỏi kinh “cổ cò” chừng vài cây số thì được neo lại. Hai chiếc “tắc rán” (xuồng lá) chở toán người, tôi nghĩ là thành phần tổ chức leo lên. Họ hội họp với nhau, có cải vã ồn ào, rồi thay nhau đi từng người lấy mật mã của khách để về Sài-gòn nhận vàng còn lại.
Một người đến bên tôi gợi chuyện và cho biết: - “Tàu phải ngừng lâu vì chờ ông hoa-tiêu, nhưng giờ chót ông ta không có mặt. Bây giờ, “trăm sự nhờ chú dẫn tàu đi”. Thế là lá bài lường gạt tôi nay đã lật ngữa. Sự biệt đãi dành cho gia-đình tôi, nay có giá phải trả.
Tôi nói:
- “Tôi có biết gì về đường biển đâu mà dẫn tàu đi mấy chú gạt tôi.”
Người kia năn nĩ.
- “Theo báo cáo: Chú bíết đường đi mà!
Tôi nói liều:
- Chỉ cho tàu quay đầu vào thì được.-
Người kia bảo :
- Không được đâu chú, tàu vào sẽ đi tù cả đám.
Tôi trả lời:
- Đi tù còn sống, hơn là ra đi mà chết hết!
Người kia:
-Thôi lỡ rồi chú,chú ráng giúp tụi cháu!
Thấy đã có sự sắp xếp trước rồi,vã lại mình đã bị leo lên lưng cọp có xuống cũng không được.Tôi đành ngả giá:
-Nếu muốn tôi dẫn tàu đi thì phải có điều kiện tôi mới đi.
Người kia:
- Điều kiện gì chú thử nói cho tụi cháu nghe!
Tôi trả lời:
-Các chú hãy bỏ súng và đạn xuống một góc đằng mũi tàu cho tôi, rồi tôi mới đi. Súng nầy... súng nầy...Thấy tôi chỉ nhiều quá chúng bảo:
- Chú lấy súng làm gì nhiều vậy.Tôi nghiêm mặt trả lời:
-Chẳng lẽ ra gặp cướp biển Thái Lan, rồi ôm chúng mà cạp sao? Phải đánh lại chúng để sống, còn mấy chú ở nhà mới lấy tiền được chứ! Thấy có lý, chúng bảo:
-Chú lấy ít ít, tụi cháu còn đem về nạp lại cho đơn vị. Tôi không có ý gọi đích danh tên súng, vì sợ chúng nghĩ, lính sao mà rành quá vậy!
Cuối cùng tôi đã có một số lượng vũ khí đáng kể. Một cây M.79 với dây đạn 20 viên, 4 cây AK.47, 4 cây M.16 với số đạn đủ xử dụng khi hữu sự. Theo chỗ tôi tìm hiểu, cướp biển Thái Lan thường chỉ trang bị súng lục, dao găm, hoặc mã tấu mà thôi, ít có súng chiến đấu ngoài chiến trường như các loại tôi đang có. Lần nầy nếu đụng trận chắc rằng, không những tôi sẽ bảo vệ được cho tàu mà còn trả được mối thù cho đồng bào tôi đã từng bị chúng sát hại dã man trên đường trốn chạy đại họa giặc cờ đỏ ở Việt Nam Nghĩ đến đây, máu căm thù sục sôi dâng lên. Tôi liều!
Quay nhìn lại thì bọn chúng đã xuống xuồng trở vào đất liền. Mặc cho tôi luống cuống xoay xở một mình trên tàu. Tôi run lên trước cảnh sóng nước bao la của biển. Tàu nhấp nhô chao đão như quả trứng bỏ vào tô nước. Tôi không biết phải làm việc gì trước, việc gì sau để điều khiển con tàu ra khơi! Tôi không có chút kiến thức nào về hàng hải, làm sao tôi có thể đưa tàu vượt biển! Thật là một tai họa cho tôi lẫn cho người trên tàu. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều.!
Quay trở vào ư? Chắc rằng mấy họng súng đen ngòm đang chờ để hạ sát, với lý do giản dị là tàu lạ xâm nhập, thế là xong đời những oan hồn vượt biển vô tội!
Sau nầy tôi được biết. Tổ chức vượt biên nầy do Quân khu 9 (Cà-Mau) điều khiển. Đội tàu nầy có nhiệm vụ trá hình đánh bắt cá và canh phòng mặt biển (chống xâm nhập, vì đã có phong trào Trần Văn Bá từ Paris về mấy năm trước). Thay vì thi hành tốt công tác đó. Chúng lợi dụng phương tiện sẳn có, tổ chức vượt biên để kiếm vàng chia nhau. Vì vậy không lấy làm lạ tại sao trên tàu chúng có nhiều súng?
Tôi xuống hầm tàu xem tình hình ra sao, thấy có một thanh niên đang lui hui bên buồng máy.Tôi hỏi:
-Anh là thợ máy phải không?
Người ấy đáp:
- Dạ phải.
Tôi hỏi tiếp:
-Anh cũng là tài công luôn phải không?
-Dạ phải.
- Nghề lái tàu của anh lâu chưa?
-Dạ lái được ba năm.
- Chuyên lái đường biển hay đường sông?
-Dạ đuờng sông!
- Anh có biết anh đang lái tàu nầy đi đâu không?
-Dạ có người thuê lái tàu chở than từ Cà-Mau về Cần-Thơ!
Tôi thốt không thành lời một câu! Lại một nạn nhân bị gạt nữa! Bọn tổ-chức nầy thật tinh ma. Chúng gạt bất cứ ai có thể gạt được. Nếu bảo với tài công: lái tàu vượt biển.Trước nhất chúng phải trả công cao hơn cho họ, thuê hoa tiêu cũng vậy.Thứ nữa chúng còn sợ họ mang cả gia đình theo và thậm chí còn kéo luôn nhiều người đi hôi nữa.Quốc sách tốt nhât là gạt!
Tôi cũng nằm trong sự toan tính đó. Rời buồng lái lên boong tàu để quan sát tổng quát. Bất chợt tôi thấy trước mũi tàu có đặt một hãi-bàn màu oliu nhà binh cao chừng hai tấc, to bằng tô canh. Cầm lên xem, thấy tình trạng còn xử dụng được. Một thoáng mừng thầm hiện lên trong lòng,vì biết rằng: không có sự ích lợi nào thay thế nó trong lúc nầy để giúp cho chúng tôi ra khơi mà không lạc hướng. Tôi điều chỉnh hướng quay của hải bàn về phía Malaysia để tìm độ 240. Hải bàn quay đúng hướng. Để cho chắc hơn nữa tôi cho hải bàn quay đều 4 hướng để kiểm soát lần chót. Quả tình hải bàn hoạt động tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét