Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Ý kiến các nhà dân chủ trong nước về Đại hội Đảng

Ý kiến các nhà dân chủ trong nước về Đại hội Đảng

2011-01-17
Những diễn tiến về Đại hội đảng được đánh giá ra sao? Mời quý vị theo dõi cuộc Hội luận giữa các nhà dân chủ ở Hà Nội và TP.HCM
Photo: RFA
Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.

Hiện tình đất nước

Về Đại hội XI đảng Cộng sản Việt Nam đang đi vào hồi kết sau gần một tuần nhóm họp. Không ít ý kiến của các đại biểu được dư luận chú ý như trường hợp ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, “đảng đang xa dân, vô cảm với dân, hành dân, sách nhiễu dân…”, để rồi ông Đỗ Hoài Nam đưa ra lời cảnh báo “nguy cơ đảng suy sụp, chế độ tan vỡ khi người dân mất đi sự  tín nhiệm. Mất  dân là mất đảng, mất chế độ...”
Ý kiến của các nhà dân chủ ở trong nước ra sao? Những diễn tiến về Đại hội đảng được đánh giá ra sao? Mời quý vị theo dõi cuộc Hội luận do Việt Hùng điều hợp giữa các nhà dân chủ ở Hà Nội là ông Nguyễn Thượng Long, biên tập viên báo Tổ Quốc và ông Nguyễn Bắc Truyển, thành viên khối 8406, đảng viên đảng Dân Chủ Nhân Dân ở Sài Gòn, mời quý vị theo dõi.
Việt Hùng: Theo dõi về Đại hội XI đảng CSVN, khi các đại biểu dự đại hội đăng đàn đã đề cập đến nhưữ ng vấn đề  mà từ trước đến nay vẫn luôn được cho rằng  “vùng nhạy cảm” của đảng. Lấy một ví dụ, đại biểu Đỗ Hoài Nam nói quan hệ giữa đảng – dân ngày một xa, vô cảm với dân, hành dân, để rồi ông đưa ra lời cảnh báo về sự suy sụp của đảng, mất dân là mất đảng, mất chế độ. Thưa ông Nguyễn Thượng Long và ông Nguyễn Bắc Truyển, các ông nghĩ gì về những ý kiến này? Trước tiên chúng tôi xin mời  ông Nguyễn Thượng Long từ Hà Nội.
Ô. Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ là trong số những đại biểu có mặt tại Đại hội cũng có nhiều người muốn nói lên tấm lòng của họ, suy nghĩ thật sự của họ về hiện tình của đảng, hiện tình đất nước, hiện tình dân tộc. Những “báo động” như thế này ở trong nước chúng tôi được nghe cũng rất nhiều, nhưng rất buồn là những ý kiến như thế cũng bị chìm vào quên lãng cho nên chúng tôi rất thất vọng về hiện trạng như vậy.
Việt Hùng: Vừa rồi là ý kiến của ông Nguyễn Thượng Long từ Hà Nội. Với ông Nguyễn Bắc Truyển, thưa ông, theo dõi Đại hội từ Sài Gòn ông nghĩ gì về những điều mà ông Đỗ Hoài Nam nói trước diễn đàn  Đại hội XI?
Ô. Nguyễn Bắc Truyển: Tôi có cảm tưởng rằng, Đại hội đảng CSVN hình như là vấn đề nội bộ của đảng Cộng sản mà thôi. Trong thực tế ở Sài Gòn, người dân cũng không quan tâm đến vấn đề này nhiều lắm. Vậy thì những ai đang quan tâm đến những vấn đề này? Tôi nghĩ đó là 3,6 triệu đảng viên đảng CSVN, còn đa số người dân đứng “xem” đại  hội như là những khán giả đứng xem “hát tuồng”…
Đảng CSVN đã nợ rất nhiều của người dân Việt Nam. Những năm chiến tranh, người dân đã nuôi những người cán bộ đảng viên đảng Cộng sản này và giờ đây khi họ trở thành những ông quan giàu có thì họ đâu có còn nghĩ gì về người dân nữa.
Tôi cũng có dịp đi về miền Tây, gặp mặt nhiều ông bà cụ ở đây, họ nuối tiếc và ân hận vì đã trao tình thương và những hy vọng của mình cho những người bội tín và không thật.
Việt Hùng: Ông Nguyễn Bắc Truyển cho rằng Đại hội XI này là chỉ của hơn 3 triệu đảng viên, nhưng mà thưa ông, hơn 3 triệu đảng viên và đảng Cộng sản VN đang là đảng lãnh đạo Việt Nam? Không biết ông Nguyễn  Thượng Long có đồng ý vói ý kiến mà ông Ngguyễn Bắc Truyển đưa ra hay không?
Ô. Nguyễn Thượng Long: Tôi cũng xin chia sẻ những ý kiến mà anh Truyển vừa mới nói, thế nhưng có một chi tiết mà tôi nghĩ có thể cũng không đồng thuận lắm với nhận định của anh Truyển.
Anh Truyển nói hơn 3 triệu đảng viên quan tâm và sốt sắng tới đại hội này, nhưng thú thực trên thực tế mà tôi quan sát được thì không phải trên 3 triệu đảng viên này là trên 3 triệu mối quan tâm đâu.
Cũng có rất nhiều đảng viên đảng Cộng sản họ cũng như nhân dân thôi, cũng như người dân họ cũng phải mưu sinh, họ cũng buồn phiền, họ cũng thất vọng, cũng lo âu chẳng khác gì người dân.
Tôi nghĩ rằng Đại hội này là của những quan chức, của một bộ phận đảng viên, của những người có liên quan đến quyền lợi thì họ quan tâm nhiều thôi…
Việt Hùng: Bằng thực tế và sự trải nghiệm của các ông thì những vấn đề mà các đại biểu đề cập, phải chăng đó là sự bức xúc của những đại biểu đó hay của một số nào đó đảng viên đảng cộng sản hay là đã tới lúc “nhìn thẳng vào sự thật, nói thật – nói thẳng với đảng…”?
Ô. Nguyễn Thượng Long: Tôi thì tôi quan sát được khá nhiều đại hội thì tôi thấy như thế này, thái độ muốn nói thẳng – nói thật, muốn nhìn thẳng vào sự thật, muốn nói thẳng cho đảng biết thì đã có từ rất lâu rồi.
Từ thời ông Nguyễn Văn Linh (Đại hội đảng VI) người ta đã đưa ra những khẩu hiệu hãy nhìn thẳng vào sự thật, đừng bẻ cong ngòi bút, những việc cần làm ngay. Những cái đó là những sinh hoạt đảng mà hồi đó đã cuốn hút mọi người trong cả nước.
Thế nhưng những chuyện như thế ngày càng hiếm hoi và càng làm cho người ta thất vọng mà thay vào đó là những khẩu hiệu, những câu nói rất xáo rỗng và đại ngôn. Những cái đó thì thực sự người dân chúng tôi đã bão hòa.
Ô. Nguyễn Bắc Truyển: Tiếp lời anh Nguyễn Thượng Long, tôi thấy rằng hiện nay những người đảng viên đảng cộng sản đang có những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Tôi nghĩ “họ” tập trung quan tâm đến quyền lợi trong nhóm của họ hay ê-kíp của họ, để làm sao cho ê-kíp của họ giũ vững quyền lực trong bộ máy cầm quyền thôi. Còn thật ra đảng viên lên tiếng thay cho người dân cũng rất hiếm hoi.

VN không cần đa đảng?

Việt Hùng: Chúng tôi xin đặt câu hỏi với ông Nguyễn Thượng Long, ông nói ông tham gia làm báo Tổ Quốc là để thúc đẩy tiến trình đa nguyên và dân chủ tại Việt Nam. Trong khi ông Ủy viên trung ương đảng Đinh Thế Huynh nói “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng”. Liệu viễn cảnh hướng tới đa nguyên của các ông và Báo Tổ Quốc dư luận có thể hiểu như thế nào?
Ô. Nguyễn Thượng Long: Tôi là người làm báo cho nên khi được nghe thông tin của ông Đinh Thế Huynh thì tôi cảm thấy rất là hụt hẫng. Đấy chỉ là tuyên bố của một cá nhân thì được chứ còn nói nhân dân Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng, nói như thế thì quá chủ quan.

Giả dụ như nếu có cuộc trưng cầu dân ý mà 70% - 80% người dân không mặn mà với đa nguyên, đa đảng  thì mới có thể nói thế được. Chứ còn một người hay một nhóm người cũng không thể đại diện cho cả dân tộc của chúng ta về chuyện hệ trọng này.
Việt Hùng: Đó là vấn đề về  đa nguyên, quay sang vấn đề đa đảng, chúng tôi xin đặt câu hỏi với ông Nguyễn Bắc Truyển. Ông mới mãn hạn tù sau gần 4 năm trong vòng lao lý vì đấu tranh đòi đa nguyên, đa đảng. Là thành viên của khối 8406 và là đảng viên đảng Dân Chủ Nhân Dân, các ông nói các ông đấu tranh để đòi đa đảng, nay qua lời tuyên bố của ông Đinh Thế Huynh “Việt Nam không cần đa đảng”, vậy quan điểm của ông như thế nào?
Ô. Nguyễn Bắc Truyển: Theo suy nghĩ của tôi, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên trung ương đảng CSVN thể hiện thì không có giá trị khi mà những vấn đề quan trọng của đất nước đảng cầm quyền đã gạt người dân sang một bên.
Lời nói của ông Huynh không đại diện cho gần 90 triệu người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước mà nó chỉ là đại diện cho một nhóm nhỏ nào đó trong đảng CSVN mà thôi.
Còn đứng ở vị thế là nhà đấu tranh đòi dân chủ, đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam thì tôi nghĩ rằng, công việc của chúng tôi vẫn phải tiếp tục! Chứ còn những phát biểu của ông Đinh Thế Huynh không thể đại diện cho tất cả người dân ở Việt Nam.
Việt Hùng: Nếu nhìn vào danh sách Ủy viên khóa XI này, không ít ý kiến cho rằng 1/3 số uỷ viên tương đối trẻ so với những đại hội trước. Vậy yếu tố trẻ hóa lãnh đạo có thể gọi là đổi mới công tác cán bộ trong đảng mà người ta có thể hiểu đúng theo tiếng Việt như qua lời ông Nông Đức Mạnh tuyên bố vừa rồi?
Ô. Nguyễn Thượng Long: Tôi thì tôi nghĩ như thế này, trẻ-già tôi nghĩ cũng chỉ là hình thức, không quan trọng lắm đâu, ví dụ một trung ương ủy viên, lão thành cách mạng mà có tư tưởng tiến bộ, có những ý kiến đại diện cho nhân dân, cho số đông, cho dân tộc và những lợi ích của cộng đồng thì tôi nghĩ còn quý hơn những ủy viên Bộ chính trị trẻ tuổi nhiều khi còn giáo điều, sơ cứng hơn nhiều so với những vị tiền bối.
Cho nên tôi nghĩ cơ cấu già-trẻ cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Ô. Nguyễn Bắc Truyển: Tôi chỉ xin tiếp lời anh Nguyễn Thượng Long, những gì mà ông Nông Đức Mạnh phát biểu tôi thực sự cũng không quan tâm lắm. Tôi mong muốn về cái hành động của họ hơn là lời nói,  vì sau những lời hứa thì họ không tiếp tục làm.
Tôi không quan tâm lắm đến việc đổi mới hay không đổi mới của đảng CSVN, mà nhìn vào vấn đề trong thực tế họ đã làm gì để thúc đẩy nền chính trị và kinh tế của Việt Nam phát triển.
Việt Hùng: Trước khi đóng lại phần hội luận hôm nay, chúng tôi xin đặt câu hỏi với hai ông. Không cần đa nguyên, không cần đa đảng, nhưng đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, mở rộng dân chủ. Nếu để nói với các bạ trẻ cùng thế hệ như ông Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn hay với ông Nguyễn Thượng Long để mà nói với độc giả của báo Tổ Quốc thì các ông sẽ nói điều gì?
Ô. Nguyễn Bắc Truyển: Theo ý kiến của tôi, đổi mới về kinh tế và chính trị thì luôn phải thực hiện  song hành, nếu không thì nền kinh tế sẽ chậm lại hoặc bị cản trở sự phát triển. Đó là một thực tế đã được kiểm chứng rất nhiều trong phạm vi toàn cầu rồi.
Tôi xin đưa ra hình ảnh của người nhảy lò cò. Nếu mà chỉ đổi mới một trong hai trụ cột chính trị và kinh tế thì giống như người nhảy lò cò thôi, đi một chân thôi, không thể đi xa và không thể giữ thăng bằng được lâu.
Do đó nền kinh tế có một quy luật phát triển của nó theo tính chu kỳ khủng hoảng thì nhà nước có nhiệm vụ can thiệp để giảm thiểu hậu quả chứ cũng không loại bỏ được khủng hoảng. Thì muốn làm được như vậy thì nền chính trị cũng phải phát triển tương đồng.
Nếu chỉ lo đổi mới kinh tế mà không quan tâm đến đổi mới chính trị  thì nền kinh tế đó sẽ bị nấc cục. Việt nam đã có những bài học gần đây nhất như vấn đề Vinashin là vấn đề nổi cộm trong năm vừa qua (2010).
Ô. Nguyễn Thượng Long: Tôi nghĩ như thế này, đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, mở rộng dân chủ, mà lại không nói  tới đa nguyên – đa đảng. Chúng ta cứ tránh né đa nguyên, đa đảng mà cứ loay hoay về đổi mới kinh tế, chính trị và mở rộng dân chủ thì nếu có nhúc nhích được thì cũng chỉ nhúc nhích rất chậm.
Chứ còn cái mà chúng ta giải tỏa được, giả phóng được sức phát triển, giải phóng được sự thay đổi thì nó phải liên quan để thể chế, liên quan đến cơ chế điều hành xã hội đó. Cho nên tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn tiếp tục đổi mới kinh tế như hiện nay.
Người ta nói đổi mới chính trị, nhưng cũng chưa thấy có gì đổi mới về chính trị cả đâu, vẫn những kiên định rất sơ cứng mà ngược lại họ lại thắt chặt lại. Ví dụ như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội chưa hề được tôn trọng mặc dù Hiến pháp đã có.
Thế cho nên trong 3 cột trụ về Kinh tế - Chính trị - Dân chủ thì rõ ràng chỉ có một số thay đổi về kinh tế, ai cũng nhìn thấy. Về mặt Chính trị chưa đáng là bao nhiêu về sự thay đổi, về sự đổi mới.
Về mặt Dân chủ, những hiện tượng vừa qua cho chúng ta thấy nền dân chủ của Việt Nam vẫn đang bị thắt chặt chứ không phải là mở rộng.
Trong một bối cảnh như hiện nay không được nói gì tới đa nguyên, đa đảng, tôi xin nhắc lại nếu như chúng ta có tiến được thì cũng chỉ là nhúc nhích, rất chậm, vẫn sẽ tiếp tục tụt hậu so với khu vực và thế giới.
Việt Hùng: Chúng tôi xin được thay mặt quý thính giả của Đài RFA, xin cám ơn ông Nguyễn Thượng Long và ông Nguyễn Bắc Truyển đã tham dự cuộc Hội luận ngày hôm nay!
001_GR240119-305.jpg
Sơ đồ thể chế chính trị VN
Là người làm báo và lý tưởng của người làm báo là chúng ta muốn nói với nhân dân mình, dân tộc mình về xã hội hiện nay của chúng ta như thế nào. Bây giờ mà chúng ta mang sự áp đặt và  suy nghĩ của một người ra để đại diện cho tất cả mọi người một cách chủ quan như vậy thì tôi rất thất vọng.
000_Hkg4443314-250.jpg
Ông Đinh Thế Huynh, ủy viên trung ương đang trả lời trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10 tháng 1 năm 2011. AFP photo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét