Từ khác ý kiến đến bất đồng chính kiến
Nguyễn Thanh Giang (danlambao) – Sự ngông nghênh bất chấp dư luận xã hội, sự răn đe và thóa mạ láo xược của TBT Nông Đức Mạnh mà nhạc sỹ Tô Hải cho rằng nhắm vào hàng loạt lão thành cách mạng, kể cả bẩy cựu ủy viên Bộ Chính trị (trong bản kiến nghị đề nghị ông Nguyễn Minh Triết ở lại làm Tổng Bí thư), kể cả Nguyễn Văn An … chứng tỏ không phải chúng tôi mà chính họ đang trở thành lực lượng đôi lập đối với ĐCSVN ( của đại đa số đảng viên ) và của nhân dân Việt Nam…
Trước bất kỳ vật thể, sự việc nào hầu như không bao giờ không có những nhìn nhận, những ý kiến khác nhau. Đến nỗi ai đó đã nói: “Khi người ta đồng ý với tôi, tôi luôn cảm thấy mình là người sai lầm”. Tuy nhiên, trước các vấn đề chính trị-xã hội, ý kiến khác biệt và bất đồng chính kiến là hai biều hiện khác nhau về chất. Tập hợp nhiều ý kiến hoặc nhiều người cùng thống nhất một ý kiến (như kiến nghị về Đường sắt Cao tốc, về Khai thác Bauxite Tây Nguyên với hàng vạn chữ ký chẳng hạn) nhiều khi không biểu hiện một chính kiến. Người hay phát biểu và phát biểu nhiều ý kiến khác biệt ( có thể rất gay gắt, rất quyết liệt ) không hẳn là nhà bất đồng chính kiến. Ý kiến (về các vấn đề chính trị-xã hội ) và chính kiến khác nhau ở cái tầm, ở bề sâu.
Ý kiến khác biệt dẫn đến phản kháng, chống đối. Bất đồng chính kiến dẫn đến đối lập.
Những ý kiến như điểm qua dưới đây có thể xem là biểu hiện bất đồng chính kiến:
“ Cái gọi là chủ nghĩa cộng sản đã là ảo tưởng rồi ”
“ Cần nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, cần thay bằng một mô hình văn minh hơn ”
“ Phải nhằm vào cải cách chính trị chứ không chỉ kinh tế; cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết thì không phát triển được. Phải xây dựng hiến pháp mới. Đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị, phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước. Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp ”
“ Văn kiện không phản ánh được cuộc sống. Đổi mới chính trị chưa theo kịp đòi hỏi, đang cản trở ”
“ Tại sao các văn kiện lại ngổn ngang thế? Cương lĩnh thất bại, tuyên truyền thất bại. Lý luận chính trị chưa bao giờ suy đồi như bây giờ. Ngổn ngang quá. Giả dối quá. Thật là bi kịch. Cảnh ngộ của Đảng ta từ sau Đại Hội X bắt đầu bước vào suy đồi ”
“ Cương lĩnh đầy dẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói XHCN mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác ”.
“ Toàn là giả dối cả. Nếu đưa cái cương lĩnh chiến lược này ra mà thông qua thì sẽ ra sao đây? Quả đấm thép không đấm vào đối thủ mà lại đấm ngay vào chính ta ”.
“ Nhận định về quốc tế, về các nước XHCN và tình hình đất nước sai, nên bỏ đi ”
“ Phải xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng: lãnh đạo là ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Phải nhìn thẳng vào sự thật. Lừa được người ta chứ không lừa được thực tiễn đâu ”
“ Xem thường lịch sử: nói CNXH là điều kiện để độc lập, các triều đại trước có CNXH đâu mà vẫn độc lập. Không gắn với thời đại, xem thường thiên hạ ”.
Những ý kiến trên là của các giáo sư, tiến sỹ và nhiều chúc sắc lớn của Đảng góp ý cho Dự thảo Cương lĩnh và các Văn kiện Đại hội XI tại Hội thảo ngày 9 tháng 11 năm 2010 do giáo sư Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Ở Việt Nam chỉ những người như Nguyễn Hộ, Hà Sỹ Phu, Lê Hồng Hà, Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Lữ Phương, Trần Huỳnh Duy Thức … được xem là những nhà bất đồng chính kiến.
Ông Võ văn Kiệt qua Thư gửi Bộ Chính trị ( mà vì nó Hà Sỹ Phu, Lê Hồng Hà đã vào tù chỉ vì chuyền tay đọc ) và những phát biểu lúc cuối đời của ông đã trở thành bất đồng chính kiến.
Ông Nguyễn Văn An nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tổ chức TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Quốc hội qua những ý kiến trả lời phỏng vấn “ Tuần Việt Nam ” ngày 12 tháng 12 năm 2010 không thể không xem là bất đồng chính kiến có tầm cỡ.
Ông đã phủ định chủ nghĩa Mác, chống lại Cộng sản.
Tuyên ngôn ĐCS đưa ra một định chuẩn rạch ròi: “ Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất là: xoá bỏ chế độ tư hữu ”.
Ông Nguyễn Văn An phản bác: “ sở hữu nhà nước không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện trong giai đoạn nào, thời điểm nào, trong lĩnh vực cụ thể nào, vì lợi ích đích thực của nhân dân và của nhà nước chứ không phải vì mục đích tự thân ”.
Ông ca ngợi sở hữu tư nhân bằng những ngôn từ tuyệt đỉnh: “ Sở hữu tư nhân thực chất vẫn là vấn đề dân chủ tự do trên lĩnh vực kinh tế, trong mưu cầu hạnh phúc của mỗi người, nó là cội nguồn cảm hứng, là động lực to lớn cho sự phát triển. Kết quả của nó kỳ diệu như thế nào mọi người đã biết ”.
Ông khen vài điểm sáng trong đổi mới kinh tế để chê nó còn rất u minh: “ Từ chỗ chủ yếu có hai thành phần kinh tế đến chỗ có nhiều thành phần kinh tế. Từ chỗ đảng viên, công chức nhà nước không được làm kinh tế đến chỗ đảng viên, công chức nhà nước được làm kinh tế theo pháp luật. Từ chỗ đất đai là thuộc sở hữu nhà nước đến chỗ người sử dụng đất đai đã được 5 quyền như người chủ sở hữu, tuy còn có điểm rất mù mờ….”
Ông kêu gọi: “ Nếu nước ta khác về đời sống vật chất và tinh thần cao hơn, văn minh hơn, tức là chất lượng cuộc sống cao hơn, nhất là dân chủ tự do cao hơn thì đồng ý. Còn nước ta phải công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu để khác với các nước tư bản phát triển thì lại là vấn đề sai từ gốc. Rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ đoạn này trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XI ”.
Một số người nông cạn đổ hết tội Vinashin cho Chính phủ hoặc cho Thủ tướng hay các Bộ trưởng, Nguyễn Văn An tỉnh táo và thấu đáo hơn: “ Tôi cho rằng Vinashin vừa là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa có căn nguyên sâu xa bắt nguồn từ lỗi của hệ thống, lỗi từ gốc, từ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị xuất phát từ quan điểm rằng: xã hội xã hội chủ nghĩa phải được xây dựng dựa trên “… chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu”. Mô hình này lại xuất phát từ một lý thuyết cực đoan cho rằng: tư hữu về tư liệu sản xuất là nguồn gốc của mọi sự bóc lột ”.
“ Từ một lý thuyết cực đoan đi tới một mô hình kinh tế không có động lực mà thực tế cuộc sống đã bác bỏ. Chính phủ là người thực thi chủ trương đó của Đảng về mặt nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị có quyền lớn như vậy thì có phải chịu trách nhiệm gì không?”
“ Đành rằng phải có trách nhiệm cá nhân trong quản trị hành chính và quản trị doanh nghiệp, phải xem xét cẩn trọng, có lý, có tình, không tranh công, đổ lỗi. Song phải rất chú ý đi sâu làm rõ cái lỗi của hệ thống, do sai sót của hệ thống làm trầm trọng thêm ”.
Trước những thất bại hoặc gặp tình trạng lúng túng, thậm chí bó tay khi thực thi các chủ trương của Đảng và những nhiệm vụ lớn nhỏ của Nhà nước người ta thường đổ lỗi cho cơ chế, Nguyễn Văn An thì bảo là do lỗi hệ thống. Sự thực cả hai chẳng qua chỉ là cách nói trại một thuật ngữ đúng: chế độ chính trị. Chế độ chính trị lạc hậu, chế độ chính trị phản tiến hóa. Riêng Nguyễn Văn An nói trại nhưng ông truy nguyên đúng: “ Với thể chế như hiện nay ở Việt Nam thì mọi thành công hay thất bại đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng”.
Cho nên ông đòi hỏi: “ Cương lĩnh 2010 phải vượt qua cái khung cơ bản của Cương lĩnh 91 như dự thảo, để xây dựng một Cương lĩnh 2010 mới đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới toàn diện, triệt để, cả kinh tế và chính trị, tức là hoàn thiện ở mức độ cao hơn, mức độ sửa lỗi hệ thống.
Tôi mong muốn Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, mong muốn Đại hội XI chọn … khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện và triệt để, cả kinh tế và chính trị thì chúng ta mới khắc phục được lỗi hệ thống, vì chúng ta mắc lỗi hệ thống mà chúng ta chỉ chỉnh sửa theo khuynh hướng thứ nhất thì chúng ta không ra khỏi lỗi hệ thống được ”.
Cùng với cả dân tộc, ông rùng mình nhớ lại suốt một chặng dài lịch sử đi trong lầm lạc: “ Vấn đề chủ yếu của quản trị hành chính nhà nước là có chính sách kiểm soát, phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý, chứ không phải là công hữu hóa tư liệu sản xuất chủ yếu. Do đó chúng ta phải dứt khoát từ bỏ lý thuyết và mô hình sai trái từ gốc này, vì hậu quả của nó gây ra như thế nào mọi người đều đã biết. Đó là con đường trở về thời kỳ thiếu thốn và đói khổ ”.
Sinh thời, lão tướng Trần Độ cũng đã từng kêu gào thảm thiết “ Định hướng XHCN là định hướng vào chỗ chết thì định hướng làm gì ! ” ( Thế mà rồi họ vẫn cứ “ định hướng ”. Hỏi có đáng cười ra nước mắt không ? ).
Ông không cực đoan nhất quyết đòi vứt Mác-Lênin vào sọt rác: “ Tôi đề nghị chúng ta vẫn giữ học thuyết Marx-Lenin, nhưng chúng ta không chỉ biết và vận dụng duy nhất học thuyết Marx-Lenin, mà cần phải biết và vận dụng những học thuyết tinh hoa của nhân loại như chúng ta bắt đầu làm từ khi đổi mới. Từ đó Đảng ta mới phát huy được dân chủ, tự do trong Đảng, trong nhà nước và trong xã hội ta. Vì chỉ có dân chủ tự do mới có thể có điều kiện thật sự cho sự phát triển vững mạnh, mới có sức mạnh vô địch để vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ được thành quả của Cách mạng và không ngừng đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên phía trước cùng với bạn bè năm châu bốn biển ”.
Thì các nước tư bản họ cũng làm như vậy đấy chứ. Họ vẫn nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin ở các trường đại học.
“ Giữ học thuyết Marx – Lenin ”, theo Nguyễn văn An không phải để tôn sùng và mù quáng vâng theo mà có chăng chỉ để gạn đục khơi trong, để ôn cũ biết mới vì chính ông đã vạch tội cái học thuyết có phần quái gở, cái học thuyết “ rất xa lạ với những mô hình và lý thuyết phổ quát ”, mà vì theo nó ta đã mắc nhiều lỗi hệ thống khốn khổ. Ông giải thích: “Lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Lâu nay chúng ta thường mới nói tới cái lỗi của mô hình thôi ”.
Một số tôi đòi của Mác-Lênin ra sức bảo vệ tín chủ bằng cách giải thích sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa chẳng qua chỉ do nhận thức không đúng nên đã thiết lập nên các mô hình sai so với nguyên lý, ông khẳng định: “lỗi hệ thống rõ ràng nhất, cụ thể nhất, toàn diện và triệt để nhất chủ yếu là từ khi chúng ta chuyển từ Cách mạng dân tộc dân chủ sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Cộng hòa Xô Viết … Mà mô hình của Cộng hòa Xô Viết thì lại bắt nguồn từ những lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin ”.
Một số người hoặc vì u mê, hoặc vô liêm sỉ ra sức nguy biện, dối trá quanh co, giải thích sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa là do các thế lực thù địch Phương Tây “ diễn biến hòa bình ”, Nguyễn Văn An khẳng định: “ Quan sát sự tan rã của một số Đảng cộng sản ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu, thì thấy rằng, những người cộng sản phá Đảng không phải chỉ là những người cộng sản phản bội Đảng, những người cộng sản bị kẻ thù mua chuộc, bị diễn biến hòa bình,… Mà phần nhiều lại chính là những người cộng sản chân chính, những người cộng sản không muốn bảo vệ Đảng của mình nữa, vì thực tế Đảng của mình đã thoái hóa biến chất mất rồi, nhất là vì Đảng của mình đã phạm sai lầm có tính hệ thống mà không nhận ra được và không khắc phục được. Đảng đã trở thành lực lượng cản trợ dân chủ, tự do, cản trợ sự phát triển của xã hội. Đảng đã trở thành ông Vua tập thể, đã trở thành Đảng trị mất rồi ”.
Ông giải thích rõ hơn: “ Hãy thử quan sát và phân tích sự giải tán của một Đảng tại quê hương của Cách mạng tháng Mười thì rõ. Tại sao một người đứng đầu Đảng và Nhà nước tuyên bố giải tán Đảng là Đảng đó bị giải tán ngay? Một người có làm được việc đó không? Hay người đó chỉ là người thay mặt cho số đông những người trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, trong toàn Đảng, trong cả hệ thống chính trị? Đội ngũ trí thức đâu? Liên minh giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động đâu? Hệ thống thông tấn, báo chí đâu? Lực lượng vũ trang hùng hậu đâu mà không bảo vệ Đảng? Tại sao họ quay mặt đi? Hay là họ cũng đồng tình? Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, tại sao quần chúng không bảo vệ?”.
Một số người khác do không nắm hiểu thực tế hoặc do hận thù quá sục sôi ra sức hô hào tấn công lật đổ ĐCSVN; tôi rất đồng ý với phán định này của Nguyễn Văn An: “ Không kẻ thù nào có thể phá được Đảng ta trừ chính những người cộng sản chúng ta ”.
( Tuy là một trong những người bầy tỏ sự bất bình đối với chủ trương đường lối sai lầm của ĐCSVN từ rất sớm, tôi chưa hề muốn tham gia hoặc thiết lập một tổ chức nào. Cho đến cách đây mấy năm, tôi có nhờ cụ Nguyễn Hộ bảo con gái cụ đưa tôi đến nhà ông Võ Văn Kiệt. Tiếc rằng bữa ấy ông Kiệt đi vắng. Ít lâu sau, tôi đang lập kế hoạch trở lại tiếp cận ông để đánh bạo đề nghị ông phục hoạt đảng Lao động Việt Nam với điều kiện tôi sẵn sàng phụ tá cho ông và nhận lãnh trách nhiệm phụ trách mảng ngoại vận. Song, đến khi tôi có quyết tâm rất cao và định lên đường thực hiện kế hoạch này thì hay tin ông đã đột ngột ra đi. Âu cũng là mệnh trời đối với dân tộc này, đất nước này ? ! ).
“ Chính những người cộng sản chân chính cũng muốn giải tán Đảng đã biến chất để xây dựng Đảng mới, để sửa lỗi hệ thống, để làm lại từ đầu ”.
Câu sấm này là nhận định thực tiễn ? hay là lời kêu gọi ? hay là hạ quyết tâm tự giao nhiệm vụ cho mình ? Phải chăng khí thiêng sông núi đang nhập vào Nguyễn Văn An ?.
Nguyễn Văn An cùng tuổi Bính Tý với tôi. Bính biến vi sư, Bính biến vi tù. Tôi đã từng là sư, cũng từng bị tù tội.
Nguyễn Văn An, qua một số bài viết và nói gần đây xứng đáng là sư phụ của Đảng.
Liệu có e ông sẽ phải nếm trải vế thứ hai của can Bính không?
Có lẽ không.
Những cái chết thê thảm của Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ, Triệu Tử Dương … liệu có nhắc nhở can gián ông không?
Không.
Trường hợp của ông khác. Những người vừa nêu tên so với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đều là bậc đàn em, ở tầm học trò. Đối với hàng ngũ lãnh đạo Đảng hiện nay, Nguyễn Văn An là bậc đàn anh, là bậc thầy. Thú tính của họ có cao hơn các nhà lãnh đạo kia bội bội phần thì họa chăng họ mới dám ra tay đao phủ để rồi sẽ bị trừng trị không bởi người thì cũng bởi trời. Vả chăng, nếu họ dám xử lý bậy bạ gì gì đi nữa thì rồi ông tất sẽ được nhân dân bù trì bằng sự tôn vinh như những bậc anh hùng khả kính, được lịch sử ghi nhận.
Sự ngông nghênh bất chấp dư luận xã hội, sự răn đe và thóa mạ láo xược của TBT Nông Đức Mạnh mà nhạc sỹ Tô Hải cho rằng nhắm vào hàng loạt lão thành cách mạng, kể cả bẩy cựu ủy viên Bộ Chính trị (trong bản kiến nghị đề nghị ông Nguyễn Minh Triết ở lại làm Tổng Bí thư), kể cả Nguyễn Văn An … chứng tỏ không phải chúng tôi mà chính họ đang trở thành lực lượng đôi lập đối với ĐCSVN ( của đại đa số đảng viên ) và của nhân dân Việt Nam.
Không thể không bất đồng chính kiến với họ. Đối lập với cái đối lập đối với chính nghĩa là biểu hiện anh minh, là sứ mệnh thiêng liêng, là nghĩa vụ cao cả.
Hà Nội 1 tháng 1 năm 2011
Nguyễn Thanh Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét