Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Đại Hội Làm Cảnh

Đại Hội Làm Cảnh

2011-01-12
Đại hội Toàn quốc Khóa 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội ngày 11 tháng Giêng để tuyển chọn thành phần lãnh đạo sẽ đưa Việt Nam vượt qua thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
AFP PHOTO / HOANG DINH Nam
Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011.

Do Việt Long thực hiện, Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về hướng đi này qua phần trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.

Dàn cảnh sân khấu


Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, theo dõi việc chuẩn bị Đại hội toàn quốc cho khoá 11 của đảng Cộng sản Việt Nam và đối chiếu với các vấn đề kinh tế của Việt Nam, ông nhận định như thế nào về Đại hội này?
Thật ra, Đại hội sẽ biểu quyết thành phần nhân sự do các Hội nghị Trung ương của khoá trước tuyển chọn trong hậu trường nên cả Đại hội chỉ là sự dàn cảnh.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mọi tổ chức chính trị đều có phiên họp định kỳ để duyệt xét thành quả và chuẩn bị mục tiêu đường hướng cho tương lai. Đảng Cộng sản Việt Nam thì khẳng định đã xác định mục tiêu và đường hướng đúng đắn ngay từ đầu và đã giành được những thắng lợi vĩ đại cho nên những nhiệm vụ hay phương hướng mà đảng đề ra chỉ là một tập hợp thiếu hào hứng của các khẩu hiệu quá quen thuộc, kể cả mục tiêu quái đản và ngược đời là tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Vì việc thảo luận xem mục tiêu và đường hướng ấy có thích hợp cho quốc gia dân tộc hay không là điều mà đảng không cho phép và mọi người chỉ có thể tung hô tán đồng nên ta khó bàn về chuyện đó. Trong nước, nhiều người đã nêu ý kiến phản bác từ lâu rồi, trước hết là mục tiêu gọi là tiến lên chủ nghĩa xã hội và sau đó là cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa hay việc chế độ công hữu và khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhưng phát biểu ấy không có kết quả nên tôi thiển nghĩ rằng không nên mất thêm thời giờ góp ý về một sinh hoạt do đảng tự biên tự diễn và tự ngợi ca.

Nếu có chi tiết duy nhất đáng chú ý vì gây tò mò thì đó là chuyện nhân sự khi đảng lật đật họp Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ 15 ngay sau kỳ 14 và trước khi Đại hội khai mạc. Thật ra, Đại hội sẽ biểu quyết thành phần nhân sự do các Hội nghị Trung ương của khoá trước tuyển chọn trong hậu trường nên cả Đại hội chỉ là sự dàn cảnh cho diễn viên sân khấu mà thôi. Đây là một "Đại hội làm cảnh". Khi báo chí trong nước mà tường thuật các nhận định của truyền thông quốc tế thì cũng chỉ nói đến chuyện Hà Nội trang hoàng rực rỡ chứ chẳng loan tin gì về sự hoài nghi của truyền thông các nước thì đúng là một sinh hoạt trình diễn làm cảnh.

Việt Long:
Nhưng nếu Đại hội chỉ là chuyện thay bậc đổi ngôi về nhân sự, thì ông nghĩ sao về thành phần nhân sự này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đại hội quy tụ 1.377 đại biểu đã được chọn bên trong để bầu ra một Ban chấp hành Trung ương, rồi cơ chế có chừng 170 người này sẽ bầu ra Bộ Chính trị theo bài bản định sẵn mà không hề công khai hóa nên ta có thể hoài nghi quy tắc gọi là "dân chủ trong đảng". Mà dân chủ trong một đảng độc quyền, tức là dân chủ kiểu xã hội chủ nghĩa, thì vốn dĩ cũng chẳng là một lý tưởng tốt đẹp cho cả nước. Yếu tố ấy có giải thích vì sao các đại biểu đều luôn luôn nhất trí cổ võ và ngợi ca đường lối đúng đắn của đảng từ khóa này đến khóa sau. Bài bản dàn dựng là một kịch bản hơi thô thiển.
Xét vào chi tiết thì trong số 1.377 đại biểu, có 1.376 người đã vào đảng từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975, họ thừa hưởng thành quả của chiến thắng nên biết phép "ăn cây nào rào cây ấy". Thành phần gia nhập sau khi đảng Cộng sản bị khủng hoảng vì sai lầm nặng trong hoà bình, tức là từ Đại hội VI trở về sau, thì chỉ có 360 người. Họ sẽ kiên nhẫn đợi ngày lên tới đỉnh chứ cũng chẳng dám có tư tưởng cách mạng trong môi trường mờ ảo và mờ đục của việc tuyển chọn.

Duy nhất có vận động là trong thành phần chóp bu ở trên cùng. Mà cũng chỉ là vận động trong khuôn khổ gọi là "phải đạo" của đỉnh chung và quyền lợi. Đó là một hình thái khác của việc tranh đoạt quyền lực và quyền lợi nơi quan trường, một hiện tượng khá phổ biến thời phong kiến.

Vận động trên chóp bu

Việt Long: Trước khi chuyển qua đề mục chính là vấn đề kinh tế, ông có nghĩ là những vận động trên chóp bu như ông vừa trình bày có phần nào thể hiện sự tranh luận hay thảo luận về đường hướng lãnh đạo hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta cứ mong chuyện hão huyền đó chứ thực chất vẫn là đỉnh chung, chỉ là quyền lợi. Tiêu chuẩn giới hạn về tuổi tác là 65 tuổi mà được du di khá linh động cho phù hợp với hoàn cảnh của một số người thì cũng vì lẽ đó. Cho nên, tranh luận hay đổi chác về quyền lợi thì có, chứ chẳng ai dại gì xoá bỏ bàn cờ để bầy ra một cuộc chơi mới khi đã nhịn nhục và gian nan để lên tới đó. Sau này, khi đã về hưu và đảm bảo cho con cháu có chỗ đứng chỗ ngồi rồi, thì một vài người mới phát biểu thật - dù chỉ một phần thôi - về lẽ đúng sai của đảng về quyền lợi đất nước. Điều ấy chỉ cho thấy rằng không hề có dân chủ trong đảng và những ý kiến trái dòng thường không được chấp nhận dù là ý kiến xuất phát từ thực tế khách quan.

000_Hkg4448614-200.jpg
Ông Trương Tấn Sang, tại Đại hội lần thứ 11 của Cộng sản Việt Nam Đảng (VCP) tại Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2011. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Nếu chỉ nhìn vào bèo bọt của bề mặt thì người ta có cảm tưởng là có tranh chấp về quan điểm trên thượng tầng là giữa mười mấy người trong Bộ Chính trị, thực chất lại không được như vậy. Trên thượng tầng thì vẫn chỉ là sự đa nguyên hình thức của các đại gia Mafia, mỗi phe kiểm soát một số khu vực quyền lực và quyền lợi rồi tạo ấn tượng là có sự chuyển động hào hứng trên bình diện lý luận. Ta nên nghĩ đến một bồn nước ngọt, bên trong là mấy con cá đá cũng biết xù vây hùng hổ lắm. Không hiểu sao chứ cái từ "vây cánh" lại diễn tả chính xác sự thể bi đát của một bồn nước ngọt khi thế giới là một đại dương!
Việt Long: Bước qua chuyện kinh tế, ông có kỳ vọng gì ở Đại hội XI không khi mà việc quản lý vĩ mô đã gặp vấn đề trong năm nay và khu vực kinh tế nhà nước đang chứng tỏ sự yếu kém của nó, điển hình là việc tập đoàn Vinashin bị vỡ nợ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng siêu thực khi đối chiếu thực tế kinh tế xã hội với các văn kiện của đảng.
Lý luận của đảng hoàn toàn tách rời khỏi đời sống thật và phủ nhận thực tế đã mười mươi rõ rệt. Đảng chính trị này sống trong bong bóng ảo như một bồn nước ngọt là theo kiểu cá cảnh là như vậy. Và ngay trước khi Đại hội khai mạc, người ta còn bắt bớ giam cầm những ai bất đồng chính kiến rồi còn ngăn chặn và hành hung các nhà ngoại giao thì quả là siêu hiện thực, là không thể tưởng tượng nổi.
Việt Long: Ông cho rằng thực tế kinh tế và xã hội phải được phản ảnh trong các văn kiện đảng, thí dụ như bản cương lĩnh chính trị hoặc báo cáo chính trị hay chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới. Những vẫn đề thực tế ấy là gì?
Không hề có dân chủ trong đảng và những ý kiến trái dòng thường không được chấp nhận dù là ý kiến xuất phát từ thực tế khách quan.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, từ tình trạng nghèo đói lạc hậu mà đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân là 7% thì chẳng có gì là kỳ diệu mà vẫn được văn kiện đảng đưa lên làm thành tích chói lọi của đảng để biện minh cho quyền lực. Nếu nhìn ra ngoài hay vào lịch sử thì các quốc gia bị chiến tranh hay khủng hoảng như Afghanistan hay Ethiopia cũng đã đạt tốc độ cao gấp bội!
Thứ hai, muốn đạt mức tăng trưởng 7% đó, Việt Nam hao tổn công sức gấp đôi các quốc gia có cùng trình độ phát triển. Đây là ta theo tiêu chuẩn phổ biến của Ngân hàng Thế giới khi dùng "chỉ số xuất lượng tư bản" hay "Incremental Capital Output Ratio" gọi tắt là ICOR, để so sánh tổng số đầu tư là 42% tổng sản lượng với kết quả là gia tăng được quãng 7%; 42 mà chia cho bẩy thì cho ta chỉ số là 6, cao gấp đôi các xứ khác vì hiệu năng của mình chỉ bằng phân nửa. Cho nên chẳng có gì là đáng tự hào hay lạc quan nếu như người dân biết ra sự thật và cũng vì vậy mà người dân bị bịt mắt và thông tin bị kiểm soát.
Thứ ba, vì tiết kiệm nội địa của Việt Nam ở khoảng 30% tổng sản lượng nên khi đầu tư 42% thì Việt Nam phải nhập tư bản từ bên ngoài vào, ít ra là 10% để đạt kết quả 7% ấy. Ai có quyền đi vay tư bản để kinh doanh nếu không phải là nhà nước? Và kinh doanh như thế nào? Là trút cho doanh nghiệp nhà nước theo quan niệm sai lầm là lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Thực tế thì đáng lẽ đảng phải xét thẳng vào kết quả kinh doanh của các Tổng công ty và các Tập đoàn Kinh tế mà sửa sai và cải cách, chuyện ấy lại không hề có.

Định hướng tai hại


Việt Long: Theo như ông nghĩ, đáng lẽ vai trò của doanh nghiệp nhà nước phải là một đề mục thảo luận trong đảng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm tới?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy và sau đó Quốc hội sắp tới sẽ phải đề ra cho chính phủ đường hướng cải cách doanh nghiệp nhà nước như một ưu tiên.
Chúng ta biết doanh nghiệp nhà nước ở mọi nơi đều có hiệu năng thua kém doanh nghiệp của tư nhân, ở Việt Nam thì bình quân chỉ bằng một phần tám nếu xét về hiệu năng đầu tư và khả năng thu dụng nhân công. Nhưng chúng tồn tại là nhờ chính sách ưu đãi của đảng, là nhờ cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" rất tai hại. Cụ thể là chúng thu hút hơn 40% lượng tư bản của quốc dân mà chỉ đóng góp có 25% vào sản lượng toàn quốc cho nên là những trung tâm phao phí nội lực quốc dân nhưng lại là nguồn đỉnh chung béo bở cho đảng viên cán bộ cho nên trở thành điển hình của bất công trong khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa".
035_20091020_60224-250.jpg
Ông Nguyễn Sinh Hùng. AFP Photo.
Thế rồi, nhờ thế lực chính trị đó, doanh nghiệp nhà nước khuynh đảo quân bình vĩ mô của kinh tế quốc dân, gây ra nạn nhập siêu thương mại vì nhập khẩu bừa phứa và gây bội chi ngân sách vì tận dụng đầu tư của khu vực công, và làm hao tốn tài nguyên quốc gia khi vay mượn một cách vô trách nhiệm. Vụ Vinashin bị vỡ nợ là một thí dụ quá rõ ràng, với tổng số nợ ngoại quốc của riêng tập đoàn này đã lên tới 4,5% tổng sản lượng quốc dân. Đáng lẽ những sự kiện ấy phải được đảng đem ra bàn cãi và sửa sai trong Đại hội XI mà ta có thấy đâu? Họ sống trong cõi ảo là như vậy.

Việt Long: Nếu chúng ta muốn có những ý hướng tích cực thì nên đề nghị việc cải cách doanh nghiệp nhà nước như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, các định chế quốc tế và cơ quan cấp viện các nước đều hàng năm đưa ra khuyến cáo theo chiều hướng đó mà không có kết quả nên ta không có kỳ vọng. Bây giờ, đến lượt các chủ nợ phản ảnh sự đánh giá của họ qua phân lời trái phiếu cao hơn các thị trường khác, tức là đi vay sẽ trả giá đắt hơn, là điều oan ức cho người dân vì chính người dân sẽ phải trả nợ sau này mà lại không được biết. Nói về chuyện vay mượn thì nhà nước Việt Nam thực tế đi vay tới hơn 50% tổng sản lượng, trong đó có chừng 30% tức là khoảng 30 tỷ đô la, là ngoại trái, là vay ngoại quốc. Với một dự trữ ngoại tệ chỉ còn có 14 tỷ và mỗi tháng nhập siêu thêm hơn một tỷ thì tình hình quả là nguy ngập. Đây là chưa nói tới chừng 40 tỷ là do doanh nghiệp nhà nước vay mượn các ngân hàng trong nước qua sự bảo đảm mặc nhiên của nhà nước. Như vậy, nhà nước mắc nợ rất nặng và phải quản lý một cơ chế vĩ mô thất quân bình chính là vì khu vực kinh tế nhà nước. Nếu như đảng Cộng sản thực tâm lo cho dân cho nước thì việc cải cách này phải là một ưu tiên chiến lược vì là cái lò xo, cái cốt lõi của khủng hoảng.

Một cách cụ thể thì đảng Cộng sản phải lập kế hoạch chấn chỉnh rồi lần lượt giải tư doanh nghiệp nhà nước, là tư nhân hoá hay cổ phần hóa hệ thống lãng phí và tham nhũng này. Cần một cơ quan ngang bộ với nhiệm vụ tập trung quản lý và giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tiến tới cổ phần hóa, chứ đấy không thể là nhiệm vụ của một ông Thủ tướng. Nhưng đấy là điều bất khả vì hệ thống chính trị và những mắc mứu quyền lợi ở bên dưới. Chuyện nhân sự ở trên chỉ phản ảnh quyền lợi ở dưới và đấy là một tai họa cho Việt Nam ở dưới chân Trung Quốc. Hãy tìm hiểu xem họ cải cách doanh nghiệp nhà nước như thế nào thì mình rõ.

Việt Long:
Xin cảm tạ ông Nghĩa và xin hẹn là sẽ trở lại đề tài cải cách này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét