HÒA NHẬP DÒNG Y KHOA MỸ
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Thoắt cái, chúng ta sang năm mới Tây, và cũng sắp bước vào đầu năm mới Đinh Hợi. Thời gian đúng như vó câu qua cửa sổ...Năm mới Tây, gặp nhau, chúng ta tay bắt mặt mừng: “Happy New Year!”, nhưng sang năm mới Ta, lại chúc nhau: “Chúc Mừng Năm Mới”. (Các cánh thiệp Xuân gửi nhau có phần văn vẻ hơn: “Cung Chúc Tân Xuân”.)Ở Mỹ, tiếng Anh tiếng Việt đề huề, chúng ta dùng tùy thời, tùy cảnh, tùy người.
Trẻ học tiếng Việt
Các cháu bé ngày nào tẻo teo, đến phòng mạch thập thò đứng ôm chân mẹ, nay đã lớn vượt, cao hơn cả bác sĩ. Cháu này Alex, cháu kia Michael, Jessica, ... Thế cũng phải, để các cháu đi học thày giáo, chúng bạn còn dễ gọi tên. (Nhưng ở nhà có thêm tên Việt cũng tốt.) Nhiều người lớn chúng ta, khi nhập tịch, vì công việc làm ăn, cũng lấy thêm tên Mỹ. Bác Peter Nguyên, chị Janice Tuyết, ..., nhìn hồ sơ nhiều lúc thuận tên nào tôi chào hỏi tên nấy.
Khám bệnh cho các cháu, tôi hay quen miệng hỏi:
- Cháu có nói tiếng Việt không chị nhỉ? Chà, nhanh thật, ngày nào đến đây nó nhỏ xíu, nay đã 16 tuổi rồi.
- Cháu nó nghe được tiếng Việt, nhưng không nói được bác sĩ ạ. Bảo chúng nó tập nói tiếng Việt ở nhà, chúng nó lười, cứ tụm lại là nói tiếng Mỹ với nhau cả ngày.
Nghe thế, tôi lại thường khuyên cháu:
- Cháu ạ, cháu phải tập nói tiếng Việt ở nhà chứ. Ai cũng cần biết rành ít nhất hai ngôn ngữ. Cháu xem kìa, mấy cô làm việc cho bác sĩ, nói được ba thứ tiếng: Anh, Việt, và Tàu. Không thì bác sĩ không mướn. Cháu lớn lên, chỉ biết mỗi tiếng Anh thôi, đâu có hơn gì ai, ở Mỹ đây ai cũng nói tiếng Anh cả. Cháu thấy, bác sĩ dùng tiếng Anh với cháu, dùng tiếng Việt với mẹ cháu.
Thế mà nhiều cháu chúng nghe, lần sau đến đã thấy nói tiếng Việt. Có lẽ người bác sĩ ở một vị thế dễ khuyên bảo. “Bác sĩ khuyên cháu hộ, tôi nói nó cứng đầu chẳng ngấm lời tôi”, câu này bác sĩ nào cũng đã từng nghe.
Học một ngôn ngữ không dễ, giúp các cháu thông hiểu, nói được tiếng Việt, vừa giữ lấy cội nguồn Việt, còn để cảm thông với bố mẹ, và sau ra đời thêm dễ dàng trong cuộc sống. Tôi từng gặp trường hợp một cậu con, bất hòa với bố mẹ, vì cậu ta chỉ nói tiếng Anh, bố mẹ nói tiếng Việt, cha mẹ con cái không hiểu và thông cảm nhau.
Xem bệnh xong, nếu có ít phút rảnh rỗi, tôi cũng thường chuyện trò thêm vài câu bằng tiếng Việt với các cháu, để các cháu thấy tiếng Việt thân thuộc.
Người lớn học tiếng Anh
Tôi còn nhớ ngày ở trại tỵ nạn bên Phi, có bà giáo người Mỹ dạy Anh văn thiện nguyện. Bà giáo chăm, ngày nào cũng đến dạy. Trại đông người, nhưng lớp học Anh văn thưa thớt, còn ngoài sân đánh volley vòng trong vòng ngoài, chẳng mấy lúc vắng. Nhiều người chặc lưỡi: “Lo gì, sang Mỹ, ở với Mỹ, chỉ sáu tháng là nói tiếng Mỹ như gió”. Bây giờ, ở Mỹ lâu, chúng ta biết không phải dễ vậy.
Và tiếc thay, ở Mỹ hàng bao năm, nhiều vị bệnh nhân vẫn chưa hòa nhập vào dòng y khoa Mỹ, hiểu được tính khoa học, chính xác của y khoa Mỹ, vẫn dùng những từ tiếng Việt dịch sang tiếng Anh bác sĩ Mỹ trong phòng cấp cứu họ nghe họ lắc đầu không hiểu, hoặc khi phòng cấp cứu cho về, ngày hôm sau trở lại bác sĩ chính để bác sĩ chính tiếp tục theo dõi vấn đề, hỏi, vị bệnh nhân ú ớ, không biết bác sĩ trong phòng cấp cứu đã nói, dặn dò những gì, định bệnh của phòng cấp cứu ra sao. (Rồi cả giấy tờ, thuốc men phòng cấp cứu họ đưa đem về cho bác sĩ chính xem cũng không đem theo nốt.) Lỗi tính ra có lẽ tại các bác sĩ nhiều hơn, đã quên nhiệm vụ hướng dẫn người bệnh, song song với việc chữa trị. (Vài vị còn nổi tiếng quá tệ, hành nghề kiểu “muốn gì cho nấy”, biên toa cho thuốc bừa bãi, chẳng màng chuyện chữa trị đàng hoàng theo đúng sách vở, nói gì đến việc hướng dẫn người bệnh.)
Tất nhiên, lớp Anh ngữ “English as a second language”, nhiều người chúng ta đã theo học, dạy chúng ta loại Anh ngữ thực dụng, cần dùng trong đời sống hàng ngày. Tại phòng mạch, các bác sĩ cũng có thể chỉ dẫn các vị bệnh nhân của mình học loại Anh ngữ thực dụng cần thiết này, càng tối cần thiết trong phòng cấp cứu, nơi tính mạng người bệnh chỉ mành treo chuông, nếu có sự nhầm lẫn, hiểu lầm.
- Mấy ngày nay tôi đau cổ, lấy đại “Ampi” có sẵn ở nhà xài thử. Sao bữa nay người tôi nổi đầy mẩn đỏ, ngứa ngáy quá.
- Bác có đem chai thuốc theo không, bác cho xem.
- May quá, tôi có đem theo đây.
- Thuốc trong chai này là “Septra DS”, đâu phải “Ampi” bác.
- Tôi có biết đâu, tưởng thuốc trụ sinh nào cũng là “Ampi”.
- Thuốc cũng như người vậy bác à, chúng có tên riêng của chúng. Không phải trụ sinh nào cũng là “Ampi”. Từ nay trở đi, bác đừng dùng loại trụ sinh “Septra” nữa nhé. Bác nhớ lấy tên thuốc này, để cho các bác sĩ khác cùng biết.
Tôi gặp không ít những người bệnh trụ sinh nào cũng gọi là “Ampi” như vậy. Rất nhiều khi, biên toa thuốc trụ sinh cho người bệnh, bác sĩ chúng ta cứ lẳng lặng trao toa, không giải thích thuốc tên gì, dùng làm gì. Lỡ có phản ứng phụ do thuốc gây ra, người bệnh đi khám rủi quên đem chai thuốc theo, sẽ rất khó cho việc định bệnh.
Nhiều lần, trong lúc thăm khám, tôi thấy vết sẹo mổ cũ trên bụng vị bệnh nhân, hỏi:
- Trước bác mổ gì vậy?
- Tôi mổ bướu trong bụng.
- Bác có biết bướu cơ quan nào, lành hay độc?
- Tôi không biết nữa. Ông bác sĩ trước xem tôi bảo tôi mổ thì tôi mổ.
Việc xin hồ sơ cũ để tìm hiểu và tiếp tục theo dõi vấn đề không phải lúc nào cũng dễ (vị bác sĩ ấy đã dọn đi chỗ khác rồi, đã về hưu, ...). Lỡ ung thư thì sao! Hình như tinh thần “thuốc Bắc” làm hại người bệnh nhân Việt Nam ta khá nhiều. Trước thày thuốc Bắc bảo, đem bọc thuốc này về sắc mà uống, thận yếu đấy, người bệnh cứ thế đem thuốc về sắc uống, không buồn hỏi tên thuốc là gì, trong thuốc có những chất gì, tác dụng ra sao, thì nay, bác sĩ Tây y bảo mổ bướu trong bụng, cũng vui vẻ đi mổ, không thắc mắc đây là bướu cơ quan nào, lành hay độc, sau mổ theo dõi ra sao, ...
Mỗi lần có dịp nói chuyện với các bác sĩ đàn em, ra trường ở đây, họ lại kêu trời: “Khám, chữa bệnh cho các bác bệnh nhân Việt Nam mình khó quá anh ạ. Tên bệnh các bác không biết, tên thuốc các bác không nhớ, kể bệnh không phân thành từng vấn đề rõ rệt, việc nọ cứ xọ việc kia. Rồi bệnh cường giáp trạng hyperthyroidism hay bệnh suy giáp trạng hypothyroidism đều gọi là bệnh ‘bướu cổ’, mà khám thấy cổ có bướu đâu; phim vú mammogram thì gọi ‘phim ngực’, phim ngực ‘chest X-ray’ lại gọi ‘phim phổi’. Nhiều lúc nghe các bác ấy kể bệnh, đầu óc em nó cứ quay mòng mòng, không biết đâu mà lần”.
Họ học ở đây, thực tập với những bệnh nhân người Mỹ kể bệnh rành rẽ, thuốc men thuộc tên, nay đột nhiên tiếp xúc với những người bệnh Việt Nam, họ cảm thấy khổ sở là phải. Nhưng, tre già măng mọc, đây là những người bác sĩ trong tương lai sẽ lần lượt thay thế các thế hệ bác sĩ đàn anh, chăm sóc người bệnh của cộng đồng Việt Nam. Các bác sĩ đàn anh cũng nên sửa soạn dần người bệnh nhân Việt Nam giúp họ.
Thế nên, gần đây, khi giảng giải vấn đề bệnh tật cho các vị bệnh nhân, tôi thường mở đầu với câu nói nhật tụng: “Chị Nancy M. này, bệnh tật nó cũng như mình ấy mà, mỗi đứa nó có một cái tên, vừa tên Việt vừa tên Mỹ, mà đúng ra tên Mỹ của nó còn quan trọng hơn cả tên Việt, chị cần nhớ cả tên Mỹ của nó nữa nhé, lỡ có lúc phải vào phòng cấp cứu, còn biết cách kể bệnh. Không phải phòng cấp cứu nào cũng có sẵn bác sĩ Việt Nam mình”. Rồi tùy trường hợp bệnh, tôi tiếp:
- Chị bị cảm thường, “cold” thôi, 1 tuần 10 ngày nó sẽ hết.
- Anh bị cúm rồi, mùa này “flu” đầy, có nhà bị “flu” sắp lượt.
- Tôi nghĩ cháu nó bị sưng phổi, “pneumonia”, để mình làm cái phim ngực “chest X-ray” xem có đúng không.
- Năm ngoái, bác chụp phim vú mammogram tháng nào nhỉ? Ung thư vú, “breast cancer”, nhiều ở người trên 50, bác nhớ đi chụp phim vú mammogram hàng năm.
- Siêu âm ultrasound cho thấy chị bị sạn túi mật, nếu đau dữ nữa, chị vào phòng cấp cứu, nói bị “gallstone”, bác sĩ phòng cấp cứu sẽ hiểu ngay.
- Chị có bướu lành tử cung “fibroid” khá lớn, lại hay ra máu, chắc bác sĩ phụ khoa thế nào cũng khuyên chị mổ. Bướu này không phải ung thư, “cancer”, mổ xong thường thì thôi, không cần theo dõi hay làm gì thêm.
- Phim chụp “Cat scan” đầu của anh bình thường, không có bướu óc, “brain tumor” đâu mà sợ. Tôi nghĩ anh bị chứng nhức đầu căng thẳng, “tension headache” thôi.
- Cháu bé trước có bị suyễn, “asthma”, không?
- Thử máu cho thấy chị có bệnh cường tuyến giáp trạng, “hyperthyroidism”, tuyến giáp trạng chị làm việc mạnh bất thường, nên chị xuống cân, hay mệt mỏi, hồi hộp. Đừng gọi bệnh “bướu cổ”, ở đây bác sĩ Mỹ họ không hiểu.
- À, cám ơn bác đã đem thuốc lại tôi xem. Bác đang uống thuốc Synthroid, để chữa bệnh suy tuyến giáp trạng, “hypothyroidism”. Lần trước, bác không đem thuốc theo, nói bị bệnh “bướu cổ”, tôi không đoán được bác có bệnh gì. Đây, xin chỉ bác xem cái hình tuyến giáp trạng, Mỹ họ gọi là “thyroid gland”. Bác nhớ lấy tên bệnh nhé: suy tuyến giáp trạng, “hypothyroidism”. Tôi biên tên bệnh xuống cho bác giữ bỏ vào ví, cả tên Việt lẫn tên Mỹ. Mà thưa bác, tên Mỹ của căn bệnh có phần còn quan trọng hơn cả tên Việt, nếu chỉ cần nhớ một tên, bác nhớ lấy tên Mỹ của nó, đi đâu nói, bác sĩ nào cũng hiểu.
Mùa Xuân là mùa các cây non nảy vươn mầm sống, trong ngôn ngữ, chúng ta hãy sửa soạn cho các thế hệ con em tương lai. Đồng thời, chúng ta không ngừng trau dồi tiếng Anh, học nhớ lấy những gì liên quan đến đời sống, sức khỏe chúng ta, đặc biệt các tên bệnh. Xin nhớ, chúng ta ở Mỹ, mọi tiêu chuẩn liên lạc, giao dịch, chữa trị, cấp cứu đều bằng tiếng Anh, không phải tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét