Tiếp tục chủ trương kinh tế phá sản
Ngô Nhân Dụng
Trước ngày Ðại Hội XI của đảng Cộng Sản Việt Nam khai mạc, hãng thông tấn AP tường thuật từ Việt Nam viết: “Mặc dù những khẩu hiệu, hình cờ đỏ búa liềm được treo khắp nơi ở Hà Nội, nhưng đa số người dân Việt Nam không quan tâm đến sự kiện (đại hội) này, vì họ phải lo vật lộn với lạm phát, với giá thực phẩm leo thang.”
Cùng thời gian đó, tuần báo Economist của Anh Quốc nhận xét rằng sau bao nhiêu năm đổi mới kinh tế, tại thủ đô nước Việt Nam trong các hotel sang trọng đa số khách người ngoại quốc, “thang máy đang chạy bị ngưng vì mất điện.” Và trong quán cà phê bài trí đẹp như một tiệm ở Paris, “cái máy pha cà phê expresso cũng lịch xịch một lúc rồi tắt ngúm” vì điện cúp bất ngờ. Những hình ảnh đó tiêu biểu cho tình trạng phá sản của chính sách kinh tế Nguyễn Tấn Dũng.
Nhưng cuối cùng, đại hội vẫn “thành công rực rỡ,” vì những gì các ông lớn quyết định từ trước đều được thông qua vui vẻ. Tính chất Ù Lì và Trâng Tráo được thể hiện theo đúng sự xếp đặt từ trước. Ông Nguyễn Phú Trọng, mà trí thông minh đã được dân Hà Nội ghi nhận qua câu ca dao “Giầu như Phú, lú như Trọng,…” đã được bầu lên làm tổng bí thư thay ông Nông Ðức Mạnh. Dân Hà Nội coi đây là một sự tiến bộ lớn, vì ông đọc và viết chữ quốc ngữ thông thạo hơn ông tổng bí thư mãn nhiệm. Bằng cớ là ông đã viết những bài đại luận về đường lối của đảng toàn những lời hoa mỹ và trống rỗng.
Dù mất chức nhưng ông Nông Ðức Mạnh vẫn thỏa mãn, vì sau khi “lãnh đạo đất nước” 10 năm ông đã thành công xếp đặt để cho cậu con trai Nông Quốc Tuấn lên. Trong đại hội trước, vừa bị vụ PMU 18 vỡ lở, lại đến cậu Tuấn bị hụt không được vào Trung Ương, ông Mạnh cay cú lắm. Năm vừa rồi, ông xếp đặt cho cậu công tử lên một chức bí thư tỉnh ủy, thế là bảo đảm cho cậu một cái ghế ủy viên Trung Ương. Cậu Tuấn thắng lợi vẻ vang hơn hai vị công tử khác. Con trai ông Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị và của ông Nguyễn Văn Chi, chủ nhiệm Ban Kiểm Tra Trung Ương Ðảng, là Nguyễn Xuân Anh, chỉ được bầu làm ủy viên dự khuyết, phải chờ ít nhất vài năm nữa mới thành chính thức. Cậu Nguyễn Thanh Nghị được đề cử trực tiếp tại đại hội mà trúng cử cái một; chứng tỏ phe ông Nguyễn Tấn Dũng rất mạnh, nói một tiếng là xong ngay, không cần thông qua các thủ tục bố trí của Trung Ương Ðảng; cho thấy Bố Dũng không cần bố trí.
Sự kiện các vị công tử bắt đầu gia nhập Câu Lạc Bộ Ba Ðình chứng tỏ khẩu hiệu “Ðời cha gian khổ, củng cố đời con” đã được thực hiện nghiêm chỉnh, đồng bộ và toàn diện. Các công tử con cháu các quan lớn khác sẽ hăng hái, năng nổ hơn trong việc củng cố chế độ độc quyền chính trị, khai thác các nguồn lợi kinh tế quốc gia, chờ ngày họ sẽ đứng ra lãnh đạo đảng Cộng Sản thừa kế các quan khi về hưu. Trước khi bắt đầu họp đại hội, các đại biểu kéo nhau vào nghiêng mình trước xác ướp của Hồ Chí Minh. Họ tỏ lòng biết ơn ông Hồ là đúng. Nếu không có ông Hồ tạo ra cái đảng Cộng Sản và thiết lập chế độ độc tài toàn trị trên nước Việt Nam thì những người như họ đâu có cơ hội làm giầu và bảo đảm cho con cháu họ đâu tiếp tục ăn trên ngồi trốc như thế này?
Ông Nguyễn Tấn Dũng chắc sẽ tiếp tục ngồi trên ghế vị thủ tướng, mặc dù màn kịch chuyền bóng ngoạn mục để suy tôn ông là “thủ tướng xuất sắc nhất Á Châu” đã bị Nguyễn Tôn Hiệt trên mạng Tiền Vệ phanh phui trước dư luận người Việt toàn thế giới. Trong bài báo chọn ông là “Nhân Vật Năm 2010” trên VNExpress, người ta đã biện minh cho lựa chọn của họ bằng cách nêu lên các thành tích của ông. Trong đó, tức cười nhất là có một hàng nói rằng ông đã có công giải quyết vụ Vinashin!
Nhắc đến Vinashin là mở ra cả một hũ mắm bị hư, mùi xông lên nồng nặc, mà các người làm công cho ông Dũng vẫn cứ coi như đó là một thành thích rực rỡ. Luận điệu tung hô ông chủ này cho thấy trình độ trâng tráo của thầy trò họ đã lên tới tột đỉnh! Các đảng viên cộng sản từ lâu đã tập được thói quen vừa bịt mũi vừa hoan hô như vậy rồi. Ca ngợi ông Dũng “giải quyết” vụ Vinashin cũng không khác gì ca ngợi ông Hồ Chí Minh ngày xưa đã “sửa sai” sau vụ Cải Cách Ruộng Ðất! Cũng không khác gì đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ bắt dân phải nghe những lời tự ca tụng là họ đã có công trạng “đổi mới kinh tế!”
Ðó là một lối lừa bịp trâng tráo, kể công để tự xóa tội! Bởi vì nếu không giết oan hàng trăm ngàn người vô tội theo chính sách Mao Trạch Ðông, thì đâu có cần sửa sai? Nếu không bắt cả nước theo chính sách kinh tế vô sản chuyên chính của Stalin và Mao thì đâu đến nỗi để dân chết đói, túng quá phải quay ngược chiều 180 độ bắt đầu tư bản hóa để Ðảng thoát chết – rồi nhân cơ hội cho chính các quan lớn làm giầu? Nếu không bày ra những tập đoàn kinh tế quốc doanh, trao cho đám đàn em thân tín hoàn toàn mù chữ về kinh doanh đứng ra “quản lý” hàng tỷ đô la, thì đâu đến nỗi vỡ nợ hơn 4 tỷ, phải đem giải quyết bằng cách đánh bùn sang ao?
Nhưng ai trước cảnh đó cũng phải lo cho tương lai đất nước Việt Nam. Vì việc dùng vụ Vinashin để ca ngợi Nguyễn Tấn Dũng cho thấy bản chất ù lì trâng tráo của họ sẽ còn tiếp tục thi thố. Chủ trương kinh tế phá sản này sẽ gây những hậu quả tai hại cho kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Tất cả chủ trương dùng quốc doanh làm chủ đạo không phải chỉ gây ra một vụ Vinashin tan tành mà còn sẽ làm cho kinh tế nước ta bế tắc. Ðiều này đã được chính ông cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An báo động, nhưng tất cả 1,400 người trong đại hội đảng làm như ai cũng điếc không ai nghe thấy gì hết! Trên mạng lưới của đảng Cộng Sản Việt Nam, trong lúc họ đang bỏ phiếu bầu Trung Ương Ðảng, ông Lê Hữu Nghĩa giám đốc Học Viện Chính Trị Quốc Gia vẫn dõng dạc tuyên bố rằng Ðảng “giữ vững chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất !” Tức là vẫn làm kinh tế phá sản theo mô hình quốc doanh của Stalin!
Khi Vinashin loay hoay xin khất nợ không trả được 60 triệu đô la đúng kỳ hạn cho các ngân hàng, các công ty thẩm định tín dụng quốc tế đã đánh tụt trái phiếu của Việt Nam xuống hàng “junk bonds” (Trái phiếu Rác) thì tất cả các doanh nghiệp Việt Nam bị họa lây. Tập đoàn Than và Khoáng Sản (Vinacomin) không đi vay được thêm 500 triệu đô la trên thị trường quốc tế nữa. Tất cả các công ty quốc doanh và chính phủ Việt Nam từ bây giờ muốn đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn vì điểm tín dụng của cả nước bị đánh thấp xuống. Tức là công quỹ sẽ hao mòn thêm. Tiền để nhà nước trả nợ là tiền đóng góp của toàn dân chứ chính các ông bà cán bộ có ai tạo ra tiền của nào đâu? Các doanh nghiệp nhà nuớc đều là của chung, của toàn dân Việt Nam. Lãi suất lên cao nghĩa là tất cả mọi người Việt Nam đều phải trả tiền lãi nhiều hơn, mỗi khi nhà nước và các công ty của nhà nước đi vay nợ! Mà không đi vay nợ không xong, vì tất cả hạ tầng cơ sở từ đường sá đến hệ thống điện, nước đều cần rất nhiều tiền đầu tư. Theo đài RFI, chuyên gia Philippes Delalande nói rằng Việt Nam sắp phải đi vay nợ rồi. Họ có thể chọn, hoặc vay của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hoặc vay của Trung Quốc. Nói đến vay nợ Trung Quốc bây giờ thì cả nước Việt Nam sẽ giật mình!
Tất cả chỉ vì chủ trương bảo vệ “chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất” của đảng Cộng Sản. Trả lời đài RFI trước ngày Ðại Hội 11 họp, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nhận xét rằng: “Các xí nghiệp quốc doanh tạo ra chừng 26% GDP (tổng số của cải làm ra trong nước) nhưng lại sử dụng đến 40% nguồn tài chính qua vay nợ.” Tức là những anh bất tài không làm ra của cải thì lại được đưa cho rất nhiều tiền sử dụng; mà tiền vao tay họ thì cứ như nước đổ vào những cái thùng không đáy. Tất nhiên, những người có khả năng tạo ra thêm của cải sẽ không được vay, thiếu tiền phát triển. Ông Nguyễn Quang A còn lên án: “Các xí nghiệp nhà nước làm cho kinh tế vĩ mô (tức là toàn thể nền kinh tế) bị mất cân bằng một cách nghiêm trọng!” Tại sao mất cân bằng? Vì những cái thùng không đáy này chỉ có việc “rút tiền từ ngân sách nhà nước, bất chấp những nguyên tắc của một nền kinh tế tư bản.” Kinh tế tư bản thành công nhờ có hiệu năng; tức là những công ty có khả năng tạo ra nhiều của cải nhất với chi phí thấp nhất sẽ tự nhiên thu hút được nhiều tiền vốn sử dụng. Tiền đến từ những người mua cổ phần (tức góp vốn) hay cho vay nợ. Cơ cấu thị trường của kinh tế tư bản tưởng thưởng cho những người làm việc có hiệu năng. Bỏ qua nguyên tắc đó, thì dù có bắt chước các nước tư bản đặt ra đủ thứ hình thức mầu mè, nào tập đoàn kinh tế, nào thị trường chứng khoán, vân vân, nhưng rút cuộc chỉ nuôi một đám ăn hại! Còn những người có khả năng thì bị bỏ quên hay bị gạt qua bên lề! Ông Nguyễn Quang A nói đến con số “khổng lồ” 12 tỷ đô la thâm thủng trong cán cân thương mại trong năm 2010, và giải thích rằng tình trạng nhập cảng nhiều hơn xuất cảng này là “căn bệnh trầm kha bắt nguồn từ sự kém hiệu năng của các xí nghiệp nhà nước.”
Trong lúc công ty Vinashin đang lo không tìm đâu ra được 60 triệu để trả một tý chút trong số 4 tỷ rưỡi đô la tiền nợ thì Bộ Tài Chính đã quyết định cho Vinashin không phải đóng thuế trong năm 2010; đến cuối năm 2011 mới phải tính lại. Nhưng trong một năm thì không biết có gia hạn lần nữa không! Không thâu thuế, tức là công quỹ bị mất tiền. Tức là toàn dân mất tiền. Ðể tiền đó nuôi những người bất tài do ông Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm. Ðó là lý do ông được bầu chọn làm, “Nhân Vật Năm 2010!”
Ðảng Cộng Sản quyết tâm bảo vệ chủ trương “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” bởi vì còn những tập đoàn doanh nghiệp nhà nuớc thì còn chỗ “bố trí” cho con cái các quan lớn trong Trung Ương Ðảng vào đó làm chức này, chức nọ. Nếu cho kinh tế tư nhân phát triển, những doanh nhân có khả năng sẽ đánh bại các xí nghiệp của nhà nước, thì còn chỗ nào để đám công tử công tôn “thi thố tài năng quản lý” kiểu Vinashin? Công ty Vinashin lỗ lã mất hàng tỷ Mỹ kim nhưng các quan chức quản lý công ty đều no nê. Mô hình Vinashin sẽ còn tiếp tục để con cháu quý vị đó sẽ được tiếp tục no nê; cho tới bao giờ đảng Cộng Sản “tiến đến chủ nghĩa xã hội” mới thôi! Tức là không bao giờ cả!
Tin từ Ðại Hội XI cho biết khi biểu quyết về chủ trương “công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu” thì chỉ có 55% các đại biểu ưng thuận. Ðó là một tin mừng. Ít nhất trong số 1,377 người cũng có gần 620 người đủ thông mình trông thấy con đường quốc doanh là con đường phá sản; và họ có đủ dũng cảm để bác bỏ một chủ trương phá hoại kinh tế quốc dân như thế. Nhưng con số những người sáng suốt đó còn nhỏ quá. Cho nên trong những năm tới đảng Cộng sản vẫn tiếp tục chính sách phá sản của Nguyễn Tấn Dũng!
Trong khi đảng Cộng Sản họp hành để củng cố địa vị các công tử thì người dân Việt Nam vẫn chỉ lo đối phó với lạm phát, người nghèo phải chịu đựng giá thực phẩm gia tăng. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã điều hành việc nước hơn một nhiệm kỳ. Kết quả là ngân sách thâm thủng đến 7 phần trăm rưỡi GDP, cán cân chi phó thiếu hụt 12 tỷ trong năm, tiền dự trữ ngoại tệ chưa đủ để mua hàng nhập cảng trong 2 tháng, đồng tiền bị phá giá 3 lần trong vòng 14 tháng, dân mất tin tưởng vào đồng tiền nên chỉ tìm cách mua vàng và đô la tích trữ. Một ông thủ tướng như vậy mà vẫn được đảng Cộng Sản tín nhiệm, và răm rắp bỏ phiếu cho con ông lên dự khuyết Trung Ương Ðảng, có phải tất cả đảng Cộng Sản không còn ai khá hơn chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét