Lịch sử cần sự thật
Tác giả: TRẦN KINH NGHỊ*
Kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực.
Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Trần Kinh Nghị, nguyên là một nhà ngoại giao lâu năm, nguyên Phó Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch.
Hồi đầu năm nay đã rộ lên sự kiện một nữ nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ tên là Đào Ngọc Bích viết bài cho BBC nói rằng Việt Nam là từ Trung Quốc mà ra(!) để rồi ngay sau đó bị đông đảo dư luận trong và ngoài nước "đánh" cho tả tơi, rơi rụng. Không chỉ vậy, chính cô cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội này, trong nỗ tự lực bào chữa cho mình, đã "đổ tại" quá trình đào tạo môn lịch sử khi cô còn ở Việt Nam.
Mới đây dư luận lại được một phen bức xúc nữa khi một vị giáo sư người Trung Quốc tên là Vương Hàn Lĩnh cho rằng "kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc".
Thực ra không phải chỉ một mình cô Bích hay ông Lĩnh mà còn khá đông đảo người Việt Nam và Trung Quốc đều chưa hiểu đúng về lịch sử của đất nước mình, đặc biệt là lịch sử liên quan đến mối quan hệ lâu đời của hai quốc gia dân tộc "núi liền núi, sông liền sông" này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu biết lịch sử "lệch lạc" như vậy nhưng có một nguyên nhân sâu xa nằm ở những "góc khuất" trong sử sách khi nói về nguồn cội dân tộc của mỗi nước.
Vẫn biết, kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trọng có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực.
Với tinh thần đó, người viết bài này xin được nêu lên một vài điều suy nghĩ lâu nay để mọi người cùng suy ngẫm nhằm tìm ra một lời giải.
Một là, về cội nguồn dân tộc, có thể nói không chỉ truyền thuyết mà cả sử sách (của cả Trung Quốc và Việt Nam) dù có nhiều điều chưa được làm sáng tỏ hoặc chưa thỏa đáng, cũng cho thấy rằng nước Việt Nam ngày nay là một thực thể thống nhất duy nhất còn lại của Bách Việt - một tên gọi chung cho nhiều tộc người Việt đã từng định cư hàng ngàn năm trước Công nguyên trên vùng lãnh thổ rộng lớn từ bờ Nam Sông Dương Tử xuống miền Bắc Việt Nam ngày nay, phía Tây giáp Tân Cương, phía Đông giáp biển Thái Bình Dương.
Sử sách cũng cho thấy Người Hán "nam tiến" với thế mạnh của kỵ binh nhưng đã phải mất hàng ngàn năm (quãng giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước CN đến đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau CN) để xâm chiếm, chinh phục và đồng hóa hầu hết các bộ tộc hoặc vương quốc có tên tuổi của người Bách Việt (xem bản đồ minh họa*). Đó là một quá trình kéo dài với biết bao biến cố lịch sử phức tạp mà trong đó có nhiều sự kiện đã bị lãng quên hoặc bị xuyên tạc, thậm chí bị "tráo đổi" tùy theo mục đích của các triều đại phong kiến thống trị trong các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời nhà Hán và nhà Đường.
Tuy nhiên có một thực tại không thể bác bỏ là, riêng Lạc Việt mặc dù bị các triều đại phong kiến Hán Hoa thay nhau thống trị từ năm 179 TCN đến 905 nhưng vẫn tồn tại và phát triển với tư cách một quốc gia dân tộc độc lập như ngày nay. Sử sách thường gọi đó là "thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc" mặc dù đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của người Việt liên tục nỗ ra trong suốt quá trình đó.
Có thể nói, đó là quá trình lịch sử tang thương của Bách Việt nói chung, nhưng cũng là trang sử hào hùng đối với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam không phải là trường hợp ngẫu nhiên mà là kết cục của cả quá trình đấu tranh sinh tồn của người Bách Việt nói chung mà các thế hệ người Việt Nam nói riêng và cội nguồn Bách Việt nói chung không bao giờ được phép lãng quên.
Theo truyền thuyết thì nguồn gốc tổ tiên của Việt Nam bắt nguồn từ Hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) bắt đầu bằng Thời đại Hồng Bàng của Kinh Dương Vương (có sách ghi cụ thể năm 2789 TCN). Thuyết này trùng khớp với các câu chuyện cổ tích về Âu Cơ-Lạc Long Quân, các Vua Hùng, mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy và chiếc nỏ thần v.v...
Câu dân ca Việt cổ "Công cha như núi Thái Sơn (gần Hồ Động Đình), nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..." cũng là một sự trùng hợp. Truyền thuyết này cũng được kiểm chứng bằng một số kết quả nghiên cứu quả khảo cổ, nhân chủng và ngôn ngữ, qua các di chỉ đồ đá, trống đồng, nghề trồng lúa nước và những khác biệt gen di tuyền v.v...
Kết hợp cả truyền thuyết và cổ sử ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình "Nam tiến" và "Đông tiến" của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Man Việt, Di Việt v.v.... đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa...., để cuối cùng đều biến thành "người Hoa" hiện đại. Nhưng riêng Lạc Việt vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông và Bắc Bộ ngày nay.
Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt (sau là Chân Lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn); rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Sử cận đại Trung Quốc cũng cho thấy, cho mãi đến những năm 1940 danh từ "dân tộc Việt" mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người "từ phương Bắc".
Bản thân người viết bài này hồi nhỏ đã có dịp học tập tại Quảng Tây nới có gần 20 triệu người dân tộc Choang (còn gọi là Tráng) vốn là họ hàng của tộc Việt, mới đây trong chuyến du lịch mấy tĩnh phía Nam Trung Quốc đã được dịp "kiểm nghiệm"điều này qua chuyện trò với một số người bản địa.Tin tức cũng cho thấy người Đài Loan gần đây đã viện dẫn đến yếu tố "người bản địa" Man Việt trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự tồn tại độc lập với Đại lục. Nhiều thông tin, dữ liệu của các nhà nghiên cứu Bách Việt học quốc tế cũng đáng được xem xét để góp phần làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc dân tộc và nhân văn của của Việt Nam và khu vực Đông Á và Đông Nam Á nói chung.
Thiết nghĩ, những sử liệu và sự kiện trên đây ít nhiều tự chúng đã nói lên những sự thật khách quan xung quanh những "góc khuất" trong cổ sử và chính sử liên quan đến cội nguồn dân tộc và quan hệ giữa hai nước Việt-Trung. Khách quan mà nói đó là hướng đi tích cực cho mục đích xây dựng mối quan hệ hữu nghị bình đẳng lâu dài giữa hai nước và trong khu vực nói chung.
Hai là, về nhân văn, tuy chỉ dựa vào các nguồn sử sách cổ để lại từ thời "1.000 năm Bắc thuộc", ta cũng có thể thấy Việt Nam là kết tinh, là đại diện của Bách Việt. Về góc độ văn hoá, kể cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, Việt Nam và Trung Quốc ngày nay có rất nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Đặc điểm này nếu được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị và bình đẳng giữa hai nước, chứ không có gì là không tốt như một số người có thể nghĩ.
Tuy nhiên trên thực tế không được như vậy vì có quá nhiều sự thật đã bị xuyên tạc, có những giá trị đã bị "tráo đổi" trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua mà trong đó phần lợi bao giờ cũng nghiêng về phía kẻ mạnh.
Xin đơn cử vài ví dụ: Thế giới lâu nay vẫn tin rằng Kinh Dịch là của người Trung Quốc. Nhưng thực ra gần đây các chứng cứ khảo cổ quốc tế đã cho thấy trống đồng không phải của người Hán mà là của các dân tộc phương Nam. Kết luận này cho phép các nhà nghiên cứu suy ra rằng những hình khắc biểu tượng Kinh Dịch trên trống cũng không phải của người Hán; và do đó chủ nhân của Kinh Dịch chính là người Bách Việt, cụ thể hơn là của người Âu Việt và Lạc Việt.
Về ngôn ngữ, đã từ lâu người Việt Nam an phận đón nhận chũ Nho (tốt đẹp) của người Hán (còn gọi là Hán Nôm). Nhưng có một số luận điểm khác cho rằng người Hán trong quá trình xâm lược đã sử dụng ngôn ngữ của người Bách Việt, cụ thể là của Ngô Việt (tại vùng Việt Châu, tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay) để cải tiến thành chữ Hán, rồi thành tiếng Trung hiện đại. Lập luận này dựa trên cơ sở nghiên cứu về ngữ nghĩa, âm thanh, ngữ pháp v.v... cho thấy một tỷ lệ rất cao các nhân tố ngôn ngữ Bách Việt trong tiếng Hán cỗ và tiếng Trung ngày nay. Đó là hiện tượng các danh từ nhưng có tính từ được xếp sau danh từ được thấy phổ biến trong Kinh Thi và ngay ở tên gọi các vị Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn vốn được coi là truyền thuyết Trung Quốc ; từ "Việt" hiển thị với tầng số rất cao trong các tên địa danh ở miền Nam Trung Quốc; từ "giang" (sông) của tiếng Việt cổ được sử dụng cho hầu hết các con sông miền Nam Trung Quốc (trong khi ở miền Bắc gọi là "hà"); tuồng Kinh kịch ở phía Nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn gọi là "Việt kich", v.v...
Thuyết này đồng thời cũng đặt ra mối nghi vấn rằng di chỉ thẻ tre có khắc chữ Hán cổ là "giả mạo" vì vào thời đó người Hán chưa có mặt ở miền đất phía Nam nơi có cây tre đủ to để làm thẻ viết. Tương tự cũng có sự "nhập nhằng" về chủ thể của "con đường tơ lụa" vì đúng ra người Bách Việt mới có thể là chủ thể của sản vật tơ lụa làm từ cây dâu tằm chỉ có ở vùng đất phương Nam. Rất nhiều luận điểm và luận cứ tượng tự cũng đã được nhiều học giả Việt Nam và quốc tế nêu ra.
Tóm lại, dù bị người Hán cố tình đồng hóa bằng rất nhiểu thủ đoạn tinh vi và cường bạo như đốt sách, bắt từ bỏ, xóa bỏ hoặc tráo đổi v.v..., nhưng các dấu tích Bách Việt vẫn còn đó cho đến ngày nay. Trong suốt quá trình đấu tranh sinh tồn khốc liệt bên thua trận ắt chịu nhiều mất mát, nhưng những gì là bản sắc riêng vẫn còn đó; và điều này có thể nhận thấy qua nhiều nét tương đồng giữa Việt Nam với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc ngày nay cũng như với các nước Đông Nam Á.
Ba là, công tác nghiên cứu và giáo dục về lịch sử cần đi sâu hơn nữa về nguồn gốc dân tộc cùng các giá trị nhân văn trên tinh thần khách quan, dựa trên chứng cứ khoa học biện chứng lịch sử, khảo cổ, nhân chủng... (chứ không chỉ dựa vào sử sách củ để lại từ thời Bắc thuộc). Thiết nghĩ, trong việc này những kiến thức xác thực về Bách Việt sẽ giúp giải mã rất nhiều điều mà lâu nay chưa cảm thấy thỏa đáng hoặc chỉ là "ngộ nhận".
Công tác sử học cũng cần tập trung nghiên cứu và bổ cứu lại toàn diện, đặc biệt về lĩnh vực nguồn gốc dân tộc và nhân văn của người Việt nhằm làm sáng tỏ những kiến thức mang tính truyền thuyết kết hợp với những chứng cứ lịch sử dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ và gen di truyền v.v... Khi có đủ dữ liệu thì công khai chỉnh sửa những mọi sự sai lệnh hoặc bị xuyên tạc hoặc bị giả mạo trong sách sử cũ dưới bất cứ hinh thức nào, của bất cứ thời đại nào.
Lý do là vì toàn bộ sách sử cổ của Việt Nam đều đã bị đốt và thủ tiêu trong các thời kỳ "1000 năm Bắc thuộc"; các sách sử hiện có, kể cả Đại Việt sử ký, đều là sử "chép lại" dựa chủ yếu vào các nguồn sử của các thời Hán, Đường và "hậu Hán Đường" nên không thể đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ được; thật nguy hại nếu đã có những sự thật đã bị xuyên tạc, thậm chí đã bị tráo đổi trong đó.
Mặc khác, cũng cần thừa nhận những khiếm khuyết trong khâu giáo dục công dân về lịch sử trong thời gian qua ở nước ta với những hậu quả "nhãn tiền" như đã được nhiều lần cảnh báo trước công luận. Thật nguy hại nếu mọi công dân đều hiểu biết sơ sài, thậm chí hiểu sai lệch về lịch sử của đất nước mình. Ví dụ khi nói mình "con rồng cháu tiên" nhưng trong lòng phân vân không biết có đúng thật không vì thấy ở Trung Quốc người ta cũng nói như vậy; không biết tại sao người Việt có các họ giống như người Trung Quốc, không biết chắc nên thiếu tự tin rằng trống đồng là bảo bối của dân tộc Việt Nam; không dám đòi quyền chủ thể của Kinh Dịch, v.v...
Tương tự, trong lĩnh vực ngôn ngữ, sao ta không đặt mạnh vấn đề nghiên cứu xem tiếng Việt có chữ viết cổ? Lẽ nào ta dân tộc ta chỉ có chữ Hán Nôm? Có lẽ vì không biết mình là ai, nên đến ngày nay vẫn lúng túng không biết nên bảo tồn cái gì, thay thế, xoá bỏ cái gì để thực hiện "trong sáng tiếng Việt"?.Thậm chí có người cứ "vô tư" nhận mình là "con cháu" của người Trung Quốc (trong khi phía bên kia không nghĩ như vậy).
Cũng cần xem xét lại một số khái niệm và quan niệm như cho rằng văn hóa Việt "bị ảnh hưởng" của văn hóa Trung Quốc là không hoàn toàn chính xác (mà thực chất đó chỉ là một sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại); cách hiểu về nguồn gốc đạo Phật, Đạo Khổng, về Chữ Nho và Nho Giáo cũng có nhiều điều phải bàn thêm, v.v... Chỉ khi nào hiểu đúng về nguồn gốc dân tộc và tự tin với những giá trị nhân văn riêng, người Việt Nam ngày nay mới thực sự tìm lại chính mình và thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp luôn thấy yếu kém và phụ thuộc các thế lực bên ngoài.
Thay cho lời kết
Những lập luận trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết để nhắc lại rằng dân tộc Việt Nam có cội nguồn lâu đời với những giá trị nhân văn không thua kém các dân tộc khác. Đó là một lịch sử cần được tôn trọng bằng các chứng cứ khoa học khách quan chứ không chỉ bằng truyền thuyết; ngay cả sử sách cũng phải được kiểm chứng lại bằng các kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc.
Theo hướng đó, bài viết chỉ nêu lên một thực trạng tình hình đồng thời gợi ra một số việc cần làm thêm (chứ không nhằm phê phán ai hoặc nước nào) với hy vọng góp phần đem lại sự hiểu biết đúng đắn hơn về lịch sử và cội nguồn dân tộc của Việt Nam cũng như các bên liên quan khác trong khu vực, coi đó là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa các nước khu vực với nhau./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét