Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Tìm chữ Việt cổ giữa cao nguyên đá

Tìm chữ Việt cổ giữa cao nguyên đá

Đăng bởi Ngạo Nghễ on 11/04/2010
Người Việt Âu Lạc đã có chữ viết từ trước thời Hán thuộc. Năm 43 Mã Viện thu thập trống đồng rồi đem nấu lại làm mất dấu tích bộ chữ trên mặt di sản văn hóa. Sang đời Sĩ Nhiếp (187-226) thì cho lệnh đốt hết sách cổ nhằm triệt để Hán hóa. Nhưng những công trình sưu khảo đang góp phần phục hồi bộ chữ Việt cổ vốn ít nhiều liên quan đến chữ Việt mới mà nay đã được Latinh hóa thành chữ Quốc ngữ.
Khối cự thạch khắc chữ ở bãi đá Nấm Dần
Sách Tân Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh viết trong thế kỷ 15 gọi lối ký tự Việt cổ là chữ Khoa đẩu do có hình những con nòng nọc. Sách Thông Chí của Trịnh Tiêu biên soạn trong đời Tống có đoạn viết rằng “Đời Đào Đường, nam di Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đã biếu một con rùa thần, rùa ước được ngàn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ Khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến ngày nay. Vua Nghiêu cho chép lấy gọi là Quy lịch”.
Khác với chữ Hán tượng hình, Khoa đẩu của người Việt cổ là thứ chữ tượng thanh gồm nhiều ký âm viết thành hàng ngang như chữ Quốc ngữ ngày nay.
Gần đây nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền sắp xếp lại thành 47 chữ cái cùng phép chính tả và vài niêm luật. Trước đó trong khoảng năm 1850, vị quan Phạm Thận Duật cũng là nhà văn hóa lớn đã tỉ mỉ ghi chép, phân loại các dị bản chữ cổ ở vùng Tây Bắc.
Lúc bấy giờ viên quan chưa biết văn bản là các chữ Việt cổ được bảo lưu trong các dân tộc sơn cước, và ông đặt tên là Thái Thổ tự. Năm 1903 Tổng đốc Thanh Hóa tìm được một bản cổ khoảng 500 chữ có ghi chú chữ Hán bên cạnh, nhờ đó đọc được đoạn thơ “Mời Trầu” bằng chữ cổ mà ông gọi là Hỏa tự do có hình ngọn lửa. Viên Tổng đốc ghi lại trong Thanh Hóa Phong Quan rằng “Thập châu là đất nước ta. Trên châu còn có chữ, lẽ nào mà dưới chợ lại không. Lối chữ châu là lối chữ nước ta đó”.
Bộ phụ âm do Đỗ Văn Xuyến tái lập
Những công trình sưu khảo gần đây của các học giả ở trong và ngoài nước đang làm sống lại bộ chữ Việt cổ hơn 2.000 năm trước. Họ tiếp cận không chỉ văn bản trên giấy vốn hẳn đã được sao chép nhiều lần, mà trên các đồ gốm cổ và trên trống đồng Lũng Cú vừa được khai quật. Đặc biệt việc xuất lộ các bản hình và chữ cổ khắc họa trên các bãi đá nằm giữa hai rặng Hoàng Liên Sơn và Hoàng Xu Phì tạo nên phong trào du khảo văn hóa thường gọi là đi săn chữ cổ.
Chúng tôi bắt đầu chuyến du khảo từ Hà Nội theo tuyến đường sắt, đến ga Lào Cai thì đón xe đi về Sa Pa cách đó 38 cây số. Khách sạn Bamboo trên phố Cầu Mây nơi chúng tôi nghỉ lại không phải hạng sang, nhưng từ đây có được tầm nhìn đẹp xuống thung lũng Mường Hoa mà bên kia là ngọn Phăng Xi Păng cao 3.142 mét nổi lên cuối rặng Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Từ thị trấn Sa Pa các chuyến leo núi lên ngọn Phăng Xi Păng cao ngất phải mất nhiều ngày, xuất phát từ bản Xín Chải nằm giữa thung lũng Mường Hoa. Nhưng nhiều đoàn du khách chọn lộ trình tham quan thung lũng tạo nên bởi con suối Hoa để khám phá không gian kỳ bí đánh dấu bằng các khối đá lớn nhỏ khắc ghi chữ cổ và các họa tiết mà Giáo sư Lê Trọng Khánh cho rằng tổng thể là một bộ sách khổng lồ.
Bộ sách khổng lồ này được người Pháp phát hiện lần đầu vào năm 1925 sau khi xây dựng Sa Pa làm nơi nghỉ mát từ cuối các năm 1880. Chúng tôi lần theo lối mòn lớn nhỏ cùng các du khách để được tiếp xúc cư dân bản xứ người Mông, người Dao, người Tày và tận mắt nhìn thấy hàng trăm tuyệt tác đá cổ người xưa để lại bên các bờ nước hay giữa các thửa ruộng bậc thang ở Lao Chải, Hậu Thảo, Tả Van và nhiều nơi khác xa nhau đến cả ngàn mét.
Xem ra nơi đây là thung lũng tế lễ dưới chân ngọn Phăng Xi Păng của nhiều bộ tộc, căn cứ vào việc các tảng đá cổ xếp thành nhiều cụm, và hình khắc tinh tế rõ nét sinh hoạt dân gian giữa vùng ruộng lúa bậc thang vốn là đặc điểm của cao nguyên đá cho tới ngày nay.
Căn cứ vào hình khắc nhà-thuyền tương tự trên các trống đồng Đông Sơn của người Việt xưa, người ta đoán định tuổi các đá cổ cách nay khoảng 2.500 năm và các bộ dạng chữ cổ là của các cộng đồng cư dân bản địa.
Trên thực tế nhiều bản khắc họa trên đá đã bị những du khách vô ý đục đẽo đè lên trên, và phải khó khăn lắm chúng tôi mới sao chép được vài tiêu bản tốt đem về nghiên cứu. May mắn, kỹ thuật xử lý hình ảnh nay tiến bộ hơn, và chiếc máy laptop mang theo thực sự hữu ích giúp chúng tôi có thể yên tâm rời Sa Pa chỉ sau một tuần để đi Nấm Dần, nơi một bãi đá chữ cổ khác vừa mới xuất lộ.
Từ Lào Cai xe chạy theo đường trở về Hà Nội, đến Phố Lu thì rẽ trái, bắt đầu leo núi đi lên Bắc Hà. Không biết từ đâu giới lữ hành đặt tên là cung đường huyền thoại cho đoạn từ thị trấn Bắc Hà lên Si Ma Cai cố cung vua Mèo, chạy qua Cốc Pài đi đến Vinh Quang thủ phủ của Hoàng Xu Phì. Những con đường rất đẹp với núi rừng ra dáng Bắc Âu trong khi khe suối đậm nét mưa mùa nhiệt đới, và con người ở đây luôn tô điểm thiên nhiên bằng bộ trang phục sặc sỡ cùng cả điệu nhảy hân hoan trên các dốc vắng như nơi lễ hội.
Đường đến Nấm Dần vất vả. Từ sáng sớm hôm sau chúng tôi rời thị trấn Vinh Quang trở lại Cốc Pài thủ phủ huyện Xín Mần để đón hai người dẫn đường, rồi men theo 18 cây số đoạn đường uốn lượn giữa núi và khe để đến Nà Lai, nghĩa là ruộng chữ, nằm dọc con suối Nậm Khoòng lọt thỏm giữa hai dãy núi Tây Đàn phía Bắc và Nấm Dần phía Nam. Nhìn những khối đá khắc họa tinh xảo đang dần lú ra khỏi ruộng bậc thang mà nghĩ hồn thiêng tiên tổ lẩn khuất đâu đây hay đang đợi chờ con cháu giữa cao nguyên đá.
Thực vậy, các bản đá cổ ở Nấm Dần khá bóng và thường lớn bằng nhiều tấm phản. Ngoại trừ 4 tấm và 3 khối cự thạch nằm xa nhau đã được đưa lên mặt đất, hàng trăm bản đá chữ khác có thể vẫn còn chôn sâu trong ruộng hay bị đập nát dưới các khe suối buộc đoàn du khảo phải tính một chuyến đi khác, dài hơn và với trang bị kỹ thuật thích hợp hơn. Trước mắt, những họa tiết thu thập được tuy còn ít ỏi, nhưng những ký tự khá sắc nét và có phần gì đó gần gũi với những chữ cổ viết kèm trong vài văn tự Latinh hóa vào buổi sơ khai.
Các nhà nghiên cứu nay đặt vấn đề về mức độ liên quan giữa hai dòng chữ tượng thanh cùng cách ghép vần, chữ Việt cổ tức Khoa đẩu và chữ Việt mới tức Quốc ngữ được hình thành từ thế kỷ 17 nhờ công trình Latinh hóa của các giáo sĩ. Nhiều bản Quốc ngữ sớm nhất đến nay không mấy người đọc được, và trong khoảng 600 trang chép tay tựa là Sách Sổ Sang của Giám mục Binh viết giữa năm 1790-1820 có chỗ còn ghi nguyên dạng chữ cổ bên cạnh dòng chữ Quốc ngữ.
Bản thân Giám mục Alexandre de Rhodes trong Từ điển Việt-Bồ-La có đoạn viết “đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng ba tuần, anh ta đã hướng dẫn tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”. Ngôn ngữ ấy chính là tiếng Việt cổ được bảo lưu trong lời nói.
Hoàng Xuân Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét