Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Lãnh sự Mỹ ở Thành Ðô thăm Hà Khẩu

                                                     

WESTMINSTER - Công điện ngoại giao làm tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Thành Ðô, Trung Quốc, hồi đầu năm 2010 kể những điều mắt thấy tai nghe tại các cửa khẩu biên giới Việt-Trung dọc tỉnh Vân Nam.
Những ghi nhận trong công điện này được làm vào giai đoạn thỏa ước tự do mậu dịch Việt - Trung bắt đầu có hiệu lực.
Cầu Kỳ Lừa, bắc qua biên giới Việt Nam, Trung Quốc. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
Hà Khẩu và Mohan, hai cửa khẩu ở Vân Nam thông thương với Việt Nam và Lào, đang chuẩn bị cho sự gia tăng lưu lượng hàng hóa lẫn du lịch, khi Thỏa Ước Tự Do Mậu Dịch Trung Quốc-Việt Nam (CAFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2010.
Nhờ xây dựng thêm các đường xa lộ mới, việc du hành qua các cửa khẩu này trở thành nhanh và an toàn hơn hai năm trước, và hai cửa khẩu đã đầu tư vào việc mở rộng các tiện ích cùng những hạ tầng cơ sở khác.
Hà Khẩu đang là cửa khẩu có cơ sở khang trang và tương đối bận rộn, có vẻ sẽ thu lợi nhanh chóng nhờ mở rộng việc trao đổi mậu dịch. Trong khi cửa khẩu Mohan dù được khuyến khích mở rộng hạ tầng cơ sở, việc mua bán ở biên giới Lào và Trung Quốc vẫn còn rất thưa thớt.
Tổng lãnh sự cùng hai tham tán về chính trị và kinh tế, thực hiện cuộc thăm viếng kéo dài một tuần lễ, từ 17 đến 23, sang Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam, cùng nhiều khu vực của tỉnh Vân Nam giáp ranh với Lào và Việt Nam.
Chuyến đi là để bàn thảo về việc trao đổi mậu dịch với khối ASEAN, đặc biệt vào thời điểm thi hành thỏa ước CAFTA ngày 1 tháng 1.
Công điện mô tả các cuộc viếng thăm hai cửa khẩu, nơi hàng hóa mua bán giữa Vân Nam với ASEAN đi qua. Hà Khẩu giáp ranh với Việt Nam, và Mohan ở biên giới với Lào và trên con đường chính nối với Thái Lan. (Cửa khẩu thứ ba của Vân Nam là Ruili, nằm ở biên giới với Miến Ðiện.)


Hà Khẩu ở biên giới Việt-Trung


Hà Khẩu nằm bên bờ sông Hồng, phía đối diện với thị xã Lào Cai của Việt Nam, là một trong ba đường xâm nhập chính của cuộc tấn công của Trung Quốc vào năm 1979 trong cuộc chiến tranh giữa hai nước. Mua bán hàng hóa đôi bên gia tăng đều đặn từ khi cửa này được mở lại vào năm 1993. Cuối năm 2007, nhân viên tòa tổng lãnh sự đang viếng thăm bị thức giấc bởi khúc nhạc “Ðông Phương Hồng” phát ầm ầm qua bên kia biên giới, hướng vào Lào Cai. Trong khi ở đây nhạc yêu nước của Việt Nam cũng được phát hướng qua Hà Khẩu. Tuy nhiên, trong cuộc du hành của chúng tôi vào tháng 1, mấy cái loa đó không còn nghe phát nữa, có lẽ phản ảnh mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Hà Nội với Bắc Kinh.
Chuyến đi trên xa lộ mới xây chạy từ Mengzi, thủ phủ của châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà. Ðoạn đường dài 128 cây số lên hướng Bắc nay có thể thực hiện trong khoảng hai tiếng, bằng phân nửa thời gian trước đây. Tuy dự tính làm con đường chuyển vận huyết mạch cho lưu thông mua bán đang gia tăng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Ðông Nam Á, xa lộ mới này vẫn ít được dùng đến. Lưu thông hai chiều khá thưa thớt với xe tư nhân, xe buýt và vận tải, trong khi con đường cũ vẫn còn cho chạy và được người dân địa phương dùng để di chuyển giữa các nơi gần gũi. Bên ngoài cách Hà Khẩu vài cây số, từ trên đường nhìn sang bên kia sông về phía Việt Nam, chúng tôi thấy một con đường mới cũng đang được xây dựng ở bên ấy.


Hà Khẩu - “nửa Tàu nửa Ta”


Hà Khẩu ngày nay rõ ràng là thành phố phát triển theo với trào lưu mua bán bùng phát giữa hai bên biên giới, một hình thức nửa Tàu nửa Việt.
Ða số các bảng hiệu treo trên các cơ sở thương mãi hay chính quyền đều viết bằng hai thứ tiếng. Quá nhiều cửa tiệm bán toàn hàng hóa rẻ tiền theo tiêu chuẩn “Made in China,” trong khi khu chợ trung tâm, đầy nhóc những sản phẩm kém chất lượng của Việt Nam như thúng rổ, dao, đồ bếp núc, và các vật dụng trang trí linh tinh. Trái cây và nhiều loại thực phẩm khác nhau từ Việt Nam cũng được bày bán nhan nhản.
Hầu hết người bán trong chợ đều từ Việt Nam sang và đa số không nói được (hoặc không muốn nói) tiếng Quan Thoại. Một thương buôn giải thích bằng tiếng Quan Thoại rất sơ đẳng và đứt khúc, rằng bà ta từ Việt Nam cùng gia đình 4 người sang lập nghiệp cách đây ba năm với hy vọng có được một cuộc sống khá hơn. Họ không trở về nước được, không biết có phải do tình trạng di dân lậu vì khó khăn kinh tế không.
Hà Khẩu có vẻ cũng có một kỹ nghệ tình dục đang phát triển mạnh mẽ. Bên trên tầng chợ, chúng tôi thấy hàng dãy những nhà thổ trá hình. Ngay dưới chợ, đó đây có chỗ bán những dụng cụ tình dục linh tinh bày xen kẽ với các đồ gia dụng bình thường khác.
Một sĩ quan Phòng An Ninh Công Cộng xác nhận với chúng tôi có một số phụ nữ và cô gái Việt Nam, hầu hết từ vùng núi non nghèo khổ, bị buôn sang Vân Nam mỗi năm, trong khi những người khác lén trốn qua biên giới tìm việc hoặc lập gia đình. Giới chức này không có con số cụ thể nhưng xác nhận những sự kiện như vậy diễn ra hằng năm.
Giới chức này nhấn mạnh đến sự hợp tác tốt đẹp của công an biên giới giữa hai nước, đặc biệt là một văn phòng liên lạc chung chuyên trách về nạn buôn người, được thiết lập từ năm 2004. Người này cho biết, thường ngày khi công an Việt Nam nhận được báo cáo có mấy cô gái bị mất tích, họ gửi công điện cho phía công an Trung Quốc ở Hà Khẩu nhờ giúp đỡ, và cơ quan này gửi công an đi tìm.


Hà Khẩu - kinh tế chiếm lĩnh


Trong buổi tường trình chính thức của các quan chức địa phương, Phó Thị Trưởng Wei Zhengfang trình bày tổng quát về nền kinh tế của Hà Khẩu, cho biết đây là cửa khẩu quan trọng, lớn nhất ở Vân Nam, chiếm hết 80% giá trị hàng hóa trao đổi giữa tỉnh này với Việt Nam.
Trong hai năm 2008 và 2009, một số lượng hàng hóa lớn đi qua Hà Khẩu, nhiều hơn bất cứ một cửa khẩu nào trên đất liền ở Vân Nam. (Tuy nhiên, Ruili ở biên giới chung của Miến Ðiện với Trung Quốc vẫn tiếp tục vượt qua về mặt giá trị của hàng hóa trao đổi.)
Cán cân mậu dịch qua Hà Khẩu chuyển dịch đáng kể từ năm này sang năm khác. Mức xuất khẩu của Trung Quốc vượt mức nhập khẩu từ Việt Nam, cao hơn tỉ số 10 trên 1 trong năm 2001, nhưng tỉ lệ này hiện sụt xuống còn khoảng 3 so với 1, theo lời ông Zhengfang.
Trong nhiều năm qua, kẻ mua bán cũng thay đổi vai trò từ cá nhân sang công ty tập thể. Vào đầu thập niên 1990, mọi trao đổi hàng hóa qua Hà Khẩu đều do từng cá nhân, nhưng sau đó bắt đầu có sự tham dự của các tập thể lớn. Tính đến năm 2001, có khoảng 65 công ty mua bán qua Hà Khẩu, và ngày nay số công ty đăng ký chuyển vận hàng hóa qua cửa này là 187.
Trong khi hầu hết hàng hóa xuất cảng đi vào Việt Nam, một phần được chuyển tiếp đến một số quốc gia ở xa hơn gồm Mỹ, Nhật, Anh và Ðức. Mặt hàng chính xuất cảng qua cửa khẩu này gồm vật liệu xây dựng, phân bón, đồ nhu yếu phẩm; trong khi đồ nhập cảng gồm có quặng mỏ, sản phẩm nông nghiệp, và gỗ.
Phó Thị Trưởng Zhengfang không nắm vững tỉ lệ xuất nhập khẩu đi qua cửa Hà Khẩu.


Chuyện 2 cây cầu


Hiện tại một cây cầu duy nhất gánh vác hết mọi lưu thông của bộ hành lẫn xe tải, thông thương hàng hóa qua về giữa Hà Khẩu với Lào Cai. Hơn nữa, cách đó khoảng vài trăm mét, đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Côn Minh với Hà Nội vẫn còn chạy qua một cây cầu sắt hẹp xưa cũ, do người Pháp xây từ 100 năm về trước.
Khi chúng tôi đến, lưu thông hai chiều qua cầu đang thông thương đều đặn. Xe tải đủ loại, xe ba bánh với sàn chất hàng hóa cao ngất ngưởng, đòi hỏi phải có nhiều người đi theo đẩy. Xe tải hầu hết chở hàng hóa, trong khi xe ba bánh chở đồ xuất khẩu như đậu, rau tươi, đồ gia dụng, và vật liệu xây dựng đủ các loại, hầu hết là gạch ngói. Theo các viên chức ở cửa khẩu cho chúng tôi biết, qui định hiện nay miễn đánh thuế hàng hóa qua biên giới Việt-Trung, nếu chuyển vận bằng xe không có động cơ.
Trên một con đường nằm chệch qua bên lối lên cầu, hàng chục xe ba bánh chất đầy bao và thùng, đang xếp hàng chờ đến lượt kiểm tra. Ở một phía khác, nhiều người lăng xăng chất dỡ hàng hóa từ khoảng nửa tá xe tải chở đầy trái cây không thuộc vùng nhiệt đới (táo, lê, cam), đang hướng sang phía Việt Nam. Vì chỉ xe có mang bảng số Hà Khẩu mới được qua cầu, tất cả xe từ các nơi khác đến, do vậy, phải chuyển hàng hóa sang xe có bảng số Hà Khẩu, trước khi đi vào Việt Nam. Chúng tôi nhìn thấy nhiều xe từ Sơn Tây, Giang Tô, Hồ Nam và Tứ Xuyên.


Làm ăn, TQ giỏi hơn Việt Nam?


Gu Qiong, viên chức phụ trách vấn đề ngoại vụ ở Vân Nam (cũng là người tháp tùng chúng tôi trong suốt cuộc thăm viếng toàn tỉnh Vân Nam), giải thích, tất cả xe cộ chở theo hàng hóa đều phải đi qua hai trạm kiểm soát, mỗi trạm mỗi bên.
Ðang có thương thảo giữa hai phía để quyết định xem, hoặc cùng phối hợp để kiểm soát, hay công nhận việc kiểm soát của mỗi bên, nhưng tất cả đều ở cấp quốc gia, mà Hà Khẩu và Vân Nam không xen vào, theo lời bà Qiong. Bà không rõ việc thương thảo có tiến bộ nào không nhưng cho rằng mọi khó khăn đều đến từ phía Việt Nam, nơi “có quá nhiều ban ngành” xen vào.
Vài cây số về phía thượng nguồn có một cây cầu mới bắt ngang qua sông nhưng chưa có xe cộ nào chạy cả. Phó Thị Trưởng Wei cho biết đây là dự án chung Việt-Trung, khởi công từ tháng 6 năm 2007 và mới hoàn tất hồi năm ngoái. Ông Wei nói cây cầu dài 295m này sẽ “sớm” đi vào hoạt động, mà hiện nay mới nhắm chủ yếu vào xe tải hạng nặng; trong tương lai sẽ mở rộng cho bộ hành, xe đạp, xe ba bánh và xe cộ loại nhỏ. Một bãi đậu xe dành cho xe tải lớn và một đường thiết lộ mới đang được xây dựng cạnh bên tòa nhà của tân cảng.
Ông Wei cũng tả đến một khu vực Biên Giới Tự Do Mậu Dịch Trung Việt, mới được hai chính quyền đồng ý trên nguyên tắc. Khu vực này gồm hai phần, một ở Khu Phát Triển Bashan ở Hà Khẩu, với diện tích 25 cây số vuông, và một ở Lào Cai bên phía Việt Nam, rộng 160 mẫu. Chi tiết về kế hoạch, xây cất và quản lý đang còn được đôi bên thảo luận, tuy nhiên, “điều này chắc còn lâu”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét