- Nguyễn Xuân Phước
"Sống và làm theo hiến pháp và luật pháp" Hiến pháp Việt Nam 1992
"Tôi yêu sự trung thực và ghét sự giả dối" Lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trực tuyến
Gần đây dư luận thế giới và trong nước rất quan tâm đến điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam vì hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến ở Việt nam đã bị bắt và bị truy tố theo điều nầy.
Đặc biệt, hình ảnh người công an với hai cánh tay hộ pháp bịt miệng bị cáo trước toà được các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, AP, Le Monde, Time Magazine v.v. phát tán rộng rãi khắp thế giới đã tạo một ấn tượng không mấy tốt đẹp với dư luận thế giới cho nền toà án thiếu độc lập của Việt Nam, và làm cho bộ Ngoại Giao Việt Nam gặp nhiều khó khăn để trả lời những câu hỏi về nhân quyền trên chính trưòng quốc tế.
Có hai quan điểm trái ngược về điều 88.
Thứ nhất, dư luận thế giới, các websites dân chủ trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại cho rằng nhà nước Việt Nam đã vi phạm quyền tự do căn bản của công dân theo tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và công ưóc quốc tế về quyền dân sự và chính trị.
Quan điểm thứ hai của nhà nưóc Việt nam cho rằng những ngưòi bị truy tố đã vi phạm những điều luật pháp nghiêm cấm, và những yếu tố cấu thành tộI phạm rơi vài điều 88, do đó những ngưòi nầy phải bị truy tố theo điều 88 bộ luật hình sự. Nếu luật pháp qui định những hành vi tội phạm thì bất cứ ai vi phạm những qui định đó thì phải bị xử lý; nếu không, xã hội sẽ bị xáo trộn.
Vì tính chất nghiêm trọng của điều 88 đối với quyền tự do được nói của công dân, vì ảnh hưởng tiêu cực của nó cho tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế, vì mâu thuẩn to lớn giữa quyền tự do căn bản của con ngưòi qui định theo hiến pháp và yếu tố cấu thành tội phạm của bộ luật hình sự, cho nên chúng ta cần phải tìm hiểu một số vấn đề căn bản của điều 88.
Nguồn Gốc của Điều 88
Nội dung điều 88 được quy định như sau:
Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Khái niệm tội phạm gọi là tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa chỉ ra đời khi có sự hình thành của hệ thống nhà nước trung ương tập quyền và chuyên chính vô sản tại Liên Xô năm 1917 và, tất nhiên, không hề có trong bất cứ bộ luật hình sự nào trong các nưóc tư do dân chủ.
Marx cho rằng lịch sử là lịch sử của đấu tranh giai cấp. Đảng Cộng Sản là đội ngũ tiên phong lãnh đạo và đại diện cho giai cấp vô sản. Trong quá trình đấu tranh giai cấp, giai cấp vô sản phải cướp chính quyền từ giai cấp tư bản bằng bạo lực cách mạng để xây dựng nhà nưóc vô sản độc tài chuyên chính (proletarian dictatorship) do đảng Cộng Sản lãnh đạo để đưa dẫn loài người tiến đến thiên đưòng xã hội chủ nghĩa, nơi mà mọi ngưòi đều được bình đẳng, và con người không bị bóc lột.
Vì bất cứ nền độc tài chuyên chính nào, vô sản hay tư bản, cũng là địa ngục trần gian nên bị loài người chống đối, và chống đối dẫn đến bạo loạn làm sụp đổ chế độ. Tội ác tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ pháp lý ắt có để hình sự hoá những tiếng nói bất đồng chính kiến nhằm triệt tiêu mầm mống phản loạn và bảo vệ sự ổn định và bền vững cho nền độc tài chuyên chính vô sản.
Đây là lý do tại sao các nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn luôn tuyên bố với thế giới là họ không hề có tù nhân chính trị mà chỉ có những người bị bắt vì vi phạm luât hình sự. Tại các nước văn minh trên thế giới, những công dân bị bắt vì xử dụng quyền con người qui định trong tuyên ngôn nhân quyền và công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị đưọc gọi là tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm. Nhưng ở Việt Nam tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đều bị hình sự hoá thành tội hình sự thông qua tội ác tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Điều 58-1 bộ luật hình sự của Liên Xô trước đây qui định như sau: "Tuyên truyền hay xách động, có lời kêu gọi lật đổ, âm mưu làm suy yếu chính quyền Soviet hay thực hiện các tội ác chống cách mạng (điều 58-2 đến 58-9 của bộ luật nầy) và phân phối hay sửa soạn hay tàng trữ các tài liệu như thế sẽ bị phạt bằng cách tước đoạt quyền tự do không dưới 6 tháng."
Về nội dung thì điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam va điều 58-1của bộ luật hình sự Liền Xô nói về tội chống nhà nước XHCN của hai nước giống nhau, chỉ khác nhau về mức độ hình phạt.
Với công cụ luật pháp biến quyền tự do ngôn luận thành tội ác tuyên truyền chống nhà nưóc Xã Hội Chủ Nghĩa, Liên Xô trước đây đã đưa hàng chục triệu ngưòi vào tù và hàng triệu ngưòi bị guồng máy pháp luật Soviet giết chết, hàng vạn nhân tài, khoa học, văn nghệ sĩ bị quản chế không được nói, và làm cho bao nhiêu thiên tài bị thui chột. Các nước Cộng Sản, trong đó có Việt Nam, đã đồng loạt áp dụng điều 88 bộ luật hình sự của Liên Xô như là mẫu mực pháp lý để bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô sụp đổ, điều luật nầy đã bị xoá hẳn trong bộ luật hình sự của Cộng Hòa Liên Bang Nga, các nước thuộc Liên bang Soviet trước đây, và các nước Đông Âu
Ngoài ra, nguồn gốc của điều 88 bô luật hình sự xuất phát từ qui định của hiến pháp 1992. Hiến pháp 1992 qui định về quyền tự do công dân như sau:
Điều 69 Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Quyền công dân được qui định theo điều 69 bị giới hạn bởi cụm từ "theo qui định của pháp luật". Chữ công dân có quyền có thể được đọc và hiểu làcông dân không có quyền vì mệnh đề chính của điều khoản nầy là "theo qui định của pháp luật" chứ không phải là mệnh đề "công dân có quyền". Ở đây, hiến pháp 1992 cho phép nhà nước làm luật hạn chế quyền công dân tới mức độ xoá bỏ hẳn các quyền nầy. Điều 88 của bộ luật hình sự Việt Nam là luật pháp cụ thể được nhà nước ban hành để giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình của công dân.
Khi nhận xét về điều 88, nhiều ý kiến của giới bất đồng chính kiến với nhà nước cho rằng điều 88 vi phạm hiến pháp 1992. Nhận xét nầy hoàn toàn không đúng. Dưói ánh sáng của hiến pháp 1992, Điều 88 hoàn toàn hợp pháp và hợp hiến.
Những vưóng mắc hiến pháp của điều 88
Năm 1990, sự sụp đổ của khối xã hội chủ nghĩa kéo theo sự sụp đổ nền tảng tinh thần và vật chất của hệ thống chuyên chính vô sản quốc tế. Mọi nỗ lực tiến lên thiên đưòng xã hội chủ nghĩa bằng chế độ độc tài vô sản chuyên chính với các chính sách hợp tác xã, tem phiếu, ngăn sông cấm chợ, bế môn toả cảng , tiêu diệt giai cấp tư bản, tư sản, tiểu tư sản trong xã hội, v.v. phải tạm ngưng. Thay vào đó, đảng CSVN đã trở về với nguồn gốc chân chính của quyền lực của hiến pháp.
Hiến pháp 1992 ra đời đánh dấu một giai đoạn đổi mới của đất nước. Đảng Cộng Sản Việt Nam quyết tâm xây dựng một xã hội mở có giới hạn và nền kinh tế thị trường trên nền tảng cơ cấu chính trị Mác Lê, thường đuợc nhà nước gọi là "nền kinh tế thị truờng theo định hưóng xã hội chủ nghĩa" để làm cho nước giàu dân mạnh, thay vì tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Do đó, khẩu hiệu "Sống và làm theo hiến pháp và luật pháp" đã được xử dụng để thay thế khẩu hiệu "Chủ Nghĩa Mác Lê vô địch muôn năm" ở thời kỳ trước khi đổi mới.
Để xây dựng một hiến pháp và một nền luật pháp bền vững hiến pháp phải có giá trị chính thống dân chủ, chính thống pháp lý và và phù hợp với đạo lý. Đây là ba yếu tố tinh thần của nguồn gốc quyền lực của một chế độ.
· Giá trị chính thống dân chủ của hiến pháp yêu cầu mọi thay đồi hiến pháp phải đưọc toàn dân phúc quyết.
· Giá trị chính thống pháp lý yêu câu mọi thủ tục thay đổi hiên pháp phải tuân thủ qui định về điều khoản thay đổi hiến pháp. Khi các thủ tục lập hiến bị vi phạm thì hiến pháp mới không có giá trị pháp lý. Các cơ cấu chính quyền xây dựng trên những bản hiến pháp này cũng không có giá trị pháp lý.
· Thiếu tính chính thống và tính hợp pháp tạo ra khủng hoảng về đạo đức. Nếu hiến pháp đòi hỏi ngưòi dân phải sống và làm việc theo hiến pháp và luật pháp mà thủ tục sửa đổi hay làm ra hiến pháp mới vi phạm nguyên tắc lập hiến thì hiến pháp mới vướng mắc vấn đề đạo lý nghiêm trọng.
Đối với Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, khi nói đến hiến pháp chúng ta phải trở về với hiến pháp gốc là hiến pháp 1946 vì đó là hiến pháp đầu tiên qui định giá trị chính thống lịch sử, dân chủ, pháp lý và đạo đức cho mọi thay đổi hiến pháp. Điều 10 hiến pháp nầy long trọng qui định trước quốc dân và lịch sử như sau:
Công dân Việt Nam có quyền:
· Tự do ngôn luận
· Tự do xuất bản
· Tự do tổ chức và hội họp
· Tự do tín ngưỡng
· Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Hiến pháp 1946 không hề có điều khoản nào cho phép nhà nước ban hành luật giới hạn năm quyền căn bản của ngưòi dân. Do đó, hiến pháp 1946 xác định đấy là những quyền tự do tuyệt đối.
Văn phong của điều 10 hiến pháp 1946 của Việt nam rất dể hiểu. Ngưòi dân với trình độ hiểu biết khác nhau đều có thể hiểu quyền công dân của mình cách rõ ràng. Đây là một đặc điểm về nghệ thuật diễn đạt tư tưởng của các nhà cách mạng Việt Nam khi soạn thảo hiến pháp 1946. Và như thế không ai có quyền được hiểu sai ý nguyện của những tiền bối cách mạng khai sinh ra chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Tính tuyệt đối của điều khoản qui định quyền tự do cũng dễ hiểu khi chúng ta nhìn lại bối cảnh lịch sử khai sinh hiến pháp 1946. Sau 80 năm dưới gông cùm chuyên chế hà khắc độc tài toàn trị của thực dân Pháp, chính phủ liên hiệp dưói sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Hùynh Thúc Kháng và Nguyễn Hải Thần đã kết tinh ước mơ đôc lập tự do dân chủ của dân tộc thành hiến pháp 1946. Ba nhà cách mạng đại biểu cho ba xu hứơng chính trị đương thời. Huỳnh Thúc Kháng, là đồng chí của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, là ngừơi chịu ảnh hưỏng sâu xa tư tưởng dân quyền và nhân quyền của Montesquieu và Jean Jacques Russeau của tây phương từ đầu thế kỷ thứ 20. Đấy là những tư tưởng khai sinh nền dân chủ Hoa Kỳ, Tây Phương và Nhật Bản; Hồ Chí Minh là ngưòi được ảnh hưởng sâu xa tư tưởng bình đẳng và đại đồng của Cộng Sản và sách lược giải phóng các dân tộc nhược tiểu của Lenin; và Nguyễn Hải Thần là người đại biểu cho xu hưóng dân tộc hưóng tâm vận động của Phan Bội Châu. Chưa kể những nhà cách mạng như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam vốn là nhà văn luôn luôn đòi hỏi quyền tự do tuyệt đối cho giới văn nghệ sĩ.
Qua kinh nghiệm đau thương của những công dân yêu nước bị giam cầm, bị mất quyền tự do hội họp, quyền lập đảng, quyền tư do ra báo tư nhân, quyền được nói lên tiếng nói bất đồng chính kiến với chính quyền vì chế độ toàn trị khắc nghiệt của thực dân Pháp, các nhà cách mạng Việt Nam thời kỳ 1945 không thể chấp nhận và cho phép bất cứ một thể chế nào hạn chế quyền tự do chính đáng của nhân dân. Và do dó, quyền tự do ngôn luận, xuất bản, tổ chức hội họp, tín ngưỡng, cư trú đi lại đã được các nhà cách mạng Việt Nam tuyệt đối hoá và thiêng liêng hoá với hiến pháp 1946.
Điều khó khăn cho các nhà lập pháp Việt Nam là không có điều khoản nào trong hiến pháp 1946 cho phép nhà nước ban hành luật hạn chế quyền tự do của người dân. Do đó, nhà nước muốn được quyền làm luật như thế phải có sự thay đổi hiến pháp.
Tất cả hiến pháp của các quốc gia trên thế giới đều có những điều khoản cho phép hiến pháp được thay đổi. Chẳng hạn như muốn hạn chế quyền công dân vì nhu cầu ổn định xã hội trong thời gian chiến tranh, nhà nước phải đệ trình với quốc dân nhu cầu tạm thời hạn chế quyền tự do tuyệt đối vì quyền lợi chung của tổ quốc và nhà nước phải đưa ra những nguyên tắc cần thiết để bảo đảm quyền tự do, dù bị hạn chế, vẩn không mất giá trị căn bản của nó. Đồng thời mọi thay đổi hiến pháp có giá trị chính thống dân chủ, pháp lý và đạo đức phải tuân thủ điều khoản thay đổi hiến pháp, và phải được nhân dân phúc quyết qua một cuộc trưng cầu ý dân. Khi thay đổi hiến pháp thông qua thủ tục trưng cầu ý dân, dù có sự gian lận, nhà nước cũng có những lý cớ xác định tính chính thống của hiến pháp mới.
Hiến pháp 1946 qui định rất rõ ràng yếu tố chính thống dân chủ khi sửa đổi hiến pháp. Điều 70 Hiến pháp 1946 yêu cầu mọi thay đổi hiến pháp phải được toàn dân phúc quyết. Qui định đó có giá trị tuyệt đối và xuyên suốt lịch sử.
Vướng mắc pháp lý lớn nhất của hiến pháp 1992, cũng như với hiến pháp 1980 và hiến pháp 1959, là những hiến pháp nầy không hề được các nhà lập hiến đưa ra quốc dân phúc quyết. Do đó, những hiến pháp nầy thiếu hẳn giá trị căn bản của một hiến pháp có đầy đủ tính chính thống dân chủ, pháp lý, và đạo đức. Hệ quả tất yếu của tất cả các điều luật hạn chế hay vô hiệu hoá quyền tự do căn bản của công dân, tương tự như điều 88 bộ luật hình sư, không có giá trị tuyệt đối và luôn luôn là đề tài tranh luận.
Các nhà lập hiến thời kỳ 1945 cũng xử dụng quyền phúc quyết của nhân dân để làm cơ sở pháp lý xác định giá trị chính thống của cơ cấu nhà nước được xây dựng trên hiến pháp đó. Mô hình “chính quyền nhân dân”, như là một danh từ chung, phải được hiểu là chính quyền được xây dựng trên nền tảng được sự chấp thuận của toàn dân. Đó là chính quyền bởi dân do dân và vì dân. Sự chấp thuận của nhân dân được thể hiện qua quyền phúc quyết hiến pháp. Nếu nhân dân không được phúc quyết hiến pháp thì ý niệm “chính quyền nhân dân” hoàn toàn mất ý nghĩa., và chính quyền đó không có trên thực tế. Như thế yếu tố cấu thành tội phạm của điều 88.1.a về tội tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân không thể thành hình. Và do đó, các nhà bất đồng chính kiến, nếu phạm tội, có thể bị truy tố về tội phỉ báng chính quyền, nếu có điều khoản nầy trong bộ luật hình sự, chứ không thể bị truy tố về tội phỉ báng chính quyền nhân dân như điều 88.1.a.
Thêm vào đó, khẩu hiệu "sống và làm theo hiến pháp và luật pháp" cũng là môt vướng mắc không nhỏ. Khẩu hiệu nầy không những qui định sự ràng buộc đạo đức cho ngưòi dân mà cho cả tầng lớp lãnh đạo đất nưóc. Khẩu hiệu nầy đụng chạm đến quá khứ và khơi lên những vết thương đau lịch sử do nhà nước vi phạm những quyền tự do thiêng liêng của người dân đã được hiến pháp 1946 qui định. Làm thế nào để tầng lớp lãnh đạo có được giá trị đạo đức để lãnh đạo đất nước dưới khẩu hiệu sống và làm theo hiến pháp và luật pháp khi chính họ là những người có quá trình vi hiến liên tục từ trưóc đến nay. Nếu thiếu đạo đức để lãnh đạo thì lấy gì thay thế đạo đức làm sức mạnh tinh thần cho nền tảng quyền lực của quốc gia?
Tạm thay lời kết
Câu chuyện Tự do hay Chết (Live Free or Death)
Câu chuyện bắt đầu từ một câu nói bất hủ của Patrick Henry, một nhà ái quốc lớn của Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng với bài diễn văn “Give me liberty or give me death”, tạm dịch là “Cho tôi tự do hay để cho tôi chết”. Bài diễn văn nầy được đọc tại nhà quốc hội Virginia năm 1775 kêu gọi ngưòi Hoa Kỳ đứng lên lật đổ lực lượng thuộc địa Anh, và khởi động cho cuộc chiến giành độc lập của Hoa Kỳ để thành lập một chế độ dân chủ lâu dài và bền vững nhất của lịch sử loài người.
Năm 1945 Viện Dân Biểu New Hampshire chọn câu nói “liberty or death” của Patrick Henry thành khẩu hiệu (motto) của tiểu bang. Năm 1971 Viện Dân Biểu tiểu bang ban bố một đạo luật quy định tất cả bảng số xe của tiểu bang New Hampshire phải có khẩu hiệu “Live free or death” (sống tự do hay là chết).
Đại đa số người dân New Hampshire có tinh thần ái quốc cao không có ai than phiền luật về bảng số xe. Nhiều người rất hãnh diện vì được gắn một bảng số xe có câu nói bất hủ của Patrick Henry; trừ một người tên là Maynard, một tín đồ trung kiên đạo Chứng Nhân Giê hô Va (Jehova Witness). Ông Maynard không thích lối ái quốc của Patrick Henry. Ông Maynard tin vào sự sống, nhưng không tin vào sự chết. Ông muốn được sống và có tự do, nhưng không muốn chết. Ông không thích phải chọn lựa giữa tự do và sự chết. Niềm tin của ông đi ngược lại với quan điểm Patrick Henry cách đây 200 năm và khẩu hiệu của tiểu bang New Hampshire. Do đó, ông lấy băng keo dán vào chữ "or death" trên bảng số xe.
Sự vìệc ông Maynard lấy băng keo dán che chữ “or death” trên bảng số xe vi phạm điều luật về bảng số xe của tiểu bang New Hampshire. Ông liên tục bị cảnh sát giao thông phạt vạ vì đã thay đổi bảng số xe. Ông liên tục kháng cáo và hồ sơ kháng cáo của ông đã lên đến tối cao pháp viện Hoa Kỳ.
Trong bảng tuyên bố trưóc toà, ông viết "I refuse to be coerced by the State into advertising a slogan which I find morally, ethically, religiously and politically abhorrent." Tạm dịch: “Tôi từ chối sự ép buộc của chính phủ tiểu bang bắt tôi phải quảng cáo cho môt khẩu hiệu mà tôi thấy ghê tởm về mặt đạo đức, tôn giáo và chính trị.”
Toà án Tôi Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhận định rằng, hành vi lấy băng keo dán chữ “or death” của Maynard là hành vi ngôn luận được bảo đảm bởi tu chính án thứ nhất của hiến pháp Hoa Kỳ.
Chánh án Warren Burger khi tuyên bố toà xử cho Maynard thắng kiện, đã nhận định rằng:
Vấn đề tuyệt đại đa số đồng ý với sức ép của khẩu hiệu của New Hampshire không quan trọng; (...) Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền của cá nhân được giữ một quan điểm khác với đại đa số và được quyền từ chối cổ võ một ý thức hệ mà họ cho là chướng tai về phưong diện đạo lý (…).
Với bản án trên của tối cao pháp viện Hoa Kỳ, luật về bảng số xe (biển số) của New Hampshire bị coi như vi phạm tu chính án số 1 về quyền tự do ngôn luận và không có giá trị pháp lý. New Hampshire phải lập tức ngưng thi hành luật về bảng số xe với khẩu hiệu "Live Free or Death".
* *
Nhiều người cho rằng hiến pháp Hoa Kỳ cho phép ngưòi dân tự do như thế là quá đáng và ở Việt Nam không thể áp dụng thứ tự do đó vì hoàn cảnh lịch sử đặc thù. Nhưng người ta không giải thích được tại sao trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù đó Việt Nam bắt buộc phải áp dụng hệ thống pháp luật của Liên Xô, một hệ thống pháp luật xử dụng luật pháp như công cụ để xoá bỏ quyền tự do ngôn luận của ngưòi dân và để giết hại hàng chục triệu công dân vô tội suốt 70 năm, và đã bị nhân dân Nga, Trung Á và Đông Âu quăng vào thùng rác gần 2 thập kỷ nay.
Và người ta cũng không lý giải được tại sao những quyền tự do tuyệt đối trong hiến pháp 1946 không cánh mà bay; và tại sao nhân dân Việt Nam không đưọc hưởng những quyền tự do tuyệt đối mà hiến pháp 1946 đã long trọng hình thành bằng máu xương và nước mắt của hàng bao thế hệ; và những quyền đó đã trở thành lý tưởng và nền tảng của tư tưởng cứu nước và dựng nước của những nhà cách mạng thời đại 1945 và của các thế hệ tiếp nối.
Nguyễn Xuân Phước 11 tháng 5 năm 2007
Xem toàn bộ bộ luật hình sự Việt Nam http://sotaythamphan.gov.vn/reference/BLHS1999.htm# BLHS1999
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/03/070330_fatherly_jailed.shtml
Manifesto of Communist Party http:// www.anu.edu.au/polsci/marx/classics/manifesto.html
bộ Luât hình sự Liên Xô http://www. cyberussr.com/rus/uk-rsfsr.html
Remember the Victims of Communism, by Edwin J. Feulner, Ph.D., Heritage Foundation
http://www.heritage.org/Press/Commentary/ED012696b.cfm. Theo Feulner, từ năm 1917 đén 1987 có 62 triệu người bị giết chết tại Liên Xô.
Russia: Rights Group Marks Bolshevik Anniversary With Catalog Of Soviet Repressions By Gregory Feifer, Russia Weekly,
http://www.cdi.org/russia/230-2.cfm. Theo Gregory Feifer của tuần báo Russia Weekly thì con số nạn nhân thanh trừng của Lenin và Stalin khoảng 20 triệu người và khoảng 10 triệu ngưòi bị xử tử dưới thời kỳ Stalin.
Hiến pháp 1992, http://www.asianlii.org/
vn/other/benchbk/reference/Hien%20phap%2092.htm# HP92 http://danquyen.com/thamluan/thamluan11052007.html Huỳnh Thúc Kháng và Những Bước Đi Gập Ghềnh Với Lịch Sử, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt,
WOOLEY v. MAYNARD, 430 U.S. 705 (1977), xem http://caselaw.lp.findlaw.com/scripts/ getcase.pl?court=US&vol=430&invol=705
Ibid
Ảnh chụp cảnh tòa án nhân dân xử Linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 30-3-2007 tại Huế
(Tên công an bịt miệng cha Lý là Nguyễn Minh Tân, PA 24, Sở công an tỉnh Thừa Thiên Huế)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét