Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-06-25
Chương trình VHNT tuần này mời quý vị theo dõi hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc qua những bài thơ của văn nghệ sĩ cảm tác từ các hình ảnh khó quên này.
Source Citizen photos
Biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn ngày 12.06.2011.
Source Citizen photos
Biểu tình chống Trung Quốc tại Sài Gòn ngày 12.06.2011.
Nếu nói một cách chính xác thì hai cuộc biểu tình vừa qua là một việc hoàn toàn bất ngờ đối với nhiều người. Nó đến quá nhanh và đẩy cảm xúc ra khỏi ý nghĩ của những người trực tiếp tham dự. Họ chỉ có thể nhớ lại khi đã về đến nhà và dàn trải kinh nghiệm của mình trên giấy trắng. Những bài thơ viết vội, không trau chuốt như thường lệ, cứ thế tung lên mạng, bỏ vào trang blog hay gửi tới những website quen thuộc. Và thế là chúng ta có những bài thơ, thô nhám, gân guốc nhưng tràn đầy và hôi hổi sức sống.
Có những tác giả rất quen, rất nổi tiếng như Đỗ Trung Quân, Trần Tiến Dũng, Chiêu Anh Nguyễn, Bùi Khương Hà, N Nguong, Mẹ Nấm thì cũng có những tài năng khá mới như Mr. Do…mỗi người một nhát dao, cắt từng lát một phơi ra các góc cạnh của buổi sáng đầy cảm xúc ấy. Chúng ta sẽ bắt gặp những câu hỏi khó thể trả lời. Những hình ảnh trôi nhanh nhưng khắc rất sâu vào trí nhớ.
Uống, cho cạn rượu uất nghẹn đựng trong những cái lọ mực cổ hủ
Bắt đầu với tác giả N Nguong qua bài thơ có cái tựa rất hình ảnh: “uống, cho cạn rượu uất nghẹn đựng trong những cái lọ mực cổ hủ”, người đọc được mời vào buổi sớm mai của ngày 5 tháng 6. Cái sớm mai ấy không phải là bắt đầu mà là một kết thúc. N Nguong bày lọ mực của tư duy trên bàn và chỉ ra rằng ý nghĩa của mực là viết lên giấy những tri thức, văn minh nhân loại nhưng mực đã được các chú các bác sử dụng vào việc khác: bôi đen ý chí và tâm nguyện của người trẻ hôm nay.
Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 05/06/2011 tại Hà Nội. AFP PHOTO.
tôi uống hết
chiều chủ nhật 5/6
uống mừng cái tiết tháo của tuổi trẻ Việt Nam
dẫu rằng cái tiết tháo tan hàng sau vài tiếng bất khuất
dẫu rằng cái tiết tháo sần sượng sau vài tiếng chủ nhật
uống, cho cạn cùng nỗi uất nghẹn trong chai
cho cạn cùng cái bạc nhược, đớn hèn
của tuổi già an phận
cái thế của con rùa rút cổ
(cụ rùa hồ Gươm cũng không bạc nhược như thế!)
một lần nữa
chúng tôi muốn lập lại:
“chúng tôi không còn tin tưởng nơi các ông nữa!”
điều mà trước đó - ngày xưa - các ông đã mở miệng, và
đã dạy bảo chúng tôi cái ý nghĩa, của mực
lúc bấy giờ chúng tôi dùng mực để viết lên lời phản kháng bất khuất, thì ngược lại
các ông đổ nguyên lọ mực-tham-lam-an-phận-bạc-nhược lên chính chân dung mình
bằng một thông-báo-thoái-thác-trách-nhiệm-sĩ-phu
chắc chắn
các ông biết phải làm gì, khi
một lần nữa, hôm nay 9/6
sợi dây cáp khác bị cắt, để
siết cổ các ông!
Đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước
Không cuồng nộ như Nguong, Chiêu Anh Nguyễn ngậm ngùi kể lại hành trình thể hiện lòng yêu nước của mình với khá nhiều dấu hỏi về sức sống của dân tộc này. Khối u trong lòng so với tiếng gầm rú bên ngoài biển Đông thật đáng sợ biết nhường nào.
Chiêu Anh Nguyễn vừa biểu tình vừa tự hỏi. Những tự hỏi của Nguyễn nhiều lúc đau đớn đến ngất buốt.
Thanh niên sinh viên Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Kami's blog.
“Tôi đang thể hiện lòng yêu nước
Trên lãnh thổ mình
Hay tôi là kẻ di dân
Nhận lấy phần của quê hương kẻ khác
Bây giờ
Xin đừng hỏi tôi thế nào là lòng yêu nước
Có lẽ
Tôi sẽ phải cúi đầu bật khóc”
“...những dấu chân Giao Chỉ đã vẽ nên biên cương lãnh thổ
qua vài ngàn năm bỗng dưng mất tích
bốc hơi như một cơn thở hắt của mùa hè
hay có lẽ chỉ như một tiếng cười ruồi của thời cuộc”
“Chúng ta - bóng ma của những tấm lòng yêu nước
chưa từng run sợ trước mọi nguy cơ xâm lược
chúng ta chỉ khóc cho những khối u đang lớn dần trong cơ thể
trận ung nhọt trong giai đoạn cuối
chực vỡ ra như một đàn ong bắp cày
với sức tàn phá xuyên lịch sử”
Những bóng ma
Cũng như Chiêu Anh Nguyễn, hình tượng các ngón chân Giao Chỉ được Bùi Khương Hà hoán đổi thành những mũi kim khâu. Khâu lịch sử lẫn con người vào đất. Giao Chỉ hay bóng ma trôi dật dờ từ bài học máu xương đã khiến người trẻ ngày nay tan biến, hòa nhập cùng với ám ảnh từ thời giữ nước. Trong bài “Những bóng ma” Bùi Khương Hà viết:
Bé gái trong hình luôn dẫn đầu đoàn biểu tình. Bạn đọc cho biết, vì bà nội bé không đi được, nên đã gửi người hàng xóm đưa bé đi biểu tình chung. Source Citizen photos
Chúng ta - những bóng ma
từ thuở mang gươm đi mở cõi
ngón chân Giao Chỉ đã cày sâu
như những mũi kim khâu chặt người vào đất
Chúng ta - những bóng ma đi giữa phố hôm nay với tình yêu ngây ngất
mồ hôi quyện vào xương máu cha ông
mặn hơn bất kỳ thứ nước mắt cá sấu nào
đã từng than hờ trước vong hồn dân tộc
thứ nước mắt nuốt sống niềm tin
thứ nước mắt ăn mòn sự thật
Chúng ta - bóng ma của những cuộc tuần hành giữa trưa
ai thấy không dám tin, ai tin không dám nói
ai nói không dám nhận, ai hận không dám kêu
những dấu chân Giao Chỉ đã vẽ nên biên cương lãnh thổ
qua vài ngàn năm bỗng dưng mất tích
bốc hơi như một cơn thở hắt của mùa hè
hay có lẽ chỉ như một tiếng cười ruồi của thời cuộc
Chúng ta - bóng ma của những tấm lòng yêu nước
chưa từng run sợ trước mọi nguy cơ xâm lược
chúng ta chỉ khóc cho những khối u đang lớn dần trong cơ thể
trận ung nhọt trong giai đoạn cuối
chực vỡ ra như một đàn ong bắp cày
với sức tàn phá xuyên lịch sử
Chúng ta - bóng ma của oán khí nhiều nghìn năm tích trữ
chúng ta mang trong mình những lời nguyền rủa
mỗi bước chân của ngươi đặt lên đất này
sẽ phải trả bằng tật ách và tai ương
từ bây giờ tới đời đời kiếp kiếp
Chúng ta - bóng ma của những chiến binh không bao giờ chết
nhựa sống mới chảy trong từng huyết quản
nhưng nỗi căm hờn dường như không còn mới
nỗi căm hờn truyền đời không có tuổi
Chúng ta - bóng ma của những khung xương sinh ra không phải để luồn cúi
dưới trời này trên đất này
bằng tình yêu và tuổi trẻ
chúng ta dựng nên những thành trì
những - thành - trì - vĩnh - viễn - không - sụp - đổ.
Về một chính quyền thiếu tự tin
Khác với Bùi Khương Hà với những câu hỏi đầy ắp thi ca, Mr. Do nạt nộ cuộc tình bất cân xứng giữa nhà nước và nhân dân giống như gã trai lơ chỉ muốn trấn lột tình cảm của cô gái mà không dám bước qua lằn ranh của hèn nhát và quá nhiều tham lam. Từ đó niềm tin của cô-gái-nhân-dân trở nên ê chề thảm hại. Bài thơ mang tên: “Về một chính quyền thiếu tự tin”.
Gã không bao giờ dám tin vào người yêu của mình.
Gã luôn nghi ngờ cô, dù cô luôn hết mình với gã.
Lòng gã cứ nơm nớp lo sợ rằng rồi một lúc nào đấy, cô sẽ thay lòng đổi dạ.
Khi cô nói yêu gã, gã cảnh giác. Khi cô trách cứ gã, gã sa sầm mặt mày.
Trong cơn hoang mang, gã đã xúc phạm cô ghê gớm. Gã tát vào mặt cô, khi cô đang cố lên tiếng bảo vệ gã trước sự xấc láo của thằng sếp bụng bự. Cô đau ngất, nhưng vẫn chịu đựng, tự nhủ rằng gã đánh cô cũng chỉ vì đại cuộc - giữ cho gia đình yên ấm
Cô đã chịu đựng, đã tha thứ cho gã không biết bao nhiêu lần mà kể. Nhưng cô càng tha thứ, gã càng trì trệ.
Cho đến một ngày, cô đâm căm thù gã.
Đánh mất lòng tin vào con người chính là biểu hiện của niềm tin vào chính mình sụp đổ - hay là không có sự tự tin.
Và khi mà bạn không còn niềm tin vào người khác, thì mong gì sẽ nhận được điều đó từ phía họ
Vết cắt
Với Trần Tiến Dũng thì vết cắt bén ngót chia đôi sự bội phản và niềm tin của thiên thần mang tên tuổi trẻ đã xuất hiện vào buổi sáng Chúa Nhật hôm ấy tại Sài Gòn. Trần Tiến Dũng thầm thì với chính mình như sợ niềm hy vọng vụt bay như con chim bồ cầu cứu rỗi mà anh nhìn thấy.
Thanh niên sinh viên Việt Nam thể hiện quyết tâm bảo vệ tổ quốc.
Tôi thấy em tại góc đường Alexandre de Rhodes.
Em lấp đầy ngày chủ nhật trống rỗng.
Đôi mắt của một con chim bồ câu, cặp kiếng cận mở cái nhìn trong suốt.
Em đi biểu tình,
đi vào một mối tình.
Và ánh sáng ngày chủ nhật bắn lên như vòi phun
trên một đất nước không có Thượng Đế.
Em là gương mặt thiên thần phát sáng,
thiên thần chỉ là một cô bé ngồi muốn khóc
trước sự phản bội.
Những người cầm vận mệnh quốc gia này phản bội em.
Không ai giúp em được gì!
Ánh sáng ngày chủ nhật chảy như một dòng sông qua những khoảnh khắc buồn.
của trái tim yêu nước.
Em sẽ lại bị phản bội,
đó là điều bây giờ em biết chắc.
Em không chọn để cho đôi mắt phản bội ấy nhìn thấy, không chọn hát bài quốc ca cho họ nghe, không chọn đòi trả lại Hoàng Sa - Trường Sa cho cái nhìn nô lệ.
“Hô khẩu hiệu đi chị ơi!”
Và cây cối khoẻ mạnh
và những mô đất trồi lên,
ngày chủ nhật đường phố Hà Nội - Sài Gòn tuôn mưa ánh sáng
và bàn tay nâng gọng kiếng lên, ngón tay em quẹt nhẹ dòng mồ hôi nhoè nước mắt.
Em dịu dàng nâng gọng kiếng lên,
đi ngang mặt sự dối trá và phản bội như một vết cắt.
Mẹ Nấm
Những cuộc biểu tình gào thét cho chủ quyền quốc gia vẫn bị các hình ảnh làm cho nhem nhuốc. Bởi khuyển ưng, bởi nô bộc và bởi những u mê của một bộ phận rất lớn đang ăn mòn dân tộc. Mẹ Nấm ghi lại những điều chị thấy, như chúng ta thấy nhưng cách thấy mỗi người qua một góc kính khác, ánh sáng khác và phản ứng khác.
Công an chìm bắt anh Phan Nguyên trong lúc đang biểu tình tại Sài Gòn ngày 12/06/2011. Source Nguyễn Bá Chổi (danlambaovn).
Tôi đã thấy.
Người yêu nước bị nhấc bổng, bẻ quặt tay.
Bởi không theo "định hướng."
Tôi chứng kiến.
Tôi và bạn bè bị bắt giữ..
Vì dám mặc áo in dòng chữ hoặc hô vang
"Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam".
Và không dưới chục lần.
Tôi đã thấy
Ngồi với nhau.
Là đồng bào chứ có phải kẻ thù đâu?
Mà phải hỏi:"Yêu nước thế nào cho phải phép?"
Tôi đã thấy và tôi đã tin.
Tôi và các bạn tôi ơi, tuổi đời còn rất trẻ.
Không bao giờ chúng ta lạc lõng.
Vì tình yêu.
Đã dám dành cho quê hương đất nước.
Vì chỗ chôn nhao (rau)
Vì nơi cắt rốn.
Còn những ai không hiểu?
Có khối kẻ giả vờ.
(Không ngây thơ!)
Cỡ vài chục, vài trăm hay vài ngàn có thể.
....
"Yêu chân thành thì có tội gì đâu?"
Nếu không nói, đó là phép nhiệm màu.
Gánh đất nước giang sơn trên hai vai YÊU NƯỚC.
(Hỡi mấy người kia, chục, trăm hay ngàn có hiểu được)
Lũ chúng tôi yêu nước có sai không?
Ngày hôm qua.
Nước mắt chảy dài mặn lăn trên đất Mẹ.
Mặn như dòng biển nóng mấy lâu nay.
Mũi cay.
Mắt nóng.
Biển nổi sóng.
Lòng cuộn dâng.
Lẽ ra ông thì phải gọi là thằng.
Đi trấn áp những người yêu nước trẻ.
Như thể.
Với quân thù.
Lòng đất Mẹ bao nhiêu bom còn sót lại?
Rồi có ngày, sẽ hết sạch tinh khôi.
Hỡi ôi!
Đau lắm đất Mẹ ơi!
Nhục lắm Tổ quốc ơi!
Khi phải thấy những điều...tôi đã thấy.
Tôi đã thấy, và nhiều người cũng thấy
Những điều cứ lặp đi, rồi lặp lại.
Thành dòng chảy.
Bởi những người muốn lịch sử dừng chân...
Trò chuyện với người (hoặc là) anh em hoặc (không)
Bài thơ cuối cùng chúng tôi xin dành cho Đỗ Trung Quân, người viết thơ tình làm cho hàng triệu con tim thổn thức. Hôm nay anh không viết thư tình vì anh bận đi biểu tình. Anh hụt hơi và thú nhận theo đoàn biểu tình như mang một gánh nặng. Gánh nặng thời gian cộng với gánh nặng dằn mặt, đàn áp những thanh niên như anh một thời. Đỗ Trung Quân bỏ hẳn cái chất bâng khuâng tơ trời với những câu chữ trau chuốt. Anh lấy ngôn ngữ kẻ chợ trong túi áo ra và ngồi xuống bày hàng cho khách bộ hành nhìn ngắm qua bài thơ
“Trò chuyện với người (hoặc là) anh em hoặc (không)”
Một người đàn ông bị công an mặc thường phục bắt trong lúc đang tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Photo by Quang Dư
Tôi
Gã đàn ông gần sáu mươi tuổi.
Đi qua cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử đất nước.
Tưởng mình thoát được chiến tranh
Vẫn phải đập nhau một trận ra trò với thằng diệt chủng.
Chuyện cũ rồi
Không chết thì về
Về thì làm thơ trời – trăng – mây - gió…
Thơ trẻ con – thơ tình – thơ ấm ớ.
Như mọi nhà thơ mây gió của xứ sở này,
Hôm nay
Tôi tọt xuống đường biểu tình , tuần hành ở tuổi vị thành…mây
Đi cùng thanh niên mà thấy mình phát chán.
Hét thì hết hơi
Đi tuần hành thì nhức đầu gối.
Thôi thì
Ai có sức dùng sức
Ai có hơi dùng hơi
Hết hơi hết sức thì lết đi trong im lặng.
Tại sao tôi đi ?
Đơn giản rằng phụ nữ còn đi
Bà bán cá còn đi
Anh sinh viên còn đi
Cô thiếu nữ còn đi
Để thị uy
Với bọn cướp nước
Bọn ngoại xâm
Bọn giả nhân
Và cả với đứa nào rắp ranh bán nước.
Các anh an ninh này
Ta biết thừa chuyện ai nấy làm.
Nhưng gì thì gì đừng đánh đồng bào mình
Đừng bẻ tay, vặn cổ đồng bào mình
Hãy vặn cổ bẻ tay bọn xâm lược.
Thuế đồng bào nuôi các anh bấy nay
Làm thế coi không được.
Nay mai kẻ cướp vào tận nhà.
Nó trói cổ cả anh lẫn tôi
Tù nhân một giuộc
Nói thế thôi chứ dân mình yêu nước.
Phụ nữ đánh tới cái lai quần
Nói chi dân
Cởi truồng cũng giữ nước.
Tôi thấy anh trấn áp dân mình
Coi không được.
Kẻ làm thơ sáu mươi tuổi Đỗ Trung Quân tuy nói là tàn hơi nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để cho người trẻ thấy rằng tinh thần tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm chưa bao giờ ngưng nghỉ trên vùng đất bất khuất này. Tiếc thay, ngoại xâm dễ thấy nội thù khó truy, đó chính là cốt lõi của những dằn vặt, bâng khuâng đôi lúc lên tới căm giận của những bài thơ yêu nước này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét