Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010

Nghĩ về chữ “tặc” – Quốc tặc

Nghĩ về chữ “tặc” – Quốc tặc
  • Liêu Thái


Người đi biển thì sợ hải tặc, dân ở rừng thì ớn lạnh lâm tặc, người đồng bằng nổi gai ốc khi nghĩ tới chuyện đạo tặc ghé nhà, làm vợ thì xui bảy kiếp gặp phải đạo tặc phu, làm cha làm mẹ thì buồn chín kiếp sinh phải đạo tặc tử… làm dân thì buồn thiên thu nếu gặp phải đạo tặc quân – còn gọi là quân tặc! Chữ “tặc” đứng ở đâu cũng chỉ tổ gây nhiễu sự, rối loạn và dẫn đến hư hỏng, đổ nát… Gần đây, người ta hay nhắc đến khái niệm “tin tặc” – chữ “tặc” thời kĩ thuật số. Loại tặc này gây hại cũng chẳng kém gì mấy loại tặc trên, chúng xuất hiện chỉ làm cho chủ nhân “ngôi nhà” mà nó ghé rơi vào khốn đốn, khốn nạn mà thôi, không hơn không kém ! Với những nông dân kiêng cữ, khi bị chuột phá lúa, người ta không dám gọi thẳng chuột vì sợ nó nghe được, nó sẽ phá bạo hơn, gây mất mùa, đói kém… Họ chuyển thành: nó, cái đó, ông đó, kẻ đó, ông Tí… để khỏi phải nhắc tới chữ chuột. Người đi rừng thì tránh gọi tên cọp mà nói trớ thành: ông ba mươi, ông, ông chúa rừng xanh, ông vằn, ông đó… để tránh chuyện nó nghe nhắc tên nó mà tìm đến xé xác, ăn thịt… Nói chung thì hệ quả của hai trường hợp tránh gọi đúng tên giữa chuột và cọp có khác nhau rất xa, và động cơ, bản chất cũng hoàn toàn khác nhau mặc dù mới nghe tưởng có nét giống, chí ít là giống về mục đích. Trong thời hiện đại, không biết có phải những công dân mạng vì sợ nó gặm nhấm tàn bạo, vơ vét, phá phách tàn bạo hay sao mà người ta cũng nói tránh, thay vì người ta dùng chữ mạng-tặc hoặc chỉ đích danh kẻ xấu thì lại thay bằng chữ “kẻ lạ”. Thật ra chữ kẻ lạ nói lên được điều gì, và ý nghĩa của nó nằm ở đâu?
Có lẽ cũng nên nhắc đến chữ “tàu lạ” mà phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn hay dùng để chỉ tàu Trung Quốc vào xâm chiếm lãnh hải, bắt bớ, hành hung ngư dân Việt làm ăn lương thiện. Và sau đó tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc có bình luận rất kỹ trên đài VOA và. Ở đây, nếu suy luận theo cách đơn giản nhất của nông dân Việt Nam thì rõ ràng cái cơ quan phát ra hai chữ này rất lo sợ trước sự xâm lấn của đối tượng, sợ nêu đúng tên nó sẽ xâm lấn tàn bạo hơn như đang thấy, như chuột cắn áo quần, ỉa vào hủ gạo, nồi cơm… Nhưng trong hướng suy luận khác thì chữ “lạ” mang hàm ý ngoài chuyện né tránh còn có cả chuyện sợ sệt, cả nể, cam chịu, khiếp đảm chẳng khác gì thần dân nhỏ nhoi sợ không dám gọi tên của nhà vua, thậm chí không dám gọi tên của cả các quan lại triều đình vì nếu gọi sẽ đắc tội, có thể bị chém... Tình trạng chính phủ Việt Nam tránh né gọi tên tàu Trung Quốc trong khi đã rõ thông tin mồn một đó là tàu Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam thì nên hiểu như thế nào cho đúng bản chất? Chính từ sự lớn tiếng của nhà nước Trung Quốc trong việc xác lập “chủ quyền” lãnh hải, các đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hàng loạt hành động càn quấy của họ cho đến việc mất nhiều diện tích đất liền dọc biên giới phía Bắc Việt Nam và sự im lặng đầy khiếp nhược của nhà nước Việt Nam sẽ nói thay, sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Trường hợp này gợi nhắc chuyện gọi: ông ba mươi, ông vằn, ông đó, ông chúa rừng xanh… Chung qui là sợ mất xác, sợ chết khiếp ! Trở lại với chữ lạ, trong những ngày gần đây, Tienve.org có đưa ra thông báo: Vào lúc 19 giờ 22 phút (UTC) ngày 20 tháng 8 năm 2010, kẻ lạ đã dùng phương tiện nào đó để “xoá bỏ” tên miền. Tuy nhiên, nhờ cơ chế bảo vệ, tên miền  đã không bị xoá ngay lập tức mà được đưa vào chế độ “pending delete restorable”. Ở đây, chữ lạ một lần nữa được nhắc đến với tâm thế hoàn toàn khác trước. Nếu chữ “kẻ lạ” ở phần trên được dùng với tâm lý khiếp nhược, lép vế thì chữ “kẻ lạ” được dùng ở phần này mang hai trạng thái tâm lý rất dễ nhận biết của người dùng: cẩn thận; khinh bỉ.
Vì sao cẩn thận? Vì đã xác định được chỗ trú ẩn, chỗ nấp của đối tượng, đã có bằng chứng về sự xâm phạm bất nhã, phi văn hóa nhưng rõ ràng ở đây đối tượng giấu mặt, không xuất đầu lộ diện như một hảo hớn mà chỉ chơi trò đánh lén. Ở đây, người bị đánh lén đã đề phòng ngay từ đầu nên cú đòn không đủ hiệu lực gây knock-uot, và người bị đánh lén còn kịp trở đòn, giật khăn che mặt của kẻ đánh lén và nhận biết hắn thuộc bang phái nào, ngụy trang ra sao… Nhưng rất tiếc người bị đánh lén vẫn chưa đưa được kẻ đánh lén ra pháp đình, hắn vẫn chưa khai nhận bang phái, kẻ đồng lõa, kẻ chủ mưu. Điều này bắt buộc cần có sự cẩn thận khi nói về kẻ đê tiện kia, không có cách nào khác là dùng chữ “kẻ lạ”. Và trong một nghĩa khác, “kẻ lạ” ở đây hàm ý sự giễu nhại, khinh bỉ đối tượng và khinh bỉ luôn cái cụm từ vốn được sử dụng mang tính dấm dúi, mờ ám và sợ hãi của kẻ đã dùng nó trước đây. Và kẻ lạ, đúng nghĩa của nó lại là kẻ đạo tặc. Trường hợp này gợi nhắc chuyện người nông dân ngại gọi đích danh chuột mà nói trớ: ông Tí, ông đó, nó… Chung qui cũng có nỗi sợ, nhưng mà là nỗi sợ của con người to lớn trước sự ranh ma, xảo quyệt và ưa làm chuyện lén lút của giống vật nhỏ bé có thể biến thành vật nuôi nếu thấy cần thiết…
Trở lại với chữ tặc, có thể nói chưa bao giờ tần số xuất hiện của chữ này lại dày đặc như bây giờ! Vào quán cà phê, nói chuyện một chút, lại nghe người ta nói về mức độ chặt phá rừng điên rồ của lâm tặc, từ cây lim, cây gụ, giáng hương mấy trăm năm tuổi cho đến cây lim vài tuổi đều bị cưa sạch, cây lớn thì lấy gỗ khối, cây nhỏ bán cho ngư dân làm sào cắm thuyền, cắm vó… Rồi còn chuyện mang máy cưa, máy xẻ, mở cả một trại cưa trong rừng, chặt phá gỗ, làm thành phẩm chở về đồng bằng. Việc này xảy ra cách trạm kiểm lâm chẳng bao xa, và nhìn vào trại kiểm lâm, vẫn thấy có thu hồi, nhưng mà vài chiếc xe cọc cạch hết đời, vài súc gỗ hạng bét, vài khúc củi mục tượng trưng, những thứ ấy giá trị còn thấp hơn cả những tấm ván bìa của các trại lâm tặc bỏ đi… Đó là chưa nói đến chuyện dùng máy bơm thủy lực phun xoáy vào sườn núi mà họ nghi là có vàng tạo thành từng bọng to tướng để lấy đất đãi vàng. Hậu quả sẽ diễn ra trong mùa mưa bão, khó mà lường, người dân bây giờ có thể chết dưới bàn tay lâm tặc, sơn tặc. Đó không phải là ví dụ, càng không phải chuyện đùa!
Do đâu mà đạo tặc lộng hành ?
Vì chữ “tặc” đã trở thành một nếp nghĩ, đã ăn sâu vào máu thịt người Việt, kẻ thất nghiệp, đầu đường xó chợ thì trộm gà, trộm heo, trộm lư đồng, trộm bát nhang, trộm xe… Kẻ có phương tiện thì trộm rừng, trộm núi… Kẻ có võ trang thì trộm biển, cướp biển, kẻ có chức quyền thì trộm tài sản nhân dân, trộm chức vị, trộm quyền lực, trộm đất đai của tổ tiên, trộm tài nguyên thiên nhiên, thậm chí trộm cả những thông tin có liên quan đến chữ trộm nhằm che đậy, ém nhẹm bộ mặt trộm cắp của mình. Và việc ấy trở nên thường tình trên đất nước này. Và kết quả là một đất nước rơi vào nạn trộm cắp, dẫn đến quốc tặc!
Thêm một lần tienve.org, talawas.org, thongluan.org, danchimviet.org, x-café.orgđánh tiếng cảnh báo hoặc thông báo mình bị “kẻ lạ” đánh phá trong lúc này, cũng có nghĩa là thêm một lần cho bạn tin chắc, khỏi phải hoài nghi gì nữa… Tin chắc rằng mình đang sống trong một đất nước mang đại nạn quốc tặc. Điều này do đâu? Lại một câu hỏi và lại một câu trả lời… tự hiểu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét