Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

Cá tra sạch hay bẩn, vì sao nhượng bộ WWF

Cá tra sạch hay bẩn, vì sao nhượng bộ WWF

2010-12-25
Con cá tra Việt Nam bị WWF Quĩ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên âm thầm đưa vào danh sách đỏ và nhanh chóng lấy ra một cách ồn ào. Điều mà báo Saigon Giải Phóng Online đặt nghi vấn là WWF ‘tạo sự cố để bán chứng chỉ’.
AFP Photo/Hoang Dinh Nam
Người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng cá basa của Việt Nam hơn là cá catfish nội địa.


Công luận phản ứng sôi nổi về thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra bền vững mà Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam VINAFISH đã ký kết với đại diện WWF ở Hà Nội hôm 17/12. Và cũng từ thỏa thuận không ràng buộc pháp lý này, WWF cam kết dỡ bỏ cá tra Việt Nam khỏi danh sách đỏ chuyển sang danh sách sản xuất hướng theo phát triển bền vững.
Nông dân Trương Minh Tâm ở đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Việc bỏ ra khỏi sách đỏ thì hoan hô còn thêm vài tiêu chuẩn của WWF thì không ủng hộ, việc đó cũng như mình tự trói mình. Đặt chỉ tiêu cao quá thì chi phí mình nó nhóng lên trong khi thức ăn đang cao thì người nuôi sẽ rơi vào tình trạng bấp bênh như lúc trước.
Tôi chỉ mong bên nước ngoài cũng như các công ty không đặt ra những tiêu chuẩn quá khó để nông dân yên tâm sản xuất, mấy năm nay thua lỗ nặng lắm rồi. Áp đặt càng nhiều không có lợi gì cho người nuôi cá chúng tôi mà càng đi vào thế bất lợi.
Qua cơn WWF, qua cơn danh sách đỏ thì giá hôm nay có phần hơi nhóng lên một tí, có một số công ty mua được 23.000đ/kg, một số công ty khác mua 22.500đ/kg. Cá thịt trắng, cá nguyên liệu mua tại ao.”

Nếu bẩn thì cá đã chết hết


nguyen-huu-dung-250.jpg
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN Nguyễn Hữu Dũng. Source Vietnam Economic Forum.
Nhiều tờ báo mạnh tay phê phán thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra bền vững mà Hiệp hội xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP, Hội Nghề cá Việt Nam VINAFISH đã ký kết với đại diện WWF ở Hà Nội hôm 17/12. Báo Người Lao Động đưa lên mạng một loạt bài về vấn đề liên quan, tờ báo có bài phỏng vấn theo dạng hỏi đáp với ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP một trong những tác giả của bản thỏa thuận.
Một câu trả lời của ông Dũng, hàm ý nhiều nơi đang nuôi cá tra trong điều kiện dơ bẩn, đã được báo Người Lao Động khai thác làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ của người nuôi cá tra và một số doanh nghiệp chế biến.
Nông dân Tám Cước ở đồng bằng sông Cửu Long, một người chịu nhiều thăng trầm với những ao nuôi cá tra xuất khẩu nói với chúng tôi:
“Nếu như con cá nuôi mà môi trường dơ bẩn thì tỷ lệ dịch bệnh cao, khả năng sống của nó không nhiều. Môi trường sạch và đẹp thì tỷ lệ sống của con cá mới cao anh mới có lợi nhuận, chứ dơ bẩn nó đâu có sống được.
Con cá tra này nó khó lắm bởi vì mình nuôi số lượng nhiều nó dầy lắm. khi người mua lại ao mổ cá đem về công ty xét nghiệm khoảng 7-8 chỉ tiêu của nó, nếu mình dính vô một chỉ tiêu là nó không mua cá mình.”
Báo mạng Người Lao Động bản tin trên mạng ngày 20/12 ghi nhận sự bức xúc của hàng trăm hộ nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long liên quan tới phát biểu của người đại diện VASEP về chuyện sạch-bẩn của con cá tra. Tờ báo trích lời ông Võ Văn Đệ, ở Thốt Nốt Cần Thơ nói rằng con cá tra VN bị VASEP bêu xấu thêm một lần nữa sau mấy ông Quĩ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên.
tính theo mét khối với chiều sâu ao là 3 mét thì mỗi mét khối có từ 13 tới 17 con cá bơi lội và lớn nhanh, môi trường bẩn thế nào được, nếu bẩn thì cá chết hết.
Ông Nguyễn Tử Cương
Ông Đệ cho biết gần 10 năm qua đã bán mỗi năm gần 200 tấn cá chưa bị ai cho rằng cá bẩn. Người chủ nuôi này trưng cho nhà báo xem giấy chứng nhận BMP (Qui phạm thực hành nuôi cá tốt) do các tổ chức khoa học của Việt Nam hợp tác với Úc và Thái Lan phát hành.
Đáp câu hỏi về ý kiến cho là cá tra Việt Nam được nuôi trong điều kiện dơ bẩn, ông Nguyễn Tử Cương thường vụ Hội Nghề cá một chuyên gia về lãnh vực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn nông lâm thủy sản nhận định:
“Nếu nuôi cá tra sạch, nghĩa là môi trường sống của con cá không gây ô nhiễm cho nó, sản phẩm xuất khẩu không hàm chứa dư lượng độc hại. Nếu môi trường mà bẩn thì không thể nuôi được vài chục tấn trên một héc-ta chứ hiện nay chúng tôi đã đạt 400 tấn cá trên 1 ha một vụ nuôi 6 tháng.
Thử tưởng tượng 400 tấn với kích cỡ con cá 0,8 tới 1kg tức là 400 con cá trên một mét vuông nếu tính như thế tức là xếp cá liền vào nhau, tính theo mét khối với chiều sâu ao là 3 mét thì mỗi mét khối có từ 13 tới 17 con cá bơi lội và lớn nhanh, môi trường bẩn thế nào được, nếu bẩn thì cá chết hết.
Hơn nữa, xuất khẩu cá tra vào thị trường khó khăn nhất kiểm, tra nghiêm ngặt nhất đó là Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Canada, Nhật Bản, không có vấn đề gì xảy ra. Vậy thì không thể nói cá tra hiện nay đang bẩn, ai nói thế là không đúng, không sát thực tế.”

Hiểm họa ô nhiễm môi trường


ca-ba-tra-220.jpg
Các ngư dân đang kéo mẻ lưới đầy cá basa tại nông trại tư nhân ở An Giang. AFP Photo
Ông Tám Cước mô tả qui trình nuôi cá tra mà ông được hướng dẫn từ ngành thủy sản, người nông dân này tin rằng việc nuôi cá tra khó thể gây ra ô nhiễm môi trường:
“Trước khi nuôi cá thì mình đào ao, xử lý vôi xong mới đưa nước ngoài sông vô, nước lắng chờ vài hôm thì xả ra rồi đổ giống. Nếu con cá nhỏ thì ba ngày thay nước một lần, con cá lớn thì thay nước mỗi ngày. Xả ra có cái ao để lắng rồi mới đưa ra ngoài.
Trong công đoạn xả ra thì dùng hóa chất chlorine đổ xuống ao lắng, hoạt chất chlorine lắng nước sông sau đó mới đưa ra sông. Nói chung cũng không ảnh hưởng đến môi trường lắm, sai số không đến nỗi. Qui trình này bên Bộ Thủy sản (cũ) người ta khuyến cáo đưa ra từ lúc đầu, có một số anh em được đi tập huấn…”
Tất cả các báo mạng như Tuổi Trẻ, SGGP, SGTT, Người Lao Động đều phản ánh tình trạng có quá nhiều loại chứng nhận chất lượng áp đặt lên người nuôi, giờ đây lại có thêm ASC do Quĩ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên áp đặt. Theo thỏa thuận không ràng buộc với WWF, Việt Nam có lộ trình 5 năm để tới 2015 toàn bộ cá tra xuất khẩu đạt cùng lúc hai loại chứng chỉ vừa của quốc tế vừa của ASC/WWF.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ông Nguyễn Tử Cương ủy viên thường vụ Hội Nghề cá xác định, trong qui tắc nuôi trồng thủy sản bền vững của FAO (Lương nông LHQ) có bốn nội dung là an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật, an toàn môi trường và thực hiện chính sách xã hội, thì bộ tiêu chí ASC này chỉ nhằm vào một nội dung là bảo vệ môi trường của động vật hoang dã. Ông Nguyễn Tử Cương nhấn mạnh:
“Văn bản chúng tôi ký, nội dung không phải là một sự ép buộc người nuôi cá tra Việt Nam phải áp dụng ASC. Nó có một lộ trình, trước hết WWF giới thiệu là họ có bộ tiêu chí như vậy, bước đầu tiên chúng tôi phải xem và góp ý.
Bước thứ hai sau góp ý mà thấy phù hợp với Việt Nam thì WWF cung cấp tài chính để đào tạo người nuôi, chúng tôi có thể mở đường để họ làm chuyện này.
Sau đó nếu như nhà nhập khẩu yêu cầu thì mới thực hiện, đầu tiên phải giải thích cho họ, bởi vì Việt Nam hiện nay có bộ CoC theo tiêu chí của FAO thì đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của tất cả các tổ chức chứng nhận độc lập. Trong trường hợp nhà nhập khẩu vẫn yêu cầu thì cá biệt mới làm theo ASC mà thôi.”
Tại sao VASEP và Hội Nghề cá nhượng bộ WWF quá nhún nhường, theo cách mô tả của Người Lao Động Online. Một chuyên gia không muốn nêu tên nói với chúng tôi là WWF nắm được nhược điểm của thực trạng nghề nuôi cá tra của Việt Nam, điều mà ông Nguyễn Hữu Dũng hàm ý nói tới và bị báo chí lái ý nghĩa để phản ứng mạnh mẽ.
Trên thực tế con cá tra Việt Nam đủ tiêu chuẩn sạch để xuất khẩu tới 132 nước và vùng lãnh thổ, nhưng việc xử lý môi trường thiên nhiên chỉ mới là bước sơ khai. Điều này các nhà khoa học môi trường sinh thái đã lên tiếng cảnh báo.
Trên thực tế con cá tra Việt Nam đủ tiêu chuẩn sạch để xuất khẩu tới 132 nước và vùng lãnh thổ, nhưng việc xử lý môi trường thiên nhiên chỉ mới là bước sơ khai.
Theo một công trình nghiên cứu của hai tác giả Dương Công Chính, Đồng An Thụy Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam được Tổng Cục Thủy Sản đưa lên mạng, trên diện tích 1 ha nuôi cá tra với sản lượng 150 tấn cần sử dụng 240 tấn thức ăn, tổng chất thải phát sinh là 192 tấn.
Theo qui hoạch phát triển đến năm 2020 sản lượng cá tra nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.850.000 tấn lúc đó lượng chất thải tương ứng là 2.368.000 tấn. Các tác giả cho rằng với lượng thải trên nếu không có giải pháp hạn chế sẽ là hiểm họa với môi trường nước vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và đặc biệt nghiêm trọng đối với các vùng nuôi cá tra.
Phía Việt Nam và WWF cùng biết rõ điều này và sự thỏa thuận tất nhiên đã phải đến, hiện còn quá sớm để phân tích kết quả tương lai của một thỏa hiệp không mang tính ràng buộc pháp lý.
Với kim ngạch xuất khẩu 650.000 tấn mỗi năm trị giá trên dưới 1,5 tỉ USD, Việt Nam ngày nay cung cấp 95% cá tra thương phẩm cho thị trường thế giới. Nó cần phải được rút ra khỏi sách đỏ dù chỉ của WWF 6 nước Châu Âu. Có thể quan niệm chứng nhận ASC theo tiêu chí của WWF tương tự như nhiều loại chứng nhận khác hiện nay như SGS, SQ1000, SQ 2000 hay Global Gap, nhà xuất khẩu sẽ chỉ đáp ứng khi nhà nhập khẩu đòi hỏi, dĩ nhiên mọi chi phí đều tính vào giá thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét