Hôn nhân có lỗi thời?
Việt Hà, phóng viên RFA
2010-12-14
Trong xã hội hiện đại, nhiều người đang coi chuyện kết hôn trở thành lạc hậu, không còn phù hợp với thời cuộc.
Xu hướng mới
Một đám cưới truyền thống theo kiểu Mỹ với những nghi lễ tại nhà thờ, nhẫn cưới với váy đầm trắng, hoa và rượu champagne có thể vẫn là niềm mơ ước của rất nhất nhiều cô gái Mỹ nhưng chuyện kết hôn lại dường như đang trở thành lạc hậu.Một nghiên cứu của viện Pew Center vừa được công bố trong tháng 11 vừa qua tại Mỹ cho thấy có đến 39% số người Mỹ được hỏi cho rằng chuyện kết hôn bây giờ đang trở thành không hợp thời. Con số này năm 1978 ở Mỹ là 28%. Kết quả này cũng tương tự như kết quả được cuộc điều tra dân số tại Mỹ hồi tháng 9 vừa qua cho thấy số đôi kết hôn tại Mỹ trong những người từ độ tuổi 18 trở lên đã giảm xuống mức kỷ lục nhất trong lịch sử nước Mỹ là 52%. Cô Kim Parker, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Pew Center cho biết:
"Chính tiêu đề của bản báo cáo này đã cho thấy là tỷ lệ kết hôn đang giảm xuống và điều quan trọng là đây chính là xu hướng mà chúng ta thấy trong suốt 50 năm qua. Càng ngày càng ít người Mỹ muốn kết hôn. Trong thập niên 1960, có 72% người Mỹ kết hôn, thì năm 2008 chỉ có khoảng một nửa số người Mỹ kết hôn".
Điều này có lẽ phát xuất từ chính những kết quả khác mà cuộc nghiên cứu đưa ra. Đó là sự thay đổi trong quan niệm của người Mỹ về các hình thái gia đình ngày nay. Nếu như trước kia, quan niệm gia đình truyền thống bao gồm cha mẹ và con cái thì bây giờ người Mỹ cho rằng bố hoặc mẹ đơn thân nuôi con cũng được coi là một gia đình, hoặc các cặp trai gái sống chung không có kết hôn và nuôi con chung cũng là gia đình.
... tỷ lệ kết hôn đang giảm xuống và điều quan trọng là đây chính là xu hướng mà chúng ta thấy trong suốt 50 năm qua.Với phong trào đòi bình quyền của người đồng tính đang lên cao tại Mỹ, những cặp đồng tính sống chung và nhận con nuôi cũng đang dần được người Mỹ nhìn nhận là một dạng gia đình. Mặc dù vậy, người Mỹ vẫn bày tỏ sự lưỡng lự nhất định trước một số dạng thức gia đình kiểu mới như các bà mẹ nuôi con một mình hoặc các cặp đồng tính.
Cô Kim Parker
Có đến 69% số người Mỹ cho rằng các bà mẹ nuôi con một mình là không tốt, đối với các gia đình đồng tình thì 14% nói là xấu, trong khi 25% nói là tốt. Chị Jamie Sương, một thanh niên người Việt, sinh trưởng tại Mỹ nhận xét:
"Người đồng tính sống chung với nhau thì Sương cũng không đồng tình vì cái đó lúc mình lớn lên thì mình biết nam và nữ sống chung với nhau rồi mới có con. Đúng là có nhiều gia đình không có con thì họ nhận con nuôi, cái đó không đúng, vì mấy đứa lớn lên thấy gia đình mình không bình thường, bắt đầu mấy em khác nói là gia đình mình không bình thường, mày không bình thường, nó cũng ảnh hưởng đứa trẻ".
Chị cũng cho rằng cha mẹ đơn thân nuôi con hoặc sống chung với nhau nuôi con là không tốt. Chị nói chị có một số người bạn Việt Nam đã sống như vậy.
"Có nhiều bạn ở chung với nhau trước khi cưới, có con với nhau trước khi cưới rồi chia tay. Mẹ nuôi con, cha nuôi con, cái đó không tốt. Con cái nó lớn lên nó hỏi tại sao mẹ không ở chung với cha, sao mẹ cưới người khác, ba cưới người khác thì cái đó không tốt cho con".
Anh Cao Thanh Phong, một thanh niên người Việt khác lớn lên tại Mỹ thì cho rằng chuyện người đồng tính sống chung vẫn có thể coi là một gia đình nhưng các bà mẹ đơn thân nuôi con một mình thì không phải là điều tốt. Anh nói: "Nếu là mẹ thì không tốt mấy cho đứa con vì đứa con cần ba, cần người đàn ông trong nhà để hướng dẫn cuộc sống và dạy dỗ".
Quan niệm khác nhau
Trong khi chị Sương cho rằng các cặp sống chung và nuôi con chung mà không có hôn thú không thể được coi là các gia đình thì anh Phong lại cho rằng đó vẫn có thể coi là các gia đình. Mặc dù vậy, cả hai đều cùng cho rằng việc có kết hôn trước khi sống chung là điều quan trọng vì đó là giá trị truyền thống mà họ học được từ chính cha mẹ mình.
Cô Kim Parker thì đưa ra nhận xét chung là: "Nhìn chung khi người ta nhìn vào những nhà mà có trẻ em thì họ thường cho đó là gia đình, nhưng họ không chắc những hình thái mới đó là tốt hay xấu. Cho nên có thể nói là người Mỹ đã thay đổi, chấp nhận những cái mới dù vẫn còn những dè dặt nhất định".
Định nghĩa về gia đình tại Mỹ cũng khác biệt theo độ tuổi. Những người trong độ tuổi từ 18 đến 29 thường dễ chấp nhận sống chung mà không có kết hôn hơn là các thế hệ trước đó.
Mặc dù con số người cho rằng chuyện kết hôn là lạc hậu đang tăng lên nhưng người Mỹ vẫn muốn kết hôn. Đó là một kết quả đáng chú ý khác mà cuộc nghiên cứu đưa ra. Cô Parker giải thích: "Kết quả 39% người trả lời kết hôn là lạc hậu cho thấy sự nhìn nhận của người Mỹ về xu hướng mới trong xã hội Mỹ nhưng nó không có nghĩa là người Mỹ không còn coi trọng chuyện cưới xin nữa. Khi chúng tôi hỏi những người chưa kết hôn nếu họ có muốn kết hôn trong tương lai hay không thì đa phần số này cho biết họ muốn".
Chuyện kết hôn bây giờ tại Mỹ cũng còn phụ thuộc vào trình độ học vấn. Những người có trình độ học vấn đại học trở lên giờ đây có khả năng kết hôn cao hơn nhiều so với những người chỉ có trình độ trung học hoặc thấp hơn.
Đây là điều mà cô Parker cho rằng có một phần nguyên nhân từ kinh tế, bởi khi có bằng đại học thì người ta có khả năng kiếm việc tốt hơn: "Nếu nhìn vào các năm trong thập niên 1960 thì dù bạn tốt nghiệp trung học hay đại học thì bạn đều có khả năng kết hôn như nhau. Bây giờ điều này đã khác. Những người có bằng đại học bây giờ có xu hướng kết hôn nhiều hơn so với những người không có bằng đại học, có ít hơn ½ trong số họ kết hôn. Đây là một cách biệt lớn đang mở rộng ra trong thập kỷ qua mà chúng ta không thấy 50 năm về trước".
Có nên theo truyền thống?
Nghiên cứu cũng tìm hiểu các hình thái gia đình mới tại Mỹ có ảnh hưởng thế nào đến trẻ em và đến xã hội. Kết quả cho thấy những điểm có thể nói là tương đồng với những gì mà các nhà tâm lý xã hội học đã đưa ra từ lâu nay.Đó là những trẻ sống với cha mẹ có kết hôn thì dường như hạnh phúc hơn. Những cặp kết hôn thì thường có kinh tế tốt hơn, có ảnh hưởng tốt trong cộng đồng. Còn những người nuôi con một mình thì dường như không hài lòng lắm với cuộc sống của mình nếu so với những cặp có kết hôn.
Kinh tế phát triển, tự lập về cuộc sống cũng đang khiến ngày càng nhiều người Mỹ cho rằng yếu tố dẫn đến kết hôn quan trọng nhất là tình yêu, là tìm người ý hợp tâm đầu. Mặc dù vậy con số này cũng có sự khác biệt giữa người da trắng và người da đen. Trong khi phần lớn người da trắng quyết định kết hôn vì yêu thì người da đen lại cân nhắc chuyện tài chính. Số người da đen Mỹ kết hôn trong 50 năm qua đang giảm mạnh. Chỉ có 32% người da đen kết hôn năm 2008, trong khi đó con số này ở người da trắng là 54%. Theo cô Kim Parker, số phụ nữ da đen có con ngoài da thú cũng rất cao.
Nhưng có lẽ điều có thể làm cho các chị em phụ nữ tại Mỹ cảm thấy mình đang ngày càng gần tới bình quyền với đàn ông hơn cả trong báo cáo này đó là thay đổi về quan điểm của người Mỹ trong vai trò của người vợ và người chồng trong gia đình. Phần lớn người Mỹ cho rằng hình thái gia đình hiện đại nơi người vợ và người chồng cùng đi làm, cùng chia sẻ việc nhà được cho là hình thái gia đình hoàn hảo nhất. Và đây cũng chính là thực tế đang diễn ra tại nhiều gia đình Mỹ.
Điều này khác hẳn với trước kia là người chồng đi làm và người vợ ở nhà lo việc nhà, trông con cái.
Khi chúng tôi hỏi những người chưa kết hôn nếu họ có muốn kết hôn trong tương lai hay không thì đa phần số này cho biết họ muốn.
Cô Kim Parker
Theo cô Kim Parker, một phần nguyên nhân dẫn đến thay đổi này trong quan điểm của người Mỹ là do kinh tế: "Chúng ta đã nghe những câu chuyện khoảng 1 hay 2 thập niên về trước, người chồng không biết thay tã cho con. Giờ đã khác. Tôi nghĩ nguyên nhân vì phụ nữ giờ cũng đi làm và do đó gánh nặng gia đình cần được chia sẻ. Có khoảng 60 đến 70% các bà vợ đang đi làm, và vì kết hôn có nhân tố kinh tế nên giờ ngày càng có nhiều bà vợ cũng đi làm, góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình".
Kinh tế Mỹ hiện vẫn còn đang chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tài chính hai năm về trước. Trong khi điều này một mặt khiến ngày càng nhiều các bà vợ Mỹ đi học lên cao để kiếm việc hoặc ra ngoài tìm việc thay vì làm bà nội trợ thì mặt khác cũng đang khiến số kết hôn tại Mỹ giảm sút. Thống kê của Mỹ gần đây cho thấy số cặp không kết hôn đã tăng 13% trong năm nay lên con số 7 triệu 500 người.
Nói thì nói vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ không được tiếp tục được nghe điệu nhạc thánh ca quen thuộc, hay nếm những chiếc bánh cưới, và thưởng thức rượu champaign chảy tràn tại các tiệc cưới tại Mỹ. Cô Parker nói rằng người Mỹ sẽ vẫn cưới trong nhiều năm sắp đến nữa. Chỉ có điều sẽ có nhiều cặp sẽ phải thắt lưng buộc bụng trong thời buổi kinh tế khó khăn chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét