Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Hiểm họa Phương Bắc

2011-09-27
Các bạn trẻ thảo luận về những mối đe dọa từ Trung Quốc đối với Việt Nam, cũng như các hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
AFP photo
Tàu sân bay Varyag đang được cải tạo tại một xưởng đóng tàu ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, ngày 17 tháng 7 năm 2011.
Khánh An rất vui được đón tiếp các bạn đến với Chương Trình Café Wifi.
Ngày hôm nay chắc là các bạn đang ở trên đường dây sẽ thắc mắc là có thêm một người có tên là Dũng. Bây giờ mời anh Dũng tự giới thiệu sơ sơ cho các bạn biết một chút về mình được không anh Dũng?
Dũng: Vâng. Chào các bạn. Mình là Dũng (Aduku Adk), một người bị bắt vào Hỏa Lò hôm 21 đấy, đến hôm 25 mới được thả, nhà ở Phú Thọ, Việt Trì.
Tú: Dạ vâng ạ. Chào anh Dũng. Em là Từ Anh Tú, cũng tham gia biểu tình với anh mấy lần ạ.
Khánh An: Không biết là có biết mặt nhau không?
Dũng: Có. Biết mặt rồi nhưng chưa nói chuyện.
Khánh An: À, chưa nói chuyện với nhau lần nào, thế là bây giờ được dịp nói chuyện phải không? Bây giờ thì mình còn 2 bạn ở trên đường dây nữa.
Tuynh: Em chào anh Dũng và các bạn. Em là Tuynh ở Phan Thiết.
Hiếu: Dạ. Xin chào anh Dũng. Em là Huỳnh Trọng Hiếu.

Đất nước đang lâm nguy

Khánh An: Rồi, trong phần trước Khánh An có đặt ra một câu hỏi là “Bạn có nghĩ rằng đất nước đang lâm nguy hay không?”, thì vừa rồi cả 3 bạn đều trả lời là các bạn nghĩ rằng “đang trong tình trạng lâm nguy” và có một số vấn đề từ bên trong nước. Trong phần hai này, Khánh An muốn mời các bạn đưa ra những lý do từ bên ngoài, những mối đe dọa mà các bạn nghĩ rằng có thể làm cho tình hình đất nước lâm nguy. Bây giờ thì Khánh An chắc là phải hỏi lại câu này với anh Dũng vì có khi anh Dũng lại cho rằng không lâm nguy thì sao?
Dũng: Ồ, mình cho là rất…rất lâm nguy.
Khánh An: Thế là cùng phe với bạn Tuynh rồi. Bạn Tuynh cũng nói rằng không những lâm nguy mà là quá lâm nguy. Tại sao anh lại cho rằng rất rất lâm nguy ạ?
001_GR196774-250.jpg
Vũ khí Việt Nam đặt mua từ Nga. AFP
Dũng: Tại vì cái nguy cơ nó quá lớn mà nhân dân đa phần thì không nhận thức được. Cái nguy cơ lớn thế nào thì chắc mọi người cũng hiểu, nhưng mà cái mình sợ nhất là cái nhận thức của đồng bào mình về mối lâm nguy đó kém quá. Tất cả mọi người để ý vào chuyện cơm áo gạo tiền nhiều quá nên chẳng nhìn được xa. Nói thật mình lo là lo cái đấy thôi chứ còn mọi mối lâm nguy nó từ bên ngoài không đáng sợ bằng cái ở bên trong.
Hiếu: Dạ. Em xin nói thế này, là anh Dũng nói cái mối lâm nguy của quốc gia nó xuất phát từ Trung Quốc, thì Hiếu cũng đồng ý với lại ý kiến của anh Dũng, và còn có thêm ý kiến thế này, là ngoài Trung Quốc ra còn có một nước cũng là quốc gia dân chủ nhưng mà cũng có sự đe dọa không kém. Đe dọa thì không nhiều nhưng mà người ta làm ảnh hưởng đến an ninh và đến quyền lợi của dân tộc Việt Nam chúng ta, đó là Đài Loan. Đài Loan như chúng ta biết là một quốc gia có sức mạnh quân sự khá mạnh trong khu vực này. Họ là người đã xây căn cứ trên đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là điều ảnh hưởng đến an ninh và quyền lợi của người Việt mình.
Khánh An: Vâng. Thế còn các bạn khác, các bạn có bổ sung gì không?
Cái nguy cơ lớn thế nào thì chắc mọi người cũng hiểu, nhưng mà cái mình sợ nhất là cái nhận thức của đồng bào mình về mối lâm nguy đó kém quá.
Dũng, Phú Thọ-Việt Trì
Tú: Dạ vâng ạ. Em xin phát biểu ý kiến ạ.
Khánh An: Vâng. Mời Tú.
Tú: Theo em thì hiện nay bên ngoài Việt Nam có rất nhiều mối nguy cơ và trong đó chúng ta có thể kể đến các quốc gia: Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, hay là Malaysia, bởi vì đó là những quốc gia trực tiếp can thiệp vào những hòn đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta. Tuy nhiên, Philippines, Malaysia hay Đài Loan thì theo em nguy cơ của nó không bằng Trung Quốc bởi vì so với Trung Quốc thì Trung Quốc trắng trợn hơn những quốc gia đó rất nhiều.
Khánh An: Vâng. Tuynh, Tuynh có ý kiến gì không? 

Thù trong, giặc ngoài?

Tuynh: Dạ. Em đồng tình với những gì anh Dũng nói là đúng. Anh Dũng ảnh lo là đúng, vì thực ra vấn đề bây giờ, người trong nước bây giờ biết những vấn đề đó rất là ít và họ không có thời gian quan tâm là một, thứ hai là truyền thông trong nước không được tự do, trong nước nó bóp nghẹt thông tin đa chiều và sự thật đi, thành ra người dân người ta ít quan tâm chứ không thể trách người dân người ta không quan tâm. 
Còn từ bên ngoài thì rõ ràng Trung Quốc bành trướng ở khắp nơi, điều đó ai cũng biết rồi. Phía Đông-Bắc của họ thì họ đang di dân rất nhiều sang bên Vladivostok của Nga, rồi thì Nội Mông ở phía Tây và Tây Tạng thì đương nhiên nằm trong sự kiểm soát của họ rồi. Còn hiện Việt Nam bây giờ thì chính phủ Việt Nam hiện tại phụ thuộc vào Trung Quốc quá, thì cái chuyện mất nước theo em nghĩ là nếu như mà cái thế hệ này không đứng lên đấu tranh thì cái chuyện bị lệ thuộc vào Trung Quốc là cái chuyện không phải là “sẽ” mà là “đang” rồi, chuyện này đang xảy ra rồi.
Vấn đề em ngại nhất, theo quan điểm của em thôi, em sợ nhất là vấn đề quân đội Việt Nam bây giờ có khả năng là bị vô hiệu hóa. Bởi vì gần đây mọi người chắc là có nghe báo đài đưa tin về ông Nguyễn Chí Vịnh. Theo thông tin trên mạng thì ông này có một lý lịch cá nhân và quá trình hoạt động không được trong sáng. Cái thời ông làm ở Tổng Cục II ông có những vụ án liên quan đến nhiều quan chức cao cấp của Việt Nam, trong đó có cả Tướng Giáp, đó là vụ án T2 và T4, mà thông tin này chưa được nhà nước Việt Nam công khai cho nên người ta không xác nhận được cái đó là thật hay giả, nhưng rõ ràng có nguồn tin là ông này là người gây ra vụ án T2 và T4, tức là vụ án siêu nghiêm trọng liên quan đến ngành tình báo Việt Nam. 
000_Hkg464025-250.jpg
Trạm kiểm soát biên phòng Việt Nam. AFP
Vấn đề ở chỗ là bây giờ ông này lại nhảy sang làm ở Bộ Quốc Phòng. Ông là Thứ trưởng Quốc Phòng. Thế bây giờ nguồn thông tin nói ông này ngày xưa có liên hệ với tình báo Hoa Nam của Trung Quốc, bây giờ ông làm ở Bộ Quốc phòng thì không biết chuyện đó có thật hay không? Và nếu mà là thật thì là thế nào? Em sợ nhất về vấn đề bây giờ, giả sử trong trường hợp họ (Trung Quốc) có đánh Việt Nam đi chăng nữa thì quân đội Việt Nam có bị xâm lược không? Cái đó rất là lo! 
Nhưng theo em phỏng đoán thì Trung Quốc nó chả đánh Việt Nam làm cái gì, bởi vì thực ra bây giờ họ có mọi thứ họ muốn rồi, việc gì họ phải đánh Việt Nam? Đúng không ạ? Bây giờ có cái gì họ không có đâu? Bây giờ đất đai họ có rồi, ở Việt Nam họ đang di người đến và họ thuê rất nhiều rừng. Về kinh tế, Việt Nam đang nợ họ rất nhiều tiền. Thứ hai là bây giờ họ di dân sang đây, rồi công nhân, đủ thứ. Về Biển Đông thì họ cũng kiểm soát rồi. Bây giờ không còn cái gì là họ không có ở cái đất nước Việt Nam. Vấn đề bây giờ ở chỗ là chúng ta sẽ sống với người Trung Quốc trong tương lai như thế nào? (Mọi người cũng bật cười). 
Sự thật là như thế, bây giờ phải sống chung với lũ, trên đất nước Việt Nam bây giờ rất nhiều người Trung Quốc. Nếu với cái đà này trong phạm vi 5-10 năm nữa thì chúng ta coi như sẽ thành công dân hạng hai trên đất nước mình thôi, chứ không phải hạng một. Điều đó rất là nguy hiểm. Họ dùng chính sách bài trừ dân tộc, họ dùng chính sách đồng hóa thì mình rất là vất vả. Ý kiến của em chỉ thế thôi, chứ còn nhiều vấn đề lắm mà em nghĩ nói ra thì em không biết phải nói như thế nào cho thấy được hết.
Khánh An: Vâng. Bây giờ thì …
Tuynh: Em xin nhường lời cho bạn Hiếu, bạn Tú.
Khánh An: Vâng.
Hiếu: Dạ. Hiếu xin phép được nói ý kiến của mình.
Khánh An: Mời Hiếu.

Tham vọng của Trung Quốc

Hiếu: Lúc nãy bạn Tú nói ông Nguyễn Chí Vịnh và cái lý lịch cá nhân của ông ta liên quan đến vấn đề lãnh đạo quốc gia thì mình có một số vấn đề sửa đổi như thế này. Theo cái quan điểm riêng chủ quan của mình thì việc ông Nguyễn Chí Vịnh có lý lịch như thế nào, theo đường lối thân Trung Quốc hay là không thân Trung Quốc thì điều đó không quan trọng, bởi vì ông Vịnh hay Phùng Quang Thanh là bộ trưởng quốc phòng cũng vậy thôi, hay là bất kỳ đảng viên cộng sản nào làm bộ trưởng quốc phòng cũng vậy. Mình phải hiểu một điều rằng tất cả những người trong Đảng Cộng Sản Việt Nam thì họ đều có cũng một quan điểm là để bảo vệ quyền lợi của đảng cộng sản thì bắt buộc phải đi với Trung Quốc. Đi với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của đảng dù cho việc làm đó nó có ảnh hưởng như thế nào đến an ninh quốc gia.
Rồi điểm thứ hai bạn nói là Trung Quốc nó có tất cả mọi thứ rồi thì mình nghĩ cái đó cũng là một điều chưa hoàn toàn đúng, bởi vì Trung Quốc là một nước có một diện tích rộng lớn, nhưng mà với một diện tích lãnh thổ rộng lớn như vậy nhưng mà lại có một khoảng cách, một đường ra biển quá hẹp. Đi ra hướng Đông Nam thì gặp phải Đài Loan, đi ra hướng Bắc thì gặp Nhật Bản và gặp quần đảo Ryu-Kyu kéo dài xuống phía Nam, nó làm cản trở hoạt động của hải quân Trung Quốc. 
000_Hkg5372249-250.jpg
Người dân Trung Quốc xem các mô hình máy bay quân sự tại hội chợ triển lãm hàng không Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 21/9/2011. AFP photo
Mà Trung Quốc như chúng ta đã biết thời gian gần đây đã cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm. Nếu có hàng không mẫu hạm mà không có con đường lưu thông ra biển thì việc làm đó có thể nói là vô nghĩa. Chính vì người ta cần có một không gian hoạt động cho nên cái việc người ta muốn bành trướng, bành trướng hải quân của mình ra trước. 
Và chúng ta biết đường lưỡi bò là cái đường mà Trung Quốc đã tự mình vẽ ra không theo một quy ước nào của quốc tế, không theo đúng luật pháp quốc tế, không theo đúng sự thực lịch sử, nhưng mà Trung Quốc đã ngang nhiên với sức mạnh áp đặt của nước lớn trên các nước nhỏ thì Trung Quốc đã vẽ ra đường lưỡi bò để bắt các nước Đông Nam Á phải công nhận điều đó như là một điều hợp pháp. 
Thì cái việc Trung Quốc cần một không gian để hướng ra biển đã đe dọa đến an ninh của Việt Nam, bởi vì khu vực Biển Đông này mà quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là hai quần đảo lớn nhất trong khu vực Biển Đông, có trữ lượng dầu mỏ khá lớn và đó cũng là một ngư trường lớn nữa. Đó cũng là nơi mà Trung Quốc rất cần để hoạt động hải quân, cho nên điều đó rất nguy hiểm. Việc Trung Quốc muốn chiếm khu vực này là điều hiển nhiên, trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Khánh An: Vâng. Đó là phân tích của bạn Hiếu. Hiếu cho rằng dù cho ai đứng đầu lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Việt Nam thì người đó và Bộ Quốc Phòng bị buộc phải đi với Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của mình. Thế về điểm này các bạn khác có đồng ý hay không ạ?
Dũng: Theo mình thì thế này. Mình thấy cái tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á nói chung là có thuận lợi lớn nhất. Mình thấy cái thuận lợi mấu chốt, đó chính là Đảng Cộng Sản Việt Nam là thuận lợi lớn nhất của Trung Quốc đối với tham vọng bành trướng của họ ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Đảng Cộng Sản Việt Nam chính là nguồn cổ vũ to lớn cho bọn bành trướng Bắc Kinh.
Vấn đề em ngại nhất, theo quan điểm của em thôi, em sợ nhất là vấn đề quân đội Việt Nam bây giờ có khả năng là bị vô hiệu hóa.
Tuynh, Bình Thuận
Mình thấy cái điều kiện đấy là mấu chốt đấy. Mình xem tivi đám tang ông Võ Chí Công thì TBT Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn kể công thì “đồng chí Võ Chí Công trung thành với đảng, tổ quốc và nhân dân”, tức là người ta bao giờ cũng đặt đảng lên hàng đầu vì người ta chỉ nghĩ đến đảng trước nhất, sau đấy mới đến tổ quốc, cuối cùng mới đến nhân dân. Họ nghĩ rằng còn đảng thì họ còn tổ quốc, còn đảng thì họ còn cai trị được, nghĩa là họ còn nhân dân, nhưng mà nói chung là họ chỉ nghĩ đến đảng. Nói thật sự là như thế.
Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của anh Dũng từ Phú Thọ. Bây giờ đã đến lúc chương trình Café Wifi phải tạm dừng rồi, Khánh An hẹn tái ngộ với quý vị trong chương trình kỳ tới để tiếp tục nghe các bạn trẻ thảo luận và phân tích về mối quan hệ Việt – Trung mà hiện nay có không ít người đang đặt ra nhiều nghi vấn và quan ngại. 
Mọi ý kiến đóng góp cho chương trình, xin quý vị gửi email vào địa chỉ khanhan@rfa.org hoặc wificoffee.rfa@gmail.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét