Khánh An, phóng viên RFA
2011-09-09
Trong kỳ thảo luận cuối này, những vị khách mời sẽ chia sẻ về niềm tin của họ về tính khả thi của những giải pháp trên và những gì mà mỗi công dân như họ có thể đóng góp cho xã hội.
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi nghe các bạn, tôi thích ở cái chỗ như thế này: một là các bạn rất trong sáng, các bạn muốn những cái gì thì nói hết ra. Có nhiều người bây giờ không biết một là mình muốn gì, hai là không dám nói. Thế tôi cho cái đó là hay.
Cái thứ hai nữa tôi thấy như thế này, các bạn thích một cái đích nhưng các bạn không thích một con đường đi đến đích. Ta phải kết hợp được hai phạm trù này. Cái đích ở cách xa đây bao nhiêu ki-lô-mét, thế thì cái quan trọng là con đường từ đây đến đấy thì mình đi như thế nào? Có khi phải đi vòng một chút.
Riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng tôi gần đất xa trời rồi, tôi hy vọng tôi còn sống được độ 5 năm nữa, thì trong vòng 5 năm nữa tôi sẽ làm nốt một việc thôi, đó là tôi hướng dẫn một nhóm các chuyên gia giáo dục trẻ. Chúng tôi thay đổi nhiều lắm. Thay đổi là vì như thế này, cái xã hội bây giờ đấy, chúng ta đừng nghĩ rằng chữa nó độ khoảng 1 năm – 10 năm là xong. Không đâu! Nó ốm lâu rồi. Tôi lấy thí dụ, cái thái độ đối với trí thức đấy là kết quả của một sự coi thường trí thức đã từ mấy chục năm rồi, bây giờ nó mới lộ ra là người ta khinh trí thức. Mà giới trí thức ở nước ta không đông và mạnh đến nỗi có thể có một lực lượng áp đảo đâu. Thế nhưng mà trong giới trí thức đấy bây giờ tôi biết là cứ từng nhóm, từng mảnh một, người ta cố người ta làm.
Tôi rất hoan nghênh vừa rồi ý kiến của anh Nguyễn Minh Thuyết. Vừa rồi ý kiến của anh thẳng thắn quá nên khóa [quốc hội] này anh không vào được. Nhưng vừa rồi anh nói ý kiến của anh như thế này: “Chúng tôi vẫn để đảng cộng sản làm, thế nhưng chúng ta phải quy định làm như thế nào, đấy mới là cái quan trọng”. Thế thì cái đó thuộc về xã hội dân sự. Quốc hội người ta bảo người ta thay đổi hiến pháp, ừ thế thì tôi đồng ý thay đổi hiến pháp nhưng mà tôi đề nghị là làm như thế, tức là tất cả sáng kiến của từng cá nhân. Hiện nay tất cả những cái gì mà bên ngoài đảng tập hợp lại thì rất có thể bị vu cho là đảng Việt nọ, đảng Việt kia, thế cho nên bây giờ từng cá nhân cứ làm thôi.
Cá nhân tôi, tôi làm sách giáo khoa. Cá nhân anh Nguyễn Minh Thuyết thì anh sẽ nói, anh khuyên, anh đưa ra những lời dạy là nên làm như thế. Thế rồi có những người mà tôi biết, tôi biết nhiều người lắm, người ta làm từng những việc nhỏ một, thế tức là chúng ta chữa sự trung thực. Chữa nó không phải ngày một ngày hai đâu, mà phải chữa bằng những việc cụ thể một cách chuyên nghiệp, tức là chữa bằng sự chuyên nghiệp của các chuyên gia. Có những chuyên gia về chính trị, họ phải đưa ra những ý kiến về chính trị của họ, phải làm những việc về chính trị chứ không phải cứ ngồi mà kêu ca. Xin hết.
Thể chế chính trị
Khánh An: Dạ vâng. Cảm ơn bác Toàn về những điều tâm huyết mà bác vừa chia sẻ. Theo những điều mà từ nãy tới giờ các bạn nói thì Khánh An thấy rằng các bạn đã đưa ra một số giải pháp. Bác Toàn cũng đã đưa ra một số gợi ý về những con đường để đi đến cái đích mà các bạn – chúng ta – tất cả đều muốn xã hội Việt nam đi tới đấy.
Vừa rồi có một bài báo ở trên Sài Gòn Tiếp Thị với tựa đề là “Người trung thực bị thiệt thòi và bị coi là ngốc”. Bài báo đề cập đến một khảo sát của Tổ chức Hướng tới minh bạch và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng. Trong cuộc khảo sát này, người ta thấy một thực tế có lẽ là không được vui lắm vì có đến 40% thanh niên khi được hỏi về tính liêm chính thì họ nói rằng họ sẵn sàng tham nhũng, hối lộ nếu như điều đó mang lại lợi ích cho bản thân họ. Điều này có nghĩa là con số này gần bằng một nửa thành phần thanh niên Việt Nam là như thế. Khánh An chỉ muốn nói là không biết tất cả chúng ta ở đây, từ nãy giờ mình nói rất là nhiều chuyện đến tính trung thực, sự liêm chính, ngay thẳng. Bác Toàn cũng như các bạn, mọi người có hy vọng không về cái đích mà tất cả chúng ta đều muốn hướng tới cho xã hội Việt nam này không, khi mà thực tế như kết quả vừa rồi chúng ta nhìn thấy ở giới trẻ trong tương lai sẽ là những người cầm cân nẩy mực, những người sẽ đứng lên lãnh đạo đất nước của chúng ta?
Hoàng: Có chứ! Hoàng hy vọng. Hoàng nghĩ sự thật mới là cái vĩnh cửu, mới sống được, mới đem ra để nói chuyện với người ta được. Còn cái xấu, cái dối trá thì nó chỉ là nhất thời thôi, nhưng mà chỉ có điều đây là đất nước mình, là quê hương mình nếu mà chìm trong sự dối trá lâu quá thì mình đau lòng, chứ còn Hoàng vẫn nghĩ rằng mình đang hướng tới điều tốt đẹp hơn mà thôi.
Khánh An: Vâng. Bạn Hoàng vẫn rất hy vọng. Thế còn bạn Vy, bạn Toàn?
Thục Vy: Dạ. Em thực sự không phải là một người quá bi quan. Em hy vọng vào một ngày cái tinh thần, cái hào khí của dân tộc được vực dậy. Bây giờ hơn một nửa thanh niên thích tham nhũng để mà tư lợi. Hầu như tất cả ai cũng muốn tư lợi nếu như sự tư lợi của họ không bị trừng phạt. Ai cũng vậy, đó là bản tính của con người. Em thì em nghĩ vậy. Thế nhưng làm sao chúng ta xây dựng được một thiết chế để khi người ta muốn tư lợi, người ta muốn lừa dối, người ta không liêm chính thì người ta sẽ bị trừng phạt. Nhất định chúng ta sẽ làm được điều đó.
Chính trị nó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, đến từng lãnh vực nhỏ trong đời sống của chúng ta, cho nên khi chúng ta có một thể chế chính trị tốt thì chúng ta sẽ xây dựng được những con người tốt.Thục Vy
Lúc nãy bác Toàn nói thời đại bây giờ là thời đại của các chuyên gia; đúng vậy, các chuyên gia đóng vai trò rất là lớn để định hình sự phát triển của xã hội, trong đó có chuyên gia khoa học, chuyên gia chính trị, kinh tế, v.v… nhưng mà những người bình thường như chúng ta, như em thì em không phải là chuyên gia gì, thì cũng có thể đóng góp một chút. Ví dụ như sự việc anh công an tên Minh đạp vào mặt anh Nguyễn Chí Đức mà báo chí “lề phải” nói là không có, nhưng mà thực ra tất cả những ai quan tâm đến tin tức trong nước thì người ta vẫn biết sự việc ấy là có thật.
Mà làm sao để chúng ta biết sự việc ấy là có thật? Bởi vì có những hình ảnh, có những người chứng kiến tận mắt và người ta đã viết lên.
Hôm nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, chúng ta – mỗi người dân có thể là một nhà báo, thì không chỉ là chuyên gia hoạt động trong từng lãnh vực chuyên môn của người ta, mà ngay cả người dân thường chúng ta cũng có thể đóng góp một vai trò nói lên sự thực, nói lên cái hiện trạng xã hội thì sẽ làm cho sự thực được sáng tỏ lên, cho đến một ngày nào đó em hy vọng có một sự thay đổi thể chế để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Tại vì em nghĩ chính trị rất quan trọng, chị ạ, khi mà thể chế nó thay đổi, nó song hành với một nền luật pháp nghiêm minh, nó bắt con người phải hành động ngay chính chứ không thể làm khác, vì nếu anh vi phạm thì anh sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, nhờ đó con người sẽ không làm điều sai quấy.
Chính trị nó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, đến từng lãnh vực nhỏ trong đời sống của chúng ta, cho nên khi chúng ta có một thể chế chính trị tốt thì chúng ta sẽ xây dựng được những con người tốt. Em nghĩ vậy.
Tin vào giới trẻ
Khánh An: Vâng. Cảm ơn Vy. Thế còn Toàn từ nãy giờ Toàn rất là im tiếng, nhưng Khánh An nghĩ là Toàn theo dõi rất kỹ những tranh luận của các bạn cũng như về những chia sẻ của bác Phạm Toàn.
Bây giờ là câu cuối rồi. Khánh An chỉ muốn hỏi là sau khi theo dõi như thế, nghe những tranh luận như thế và bạn chắc chắn cũng có những kinh nghiệm riêng của bạn trong cuộc sống thường ngày, thì bạn có cảm thấy là bạn có nhiều hy vọng lắm không về cái đích mà mình muốn hướng tới là một xã hội mà sự liêm chính, sự ngay thẳng, sự trung thực được tôn trọng?Minh Toàn: Tất nhiên là mình vẫn còn hy vọng chứ. Luôn luôn là phải hy vọng rồi [Nhà giáo Phạm Toàn cười] nhưng mà có một điều là mình hy vọng trên cơ sở nào. Muốn có một cơ sở để mà con người sau này ngay thẳng hơn nữa thì phải tạo niềm tin để người ta ngay thẳng, tức là khi người ta ngay thẳng, người ta tin tưởng là người ta ngay thẳng được. Khi người ta mất niềm tin vào những người xung quanh, vào xã hội và vào tất cả những gì người ta đang sống thì họ không thể ngay thẳng được. Vậy thôi.
Khánh An: Vâng. Bác Toàn ơi, Khánh An nghe bác Toàn cười (mọi người cùng cười), bác Toàn có ý kiến gì phải không?
Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi nghe các bạn nói tôi thích lắm tại vì các bạn làm cho tôi được có một liều thuốc bổ. Tôi nói thành thật đấy. Thế nhưng mà tâm trạng của tôi là như thế này nhé.
Tôi vẫn hay nói với các bạn rất thân của tôi như thế này, tôi luôn luôn hy vọng một cách tuyệt vọng, bởi vì rằng trước mắt là một con đường hầm không có lối thoát, cho nên tôi mới nói rằng “Tôi hy vọng một cách tuyệt vọng”. Cho đến chết tôi vẫn hy vọng. Thế mà nói một cách khác đấy thì tôi là một người cực kỳ bi quan nhưng mà luôn luôn mỉm cười bởi vì lúc nào cũng thấy vui, lúc nào cũng thấy chắc chắn là mình không thể bi quan mãi được.
Thế nào cũng phải có cái gì đấy, thế nào cũng sẽ có phải thay đổi, thế nào cũng sẽ phải có cái tốt đẹp. Không thể nào lại không có cái tốt đẹp được! Một cái cây mục tự nhiên có cái mầm nẩy lên. Không có cái lý gì lại không có sự sống cả. Tức là tôi vẫn vừa lạc quan vừa bi quan. [Mọi người cùng cười]. Tôi vừa hy vọng vừa tuyệt vọng chứ không tuyệt đối vào một cái gì cả. Tuyệt đối thất vọng thì là dốt, là ngốc, nhưng mà tuyệt đối hy vọng thì cũng có thể là tếu đấy. Cần phải thận trọng hơn, đừng lạc quan quá. Sắp tới có thể có nhiều khó khăn.
Thế nào cũng phải có cái gì đấy, thế nào cũng sẽ có phải thay đổi, thế nào cũng sẽ phải có cái tốt đẹp. Không thể nào lại không có cái tốt đẹp được!Nhà giáo Phạm Toàn
Khánh An: Hình như là những người lớn thì luôn luôn cẩn trọng hơn các bạn trẻ, phải không?
Nhà giáo Phạm Toàn: Đúng như thế, vì thế nên tôi mới cười các bạn và tôi rất yêu các bạn. Tôi rất nhớ ý kiến của Vy với của Hoàng.
Khánh An: Vâng. Khánh An cảm ơn bác Toàn, cảm ơn tất cả các bạn rất là nhiều đã dành thời gian để chia sẻ những điều tâm huyết của mỗi người. Mong rằng chúng ta mỗi người một ít sẽ góp tay vào thì chúng ta sẽ làm được điều gì đó chăng để làm thay đổi xã hội mà mình nghĩ rằng nó cần phải được thay đổi.
Cảm ơn các bạn rất là nhiều. Cảm ơn bác Toàn ạ.
Nhà giáo Phạm Toàn: Cho tôi gửi một lời chào các bạn. Đừng nghĩ đến hy vọng, đừng nghĩ đến tuyệt vọng, đừng nghĩ đến thất vọng, mà là như thế này: Vui! Vui! Đừng lúc nào buồn cả. Còn có lúc không hy vọng, có lúc tuyệt vọng đấy, thế nhưng mà thế này: cứ vui. Đừng có lúc nào buồn cả. Và làm việc. Hễ anh làm việc, anh làm việc một cách vô tư cho dân tộc này, cho con người này, làm việc không công cũng được, không có tiền cũng làm. Anh không được ngồi yên. Anh không bao giờ được nghỉ ngơi cả. Anh không bao giờ được cho phép mình tay buông thõng rồi đấm lưng thùm thụp rằng “tôi dạo này đau lưng, mất ngủ”. Mất ngủ, mặc kệ anh. Anh không được lộ cho mọi người biết anh mất ngủ. Anh làm gì cũng được miễn là lúc nào cũng phải vui. Đồng ý thế không?
Khánh An: Vâng. Cảm ơn rất là nhiều. Xin chào bác.
Thục Vy: Em chào bác Toàn. Em chào chị Khánh An.
Khánh An: Vâng. Chào mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét