Viên Ngọc Nát - Hồi ký của Vương Mộng Long
“Người yêu nước có thể bị giết.
Nhưng tinh thần ái quốc của một dân tộc thì bất diệt.”
(Vương Mộng Long)
---o---
Nhưng tinh thần ái quốc của một dân tộc thì bất diệt.”
(Vương Mộng Long)
---o---
Giữa năm 1978, toán bốn người cựu sĩ quan của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa, tù cải tạo ở Trại 4, Xã Cẩm-Nhân, Yên-Bái, vượt ngục lần thứ nhì, nhưng bị thất bại. Đại Úy Lê Bá Tường chết trong rừng. Còn lại Thiếu Tá Đặng Quốc Trụ, Đại Úy Trần Văn Cả và tôi (Thiếu Tá Vương Mộng Long) bị bắt đưa về tạm giam ở Đoàn 776 Yên-Bái.
Ngày đầu, một vệ binh còn rất trẻ tên Lời đã thẳng tay nện một báng súng A.K vào mặt tôi, một cái răng gãy. Tên vệ binh Cộng-Sản trẻ tuổi này đã nặng tay với tôi, vì hắn vừa tìm thấy trong ba-lô của tôi một bài thơ "phản động". Chưa hả giận, hôm sau y trở lại. Tôi bị quật thêm một báng súng vào ngực, gãy một cái xương sườn.
Qua ngày thứ tư thì chúng tôi bị đưa xuống phà để về Trại 9 bên hồ Thác Bà, Xã Cẩm-Nhân, Yên-Bái.
Hai bạn đồng hành của tôi, Thiếu Tá Trụ và Đại Úy Cả bị nhốt trên nhà kho của trại. Tôi không rõ họ bị đối xử ra sao. Còn tôi là người cầm đầu cuộc vượt ngục này, nên bị tách riêng, giam trong nhà kỷ luật, sát với hàng rào khu cưa xẻ thợ mộc. Tôi bị cùm cả hai chân, còng cả hai tay.
Khi ấy đang mùa hè, trong hầm nóng nực, muỗi như trấu, bất kể đêm, ngày. Da mặt, da cổ, da tay chân của tôi trở nên sần sùi vì muỗi đốt.
Tôi được phát hai cái ống nứa lồ ô dựng gần chân nằm. Một ống nứa để đại tiểu tiện, một để chứa nước uống. Tay bị còng, chân bị cùm, vấn đề đi đại, tiểu tiện quả là một cực hình. Nhưng vì bụng đói liên miên, nên vấn đề đại tiện cũng khó xảy ra thường xuyên.
Cũng do biên bản bàn giao lại từ Đoàn 776, nên từ hôm về Trại 9, ngày nào tôi cũng trải qua một trận đòn hội chợ, kéo dài trên, dưới hai tiếng đồng hồ. Tôi bị bắt đứng giữa phòng trực trại, bốn góc phòng là bốn vệ binh. Tôi bị đánh chuyền tay từ góc này sang góc khác, xoay tròn quanh phòng. Má bên trái vừa lãnh một cú đấm chưa kịp cảm thấy đau thì má bên phải đã lãnh cú đấm tiếp theo. Những đợt máu mũi phọt ra ồng ộc tràn trên má và trên ngực tôi chỉ làm cho những tên vệ binh trẻ tuổi hăng tiết thêm.
Trọng lượng thân tôi thời này còn chừng trên ba mươi ký lô là cùng. Những cú đấm móc tận lực làm cho tôi có cảm tưởng như là đang "bay" từ góc nhà này, sang góc nhà khác. Sau mỗi tiếng "hự!" máu tôi lại trào ra như xối. Không biết máu từ mồm tôi hay từ phổi tôi phun qua hai lỗ mũi thành vòi? Mặt tôi bầm tím sưng vù, đôi mắt híp lại, nhìn một vật hóa hai. Sau khi bị hàng chục cú đá cật lực vào bụng dưới, cứt đái trong bụng tôi cứ tự do tuôn ra quần. Tôi cố nín, cũng không nín được.
Lãnh những trận đòn thù như thế này, tôi mới thấm ý câu hăm he của tên sĩ quan an-ninh Trại 9, "chúng ông sẽ đánh cho mày té đái, vãi phân".
Nhiều lần tôi bị đánh mửa mật xanh, mật vàng mà vẫn chưa được tha; đến lúc tôi mềm như sợi bún, vệ binh mới kéo tôi ra vứt ngoài cửa phòng trực. Có hôm cả giờ sau trực trại mới cho người kè tôi về nhà giam.
Chắc nhiều bạn tù thấy cảnh tôi nằm rũ như cái xác không hồn nơi góc sân phơi sắn khô, nên một người được tha về Ban-Mê-Thuột đã đến nhà ông bà nhạc của tôi kể lại rằng tôi trốn trại và bị vệ binh đánh chết rồi!
Khi nhận tin này, ông anh vợ của tôi lo quá, vội đề nghị với bà mẹ vợ tôi, "Đừng nói cho con Loan hay tin chồng nó chết. Nghe tin này nó không sống nổi đâu! Nó mà chết thì đàn con nó sẽ bơ vơ..."
Những ngày không bị dẫn lên "khung" để lãnh đòn, tôi nằm chờ thời gian trôi qua.
Một tia nắng xuyên khe mái nứa, in một đốm sáng trên nền nhà. Nhìn vị trí đốm nắng di chuyển, tôi biết giờ giấc. Chấm nắng bắt đầu xuất hiện trên vách nhà hướng Tây vào lúc kẻng giải lao thứ nhứt của trại (khoảng chín giờ sáng) rồi từ từ di chuyển dần về hướng đông. Khi tiếng kẻng báo giờ điểm danh chiều (khoảng năm giờ chiều) thì chấm nắng tới giữa vách hướng Đông, thế là hết một ngày!
Hàng ngày, tù nhân của nhà bếp đem cho tôi một bát sắn khô nấu nhão nhoét. Anh ta phải để bát sắn nơi cửa buồng giam; tiếp xúc với người đang bị cùm là điều cấm kỵ!
Khi người tù đưa cơm rời bước, đàn gà của trại vội tranh giành nhau những mẩu sắn trong tô. Tới giữa trưa, tên bộ đội trực trại mới đến mở cửa hầm giam cho tôi ăn bữa cơm tù độc nhất trong ngày. Nhiều khi, tô sắn tới tay, tôi chỉ thấy một mớ bầy hầy đất cát và vài cọng sắn khô cỡ ngón tay. Tôi đói tới run chân, run tay, đói ngủ không được.
Hình như không có "chế độ" ẩm thực nào áp dụng cho những trường hợp tù cải tạo vượt trại. Có hôm tôi được một củ sắn lớn cỡ cườm tay, dài một gang. Cũng có ngày tôi được hai củ khoai lang luộc nặng chừng nửa ký. Thường xuyên, thực đơn cho tù trốn trại là một tô cháo sắn phơi khô rắc muối.
Từ lâu lắm rồi, không nghe ai nhắc tới hai chữ "nhân quyền". Trong thời gian tôi bị cùm ở trại này thì, cứ cách hai hay ba tiếng đồng hồ, một tên bộ đội đi tuần tra lại ghé kiểm soát tình trạng khóa, chốt, còng, cùm một lần. Trong bóng tối, để chắc chắn rằng tôi còn sống, anh ta thường "tiện tay" khện cho tôi một cái bạt tai hay một báng súng để nghe tôi la lên oai oái vì đau.
Đêm nào nghe thấy tiếng chân nhiều người đi tuần, lòng tôi lại phập phồng,... biết đâu?... rất có thể, người ta sẽ ập vào, hè nhau đè tôi xuống, bịt miệng, khóa tay tôi, tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ tôi, rồi lôi thân tôi lên xà nhà, như cách đây hai năm họ đã làm, để giết một anh tù vượt ngục bên Trại 4. Những cái chết như thế sẽ được thông báo là "tù tự tử", thật đơn giản.
Một ngày, khi vệt nắng vừa chấm chân vách tường hướng Tây, từ bên sân của đội cưa xẻ, sát hàng rào có tiếng người nhắn sang, tôi nhận được đó là tiếng thằng bạn thân Vũ Văn Bằng,
" Long ơi! Thợ mộc được lệnh đóng ba cái áo quan. Chắc tụi mày sẽ bị xử bắn. Trưa mai tao sẽ đem cơm cho mày. Mày có nhắn gì cho gia đình thì nói với tao, tao sẽ thư cho gia đình tao, rồi chuyển cho gia đình mày. Tao cứ tưởng tụi mày đã đi thoát, không ngờ..."
Rồi nó nấc lên, nghẹn ngào...
Thằng Bằng cũng là dân Bắc-Kỳ Di Cư như tôi. Chúng tôi thân thiết sáu năm cùng lớp Trung Học Trần Quí Cáp. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài 1, nó tình nguyện đi Khóa 63 A Sĩ-Quan Không-Quân.
Thiếu Tá Vũ Văn Bằng là Trưởng Phòng Quân-Báo Sư Đoàn 6 Không-Quân. Mỗi lần từ tiền đồn về thăm Pleiku, tôi thường gặp nó.
Nằm trong cùm, nghe tiếng khóc của người bạn đồng môn, lòng tôi chạnh nhớ ngôi trường đã đào tạo tôi thành người.
Tiếng thày hiệu trưởng Tăng Dục, ngày đầu Đệ Thất, còn đâu đây,
"Trường chúng ta được hân hạnh mang tên Trần Quí Cáp. Cụ Trần là một vị anh hùng ái quốc. Thày mong muốn các em chăm chỉ học hành, để sau này thành đạt, ra giúp nước, làm rạng danh cho trường."
Hôm ấy có một vị khách, vốn là một giáo viên, bạn của thày hiệu trưởng, tới thăm và nói chuyện. Vị khách này là thân sinh ra anh Phạm Phú Nhàn, người ngồi bên cạnh tôi.
Ông khách mở đầu bài diễn văn bằng một câu mà tôi nhớ cả đời,
"Tụi mi nhớ đây! Thà làm một viên ngọc nát, chứ không làm một viên ngói lành. Nếu tụi mi không chăm chỉ học hành thì suốt đời tụi mi chỉ là những cục cứt xái mà thôi!"
Sau đó ông già dài dòng kể về lý lịch và cuộc đời người anh hùng ái quốc Trần Quí Cáp, qua đấy, chúng tôi biết cụ Trần vì yêu quê hương, yêu đồng bào, nên đã bị cầm tù, bị đưa lên đoạn đầu đài.
Tôi lớn lên, tự hào và hãnh diện là một đứa con của cụ Trần. Tôi cứ nhớ mãi hai danh từ "viên ngọc nát"' và "cục cứt xái" mà ông bố anh bạn học của tôi đã đem ra ví von trong câu truyện khuyên nhủ tụi nhỏ.
Tháng Năm năm 1908 cụ Trần Quí Cáp đã bị đưa ra pháp trường, xử trảm ngang lưng. Ngày đó khóc bạn, cụ Phan Bội Châu đã viết,
"Ngọc toái bất ngõa toàn, tam tự ngục hàn, sơn hải khấp
Hồng khinh nhi thái trọng, thiên thu luận định, nhật tinh huyền." (Phan Bội Châu)
Dịch:
Ngọc nát vẫn hơn ngói lành, nhà tù ba chữ, núi biển khóc
Thái Sơn nặng, lông hồng nhẹ, bàn luận nghìn năm, còn thấy sao trời sáng.
Bảy chục năm sau, tháng Năm năm 1978, một người vì yêu đất nước, yêu đồng bào cũng đang nằm chờ giờ ra pháp trường.
Hai người, tôi và cụ Trần Quí Cáp, tuy sinh ra không cùng thế kỷ, nhưng đã phạm cùng một tội: "Tội mất nước" (Phan Bội Châu)
Thế mới biết, những người yêu nước có thể bị giết, nhưng tinh thần ái quốc của một dân tộc thì bất diệt.
Trưa nay nghe tiếng khóc của thằng bạn, tôi thở dài,
"Thôi thế cũng là xong! Cứ coi như một lần ra trận..."
Mười hai năm lửa đạn, vào sinh ra tử, tôi đã không ngừng cố gắng để hoàn thành phần nào ước vọng của thày tôi ngày đầu Đệ Thất. Là đệ tử của cụ Trần Quí Cáp, tôi đã noi gương cụ, cống hiến trọn đời tôi cho tổ quốc.
Tiếc thay, đất nước tôi đã tới thời mạt vận, nên tôi đành chấp nhận những tai ương giáng xuống số phận mình.
Đêm hôm đó tôi thức trắng. Tôi nằm im, nhắm đôi mắt lại, mường tượng ra trong trí, từng khuôn mặt của những người thân. Trước hình ảnh mỗi người, tôi lẩm nhẩm nhắn nhủ lời vĩnh biệt. Lần lượt, tôi chia tay với mẹ tôi, rồi tới vợ tôi, cùng ba đứa con gái.
Đến lúc phải tưởng tượng ra khuôn mặt thằng con út thì óc tôi quay mòng mòng. Tôi không làm sao vẽ ra trong trí khuôn mặt của thằng con. Nó sinh ra ba tháng sau ngày Miền Nam sụp đổ, lúc đó tôi đã ở trong tù rồi.
Trưa hôm sau thằng Bằng năn nỉ anh bạn tù trưởng bếp để nó thay anh ta đem phần ăn một ngày sắn khô cho tôi. Nó đứng ngoài cửa buồng giam, miệng cười hô hố,
- Long ơi! Chiều hôm qua, sau khi đóng xong ba cái áo quan, về lán tao không ngủ được. Tao buồn, tao thương mày, tao khóc suốt đêm. Sáng nay tao mới biết, Trại 7 có năm thằng chết đuối vì bị chìm mảng khi đi chặt nứa. Nhưng Trại 7 chỉ có hai cái áo quan, nên tụi tao phải đóng thêm ba cái nữa. Thế mà tao cứ ngỡ là áo quan để dành cho ba đứa tụi mày...
Thằng Bằng chưa dứt lời đã có tiếng vệ binh quát tháo,
- Anh kia! Đem cơm cho "phạm" xong là phải đi ngay. Lớ ngớ ở đây tôi cho một báng súng bây giờ.
Lúc đó vệt nắng nằm ngay giữa nền nhà, đúng Ngọ! Anh bạn Thiếu Tá Vũ Văn Bằng vừa báo cho tôi một tin vui. Như vậy là, ít nhứt tôi cũng còn sống thêm một, vài ngày nữa!
Nhưng vừa cảm thấy vui đó, lòng tôi lại chùng xuống ngay. Bởi vì, suy nghĩ lại, thì đó cũng là một tin rất buồn, vì tôi vừa mất năm đồng đội. Mai đây, ở một nơi xa xôi nào đó, trong Nam, sẽ có năm gia đình đau khổ vô cùng khi được báo tin này.
Chuyện ra pháp trường của tôi đã không xảy ra. Hôm sau chúng tôi bị chuyển trại. Ba người bị trói quặt hai tay ra đàng sau. Thêm vào đó là một sợi thừng được buộc vào cánh tay phải của tôi, luồn qua lưng anh Trụ, tới cánh tay trái của anh Cả. Đi hướng nào, chúng tôi cũng bị dính chùm.
Hai khẩu A.K kèm chúng tôi rời Trại 9 vào giờ tù tập họp đi lao động. Những khuôn mặt hốc hác vì đói khát của đồng đội đang hướng về phía chúng tôi. Có đôi bàn tay gầy guộc đưa lên má vội vàng quệt nước mắt.
Chúng tôi bị dẫn đi một vòng quanh chợ Cẩm-Nhân để cho dân địa phương coi mặt. Cũng may, lần này dân chúng chỉ đứng nhìn theo ba người tù bị trói một cách tò mò, không có ai chạy theo ném đá hay đả đảo, sỉ nhục chúng tôi như thời 1976.
Năm 1976, sau khi bị bắt vì tội vượt ngục lần đầu từ Trại 3, tôi và Thiếu Tá Đặng Quốc Trụ đã bị trói ngoặt cánh khuỷu, rồi bị dẫn riệu qua đây để dân địa phương bày tỏ lòng căm thù “Ngụy Quân ác ôn". Chúng tôi bị ném đá sưng đầu, sưng cổ.
Cùng thời gian đó, toán bị bắt bên kia sông Hồng, về qua đây cũng bị dân đánh đập tơi bời, Thiếu Tá Hồ Văn Hòa gãy xương sườn, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm sưng vù hai má, Thiếu Tá Trần Tấn Hòa dập mũi.
Riêng toán đi từ Trại 4 là bị "chiếu cố" kỹ càng nhứt: Đại Úy Nguyễn Tấn Á bị đánh bằng đòn gánh, xệ vai trái, Thiếu Tá Chu Trí Lệ bị quật lọi cẳng chân, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Đông bị đấm lòi mắt. Không những thế, ba anh này còn bị nhốt trong chuồng trâu, bị dân quân nắm tóc, dúi mặt vào hố phân trâu bò nhiều đợt, xém chết ngạt.
Trong hai năm bị giam giữ ở đây, chúng tôi có nhiều dịp đi lao động "vần công" với các hợp tác xã nông nghiệp của dân địa phương. Qua những lần tiếp xúc ấy, người dân có lẽ đã nhận ra rằng, những sĩ quan Việt-Nam Cộng-Hòa không phải là những kẻ "ác ôn" như họ từng nghe chế độ Bắc-Việt tuyên truyền. Dần dà, dân chúng nơi này đã nhìn chúng tôi với đôi mắt khác xưa. Càng ngày, dân trong vùng càng tỏ ra thân thiện với chúng tôi hơn.
Rời chợ Cẩm-Nhân, vệ binh dẫn chúng tôi nhắm hướng Lũng Ngàn: thế là chúng tôi về lại Trại 4!
Tháng Tám năm 1976 tôi đã bị cùm ở buồng giam Trại 4 hơn ba tháng trời. Rồi cũng từ nơi này, đầu năm 1978, tôi lại xuất phát cuộc vượt ngục lần thứ hai.
Nay bị đưa trở lại nơi đây để chấp cung thì quả là điều đáng sợ đối với tôi.
Cũng như ở bên Trại 9, hai bạn tôi bị nhốt trên ban chỉ huy. Còn tôi bị cùm riêng trong nhà kỷ luật nơi góc trái cổng trại, sát hàng rào, bên bờ suối.
Vừa đặt chân vào phòng giam, tôi đã nhìn thấy một cái cùm mới cáo cạnh. Cái cùm chân này tinh vi và chắc chắn hơn cái cũ nhiều.
Trước đây, năm 1976, chân người bị cùm có thể duỗi dài thoải mái, hai chân sát đất trong buồng giam.
Lần này cùm làm bằng hai tấm ván ghép, mỗi tấm được khoét hai nửa vòng tròn vừa cổ chân. Sau khi gác hai cổ chân tù nhân lên hai hình bán nguyệt của tấm ván dưới, cai tù sẽ kéo sập tấm ván trên xuống và khóa chốt. Thế là, tù nhân chỉ còn cách nằm ngửa, vắt hai chân lên cao 45 độ. Chân người bị phạt sẽ lòi ra ngoài ô cửa sổ đầu hồi. Lính canh không phải đi tới cửa buồng giam, mà chỉ cần bước qua cổng chính là đã nhìn thấy đôi chân người có tội rồi.
Sau này tôi mới biết, cái cùm đó được hoàn thành chỉ vài ngày trước khi chúng tôi bị giải về đây. Người vẽ kiểu cùm là viên Thượng Úy Việt-Cộng tên Xuyên, Chính Trị Viên của Trại 4. Người tù thợ mộc được giao nhiệm vụ đóng cái cùm lại là một cựu Hải Quân Thiếu Tá VNCH, bạn cùng lớp Trần Quí Cáp của tôi.
Còng tay là một cặp khoen sắt rèn số 8 vừa sát với cổ tay. Khóa của nó là loại khóa cửa, lớn bằng bàn tay, nặng chừng một ký lô. Cái khóa này đè trên ngực làm cho tù nhân khó thở vô cùng.
Ngay buổi chiều đầu tiên, tôi đã bị tên vệ binh Lê Văn Tưởng tới "hỏi thăm sức khỏe".
Vệ binh Lê Văn Tưởng và vệ binh Hồ Ngọc Thắng, biệt danh "Thắng Bo" là hai hung thần của Trại 4. Thấy bóng dáng hai tên này từ đàng xa, anh em bạn tù đã run rồi.
Tên Tưởng ló đầu bên cửa sổ đầu hồi, đôi mắt chớp chớp, miệng cười cười,
- Anh Long ơi! Mạnh khỏe chứ?
- Thưa anh bộ đội, tôi vẫn khỏe.
- Người ta đồn, nửa đường, máy bay lên thẳng của Mỹ đến đón, nhưng các anh thích đi bộ cho khỏe chân, nên mới bị bắt lại, có đúng không?
- Tôi không biết chuyện này anh bộ đội ạ!
- Mình "nhớ" anh muốn chết! Anh có "nhớ” mình không?
Tôi lặng thinh.
- Anh đi vắng mấy ngày? Anh nhỉ?
- Tôi trốn sáu mươi bốn ngày.
Tên bộ đội gỡ cái băng đạn A.K ra khỏi súng, nhoài người qua cửa sổ,
- Sáu mươi tư ngày! Kỷ lục đấy!
Hắn dơ cao cái băng chứa đầy đạn A.K gõ xuống hai chân đang bị cùm của tôi, rồi lớn tiếng dõng dạc đếm,
- Một!...Hai! ...Ba!... Bốn!...
Sống của cái băng đạn giáng trên xương ống quyển làm cho tôi thót tim. Tôi la lên,
"Ối!... Ối!...Ối! ..."
Thấy tôi đau líu lưỡi, Tưởng cười khoái trá. Nó cười bằng miệng, và cười cả bằng đôi mắt,
- Anh Long đi vắng sáu mươi tư ngày. Tôi khổ vì anh sáu mươi tư ngày. Tôi sẽ gõ chân anh sáu mươi tư lần để anh nhớ! Mười hai! Mười ba! Mười...
Tôi đau đến chảy nước mắt, đau nhảy nhổm, đau quằn quại, giẫy đành đạch.
Vệ binh Lê Văn Tưởng vẫn tỉnh bơ, mặt không đổi sắc, tay nó dơ lên, giáng xuống, đều đều...
Ống chân tôi sưng lên, rồi tóe máu. Mắt tôi bắt đầu hoa, tai tôi ù như sắp điếc đặc.
Đau quá, tôi điên tiết, ngồi bật dậy. Tôi dơ hai tay có cái còng lên cao, nện một phát thẳng cánh, trúng cổ tay thằng mất dạy.
Bất ngờ bị một cú đau điếng, nó buông rơi băng đạn. Mặt nó đổi sắc thành màu tím. Nó nghiến răng, rít lên,
- Tiên sư cha nhà mày! Ông cho mày biết tay. Từ nay mày chỉ còn nước bò thôi, hết đi được nữa rồi! Con ơi!...
Nó cúi xuống rút con dao găm đeo trên dây lưng. Một tay nó cầm bàn chân phải của tôi, tay kia dí mũi dao vào nhượng chân. Chỉ một giây đồng hồ nữa là gân nhượng chân tôi bị cắt! Tôi sẽ thành phế nhân!
- Ngừng tay ngay!
Tiếng quát của ai đó làm cho tên khát máu chùn tay, mũi nhọn của con dao găm vừa chạm lớp da khuỷu chân tôi thì ngừng lại.
Người vừa quát là cán bộ Vấn.
- Đồng chí có nhiệm vụ gì ở đây? Sao lại định cắt gân chân người ta?
- Thủ trưởng ơi! Thằng này hỗn láo quá! Nó chửi tôi. Tôi phải dạy nó một bài học.
Cán bộ Vấn nghiêm giọng,
- Chuyện gì cũng phải báo cáo với cấp trên. Đồng chí không được tự tiện.
Hung thần họ Lê đi vòng sang cửa chính, khom mình lượm cái băng đạn. Nó lườm lườm nhìn tôi với đôi mắt căm hờn,
- Tiên sư cha mày! Số mày còn may lắm đấy!
Tôi cũng nghiến răng, trợn mắt, nhìn ngay mặt nó,
- Tổ mẹ mày! Đồ con chó!
Cán bộ Vấn ra lệnh,
- Đồng chí Tưởng ra khỏi đây ngay! Từ nay, nếu không phải phiên trực, tôi cấm đồng chí léo hánh tới đây.
Chờ cho tên Tưởng qua khỏi cổng, cán bộ Vấn mới bước tới sát cửa phòng giam, nhỏ giọng nói với tôi,
- Chuyện đâu còn có đó. Anh Long yên chí nằm nghỉ đi, đừng lo nghĩ gì cả.
Viên Trung Úy Cộng-Sản tên Bùi Văn Vấn này là dân Hải-Dương. Anh ta làm quản giáo ở đây từ ngày mới lập trại.
-----o-----
Đêm tháng Năm, muỗi vo ve...
Ngoài rào có tiếng chân người lội lõm bõm dưới nước; chắc đó là ông già Khê người dân tộc Tày? Đêm nào già Khê cũng đi cắm cần câu cá dọc theo con suối.
Nhà của già Khê nằm sát rào Trại 4. Trước khi trốn trại, mỗi lần tôi đi ngang qua rào, ông cụ tốt bụng này thường dúi cho tôi một gói ớt hiểm, kèm với lời dặn dò,
"Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, nhớ mỗi ngày làm một quả ớt hiểm để chống sốt rét, ngã nước!"
Có ánh đèn pin loang loáng, rồi tôi nghe già Khê lớn tiếng hỏi người nào đó,
- Làm gì mà ngồi đây thế? Thấy hết hồn... tưởng ma!
Người kia trả lời,
- Suỵt! ... Suỵt!... Cháu... ngồi ...chơi...
Tiếng người này nhỏ nhí, nhưng tôi vẫn nghe được đó là tiếng vệ binh Đèo Văn Thắng. Trại 4 có hai vệ binh tên là Thắng. Đèo Văn Thắng người Cao-Bằng, hiền như bụt nên chúng tôi gọi là "Thắng Phật". Tính nết "Thắng Phật" trái ngược hẳn với "Thắng Bo" Hồ Ngọc Thắng người Bắc-Thái rất độc ác dữ dằn. Gặp điều không vừa ý, "Thắng Bo" đánh tù không nương tay. Chữ "Bo" là từ chữ "Porteur" tiếng Pháp, có nghĩa là "phu khuân vác". Biệt danh của hai vệ binh tên Thắng đều do anh em tù Trại 4 đặt ra, và truyền miệng với nhau.
Già Khê lại lớn tiếng thắc mắc,
- Ngồi chơi mà chong súng như canh kẻ trộm? Có báo động hử?
- Không...không...cháu ngồi chơi mà...
- Ừ! thôi nhá! Có rảnh vào nhà rít điếu thuốc lào rồi hãy về...
- Vâng...vâng...
Sau đó tôi nghe mấy tiếng “Thịch! Thịch! Thịch!...” trên nền đất, có lẽ già Khê đang dậm dậm gót chân vài cái cho ráo nước?
Rồi tiếng chân bước xa dần, đêm trở lại với mớ âm thanh hỗn độn của ếch nhái, côn trùng...
Tôi đang thiu thiu sắp ngủ thì có bóng người bước vào. Người đó vỗ nhè nhẹ bên hông tôi,
- Dậy! Dậy mau! Ban chỉ huy trại thấy anh tiến bộ nên xét tha cho anh về lán đấy!
Tên vệ binh cúi xuống lấy chìa khóa mở còng tay cho tôi, rồi y đi vòng ra ngoài đầu hồi tháo chốt cái cùm chân.
Bất ngờ nghe lệnh được tha về đội lao động, tôi vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ.
Tôi chưa đứng vững, tên bộ đội đã thúc giục,
- Đi mau! Anh lên "khung" gặp trực trại, ký giấy tha rồi về lán cho sớm!
Tôi thấy ngoài trời tối đen như mực, nên chùn bước,
- Tối thế này làm sao thấy đường mà đi? Mọi đêm, các anh dẫn tôi đi đâu cũng có cái đèn bão mà?
- Hôm nay chỉ lên ký cái giấy thôi, cần gì đèn với đóm?
Linh tính báo cho tôi biết, hình như có điều gì không ổn, nên tôi vội ngồi bệt xuống bực cửa,
- Tôi không đi đâu! Muốn tôi đi, phải có đèn, đi không đèn thì vệ binh gác trên chòi sẽ bắn tôi chết!
Tên bộ đội thấy tôi ngồi ì ra trước thềm, bèn rút túi, lấy ra một khúc nến. Y bật quẹt đốt nến lên, trao cho tôi,
- Đây! Đèn đây, anh cầm lấy rồi đứng lên đi đi!
Tôi ù lì,
- Nếu anh đưa cái đèn bão, tôi sẽ cầm đi ngay. Cây nến này ra gió là tắt liền, tôi không đi đâu!
Tức quá, nó quát ầm lên,
- A! Cứng đầu hả? Anh không đi, tôi điệu anh đi!
"Huỵch! Huỵch!"
Bị hai cái báng súng đánh vào vai, đau lắm, nhưng vẫn không nao núng, tôi cứ ngồi ôm chặt cây cột cửa không chịu buông.
Sau cùng, thằng vệ binh đành quàng khẩu súng ngang vai để hai tay nó được tự do nắm cổ áo tôi, lôi ra cửa. Biết mình không đủ sức vật nhau để cướp súng, tôi đành ôm cánh tay kẻ thù, nhe răng cắn tới tấp. Đau quá, nó đành buông tôi ra. Tay xoa chỗ bị cắn, miệng nó chửi,
- Đồ chó cắn càn!
Tôi la lên,
- Anh muốn bắn tôi phải không? Bắn thì bắn bây giờ đi! Tôi không ngu mà bước ra cổng cho anh bắn đâu! Tôi biết tỏng... tòng... tong... âm mưu của anh rồi!
Hình như câu nói đó làm cho tên vệ binh chạm nọc, nó ấp úng,
- Ấy! Ấy! Tôi không bắn anh đâu! Mà sao anh biết? Ơ ...ơ ...ơ...
Bộ dạng bối rối của thằng cai tù kèm với câu “Mà sao anh biết?...” khiến tôi suy ra ngay,
“Đúng rồi! Tụi nó gài cho mình không đèn đóm đi ra cổng để giết mình! Mấy thằng bộ đội chong súng ngoài kia đang ngồi phục kích chờ bắn mình chứ đâu phải ngồi chơi?”
Thấy chết đến nơi, tôi đánh nước liều, chõ mồm về hướng các lán tù, tôi gào lên,
- Anh em ơi! Người ta giết tôi! Anh em ơi! Chúng nó bắt tôi đi ra khỏi rào để bắn tôi! Anh em ơi! Cứu tôi với!
Ngay từ lúc đôi bên giằng co, đã có vài người tù ở Lán 1 và Lán 5 ló đầu ra theo dõi. Nghe tiếng tôi kêu cứu, họ cũng hét ầm lên,
- Không được giết người! Không được giết người!
- Chúng nó giết tù! Anh em ơi! Chúng nó giết tù! Anh em ơi!
Tiếng la lớn nhứt tôi nghe được, rõ ràng là tiếng của Đại Úy Phạm Xuân Độ.
Gặp cảnh bất ngờ, tên bộ đội đứng ngẩn người, không biết xử trí ra sao.
Bỗng có ba tiếng súng chỉ thiên phát ra từ chòi gác ngoài cổng trại. Rồi một tốp bộ đội ôm A.K chạy túa vào sân. Tên trưởng toán vệ binh thét lớn,
- Tù làm loạn hả? Vào lán! Đóng cửa lại! Đứa nào lớ ngớ ngoài hiên chúng ông bắn bỏ mẹ! Nghe chưa?
Có tiếng lên đạn, "Cà róch!... Cà rách!..."
Tôi bị tống năm, sáu báng súng vào ngực, vào lưng, rồi bị đẩy vào nhà kỷ luật trở lại. Hai phút sau, còng, cùm khóa xong. Vệ binh tản mát dần. Cảnh vật lại yên tĩnh như không có gì xảy ra.
Trại tù đèn tắt tối thui, nhưng tôi yên tâm nhắm mắt ngủ, vì tôi tin tưởng rằng qua khe vách liếp của các lán tù, thế nào cũng có vài đôi mắt đang theo dõi sự an nguy của tôi.
Sáng hôm sau, trước khi nghe tiếng kẻng xuất trại lao động, có bốn, năm người bị gọi lên trình diện cán bộ an ninh của trại, trong số này có anh Phạm Xuân Độ. Đại Úy Biệt Động Quân Phạm Xuân Độ là một người đàn em trong đơn vị tôi. Tôi và Độ thân nhau như anh em ruột.
Khi đi ngang qua nhà giam, Độ lớn tiếng, cốt cho tôi nghe,
“Thái Sơn ơi! Đàn em không bỏ đại ca đâu! Đại ca ơi!”
Tôi ngồi nhìn theo bóng chú Độ, lòng bồn chồn, thấp thỏm không yên.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, nhóm tù dính líu tới vụ lộn xộn đêm qua được thả về. Ngang qua chỗ tôi ngồi, Độ lại phát thanh bổng,
“Thái Sơn ơi! Chỉ có một tờ kiểm điểm, không nhằm nhò gì.”
Nghe vậy, tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm, hết lo âu.
Mấy cái báng súng đêm trước đã khơi động những chấn thương cũ trong thân thể tôi. Tôi chợt thấy ngực mình đau nhói một cách kỳ lạ.
"Bục!...Bục!...Ục!...Ục!..."
Ruột gan tôi như đang lộn lạo, sôi sùng sục. Có một vật gì tròn tròn, mềm mềm như cái bong bóng đang tìm đường chui qua cổ họng tôi để thoát ra ngoài.
"Ộc!...Ộc! Phè!...Phè!..." Máu từ ngực tôi vọt qua hai hàm răng, văng tung tóe trên đùi và trên nền ván gỗ.
Tôi ói máu liên tục. Lúc này, trước mắt tôi chỉ còn những đốm sao chớp chớp, lập lòe. Rồi tất cả tối sầm lại, đen đặc. Tôi gục đầu hôn mê trên chiếc còng tay...
"Lai tỉnh đi Long! Long ơi!... Lai tỉnh đi Long!..."
Tôi mở mắt ra, thấy mình đang nằm thoải mái trên nền đất nhầy nhụa, hôi tanh, tay không còng, chân không cùm. Ông thầy thuốc Nam của trại một tay bóp miệng cho tôi thở, tay kia không ngừng giựt giựt mớ tóc mai bên thái dương tôi.
Cán bộ Nghiễm trực trại, đang đứng trước cửa theo dõi. Thấy tôi mở mắt tỉnh lại, y buột miệng,
- Tưởng đi luôn rồi chứ!
Sau đó y ra lệnh cho tên lính gác,
- Dẫn nó ra suối!
Thế rồi, sau nhiều ngày ủ mình trong bộ quần áo kaki đầy máu me, cứt đái hôi thối, tôi được đi tắm. Sức yếu, hai chân lại đau, tôi đi không nổi, đành phải bò. Tới cổng, tôi níu vào hàng rào đứng lên, cố gắng lần mò từng bước. Có hai anh bạn đánh liều chạy tới đỡ, dìu tôi đi. Thấy thế, vệ binh cũng làm ngơ.
Trong lúc tôi đi vắng, một anh bạn tù bị bắt làm công tác vệ sinh nhà giam với một thúng tro.
Tới suối, tôi tụt hết quần áo, lết nhanh xuống dòng nước mát. Hai tên lính canh đã ghìm súng ngồi sẵn trên bờ. Cán bộ Nghiễm ra điều kiện,
- Anh Long có mười phút tắm gội. Cấm không được lặn!
Tôi bỏ ngoài tai lời đe dọa, cứ gục đầu xuống uống đầy một bụng nước, rồi lặn ngụp, vò đầu vò tai. Những con cá lòng tong bu vào gặm nhấm lớp da phủ vảy máu mủ chưa khô trên ống quyển. Lúc đầu, răng cá làm cho những vết thương chân của tôi thật là đã ngứa. Sau đó máu tươm ra, tôi bắt đầu cảm thấy xót, thấy đau.
Buổi chiều, trực trại sai hai bạn tù kè nách đưa tôi lên phòng làm việc. Tôi phải viết hai tờ tự kiểm, phải thành tâm hối hận về hành động trốn trại vừa qua để xin ban chỉ huy trại khoan hồng.
Tôi nại cớ hai tay bị cùm, bị đánh, đã tê dại, không cầm bút được. Thế là một anh bạn gốc Không Quân đang ngồi tỉa bắp trên kho bị điệu vào ghi chép tờ tự khai cho tôi. Tôi nói anh bạn muốn viết gì thì viết, rồi tôi nhắm mắt ký bừa, không cần đọc lại. Lúc nộp hai tờ tự kiểm cho cán bộ, hình như anh ta đã ghi lộn họ Vương của tôi thành họ... Nguyễn thì phải?
Trong thời gian chờ cán bộ của Nha Quân-Pháp Bộ Quốc-Phòng Cộng-Sản từ Hà-Nội về chấp cung, tôi không được đi ra ngoài. Mọi sinh hoạt tiêu, tiểu đều ở ngay chỗ nằm. Hằng ngày, ông thầy thuốc Nam của trại có nhiệm vụ đi vứt cứt đái cho tôi. Biết tôi bị nội thương, ông ta lén dấu cho tôi vài viên xuyên tâm liên. Ông thầy thuốc này cũng là tù cải tạo. Tù mắc bịnh gì ông ta cũng cho uống xuyên tâm liên! Từ thời ông ta đảm nhận công tác y tế của trại, tôi chưa thấy ai chết vì xuyên tâm liên cả.
Ngày Chủ Nhật, trại được nghỉ lao động. Hai cổng trước sau đều bị khóa. Tên lính gác trên chòi cao ngồi ngủ gà ngủ gật. Các bạn tù túa ra sân, người thì tay chân bận bịu với ca cóng trong việc nấu nướng, kẻ tụ họp đánh cờ, vài anh khác mải mê tập thể dục, dưỡng sinh. Có bóng người lạng qua cửa nhà cùm.
"Vèo!...Vèo!...Độp!...Độp!..." vài cục đường thẻ và mấy củ khoai lang luộc được quăng vào nhà kỷ luật.
Hai củ khoai bay tuốt vào góc phòng, ngoài tầm tay với. Còn hai cục đường vì nhẹ, nên rơi nơi bục cửa, tôi chụp lẹ, rồi đưa ngay vào mồm.
Oái oăm làm sao! Cục đường trong miệng lại nằm kẹt ngay chỗ cái răng đã bị tên Lời đập gãy, tôi đau điếng người! Cả hàm răng tê tái, cứng đờ, cục đường nằm trong họng mãi không chịu tan.
Hai ông bạn tù vừa ném đồ ăn cho tôi, một ông là Hải Quân Thiếu Tá Trần Văn Căn, bạn cùng lớp Trần Quí Cáp, người thứ nhì là Đại Úy Vương Thành Lân Khóa 19 Võ-Bị.
Lâu ngày mới thấy chất ngọt, nước dãi trong mồm tôi tiết ra ào ào, nuốt không kịp.
Tới trưa hôm đó mới khổ! Tôi chưa kịp cởi quần đã bị "Tào Tháo" đuổi, bắt tại chỗ! Tay còng, chân cùm, tôi đành nằm chịu trận.
Chờ mãi, tôi mới thấy bóng dáng ông thầy thuốc Nam trước cửa nhà bếp. Tôi lên tiếng gọi, rồi mắc cỡ, nói với ông ta rằng vì bị trúng gió, tôi đã "bĩnh" ra quần.
Ông lang sốt sắng chạy vội lên gặp cán bộ trực trại. Tôi được "chiếu cố" cho ra suối tắm rửa lần nữa.
Hai ngày sau, vào lúc xế chiều, cán bộ Vấn xuất hiện. Đứng chân trong, chân ngoài ngạch cửa, anh ta dặn dò,
- Ngày mai có người từ trên Bộ xuống chấp cung. Tính mạng của anh coi như an toàn rồi đấy! Tôi cũng mừng cho anh. Có điều là cần kín miệng.
Nói vừa xong câu, anh ta vội vàng xoay lưng, bước đi.
Chín giờ sáng ngày hôm sau, tôi ngồi đối mặt với một thượng úy của Nha Quân-Pháp Cộng-Sản. Công tác chấp cung xảy ra đúng ba ngày.
Ngày thứ nhứt...
Tay nhấn cái nút "Play" màu trắng, đồng thời với cái nút "Record" màu đỏ của chiếc cassette để trên bàn, tên cán bộ bắt đầu cuộc thẩm vấn,
- Trong thời gian ở Trại 4 này, cán bộ và chiến sĩ của trại có làm điều gì trái với chính sách của đảng và nhà nước khiến cho anh và các trại viên khác bất mãn không?
Tôi thoáng nghĩ,
"Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, mình có nói ra những hà khắc, bất nhân của cán binh trại này, chưa chắc hắn ta đã làm được điều gì thay đổi. Mà không chừng, tố cáo những gì mình chứng kiến, có khi còn mang vạ vào thân..."
Hai bàn tay xếp trên đùi, tôi tránh đôi mắt người đối diện,
- Thưa cán bộ, tôi thấy rằng ở trại nào thì chế độ cũng như nhau. Tôi không có điều gì để khiếu nại cả.
- Vậy thì, nguyên nhân nào đã khiến anh vượt trại?
- Tôi trốn trại là để đi tìm tự do.
- Sao lại phải đi tìm? Bao giờ học tập xong, anh sẽ được trả tự do thôi!
Ngẩng đầu lên, thấy vẻ mặt người sĩ quan Cộng-Sản không có nét gì là giận dữ, tôi đánh bạo,
- Thưa cán bộ. Cán bộ có thể cho tôi biết, đến bao giờ thì khóa học của tôi mới chấm dứt?
Thừ người ra một phút, viên thượng úy nhịp nhịp cái bút chì trên mặt bàn,
- Cái ấy cũng tùy, một năm, vài ba năm, tùy nơi các anh...
Lúc đó mắt tôi chợt nhìn thấy trong góc phòng một cái giá súng, trên đó dựng bốn khẩu A.K của vệ binh. Một ý nghĩ thoáng qua,
"Hai giây đồng hồ để nhảy từ đây tới cái giá súng. Một giây chụp khẩu A.K. Một giây kéo cơ bẩm. Hai giây vượt qua cửa sổ. Một phút sau có mặt trong vườn sắn. Lính canh trên chòi gác không thể quan sát được phía sau vườn sắn. Phải tốn ít nhất là năm phút, vệ binh mới tập họp xong. Chỉ cần năm phút phù du ấy là ta đã lên tới Lũng Ngàn rồi!"
Tiếng gõ nhịp bút chì chợt ngừng thình lình. Tôi liếc mắt thấy vẻ mặt hơi thất sắc của tên cán bộ. Hình như hắn ta đã thấy mắt tôi đang dán vào cái giá súng?
Y vụt xô ghế, đứng dậy,
- Thôi anh về nghỉ, ngày mai ta làm việc tiếp.
Tôi chột dạ, nhưng cũng không tỏ vẻ bối rối. Phải chống hai tay lên ghế lấy đà, tôi mới từ từ đứng lên được. Lúc này tôi chợt sực tỉnh: sức tôi yếu quá! Tôi đứng còn khó khăn, nói chi tới chuyện chạy, nhảy, leo trèo?
Ngày thứ nhì...
Bước vào phòng trực, tôi không còn thấy cái giá súng A.K trong góc nhà nữa. Bên ngoài cửa sổ thấp thoáng bóng vệ binh ôm súng, rảo bước đi qua, đi lại.
Chờ cho tôi ngồi xuống ghế, viên sĩ quan quân pháp chỉ tay vào một cái bịch giấy dày cộm trên bàn,
- Tôi đã có toàn bộ hồ sơ quân bạ của anh Long ở đây. Đầy đủ hết! Từ bản tướng mạo công vụ, cho tới từng cái giấy phạt, giấy khen, huy chương, khai sinh, giá thú ... không thiếu bất cứ thứ gì. Nếu không tin, anh có thể tự tay kiểm tra lại, xem tôi nói có đúng không?
Rồi y rút ra đưa cho tôi mấy tờ huy chương và bản tướng mạo công vụ của tôi. Thoáng nhìn thôi, tôi đã biết đó là thứ thật.
Thấy tôi có vẻ không hứng thú với việc đọc mớ giấy tờ kia, hắn từ tốn cất chúng vào bao trở lại, rồi gật gù,
- Hôm nay chương trình sẽ là nghe vài cuộn băng.
Cuộn băng thứ nhứt dài nửa giờ ghi lại phiên tòa ngoài trời, cách đây không lâu, xử một anh tù cải tạo tên Phê (?) trốn trại ở đâu dưới Vĩnh-Phú hay Thanh-Hóa gì đó. Tiếng loa vang vang lời kết tội phát ra từ miệng một "cải tạo viên", có lẽ là trật tự hay thi đua,
"Tên ngụy quân này đã ngoan cố vượt trại, không chịu học tập! Đề nghị xử tử!"
Hàng chục người khác nhao nhao tán đồng,
"Đồng ý! "..."Nhất trí!"..."Đồng ý!"..."Nhất trí!"...
Một người nữa phát biểu,
"Thằng này đã cướp súng bắn lại cán bộ! Phải xử tử nó ngay!"
Đám đông lại thét gào,
"Xử tử!"..."Xử tử!"..."Xử tử!"...
Một ý kiến khác,
"Chúng tôi không an tâm học tập khi tên ác ôn này còn sống và tiếp tục quấy rối chúng tôi..."
Khán giả dường như đã say máu,
"Xử tử nó đi!"..."Xử tử nó ngay!"..."Xử tử nó!"..."Xử tử!"...
Đa nghi cách mấy tôi cũng không thể nói cuộn băng này là giả tạo được! Rõ mồn một, đấy là tiếng nói, tiếng la, tiếng hét của đồng đội tôi. Tôi không thể nghe lầm: Đồng đội của tôi đang tranh nhau đòi giết bạn mình!
Là một tù nhân sắp ra tòa lãnh án, tôi không mảy may sợ hãi cái chết, nhưng những tiếng la hét của những người đồng ngũ lại làm cho tôi đau đớn vô cùng.
Cuộn cassette dài có nửa giờ, vậy mà tôi cảm như mình đang trải qua một cuộc tra tấn dài vô tận. Ngón đòn cân não đã có hiệu quả! Lòng đau như cắt, hai lá nhĩ lùng bùng, đầu tôi choáng váng như muốn nổ tung vì những tiếng thét đầy man rợ,
"Xử tử!"..."Xử tử!"..."Xử tử!"..."Xử tử!"...
Cuộn băng ghi âm chấm dứt không có đoạn kết của phiên tòa. Viên thượng úy xoi mói nhìn vào mặt tôi, như tìm đọc phản ứng của tôi, rồi y bồi theo một câu, như phát đạn ân huệ,
- Anh Phê bị xử bắn rồi đấy anh Long ạ!
Thấy tôi ngồi lặng thinh, hắn ta nói nhỏ,
- Tôi không cần hỏi thêm anh về lai lịch hay thành tích nữa làm gì. Chúng tôi có đủ tài liệu và hồ sơ để xác định tội trạng của anh rồi. Tuy nhiên, tôi cũng mạnh miệng bảo đảm rằng, tội của anh chưa đến mức bị xử tử hình. Tin tôi đi!
Sau khi được uống một bát nước lạnh, tôi tiếp tục ngồi nghe cuộn băng thứ nhì, cuộn băng ghi lời phát biểu của hai vị đại tá bị Cộng Quân bắt tại mặt trận Ban-Mê-Thuột.
Cuộn băng chót là một buổi học tập, phê bình, kiểm thảo của một nhóm sĩ quan cấp tướng và đại tá.
Qua hai cuộn ghi âm vừa rồi, tôi nhận ra giọng nói của những vị tôi đã từng dưới quyền, đã từng thân thiết. Vẫn giọng nói xưa, nhưng những lời tôi nghe được lại như từ miệng ai đó, tôi chưa từng gặp, chưa từng tiếp xúc bao giờ!
Trong cơn bão tố cuồng điên, con thuyền quốc gia của dân tộc tôi chìm nhanh quá! Giữa biển khơi không thấy bến bờ, những người sắp chết đuối thấy vật gì bồng bềnh trước mắt, cứ ngỡ rằng đấy là một cái phao, đâu ngờ đó chỉ là đám bọt nước mà thôi!
Thực tình, từ ngày mất nước, tôi chưa bao giờ có ý oán trách bất cứ ai, kể cả các cấp chỉ huy và bạn đồng ngũ của tôi. Tôi chỉ thấy xót thương cho bạn bè mình, và buồn cho số phận của chính mình.
Người cán bộ xếp dọn đồ nghề, rồi nói câu chấm dứt buổi thẩm cung,
- Thôi! Mai ta tiếp tục anh Long nhé!
Tôi khập khiễng trên đoạn đường từ ban chỉ huy trại về buồng giam, sau lưng là một họng A. K.
Ngày chấp cung thứ ba...
Viên thượng úy xoa xoa hai bàn tay vào nhau,
- Hôm nay chủ đề trao đổi giữa chúng ta sẽ là: “Quốc-Gia và Cộng-Sản.” Tôi sẽ không đánh đập anh đâu. Đừng e ngại, sợ sệt, cứ việc phát biểu một cách công tâm. Tôi cho phép, và khuyến khích anh nói thật lòng mình, về những gì anh cho là sai, là đúng của hai chế độ. Mục đích chuyến công tác của tôi lần này chỉ có thế!
Tôi ngồi ngẩn mặt ra. Thật là ngoài mức tưởng tượng! Tôi đã một lần nếm mùi cái “kinh nghiệm thương đau" của kẻ bị tra khảo vì tội trốn trại rồi, nên tôi biết, trong thời gian chấp cung, tù vượt ngục nào cũng bị đánh cho tới bò lê, bò càng, cả tháng sau, thân mình còn ê ẩm.
Tôi nghĩ lần này cũng lại bị đánh, bị buộc tội trối chết, rồi phải tỏ ra ăn năn, hối lỗi những việc mình đã làm, sau cùng là ký bản cam kết, hứa hẹn sẽ không còn tái phạm nữa...vân vân.
Ấn nút cho máy ghi âm chạy, thẩm vấn viên hất hàm,
- Theo anh, cuộc chiến tranh vừa qua chính nghĩa thuộc về phe Quốc-Gia hay Cộng-Sản?
Tôi đáp liều,
- Mỗi bên tham chiến có lý lẽ riêng để bênh vực cho chủ trương của phía mình. Người Cộng-Sản có lý của họ, còn chúng tôi, có lý của chúng tôi.
Người hỏi cung lắc đầu, nghiêm giọng,
- Anh hãy nói thẳng ra ý kiến của cá nhân anh. Phải là "ý kiến tôi thế này, ý kiến tôi thế kia!" Không được nói quanh quanh, nói chung chung kiểu..."chúng tôi thế này, chúng tôi thế kia..."
Tôi nuốt nước bọt rồi trả lời thẳng thừng,
- Tôi chiến đấu có chính nghĩa vì tôi là người tự vệ, Miền Bắc là kẻ xâm lược.
Hắn ta vội át giọng tôi,
- Anh nói sai rồi! Chúng tôi mới có chính nghĩa vì chúng tôi chiến đấu để giải phóng Miền Nam thoát ách cai trị của ngoại bang.
- Không có ngoại bang nào cai trị Miền Nam cả. Việt-Nam Cộng-Hòa là một nước độc lập.
Y hét lên,
- Độc lập giả tạo! Thực chất Ngụy-Quyền Miền Nam chỉ là tay sai của đế quốc Mỹ.
- Việt-Nam Cộng-Hòa là một quốc gia đồng đẳng với các nước khác trên thế giới. Miền Nam có chính phủ riêng, hiến pháp luật lệ riêng. Tổng Thống và Quốc Hội nước Việt-Nam Cộng-Hòa là do dân bầu lên, có nhiệm kỳ hiến định hẳn hoi, sao lại gọi là tay sai được?
Tôi ngừng lại, chờ xem ý kiến của người đối diện ra sao thì thấy y đã tắt máy.
Ngồi im một lát như để tĩnh tâm, rồi thật chậm rãi, hắn ta ôn tồn trở lại,
- Tôi sẽ không đấu lý với anh nữa. Vì nếu cãi nhau thì anh sẽ ở vào thế yếu, còn tôi ở thế mạnh, không được công bằng. Từ bây giờ tôi chỉ đặt câu hỏi. Anh được tự do trả lời theo ý anh! Như vậy có được không?
Thấy tôi gục gục đầu, hắn nhấn nút cho máy quay, rồi tiếp tục,
- Anh nói rằng Miền Nam là tự do, vậy hãy diễn tả cái tự do đó thể hiện ra sao ngay trong cuộc đời của chính anh.
- Tôi lớn lên trong một chế độ mà trong đó, chúng tôi muốn nói gì thì nói, nghe gì thì nghe, đọc gì thì đọc. Không bị ai nhồi nhét tư tưởng này, tư tưởng kia vào đầu. Ngay như tôi là một thiếu tá, mà suốt mười hai năm quân ngũ tôi chưa bị bắt buộc phải vào dự một buổi học tập chính trị nào cả. Những hiểu biết về Cộng-Sản, hay Tự-Do là do cái vốn kiến thức thu thập từ thực tế và tự tìm hiểu qua báo chí, sách vở. Không ai ép buộc tôi phải tôn thờ chủ nghĩa này, đả phá chủ nghĩa kia.
- Nếu nói rằng Miền Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì tại sao lại có những cuộc biểu tình, xuống đường của Cha, Cố, Giáo Dân cũng như của Tăng Ni, Phật Tử?
- Chính vì có tự do nên mới xảy ra những chuyện xuống đường, phản kháng, nếu không có tự do thì toàn dân sẽ câm như hến.
- Anh có là một thành viên của đảng Dân-Chủ không? Nếu một người lính mà không là đảng viên đảng Dân-Chủ thì có bị thiệt thòi gì không?
- Thú thật tôi không để ý đến vụ đảng phái. Tôi không gia nhập đảng nào. Tôi cũng chưa thấy đảng nào công khai gây ảnh hưởng trong đơn vị tôi bao giờ.
- Trong thời gian qua, anh đã có dịp tiếp xúc với dân chúng Miền Bắc, anh có nhận xét gì về nếp sống của dân chúng Miền Bắc không?
Thấy có dịp giải tỏa ấm ức, tôi hứng chí nói một mạch,
- Miền Bắc và Miền Nam khác hẳn nhau. Ở trong Nam, người dân có thể sống theo ý mình muốn. Còn Miền Bắc là một xã hội có quy củ, có khuôn phép. Từ vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, nhà cửa, ruộng vườn, cái gì cũng có tiêu chuẩn cả. Cái gì cũng tem phiếu, sổ sách. Hàng còn nằm trong kho quốc doanh có một giá, tới lúc tuồn ra ngoài, nó thành giá khác, đắt gấp chục lần. Lao động xã hội chủ nghĩa thì người này dựa vào người kia. Làm việc hợp đồng, vần công chỉ là chuyện lãng phí nhân lực. Tôi đã thấy có một mảnh ruộng cỡ nửa sào, mà ào xuống mười người, với mười con trâu, và mười cái cày. Họ làm việc chừng một giờ đồng hồ, mà chấm công là một ngày. Thời giờ còn lại, mạnh ai nấy đi canh tác riêng để cải thiện. Lý thuyết là không có quyền tư hữu, tất cả là tài sản chung, nhưng trên thực tế, ai cũng lo mưu cầu lợi ích riêng, vì ai cũng thiếu thốn cả. Có lẽ vì thế mà mấy chục năm nay Miền Bắc vẫn nghèo, không khá lên được.
Tôi thấy kỹ thuật thẩm vấn của người Cộng-Sản có vẻ na ná với kỹ thuật khai thác của Đức Quốc-Xã thời Thế Chiến thứ 2 trong những tài liệu mà tôi đã đọc qua. Thoạt đầu, với đôi ba câu hỏi bâng quơ, tù binh được nói thoải mái thả giàn vài phút. Sau đó, thẩm vấn viên mới ra tay, bằng những câu hỏi dồn dập, tới tấp, loanh quanh, lẩn quẩn một vấn đề, làm cho óc người bị thẩm vấn rối tung lên, không biết đâu mà chống đỡ.
Với những câu hỏi ngoắt ngoéo, viên thượng úy Cộng-Sản đã cố gắng moi móc những gì tôi cất dấu trong đầu về cuộc đời tôi, từ thuở mới di cư, đến khi ngập ngũ, rồi tới ngày rã ngũ.
Trong thời chiến, tôi đã qua lớp Tình-Báo Tác-Chiến Singapore, rồi nhiều năm, đảm nhận chức Trưởng Phòng Quân- Báo của Bộ Chỉ-Huy Biệt Động Quân, Quân-Khu 2, Việt-Nam Cộng-Hòa. Tôi đã thẩm vấn rất nhiều tù binh, và đã hoàn tất nhiều bản cung từ.
Do đó, tôi đủ bản lãnh để luồn lách, tránh né những bí mật liên quan tới sinh mạng những người đã cộng tác với tôi thời trước, như tên tuổi các mật báo viên trong mạng lưới mật báo của Phòng 2 Biệt Động Quân Quân-Khu 2, danh sách các cán binh chiêu hồi đã hướng dẫn các chuyến xâm nhập vào lòng địch của tôi trong thời gian 1972- 1973.
Chỉ sau vài câu hỏi trùng lặp, tôi đã nghiệm ra ngay chủ đề của cuộc "thi vấn đáp" trường chinh hôm ấy là nhằm khai thác tin tức liên quan tới "Vai trò của Chính-Trị và Tôn-Giáo trong Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa" Về cả hai lãnh vực trên đây, quả tình, tôi chỉ là một tay ấm ớ, nên người tra hỏi chẳng biết được gì.
Cứ thế, trừ đi cỡ sáu, bảy phút cho hai lần đi tiểu, và khoảng mười phút cho bữa ăn trưa với một củ khoai lang luộc, tôi phải trả lời hàng trăm câu hỏi trong thời gian dài từ sáng sớm tới xế chiều. Tôi không nhớ có bao nhiêu cuộn băng mới đã được thay, mấy lần pin mới được lắp vào máy.
Chấm dứt ngày làm việc cuối cùng, không chỉ người bị chất vấn, mà ngay cả người đặt câu hỏi cũng thấy mồ hôi vã ra đầy mặt.
Người cán bộ châm điếu thuốc lá, rít một hơi, rồi trao nó cho tôi,
- Anh Long ạ! Tôi đã thực hiện công tác phỏng vấn này với một ông sư, một ông cha, một nghị sĩ, một dân biểu, hai cấp tướng, hai cấp đại tá, và ba người cầm đầu đảng phái chính trị. Mỗi anh có nhân cách riêng khi đối diện với tôi. Cũng những câu hỏi ấy nhưng mỗi người trả lời khác nhau. Mỗi anh có lý lẽ riêng. Anh là người tuổi nhỏ nhất và có địa vị thấp nhất mà tôi đã gặp trong công tác này đấy! Bây giờ tôi có một câu hỏi riêng tư với anh. Câu hỏi cuối cùng. Anh có vui lòng trả lời tôi không?
Tôi rít một hơi thuốc dài, nuốt ực vào, ém khói trong phổi, thấy tỉnh táo dần,
- Vâng! Tôi sẽ trả lời cán bộ.
- Nào! Anh hãy thành thật, tuyệt đối thành thật, trả lời tôi: Quan niệm của anh ra sao đối với sự sống và sự chết?
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt người đối diện, dò chừng. Hình như hắn ta không có âm mưu gì chứa ẩn trong câu hỏi. Tôi hắng giọng, rồi nhỏ nhẹ trả lời, rõ ràng từng tiếng một,
-Thưa cán bộ. Tôi nghĩ, đời tôi bây giờ có sống cũng chẳng thấy vui thú gì, thì nếu chết, tôi cũng coi như là trở về cùng cát bụi. Tôi không có điều gì phải hối hận hay vướng bận cả.
Viên thượng úy Cộng-Sản đứng lên, bàn tay y xiết bàn tay tôi một cái rất nhẹ, rồi buông ra ngay. Y nói với tôi, nhưng có vẻ như nói một mình,
-Tiếc thay! Anh lớn lên ở Miền Nam. Nếu ngày đó anh không di cư, thì có lẽ, giờ này, những người tầm cỡ như tôi, muốn gặp mặt anh cũng là một điều khó khăn.
Buổi trưa sau ngày hoàn tất hồ sơ thẩm vấn, đầu óc thật thoải mái, tôi nằm im, đón nghe trong gió vọng về những âm thanh quen: tiếng ve sầu rên rỉ trên Lũng Ngàn, tiếng chân trâu kéo gỗ nặng nề qua đoạn đường quanh, tiếng xẻng cạo chảo bên nhà bếp. Gần tôi nhứt là tiếng "kẽo! kẹt!" của loài mọt gỗ đang đục khoét cái cột giữa nhà.
Tôi ngửa cổ nhìn lên nóc tranh, trước mắt tôi là cảnh một con ruồi xanh đang cố gắng một cách tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi cái màng lưới nhện. Thân phận tôi giờ đây ví như thân phận con ruồi xanh trên kia, không hơn, không kém. Nhện và ruồi là hai động vật khác loài. Chúng giết nhau để sinh tồn. Còn tôi và những người đang giam cầm tôi lại cùng chủng loại.
Tuần lễ sau, vào giờ cơm chiều, cán bộ Vấn bước vào, ngồi trên bệ cửa, rút bao Cửu-Long ra, bật lửa châm cho tôi một điếu. Chờ tôi hút xong điếu thuốc lá thơm, anh ta mới mở lời,
- Bà mẹ anh ngày xưa đẹp nhất làng Trác-Châu đó! Anh có biết không?
Tôi trố mắt,
- Cán bộ có lớn tuổi hơn tôi nhiều đâu? Làm sao mà cán bộ biết điều này?
- Ngày anh bị đưa về cùm lần đầu ở trại này, tôi đã đọc qua lý lịch của anh rồi. Tôi biết tên bố mẹ anh và tất cả họ hàng bên ngoại của anh nữa. Nhà tôi ở sát rào nhà cụ Ngãi, ông ngoại của anh. Thời còn là con gái, bà cụ sinh ra tôi là bạn thân của bà cụ nhà anh. Mẹ tôi nói hồi đó mẹ anh có làn da trắng như trứng gà bóc. Mẹ anh không lấy người trong làng, lại đi lấy người làng bên. Sau khi bố anh bị giết, mẹ con anh đã bỏ xứ, ra đi biệt tăm. Không ngờ sau đó gia đình anh di cư vào Nam, và anh đã làm tới chức thiếu tá. Dù gì thì chúng ta cũng là người cùng làng...
Tới lúc đó, tôi mới hiểu lý do vì sao viên sĩ quan Cộng-Sản này lại nương tay với mình.
Cán bộ Vấn thọc tay vào túi, lôi ra một cái phong bì. Mở phong bì, móc cái ảnh cỡ 6x9 cm đưa cho tôi, anh ta nói nhỏ,
- Anh Long có thơ. Nhưng tôi không được phép đưa thơ cho anh. Tôi "diếm" cho anh cái ảnh của vợ con anh. Nhớ giữ kín đừng cho ai biết.
Nói xong câu này, Vấn nhét vào tay tôi một điếu thuốc nữa, rồi đứng lên, lững thững đi về hướng nhà bếp.
Có lẽ cái thư chứa tấm hình đã tới trại trong thời gian tôi tại đào. Trong hình là vợ tôi bế thằng con út ngày nó vừa biết lật. Nay chắc thằng bé đã biết nói, biết chạy rồi?
Ấp cái ảnh vợ con vào lòng, tôi nghe rõ ràng, tim mình đang thổn thức...
Tôi được nhìn thấy mặt bố tôi lần cuối cùng (1946), ngày tôi lên bốn tuổi. Còn thằng con tôi, không biết suốt đời, nó có dịp nào nhìn thấy mặt bố nó hay không?
Từ lúc đó cho tới tối mịt, cứ lâu lâu, tôi lại dở cái ảnh ra xem.
Qua ngày thứ tư thì chúng tôi bị đưa xuống phà để về Trại 9 bên hồ Thác Bà, Xã Cẩm-Nhân, Yên-Bái.
Hai bạn đồng hành của tôi, Thiếu Tá Trụ và Đại Úy Cả bị nhốt trên nhà kho của trại. Tôi không rõ họ bị đối xử ra sao. Còn tôi là người cầm đầu cuộc vượt ngục này, nên bị tách riêng, giam trong nhà kỷ luật, sát với hàng rào khu cưa xẻ thợ mộc. Tôi bị cùm cả hai chân, còng cả hai tay.
Khi ấy đang mùa hè, trong hầm nóng nực, muỗi như trấu, bất kể đêm, ngày. Da mặt, da cổ, da tay chân của tôi trở nên sần sùi vì muỗi đốt.
Tôi được phát hai cái ống nứa lồ ô dựng gần chân nằm. Một ống nứa để đại tiểu tiện, một để chứa nước uống. Tay bị còng, chân bị cùm, vấn đề đi đại, tiểu tiện quả là một cực hình. Nhưng vì bụng đói liên miên, nên vấn đề đại tiện cũng khó xảy ra thường xuyên.
Cũng do biên bản bàn giao lại từ Đoàn 776, nên từ hôm về Trại 9, ngày nào tôi cũng trải qua một trận đòn hội chợ, kéo dài trên, dưới hai tiếng đồng hồ. Tôi bị bắt đứng giữa phòng trực trại, bốn góc phòng là bốn vệ binh. Tôi bị đánh chuyền tay từ góc này sang góc khác, xoay tròn quanh phòng. Má bên trái vừa lãnh một cú đấm chưa kịp cảm thấy đau thì má bên phải đã lãnh cú đấm tiếp theo. Những đợt máu mũi phọt ra ồng ộc tràn trên má và trên ngực tôi chỉ làm cho những tên vệ binh trẻ tuổi hăng tiết thêm.
Trọng lượng thân tôi thời này còn chừng trên ba mươi ký lô là cùng. Những cú đấm móc tận lực làm cho tôi có cảm tưởng như là đang "bay" từ góc nhà này, sang góc nhà khác. Sau mỗi tiếng "hự!" máu tôi lại trào ra như xối. Không biết máu từ mồm tôi hay từ phổi tôi phun qua hai lỗ mũi thành vòi? Mặt tôi bầm tím sưng vù, đôi mắt híp lại, nhìn một vật hóa hai. Sau khi bị hàng chục cú đá cật lực vào bụng dưới, cứt đái trong bụng tôi cứ tự do tuôn ra quần. Tôi cố nín, cũng không nín được.
Lãnh những trận đòn thù như thế này, tôi mới thấm ý câu hăm he của tên sĩ quan an-ninh Trại 9, "chúng ông sẽ đánh cho mày té đái, vãi phân".
Nhiều lần tôi bị đánh mửa mật xanh, mật vàng mà vẫn chưa được tha; đến lúc tôi mềm như sợi bún, vệ binh mới kéo tôi ra vứt ngoài cửa phòng trực. Có hôm cả giờ sau trực trại mới cho người kè tôi về nhà giam.
Chắc nhiều bạn tù thấy cảnh tôi nằm rũ như cái xác không hồn nơi góc sân phơi sắn khô, nên một người được tha về Ban-Mê-Thuột đã đến nhà ông bà nhạc của tôi kể lại rằng tôi trốn trại và bị vệ binh đánh chết rồi!
Khi nhận tin này, ông anh vợ của tôi lo quá, vội đề nghị với bà mẹ vợ tôi, "Đừng nói cho con Loan hay tin chồng nó chết. Nghe tin này nó không sống nổi đâu! Nó mà chết thì đàn con nó sẽ bơ vơ..."
Những ngày không bị dẫn lên "khung" để lãnh đòn, tôi nằm chờ thời gian trôi qua.
Một tia nắng xuyên khe mái nứa, in một đốm sáng trên nền nhà. Nhìn vị trí đốm nắng di chuyển, tôi biết giờ giấc. Chấm nắng bắt đầu xuất hiện trên vách nhà hướng Tây vào lúc kẻng giải lao thứ nhứt của trại (khoảng chín giờ sáng) rồi từ từ di chuyển dần về hướng đông. Khi tiếng kẻng báo giờ điểm danh chiều (khoảng năm giờ chiều) thì chấm nắng tới giữa vách hướng Đông, thế là hết một ngày!
Hàng ngày, tù nhân của nhà bếp đem cho tôi một bát sắn khô nấu nhão nhoét. Anh ta phải để bát sắn nơi cửa buồng giam; tiếp xúc với người đang bị cùm là điều cấm kỵ!
Khi người tù đưa cơm rời bước, đàn gà của trại vội tranh giành nhau những mẩu sắn trong tô. Tới giữa trưa, tên bộ đội trực trại mới đến mở cửa hầm giam cho tôi ăn bữa cơm tù độc nhất trong ngày. Nhiều khi, tô sắn tới tay, tôi chỉ thấy một mớ bầy hầy đất cát và vài cọng sắn khô cỡ ngón tay. Tôi đói tới run chân, run tay, đói ngủ không được.
Hình như không có "chế độ" ẩm thực nào áp dụng cho những trường hợp tù cải tạo vượt trại. Có hôm tôi được một củ sắn lớn cỡ cườm tay, dài một gang. Cũng có ngày tôi được hai củ khoai lang luộc nặng chừng nửa ký. Thường xuyên, thực đơn cho tù trốn trại là một tô cháo sắn phơi khô rắc muối.
Từ lâu lắm rồi, không nghe ai nhắc tới hai chữ "nhân quyền". Trong thời gian tôi bị cùm ở trại này thì, cứ cách hai hay ba tiếng đồng hồ, một tên bộ đội đi tuần tra lại ghé kiểm soát tình trạng khóa, chốt, còng, cùm một lần. Trong bóng tối, để chắc chắn rằng tôi còn sống, anh ta thường "tiện tay" khện cho tôi một cái bạt tai hay một báng súng để nghe tôi la lên oai oái vì đau.
Đêm nào nghe thấy tiếng chân nhiều người đi tuần, lòng tôi lại phập phồng,... biết đâu?... rất có thể, người ta sẽ ập vào, hè nhau đè tôi xuống, bịt miệng, khóa tay tôi, tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ tôi, rồi lôi thân tôi lên xà nhà, như cách đây hai năm họ đã làm, để giết một anh tù vượt ngục bên Trại 4. Những cái chết như thế sẽ được thông báo là "tù tự tử", thật đơn giản.
Một ngày, khi vệt nắng vừa chấm chân vách tường hướng Tây, từ bên sân của đội cưa xẻ, sát hàng rào có tiếng người nhắn sang, tôi nhận được đó là tiếng thằng bạn thân Vũ Văn Bằng,
" Long ơi! Thợ mộc được lệnh đóng ba cái áo quan. Chắc tụi mày sẽ bị xử bắn. Trưa mai tao sẽ đem cơm cho mày. Mày có nhắn gì cho gia đình thì nói với tao, tao sẽ thư cho gia đình tao, rồi chuyển cho gia đình mày. Tao cứ tưởng tụi mày đã đi thoát, không ngờ..."
Rồi nó nấc lên, nghẹn ngào...
Thằng Bằng cũng là dân Bắc-Kỳ Di Cư như tôi. Chúng tôi thân thiết sáu năm cùng lớp Trung Học Trần Quí Cáp. Sau khi tốt nghiệp Tú Tài 1, nó tình nguyện đi Khóa 63 A Sĩ-Quan Không-Quân.
Thiếu Tá Vũ Văn Bằng là Trưởng Phòng Quân-Báo Sư Đoàn 6 Không-Quân. Mỗi lần từ tiền đồn về thăm Pleiku, tôi thường gặp nó.
Nằm trong cùm, nghe tiếng khóc của người bạn đồng môn, lòng tôi chạnh nhớ ngôi trường đã đào tạo tôi thành người.
Tiếng thày hiệu trưởng Tăng Dục, ngày đầu Đệ Thất, còn đâu đây,
"Trường chúng ta được hân hạnh mang tên Trần Quí Cáp. Cụ Trần là một vị anh hùng ái quốc. Thày mong muốn các em chăm chỉ học hành, để sau này thành đạt, ra giúp nước, làm rạng danh cho trường."
Hôm ấy có một vị khách, vốn là một giáo viên, bạn của thày hiệu trưởng, tới thăm và nói chuyện. Vị khách này là thân sinh ra anh Phạm Phú Nhàn, người ngồi bên cạnh tôi.
Ông khách mở đầu bài diễn văn bằng một câu mà tôi nhớ cả đời,
"Tụi mi nhớ đây! Thà làm một viên ngọc nát, chứ không làm một viên ngói lành. Nếu tụi mi không chăm chỉ học hành thì suốt đời tụi mi chỉ là những cục cứt xái mà thôi!"
Sau đó ông già dài dòng kể về lý lịch và cuộc đời người anh hùng ái quốc Trần Quí Cáp, qua đấy, chúng tôi biết cụ Trần vì yêu quê hương, yêu đồng bào, nên đã bị cầm tù, bị đưa lên đoạn đầu đài.
Tôi lớn lên, tự hào và hãnh diện là một đứa con của cụ Trần. Tôi cứ nhớ mãi hai danh từ "viên ngọc nát"' và "cục cứt xái" mà ông bố anh bạn học của tôi đã đem ra ví von trong câu truyện khuyên nhủ tụi nhỏ.
Tháng Năm năm 1908 cụ Trần Quí Cáp đã bị đưa ra pháp trường, xử trảm ngang lưng. Ngày đó khóc bạn, cụ Phan Bội Châu đã viết,
"Ngọc toái bất ngõa toàn, tam tự ngục hàn, sơn hải khấp
Hồng khinh nhi thái trọng, thiên thu luận định, nhật tinh huyền." (Phan Bội Châu)
Dịch:
Ngọc nát vẫn hơn ngói lành, nhà tù ba chữ, núi biển khóc
Thái Sơn nặng, lông hồng nhẹ, bàn luận nghìn năm, còn thấy sao trời sáng.
Bảy chục năm sau, tháng Năm năm 1978, một người vì yêu đất nước, yêu đồng bào cũng đang nằm chờ giờ ra pháp trường.
Hai người, tôi và cụ Trần Quí Cáp, tuy sinh ra không cùng thế kỷ, nhưng đã phạm cùng một tội: "Tội mất nước" (Phan Bội Châu)
Thế mới biết, những người yêu nước có thể bị giết, nhưng tinh thần ái quốc của một dân tộc thì bất diệt.
Trưa nay nghe tiếng khóc của thằng bạn, tôi thở dài,
"Thôi thế cũng là xong! Cứ coi như một lần ra trận..."
Mười hai năm lửa đạn, vào sinh ra tử, tôi đã không ngừng cố gắng để hoàn thành phần nào ước vọng của thày tôi ngày đầu Đệ Thất. Là đệ tử của cụ Trần Quí Cáp, tôi đã noi gương cụ, cống hiến trọn đời tôi cho tổ quốc.
Tiếc thay, đất nước tôi đã tới thời mạt vận, nên tôi đành chấp nhận những tai ương giáng xuống số phận mình.
Đêm hôm đó tôi thức trắng. Tôi nằm im, nhắm đôi mắt lại, mường tượng ra trong trí, từng khuôn mặt của những người thân. Trước hình ảnh mỗi người, tôi lẩm nhẩm nhắn nhủ lời vĩnh biệt. Lần lượt, tôi chia tay với mẹ tôi, rồi tới vợ tôi, cùng ba đứa con gái.
Đến lúc phải tưởng tượng ra khuôn mặt thằng con út thì óc tôi quay mòng mòng. Tôi không làm sao vẽ ra trong trí khuôn mặt của thằng con. Nó sinh ra ba tháng sau ngày Miền Nam sụp đổ, lúc đó tôi đã ở trong tù rồi.
Trưa hôm sau thằng Bằng năn nỉ anh bạn tù trưởng bếp để nó thay anh ta đem phần ăn một ngày sắn khô cho tôi. Nó đứng ngoài cửa buồng giam, miệng cười hô hố,
- Long ơi! Chiều hôm qua, sau khi đóng xong ba cái áo quan, về lán tao không ngủ được. Tao buồn, tao thương mày, tao khóc suốt đêm. Sáng nay tao mới biết, Trại 7 có năm thằng chết đuối vì bị chìm mảng khi đi chặt nứa. Nhưng Trại 7 chỉ có hai cái áo quan, nên tụi tao phải đóng thêm ba cái nữa. Thế mà tao cứ ngỡ là áo quan để dành cho ba đứa tụi mày...
Thằng Bằng chưa dứt lời đã có tiếng vệ binh quát tháo,
- Anh kia! Đem cơm cho "phạm" xong là phải đi ngay. Lớ ngớ ở đây tôi cho một báng súng bây giờ.
Lúc đó vệt nắng nằm ngay giữa nền nhà, đúng Ngọ! Anh bạn Thiếu Tá Vũ Văn Bằng vừa báo cho tôi một tin vui. Như vậy là, ít nhứt tôi cũng còn sống thêm một, vài ngày nữa!
Nhưng vừa cảm thấy vui đó, lòng tôi lại chùng xuống ngay. Bởi vì, suy nghĩ lại, thì đó cũng là một tin rất buồn, vì tôi vừa mất năm đồng đội. Mai đây, ở một nơi xa xôi nào đó, trong Nam, sẽ có năm gia đình đau khổ vô cùng khi được báo tin này.
Chuyện ra pháp trường của tôi đã không xảy ra. Hôm sau chúng tôi bị chuyển trại. Ba người bị trói quặt hai tay ra đàng sau. Thêm vào đó là một sợi thừng được buộc vào cánh tay phải của tôi, luồn qua lưng anh Trụ, tới cánh tay trái của anh Cả. Đi hướng nào, chúng tôi cũng bị dính chùm.
Hai khẩu A.K kèm chúng tôi rời Trại 9 vào giờ tù tập họp đi lao động. Những khuôn mặt hốc hác vì đói khát của đồng đội đang hướng về phía chúng tôi. Có đôi bàn tay gầy guộc đưa lên má vội vàng quệt nước mắt.
Chúng tôi bị dẫn đi một vòng quanh chợ Cẩm-Nhân để cho dân địa phương coi mặt. Cũng may, lần này dân chúng chỉ đứng nhìn theo ba người tù bị trói một cách tò mò, không có ai chạy theo ném đá hay đả đảo, sỉ nhục chúng tôi như thời 1976.
Năm 1976, sau khi bị bắt vì tội vượt ngục lần đầu từ Trại 3, tôi và Thiếu Tá Đặng Quốc Trụ đã bị trói ngoặt cánh khuỷu, rồi bị dẫn riệu qua đây để dân địa phương bày tỏ lòng căm thù “Ngụy Quân ác ôn". Chúng tôi bị ném đá sưng đầu, sưng cổ.
Cùng thời gian đó, toán bị bắt bên kia sông Hồng, về qua đây cũng bị dân đánh đập tơi bời, Thiếu Tá Hồ Văn Hòa gãy xương sườn, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm sưng vù hai má, Thiếu Tá Trần Tấn Hòa dập mũi.
Riêng toán đi từ Trại 4 là bị "chiếu cố" kỹ càng nhứt: Đại Úy Nguyễn Tấn Á bị đánh bằng đòn gánh, xệ vai trái, Thiếu Tá Chu Trí Lệ bị quật lọi cẳng chân, Thiếu Tá Nguyễn Hữu Đông bị đấm lòi mắt. Không những thế, ba anh này còn bị nhốt trong chuồng trâu, bị dân quân nắm tóc, dúi mặt vào hố phân trâu bò nhiều đợt, xém chết ngạt.
Trong hai năm bị giam giữ ở đây, chúng tôi có nhiều dịp đi lao động "vần công" với các hợp tác xã nông nghiệp của dân địa phương. Qua những lần tiếp xúc ấy, người dân có lẽ đã nhận ra rằng, những sĩ quan Việt-Nam Cộng-Hòa không phải là những kẻ "ác ôn" như họ từng nghe chế độ Bắc-Việt tuyên truyền. Dần dà, dân chúng nơi này đã nhìn chúng tôi với đôi mắt khác xưa. Càng ngày, dân trong vùng càng tỏ ra thân thiện với chúng tôi hơn.
Rời chợ Cẩm-Nhân, vệ binh dẫn chúng tôi nhắm hướng Lũng Ngàn: thế là chúng tôi về lại Trại 4!
Tháng Tám năm 1976 tôi đã bị cùm ở buồng giam Trại 4 hơn ba tháng trời. Rồi cũng từ nơi này, đầu năm 1978, tôi lại xuất phát cuộc vượt ngục lần thứ hai.
Nay bị đưa trở lại nơi đây để chấp cung thì quả là điều đáng sợ đối với tôi.
Cũng như ở bên Trại 9, hai bạn tôi bị nhốt trên ban chỉ huy. Còn tôi bị cùm riêng trong nhà kỷ luật nơi góc trái cổng trại, sát hàng rào, bên bờ suối.
Vừa đặt chân vào phòng giam, tôi đã nhìn thấy một cái cùm mới cáo cạnh. Cái cùm chân này tinh vi và chắc chắn hơn cái cũ nhiều.
Trước đây, năm 1976, chân người bị cùm có thể duỗi dài thoải mái, hai chân sát đất trong buồng giam.
Lần này cùm làm bằng hai tấm ván ghép, mỗi tấm được khoét hai nửa vòng tròn vừa cổ chân. Sau khi gác hai cổ chân tù nhân lên hai hình bán nguyệt của tấm ván dưới, cai tù sẽ kéo sập tấm ván trên xuống và khóa chốt. Thế là, tù nhân chỉ còn cách nằm ngửa, vắt hai chân lên cao 45 độ. Chân người bị phạt sẽ lòi ra ngoài ô cửa sổ đầu hồi. Lính canh không phải đi tới cửa buồng giam, mà chỉ cần bước qua cổng chính là đã nhìn thấy đôi chân người có tội rồi.
Sau này tôi mới biết, cái cùm đó được hoàn thành chỉ vài ngày trước khi chúng tôi bị giải về đây. Người vẽ kiểu cùm là viên Thượng Úy Việt-Cộng tên Xuyên, Chính Trị Viên của Trại 4. Người tù thợ mộc được giao nhiệm vụ đóng cái cùm lại là một cựu Hải Quân Thiếu Tá VNCH, bạn cùng lớp Trần Quí Cáp của tôi.
Còng tay là một cặp khoen sắt rèn số 8 vừa sát với cổ tay. Khóa của nó là loại khóa cửa, lớn bằng bàn tay, nặng chừng một ký lô. Cái khóa này đè trên ngực làm cho tù nhân khó thở vô cùng.
Ngay buổi chiều đầu tiên, tôi đã bị tên vệ binh Lê Văn Tưởng tới "hỏi thăm sức khỏe".
Vệ binh Lê Văn Tưởng và vệ binh Hồ Ngọc Thắng, biệt danh "Thắng Bo" là hai hung thần của Trại 4. Thấy bóng dáng hai tên này từ đàng xa, anh em bạn tù đã run rồi.
Tên Tưởng ló đầu bên cửa sổ đầu hồi, đôi mắt chớp chớp, miệng cười cười,
- Anh Long ơi! Mạnh khỏe chứ?
- Thưa anh bộ đội, tôi vẫn khỏe.
- Người ta đồn, nửa đường, máy bay lên thẳng của Mỹ đến đón, nhưng các anh thích đi bộ cho khỏe chân, nên mới bị bắt lại, có đúng không?
- Tôi không biết chuyện này anh bộ đội ạ!
- Mình "nhớ" anh muốn chết! Anh có "nhớ” mình không?
Tôi lặng thinh.
- Anh đi vắng mấy ngày? Anh nhỉ?
- Tôi trốn sáu mươi bốn ngày.
Tên bộ đội gỡ cái băng đạn A.K ra khỏi súng, nhoài người qua cửa sổ,
- Sáu mươi tư ngày! Kỷ lục đấy!
Hắn dơ cao cái băng chứa đầy đạn A.K gõ xuống hai chân đang bị cùm của tôi, rồi lớn tiếng dõng dạc đếm,
- Một!...Hai! ...Ba!... Bốn!...
Sống của cái băng đạn giáng trên xương ống quyển làm cho tôi thót tim. Tôi la lên,
"Ối!... Ối!...Ối! ..."
Thấy tôi đau líu lưỡi, Tưởng cười khoái trá. Nó cười bằng miệng, và cười cả bằng đôi mắt,
- Anh Long đi vắng sáu mươi tư ngày. Tôi khổ vì anh sáu mươi tư ngày. Tôi sẽ gõ chân anh sáu mươi tư lần để anh nhớ! Mười hai! Mười ba! Mười...
Tôi đau đến chảy nước mắt, đau nhảy nhổm, đau quằn quại, giẫy đành đạch.
Vệ binh Lê Văn Tưởng vẫn tỉnh bơ, mặt không đổi sắc, tay nó dơ lên, giáng xuống, đều đều...
Ống chân tôi sưng lên, rồi tóe máu. Mắt tôi bắt đầu hoa, tai tôi ù như sắp điếc đặc.
Đau quá, tôi điên tiết, ngồi bật dậy. Tôi dơ hai tay có cái còng lên cao, nện một phát thẳng cánh, trúng cổ tay thằng mất dạy.
Bất ngờ bị một cú đau điếng, nó buông rơi băng đạn. Mặt nó đổi sắc thành màu tím. Nó nghiến răng, rít lên,
- Tiên sư cha nhà mày! Ông cho mày biết tay. Từ nay mày chỉ còn nước bò thôi, hết đi được nữa rồi! Con ơi!...
Nó cúi xuống rút con dao găm đeo trên dây lưng. Một tay nó cầm bàn chân phải của tôi, tay kia dí mũi dao vào nhượng chân. Chỉ một giây đồng hồ nữa là gân nhượng chân tôi bị cắt! Tôi sẽ thành phế nhân!
- Ngừng tay ngay!
Tiếng quát của ai đó làm cho tên khát máu chùn tay, mũi nhọn của con dao găm vừa chạm lớp da khuỷu chân tôi thì ngừng lại.
Người vừa quát là cán bộ Vấn.
- Đồng chí có nhiệm vụ gì ở đây? Sao lại định cắt gân chân người ta?
- Thủ trưởng ơi! Thằng này hỗn láo quá! Nó chửi tôi. Tôi phải dạy nó một bài học.
Cán bộ Vấn nghiêm giọng,
- Chuyện gì cũng phải báo cáo với cấp trên. Đồng chí không được tự tiện.
Hung thần họ Lê đi vòng sang cửa chính, khom mình lượm cái băng đạn. Nó lườm lườm nhìn tôi với đôi mắt căm hờn,
- Tiên sư cha mày! Số mày còn may lắm đấy!
Tôi cũng nghiến răng, trợn mắt, nhìn ngay mặt nó,
- Tổ mẹ mày! Đồ con chó!
Cán bộ Vấn ra lệnh,
- Đồng chí Tưởng ra khỏi đây ngay! Từ nay, nếu không phải phiên trực, tôi cấm đồng chí léo hánh tới đây.
Chờ cho tên Tưởng qua khỏi cổng, cán bộ Vấn mới bước tới sát cửa phòng giam, nhỏ giọng nói với tôi,
- Chuyện đâu còn có đó. Anh Long yên chí nằm nghỉ đi, đừng lo nghĩ gì cả.
Viên Trung Úy Cộng-Sản tên Bùi Văn Vấn này là dân Hải-Dương. Anh ta làm quản giáo ở đây từ ngày mới lập trại.
-----o-----
Đêm tháng Năm, muỗi vo ve...
Ngoài rào có tiếng chân người lội lõm bõm dưới nước; chắc đó là ông già Khê người dân tộc Tày? Đêm nào già Khê cũng đi cắm cần câu cá dọc theo con suối.
Nhà của già Khê nằm sát rào Trại 4. Trước khi trốn trại, mỗi lần tôi đi ngang qua rào, ông cụ tốt bụng này thường dúi cho tôi một gói ớt hiểm, kèm với lời dặn dò,
"Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, nhớ mỗi ngày làm một quả ớt hiểm để chống sốt rét, ngã nước!"
Có ánh đèn pin loang loáng, rồi tôi nghe già Khê lớn tiếng hỏi người nào đó,
- Làm gì mà ngồi đây thế? Thấy hết hồn... tưởng ma!
Người kia trả lời,
- Suỵt! ... Suỵt!... Cháu... ngồi ...chơi...
Tiếng người này nhỏ nhí, nhưng tôi vẫn nghe được đó là tiếng vệ binh Đèo Văn Thắng. Trại 4 có hai vệ binh tên là Thắng. Đèo Văn Thắng người Cao-Bằng, hiền như bụt nên chúng tôi gọi là "Thắng Phật". Tính nết "Thắng Phật" trái ngược hẳn với "Thắng Bo" Hồ Ngọc Thắng người Bắc-Thái rất độc ác dữ dằn. Gặp điều không vừa ý, "Thắng Bo" đánh tù không nương tay. Chữ "Bo" là từ chữ "Porteur" tiếng Pháp, có nghĩa là "phu khuân vác". Biệt danh của hai vệ binh tên Thắng đều do anh em tù Trại 4 đặt ra, và truyền miệng với nhau.
Già Khê lại lớn tiếng thắc mắc,
- Ngồi chơi mà chong súng như canh kẻ trộm? Có báo động hử?
- Không...không...cháu ngồi chơi mà...
- Ừ! thôi nhá! Có rảnh vào nhà rít điếu thuốc lào rồi hãy về...
- Vâng...vâng...
Sau đó tôi nghe mấy tiếng “Thịch! Thịch! Thịch!...” trên nền đất, có lẽ già Khê đang dậm dậm gót chân vài cái cho ráo nước?
Rồi tiếng chân bước xa dần, đêm trở lại với mớ âm thanh hỗn độn của ếch nhái, côn trùng...
Tôi đang thiu thiu sắp ngủ thì có bóng người bước vào. Người đó vỗ nhè nhẹ bên hông tôi,
- Dậy! Dậy mau! Ban chỉ huy trại thấy anh tiến bộ nên xét tha cho anh về lán đấy!
Tên vệ binh cúi xuống lấy chìa khóa mở còng tay cho tôi, rồi y đi vòng ra ngoài đầu hồi tháo chốt cái cùm chân.
Bất ngờ nghe lệnh được tha về đội lao động, tôi vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ.
Tôi chưa đứng vững, tên bộ đội đã thúc giục,
- Đi mau! Anh lên "khung" gặp trực trại, ký giấy tha rồi về lán cho sớm!
Tôi thấy ngoài trời tối đen như mực, nên chùn bước,
- Tối thế này làm sao thấy đường mà đi? Mọi đêm, các anh dẫn tôi đi đâu cũng có cái đèn bão mà?
- Hôm nay chỉ lên ký cái giấy thôi, cần gì đèn với đóm?
Linh tính báo cho tôi biết, hình như có điều gì không ổn, nên tôi vội ngồi bệt xuống bực cửa,
- Tôi không đi đâu! Muốn tôi đi, phải có đèn, đi không đèn thì vệ binh gác trên chòi sẽ bắn tôi chết!
Tên bộ đội thấy tôi ngồi ì ra trước thềm, bèn rút túi, lấy ra một khúc nến. Y bật quẹt đốt nến lên, trao cho tôi,
- Đây! Đèn đây, anh cầm lấy rồi đứng lên đi đi!
Tôi ù lì,
- Nếu anh đưa cái đèn bão, tôi sẽ cầm đi ngay. Cây nến này ra gió là tắt liền, tôi không đi đâu!
Tức quá, nó quát ầm lên,
- A! Cứng đầu hả? Anh không đi, tôi điệu anh đi!
"Huỵch! Huỵch!"
Bị hai cái báng súng đánh vào vai, đau lắm, nhưng vẫn không nao núng, tôi cứ ngồi ôm chặt cây cột cửa không chịu buông.
Sau cùng, thằng vệ binh đành quàng khẩu súng ngang vai để hai tay nó được tự do nắm cổ áo tôi, lôi ra cửa. Biết mình không đủ sức vật nhau để cướp súng, tôi đành ôm cánh tay kẻ thù, nhe răng cắn tới tấp. Đau quá, nó đành buông tôi ra. Tay xoa chỗ bị cắn, miệng nó chửi,
- Đồ chó cắn càn!
Tôi la lên,
- Anh muốn bắn tôi phải không? Bắn thì bắn bây giờ đi! Tôi không ngu mà bước ra cổng cho anh bắn đâu! Tôi biết tỏng... tòng... tong... âm mưu của anh rồi!
Hình như câu nói đó làm cho tên vệ binh chạm nọc, nó ấp úng,
- Ấy! Ấy! Tôi không bắn anh đâu! Mà sao anh biết? Ơ ...ơ ...ơ...
Bộ dạng bối rối của thằng cai tù kèm với câu “Mà sao anh biết?...” khiến tôi suy ra ngay,
“Đúng rồi! Tụi nó gài cho mình không đèn đóm đi ra cổng để giết mình! Mấy thằng bộ đội chong súng ngoài kia đang ngồi phục kích chờ bắn mình chứ đâu phải ngồi chơi?”
Thấy chết đến nơi, tôi đánh nước liều, chõ mồm về hướng các lán tù, tôi gào lên,
- Anh em ơi! Người ta giết tôi! Anh em ơi! Chúng nó bắt tôi đi ra khỏi rào để bắn tôi! Anh em ơi! Cứu tôi với!
Ngay từ lúc đôi bên giằng co, đã có vài người tù ở Lán 1 và Lán 5 ló đầu ra theo dõi. Nghe tiếng tôi kêu cứu, họ cũng hét ầm lên,
- Không được giết người! Không được giết người!
- Chúng nó giết tù! Anh em ơi! Chúng nó giết tù! Anh em ơi!
Tiếng la lớn nhứt tôi nghe được, rõ ràng là tiếng của Đại Úy Phạm Xuân Độ.
Gặp cảnh bất ngờ, tên bộ đội đứng ngẩn người, không biết xử trí ra sao.
Bỗng có ba tiếng súng chỉ thiên phát ra từ chòi gác ngoài cổng trại. Rồi một tốp bộ đội ôm A.K chạy túa vào sân. Tên trưởng toán vệ binh thét lớn,
- Tù làm loạn hả? Vào lán! Đóng cửa lại! Đứa nào lớ ngớ ngoài hiên chúng ông bắn bỏ mẹ! Nghe chưa?
Có tiếng lên đạn, "Cà róch!... Cà rách!..."
Tôi bị tống năm, sáu báng súng vào ngực, vào lưng, rồi bị đẩy vào nhà kỷ luật trở lại. Hai phút sau, còng, cùm khóa xong. Vệ binh tản mát dần. Cảnh vật lại yên tĩnh như không có gì xảy ra.
Trại tù đèn tắt tối thui, nhưng tôi yên tâm nhắm mắt ngủ, vì tôi tin tưởng rằng qua khe vách liếp của các lán tù, thế nào cũng có vài đôi mắt đang theo dõi sự an nguy của tôi.
Sáng hôm sau, trước khi nghe tiếng kẻng xuất trại lao động, có bốn, năm người bị gọi lên trình diện cán bộ an ninh của trại, trong số này có anh Phạm Xuân Độ. Đại Úy Biệt Động Quân Phạm Xuân Độ là một người đàn em trong đơn vị tôi. Tôi và Độ thân nhau như anh em ruột.
Khi đi ngang qua nhà giam, Độ lớn tiếng, cốt cho tôi nghe,
“Thái Sơn ơi! Đàn em không bỏ đại ca đâu! Đại ca ơi!”
Tôi ngồi nhìn theo bóng chú Độ, lòng bồn chồn, thấp thỏm không yên.
Chừng một tiếng đồng hồ sau, nhóm tù dính líu tới vụ lộn xộn đêm qua được thả về. Ngang qua chỗ tôi ngồi, Độ lại phát thanh bổng,
“Thái Sơn ơi! Chỉ có một tờ kiểm điểm, không nhằm nhò gì.”
Nghe vậy, tôi mới thấy lòng nhẹ nhõm, hết lo âu.
Mấy cái báng súng đêm trước đã khơi động những chấn thương cũ trong thân thể tôi. Tôi chợt thấy ngực mình đau nhói một cách kỳ lạ.
"Bục!...Bục!...Ục!...Ục!..."
Ruột gan tôi như đang lộn lạo, sôi sùng sục. Có một vật gì tròn tròn, mềm mềm như cái bong bóng đang tìm đường chui qua cổ họng tôi để thoát ra ngoài.
"Ộc!...Ộc! Phè!...Phè!..." Máu từ ngực tôi vọt qua hai hàm răng, văng tung tóe trên đùi và trên nền ván gỗ.
Tôi ói máu liên tục. Lúc này, trước mắt tôi chỉ còn những đốm sao chớp chớp, lập lòe. Rồi tất cả tối sầm lại, đen đặc. Tôi gục đầu hôn mê trên chiếc còng tay...
"Lai tỉnh đi Long! Long ơi!... Lai tỉnh đi Long!..."
Tôi mở mắt ra, thấy mình đang nằm thoải mái trên nền đất nhầy nhụa, hôi tanh, tay không còng, chân không cùm. Ông thầy thuốc Nam của trại một tay bóp miệng cho tôi thở, tay kia không ngừng giựt giựt mớ tóc mai bên thái dương tôi.
Cán bộ Nghiễm trực trại, đang đứng trước cửa theo dõi. Thấy tôi mở mắt tỉnh lại, y buột miệng,
- Tưởng đi luôn rồi chứ!
Sau đó y ra lệnh cho tên lính gác,
- Dẫn nó ra suối!
Thế rồi, sau nhiều ngày ủ mình trong bộ quần áo kaki đầy máu me, cứt đái hôi thối, tôi được đi tắm. Sức yếu, hai chân lại đau, tôi đi không nổi, đành phải bò. Tới cổng, tôi níu vào hàng rào đứng lên, cố gắng lần mò từng bước. Có hai anh bạn đánh liều chạy tới đỡ, dìu tôi đi. Thấy thế, vệ binh cũng làm ngơ.
Trong lúc tôi đi vắng, một anh bạn tù bị bắt làm công tác vệ sinh nhà giam với một thúng tro.
Tới suối, tôi tụt hết quần áo, lết nhanh xuống dòng nước mát. Hai tên lính canh đã ghìm súng ngồi sẵn trên bờ. Cán bộ Nghiễm ra điều kiện,
- Anh Long có mười phút tắm gội. Cấm không được lặn!
Tôi bỏ ngoài tai lời đe dọa, cứ gục đầu xuống uống đầy một bụng nước, rồi lặn ngụp, vò đầu vò tai. Những con cá lòng tong bu vào gặm nhấm lớp da phủ vảy máu mủ chưa khô trên ống quyển. Lúc đầu, răng cá làm cho những vết thương chân của tôi thật là đã ngứa. Sau đó máu tươm ra, tôi bắt đầu cảm thấy xót, thấy đau.
Buổi chiều, trực trại sai hai bạn tù kè nách đưa tôi lên phòng làm việc. Tôi phải viết hai tờ tự kiểm, phải thành tâm hối hận về hành động trốn trại vừa qua để xin ban chỉ huy trại khoan hồng.
Tôi nại cớ hai tay bị cùm, bị đánh, đã tê dại, không cầm bút được. Thế là một anh bạn gốc Không Quân đang ngồi tỉa bắp trên kho bị điệu vào ghi chép tờ tự khai cho tôi. Tôi nói anh bạn muốn viết gì thì viết, rồi tôi nhắm mắt ký bừa, không cần đọc lại. Lúc nộp hai tờ tự kiểm cho cán bộ, hình như anh ta đã ghi lộn họ Vương của tôi thành họ... Nguyễn thì phải?
Trong thời gian chờ cán bộ của Nha Quân-Pháp Bộ Quốc-Phòng Cộng-Sản từ Hà-Nội về chấp cung, tôi không được đi ra ngoài. Mọi sinh hoạt tiêu, tiểu đều ở ngay chỗ nằm. Hằng ngày, ông thầy thuốc Nam của trại có nhiệm vụ đi vứt cứt đái cho tôi. Biết tôi bị nội thương, ông ta lén dấu cho tôi vài viên xuyên tâm liên. Ông thầy thuốc này cũng là tù cải tạo. Tù mắc bịnh gì ông ta cũng cho uống xuyên tâm liên! Từ thời ông ta đảm nhận công tác y tế của trại, tôi chưa thấy ai chết vì xuyên tâm liên cả.
Ngày Chủ Nhật, trại được nghỉ lao động. Hai cổng trước sau đều bị khóa. Tên lính gác trên chòi cao ngồi ngủ gà ngủ gật. Các bạn tù túa ra sân, người thì tay chân bận bịu với ca cóng trong việc nấu nướng, kẻ tụ họp đánh cờ, vài anh khác mải mê tập thể dục, dưỡng sinh. Có bóng người lạng qua cửa nhà cùm.
"Vèo!...Vèo!...Độp!...Độp!..." vài cục đường thẻ và mấy củ khoai lang luộc được quăng vào nhà kỷ luật.
Hai củ khoai bay tuốt vào góc phòng, ngoài tầm tay với. Còn hai cục đường vì nhẹ, nên rơi nơi bục cửa, tôi chụp lẹ, rồi đưa ngay vào mồm.
Oái oăm làm sao! Cục đường trong miệng lại nằm kẹt ngay chỗ cái răng đã bị tên Lời đập gãy, tôi đau điếng người! Cả hàm răng tê tái, cứng đờ, cục đường nằm trong họng mãi không chịu tan.
Hai ông bạn tù vừa ném đồ ăn cho tôi, một ông là Hải Quân Thiếu Tá Trần Văn Căn, bạn cùng lớp Trần Quí Cáp, người thứ nhì là Đại Úy Vương Thành Lân Khóa 19 Võ-Bị.
Lâu ngày mới thấy chất ngọt, nước dãi trong mồm tôi tiết ra ào ào, nuốt không kịp.
Tới trưa hôm đó mới khổ! Tôi chưa kịp cởi quần đã bị "Tào Tháo" đuổi, bắt tại chỗ! Tay còng, chân cùm, tôi đành nằm chịu trận.
Chờ mãi, tôi mới thấy bóng dáng ông thầy thuốc Nam trước cửa nhà bếp. Tôi lên tiếng gọi, rồi mắc cỡ, nói với ông ta rằng vì bị trúng gió, tôi đã "bĩnh" ra quần.
Ông lang sốt sắng chạy vội lên gặp cán bộ trực trại. Tôi được "chiếu cố" cho ra suối tắm rửa lần nữa.
Hai ngày sau, vào lúc xế chiều, cán bộ Vấn xuất hiện. Đứng chân trong, chân ngoài ngạch cửa, anh ta dặn dò,
- Ngày mai có người từ trên Bộ xuống chấp cung. Tính mạng của anh coi như an toàn rồi đấy! Tôi cũng mừng cho anh. Có điều là cần kín miệng.
Nói vừa xong câu, anh ta vội vàng xoay lưng, bước đi.
Chín giờ sáng ngày hôm sau, tôi ngồi đối mặt với một thượng úy của Nha Quân-Pháp Cộng-Sản. Công tác chấp cung xảy ra đúng ba ngày.
Ngày thứ nhứt...
Tay nhấn cái nút "Play" màu trắng, đồng thời với cái nút "Record" màu đỏ của chiếc cassette để trên bàn, tên cán bộ bắt đầu cuộc thẩm vấn,
- Trong thời gian ở Trại 4 này, cán bộ và chiến sĩ của trại có làm điều gì trái với chính sách của đảng và nhà nước khiến cho anh và các trại viên khác bất mãn không?
Tôi thoáng nghĩ,
"Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, mình có nói ra những hà khắc, bất nhân của cán binh trại này, chưa chắc hắn ta đã làm được điều gì thay đổi. Mà không chừng, tố cáo những gì mình chứng kiến, có khi còn mang vạ vào thân..."
Hai bàn tay xếp trên đùi, tôi tránh đôi mắt người đối diện,
- Thưa cán bộ, tôi thấy rằng ở trại nào thì chế độ cũng như nhau. Tôi không có điều gì để khiếu nại cả.
- Vậy thì, nguyên nhân nào đã khiến anh vượt trại?
- Tôi trốn trại là để đi tìm tự do.
- Sao lại phải đi tìm? Bao giờ học tập xong, anh sẽ được trả tự do thôi!
Ngẩng đầu lên, thấy vẻ mặt người sĩ quan Cộng-Sản không có nét gì là giận dữ, tôi đánh bạo,
- Thưa cán bộ. Cán bộ có thể cho tôi biết, đến bao giờ thì khóa học của tôi mới chấm dứt?
Thừ người ra một phút, viên thượng úy nhịp nhịp cái bút chì trên mặt bàn,
- Cái ấy cũng tùy, một năm, vài ba năm, tùy nơi các anh...
Lúc đó mắt tôi chợt nhìn thấy trong góc phòng một cái giá súng, trên đó dựng bốn khẩu A.K của vệ binh. Một ý nghĩ thoáng qua,
"Hai giây đồng hồ để nhảy từ đây tới cái giá súng. Một giây chụp khẩu A.K. Một giây kéo cơ bẩm. Hai giây vượt qua cửa sổ. Một phút sau có mặt trong vườn sắn. Lính canh trên chòi gác không thể quan sát được phía sau vườn sắn. Phải tốn ít nhất là năm phút, vệ binh mới tập họp xong. Chỉ cần năm phút phù du ấy là ta đã lên tới Lũng Ngàn rồi!"
Tiếng gõ nhịp bút chì chợt ngừng thình lình. Tôi liếc mắt thấy vẻ mặt hơi thất sắc của tên cán bộ. Hình như hắn ta đã thấy mắt tôi đang dán vào cái giá súng?
Y vụt xô ghế, đứng dậy,
- Thôi anh về nghỉ, ngày mai ta làm việc tiếp.
Tôi chột dạ, nhưng cũng không tỏ vẻ bối rối. Phải chống hai tay lên ghế lấy đà, tôi mới từ từ đứng lên được. Lúc này tôi chợt sực tỉnh: sức tôi yếu quá! Tôi đứng còn khó khăn, nói chi tới chuyện chạy, nhảy, leo trèo?
Ngày thứ nhì...
Bước vào phòng trực, tôi không còn thấy cái giá súng A.K trong góc nhà nữa. Bên ngoài cửa sổ thấp thoáng bóng vệ binh ôm súng, rảo bước đi qua, đi lại.
Chờ cho tôi ngồi xuống ghế, viên sĩ quan quân pháp chỉ tay vào một cái bịch giấy dày cộm trên bàn,
- Tôi đã có toàn bộ hồ sơ quân bạ của anh Long ở đây. Đầy đủ hết! Từ bản tướng mạo công vụ, cho tới từng cái giấy phạt, giấy khen, huy chương, khai sinh, giá thú ... không thiếu bất cứ thứ gì. Nếu không tin, anh có thể tự tay kiểm tra lại, xem tôi nói có đúng không?
Rồi y rút ra đưa cho tôi mấy tờ huy chương và bản tướng mạo công vụ của tôi. Thoáng nhìn thôi, tôi đã biết đó là thứ thật.
Thấy tôi có vẻ không hứng thú với việc đọc mớ giấy tờ kia, hắn từ tốn cất chúng vào bao trở lại, rồi gật gù,
- Hôm nay chương trình sẽ là nghe vài cuộn băng.
Cuộn băng thứ nhứt dài nửa giờ ghi lại phiên tòa ngoài trời, cách đây không lâu, xử một anh tù cải tạo tên Phê (?) trốn trại ở đâu dưới Vĩnh-Phú hay Thanh-Hóa gì đó. Tiếng loa vang vang lời kết tội phát ra từ miệng một "cải tạo viên", có lẽ là trật tự hay thi đua,
"Tên ngụy quân này đã ngoan cố vượt trại, không chịu học tập! Đề nghị xử tử!"
Hàng chục người khác nhao nhao tán đồng,
"Đồng ý! "..."Nhất trí!"..."Đồng ý!"..."Nhất trí!"...
Một người nữa phát biểu,
"Thằng này đã cướp súng bắn lại cán bộ! Phải xử tử nó ngay!"
Đám đông lại thét gào,
"Xử tử!"..."Xử tử!"..."Xử tử!"...
Một ý kiến khác,
"Chúng tôi không an tâm học tập khi tên ác ôn này còn sống và tiếp tục quấy rối chúng tôi..."
Khán giả dường như đã say máu,
"Xử tử nó đi!"..."Xử tử nó ngay!"..."Xử tử nó!"..."Xử tử!"...
Đa nghi cách mấy tôi cũng không thể nói cuộn băng này là giả tạo được! Rõ mồn một, đấy là tiếng nói, tiếng la, tiếng hét của đồng đội tôi. Tôi không thể nghe lầm: Đồng đội của tôi đang tranh nhau đòi giết bạn mình!
Là một tù nhân sắp ra tòa lãnh án, tôi không mảy may sợ hãi cái chết, nhưng những tiếng la hét của những người đồng ngũ lại làm cho tôi đau đớn vô cùng.
Cuộn cassette dài có nửa giờ, vậy mà tôi cảm như mình đang trải qua một cuộc tra tấn dài vô tận. Ngón đòn cân não đã có hiệu quả! Lòng đau như cắt, hai lá nhĩ lùng bùng, đầu tôi choáng váng như muốn nổ tung vì những tiếng thét đầy man rợ,
"Xử tử!"..."Xử tử!"..."Xử tử!"..."Xử tử!"...
Cuộn băng ghi âm chấm dứt không có đoạn kết của phiên tòa. Viên thượng úy xoi mói nhìn vào mặt tôi, như tìm đọc phản ứng của tôi, rồi y bồi theo một câu, như phát đạn ân huệ,
- Anh Phê bị xử bắn rồi đấy anh Long ạ!
Thấy tôi ngồi lặng thinh, hắn ta nói nhỏ,
- Tôi không cần hỏi thêm anh về lai lịch hay thành tích nữa làm gì. Chúng tôi có đủ tài liệu và hồ sơ để xác định tội trạng của anh rồi. Tuy nhiên, tôi cũng mạnh miệng bảo đảm rằng, tội của anh chưa đến mức bị xử tử hình. Tin tôi đi!
Sau khi được uống một bát nước lạnh, tôi tiếp tục ngồi nghe cuộn băng thứ nhì, cuộn băng ghi lời phát biểu của hai vị đại tá bị Cộng Quân bắt tại mặt trận Ban-Mê-Thuột.
Cuộn băng chót là một buổi học tập, phê bình, kiểm thảo của một nhóm sĩ quan cấp tướng và đại tá.
Qua hai cuộn ghi âm vừa rồi, tôi nhận ra giọng nói của những vị tôi đã từng dưới quyền, đã từng thân thiết. Vẫn giọng nói xưa, nhưng những lời tôi nghe được lại như từ miệng ai đó, tôi chưa từng gặp, chưa từng tiếp xúc bao giờ!
Trong cơn bão tố cuồng điên, con thuyền quốc gia của dân tộc tôi chìm nhanh quá! Giữa biển khơi không thấy bến bờ, những người sắp chết đuối thấy vật gì bồng bềnh trước mắt, cứ ngỡ rằng đấy là một cái phao, đâu ngờ đó chỉ là đám bọt nước mà thôi!
Thực tình, từ ngày mất nước, tôi chưa bao giờ có ý oán trách bất cứ ai, kể cả các cấp chỉ huy và bạn đồng ngũ của tôi. Tôi chỉ thấy xót thương cho bạn bè mình, và buồn cho số phận của chính mình.
Người cán bộ xếp dọn đồ nghề, rồi nói câu chấm dứt buổi thẩm cung,
- Thôi! Mai ta tiếp tục anh Long nhé!
Tôi khập khiễng trên đoạn đường từ ban chỉ huy trại về buồng giam, sau lưng là một họng A. K.
Ngày chấp cung thứ ba...
Viên thượng úy xoa xoa hai bàn tay vào nhau,
- Hôm nay chủ đề trao đổi giữa chúng ta sẽ là: “Quốc-Gia và Cộng-Sản.” Tôi sẽ không đánh đập anh đâu. Đừng e ngại, sợ sệt, cứ việc phát biểu một cách công tâm. Tôi cho phép, và khuyến khích anh nói thật lòng mình, về những gì anh cho là sai, là đúng của hai chế độ. Mục đích chuyến công tác của tôi lần này chỉ có thế!
Tôi ngồi ngẩn mặt ra. Thật là ngoài mức tưởng tượng! Tôi đã một lần nếm mùi cái “kinh nghiệm thương đau" của kẻ bị tra khảo vì tội trốn trại rồi, nên tôi biết, trong thời gian chấp cung, tù vượt ngục nào cũng bị đánh cho tới bò lê, bò càng, cả tháng sau, thân mình còn ê ẩm.
Tôi nghĩ lần này cũng lại bị đánh, bị buộc tội trối chết, rồi phải tỏ ra ăn năn, hối lỗi những việc mình đã làm, sau cùng là ký bản cam kết, hứa hẹn sẽ không còn tái phạm nữa...vân vân.
Ấn nút cho máy ghi âm chạy, thẩm vấn viên hất hàm,
- Theo anh, cuộc chiến tranh vừa qua chính nghĩa thuộc về phe Quốc-Gia hay Cộng-Sản?
Tôi đáp liều,
- Mỗi bên tham chiến có lý lẽ riêng để bênh vực cho chủ trương của phía mình. Người Cộng-Sản có lý của họ, còn chúng tôi, có lý của chúng tôi.
Người hỏi cung lắc đầu, nghiêm giọng,
- Anh hãy nói thẳng ra ý kiến của cá nhân anh. Phải là "ý kiến tôi thế này, ý kiến tôi thế kia!" Không được nói quanh quanh, nói chung chung kiểu..."chúng tôi thế này, chúng tôi thế kia..."
Tôi nuốt nước bọt rồi trả lời thẳng thừng,
- Tôi chiến đấu có chính nghĩa vì tôi là người tự vệ, Miền Bắc là kẻ xâm lược.
Hắn ta vội át giọng tôi,
- Anh nói sai rồi! Chúng tôi mới có chính nghĩa vì chúng tôi chiến đấu để giải phóng Miền Nam thoát ách cai trị của ngoại bang.
- Không có ngoại bang nào cai trị Miền Nam cả. Việt-Nam Cộng-Hòa là một nước độc lập.
Y hét lên,
- Độc lập giả tạo! Thực chất Ngụy-Quyền Miền Nam chỉ là tay sai của đế quốc Mỹ.
- Việt-Nam Cộng-Hòa là một quốc gia đồng đẳng với các nước khác trên thế giới. Miền Nam có chính phủ riêng, hiến pháp luật lệ riêng. Tổng Thống và Quốc Hội nước Việt-Nam Cộng-Hòa là do dân bầu lên, có nhiệm kỳ hiến định hẳn hoi, sao lại gọi là tay sai được?
Tôi ngừng lại, chờ xem ý kiến của người đối diện ra sao thì thấy y đã tắt máy.
Ngồi im một lát như để tĩnh tâm, rồi thật chậm rãi, hắn ta ôn tồn trở lại,
- Tôi sẽ không đấu lý với anh nữa. Vì nếu cãi nhau thì anh sẽ ở vào thế yếu, còn tôi ở thế mạnh, không được công bằng. Từ bây giờ tôi chỉ đặt câu hỏi. Anh được tự do trả lời theo ý anh! Như vậy có được không?
Thấy tôi gục gục đầu, hắn nhấn nút cho máy quay, rồi tiếp tục,
- Anh nói rằng Miền Nam là tự do, vậy hãy diễn tả cái tự do đó thể hiện ra sao ngay trong cuộc đời của chính anh.
- Tôi lớn lên trong một chế độ mà trong đó, chúng tôi muốn nói gì thì nói, nghe gì thì nghe, đọc gì thì đọc. Không bị ai nhồi nhét tư tưởng này, tư tưởng kia vào đầu. Ngay như tôi là một thiếu tá, mà suốt mười hai năm quân ngũ tôi chưa bị bắt buộc phải vào dự một buổi học tập chính trị nào cả. Những hiểu biết về Cộng-Sản, hay Tự-Do là do cái vốn kiến thức thu thập từ thực tế và tự tìm hiểu qua báo chí, sách vở. Không ai ép buộc tôi phải tôn thờ chủ nghĩa này, đả phá chủ nghĩa kia.
- Nếu nói rằng Miền Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì tại sao lại có những cuộc biểu tình, xuống đường của Cha, Cố, Giáo Dân cũng như của Tăng Ni, Phật Tử?
- Chính vì có tự do nên mới xảy ra những chuyện xuống đường, phản kháng, nếu không có tự do thì toàn dân sẽ câm như hến.
- Anh có là một thành viên của đảng Dân-Chủ không? Nếu một người lính mà không là đảng viên đảng Dân-Chủ thì có bị thiệt thòi gì không?
- Thú thật tôi không để ý đến vụ đảng phái. Tôi không gia nhập đảng nào. Tôi cũng chưa thấy đảng nào công khai gây ảnh hưởng trong đơn vị tôi bao giờ.
- Trong thời gian qua, anh đã có dịp tiếp xúc với dân chúng Miền Bắc, anh có nhận xét gì về nếp sống của dân chúng Miền Bắc không?
Thấy có dịp giải tỏa ấm ức, tôi hứng chí nói một mạch,
- Miền Bắc và Miền Nam khác hẳn nhau. Ở trong Nam, người dân có thể sống theo ý mình muốn. Còn Miền Bắc là một xã hội có quy củ, có khuôn phép. Từ vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, nhà cửa, ruộng vườn, cái gì cũng có tiêu chuẩn cả. Cái gì cũng tem phiếu, sổ sách. Hàng còn nằm trong kho quốc doanh có một giá, tới lúc tuồn ra ngoài, nó thành giá khác, đắt gấp chục lần. Lao động xã hội chủ nghĩa thì người này dựa vào người kia. Làm việc hợp đồng, vần công chỉ là chuyện lãng phí nhân lực. Tôi đã thấy có một mảnh ruộng cỡ nửa sào, mà ào xuống mười người, với mười con trâu, và mười cái cày. Họ làm việc chừng một giờ đồng hồ, mà chấm công là một ngày. Thời giờ còn lại, mạnh ai nấy đi canh tác riêng để cải thiện. Lý thuyết là không có quyền tư hữu, tất cả là tài sản chung, nhưng trên thực tế, ai cũng lo mưu cầu lợi ích riêng, vì ai cũng thiếu thốn cả. Có lẽ vì thế mà mấy chục năm nay Miền Bắc vẫn nghèo, không khá lên được.
Tôi thấy kỹ thuật thẩm vấn của người Cộng-Sản có vẻ na ná với kỹ thuật khai thác của Đức Quốc-Xã thời Thế Chiến thứ 2 trong những tài liệu mà tôi đã đọc qua. Thoạt đầu, với đôi ba câu hỏi bâng quơ, tù binh được nói thoải mái thả giàn vài phút. Sau đó, thẩm vấn viên mới ra tay, bằng những câu hỏi dồn dập, tới tấp, loanh quanh, lẩn quẩn một vấn đề, làm cho óc người bị thẩm vấn rối tung lên, không biết đâu mà chống đỡ.
Với những câu hỏi ngoắt ngoéo, viên thượng úy Cộng-Sản đã cố gắng moi móc những gì tôi cất dấu trong đầu về cuộc đời tôi, từ thuở mới di cư, đến khi ngập ngũ, rồi tới ngày rã ngũ.
Trong thời chiến, tôi đã qua lớp Tình-Báo Tác-Chiến Singapore, rồi nhiều năm, đảm nhận chức Trưởng Phòng Quân- Báo của Bộ Chỉ-Huy Biệt Động Quân, Quân-Khu 2, Việt-Nam Cộng-Hòa. Tôi đã thẩm vấn rất nhiều tù binh, và đã hoàn tất nhiều bản cung từ.
Do đó, tôi đủ bản lãnh để luồn lách, tránh né những bí mật liên quan tới sinh mạng những người đã cộng tác với tôi thời trước, như tên tuổi các mật báo viên trong mạng lưới mật báo của Phòng 2 Biệt Động Quân Quân-Khu 2, danh sách các cán binh chiêu hồi đã hướng dẫn các chuyến xâm nhập vào lòng địch của tôi trong thời gian 1972- 1973.
Chỉ sau vài câu hỏi trùng lặp, tôi đã nghiệm ra ngay chủ đề của cuộc "thi vấn đáp" trường chinh hôm ấy là nhằm khai thác tin tức liên quan tới "Vai trò của Chính-Trị và Tôn-Giáo trong Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa" Về cả hai lãnh vực trên đây, quả tình, tôi chỉ là một tay ấm ớ, nên người tra hỏi chẳng biết được gì.
Cứ thế, trừ đi cỡ sáu, bảy phút cho hai lần đi tiểu, và khoảng mười phút cho bữa ăn trưa với một củ khoai lang luộc, tôi phải trả lời hàng trăm câu hỏi trong thời gian dài từ sáng sớm tới xế chiều. Tôi không nhớ có bao nhiêu cuộn băng mới đã được thay, mấy lần pin mới được lắp vào máy.
Chấm dứt ngày làm việc cuối cùng, không chỉ người bị chất vấn, mà ngay cả người đặt câu hỏi cũng thấy mồ hôi vã ra đầy mặt.
Người cán bộ châm điếu thuốc lá, rít một hơi, rồi trao nó cho tôi,
- Anh Long ạ! Tôi đã thực hiện công tác phỏng vấn này với một ông sư, một ông cha, một nghị sĩ, một dân biểu, hai cấp tướng, hai cấp đại tá, và ba người cầm đầu đảng phái chính trị. Mỗi anh có nhân cách riêng khi đối diện với tôi. Cũng những câu hỏi ấy nhưng mỗi người trả lời khác nhau. Mỗi anh có lý lẽ riêng. Anh là người tuổi nhỏ nhất và có địa vị thấp nhất mà tôi đã gặp trong công tác này đấy! Bây giờ tôi có một câu hỏi riêng tư với anh. Câu hỏi cuối cùng. Anh có vui lòng trả lời tôi không?
Tôi rít một hơi thuốc dài, nuốt ực vào, ém khói trong phổi, thấy tỉnh táo dần,
- Vâng! Tôi sẽ trả lời cán bộ.
- Nào! Anh hãy thành thật, tuyệt đối thành thật, trả lời tôi: Quan niệm của anh ra sao đối với sự sống và sự chết?
Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt người đối diện, dò chừng. Hình như hắn ta không có âm mưu gì chứa ẩn trong câu hỏi. Tôi hắng giọng, rồi nhỏ nhẹ trả lời, rõ ràng từng tiếng một,
-Thưa cán bộ. Tôi nghĩ, đời tôi bây giờ có sống cũng chẳng thấy vui thú gì, thì nếu chết, tôi cũng coi như là trở về cùng cát bụi. Tôi không có điều gì phải hối hận hay vướng bận cả.
Viên thượng úy Cộng-Sản đứng lên, bàn tay y xiết bàn tay tôi một cái rất nhẹ, rồi buông ra ngay. Y nói với tôi, nhưng có vẻ như nói một mình,
-Tiếc thay! Anh lớn lên ở Miền Nam. Nếu ngày đó anh không di cư, thì có lẽ, giờ này, những người tầm cỡ như tôi, muốn gặp mặt anh cũng là một điều khó khăn.
Buổi trưa sau ngày hoàn tất hồ sơ thẩm vấn, đầu óc thật thoải mái, tôi nằm im, đón nghe trong gió vọng về những âm thanh quen: tiếng ve sầu rên rỉ trên Lũng Ngàn, tiếng chân trâu kéo gỗ nặng nề qua đoạn đường quanh, tiếng xẻng cạo chảo bên nhà bếp. Gần tôi nhứt là tiếng "kẽo! kẹt!" của loài mọt gỗ đang đục khoét cái cột giữa nhà.
Tôi ngửa cổ nhìn lên nóc tranh, trước mắt tôi là cảnh một con ruồi xanh đang cố gắng một cách tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi cái màng lưới nhện. Thân phận tôi giờ đây ví như thân phận con ruồi xanh trên kia, không hơn, không kém. Nhện và ruồi là hai động vật khác loài. Chúng giết nhau để sinh tồn. Còn tôi và những người đang giam cầm tôi lại cùng chủng loại.
Tuần lễ sau, vào giờ cơm chiều, cán bộ Vấn bước vào, ngồi trên bệ cửa, rút bao Cửu-Long ra, bật lửa châm cho tôi một điếu. Chờ tôi hút xong điếu thuốc lá thơm, anh ta mới mở lời,
- Bà mẹ anh ngày xưa đẹp nhất làng Trác-Châu đó! Anh có biết không?
Tôi trố mắt,
- Cán bộ có lớn tuổi hơn tôi nhiều đâu? Làm sao mà cán bộ biết điều này?
- Ngày anh bị đưa về cùm lần đầu ở trại này, tôi đã đọc qua lý lịch của anh rồi. Tôi biết tên bố mẹ anh và tất cả họ hàng bên ngoại của anh nữa. Nhà tôi ở sát rào nhà cụ Ngãi, ông ngoại của anh. Thời còn là con gái, bà cụ sinh ra tôi là bạn thân của bà cụ nhà anh. Mẹ tôi nói hồi đó mẹ anh có làn da trắng như trứng gà bóc. Mẹ anh không lấy người trong làng, lại đi lấy người làng bên. Sau khi bố anh bị giết, mẹ con anh đã bỏ xứ, ra đi biệt tăm. Không ngờ sau đó gia đình anh di cư vào Nam, và anh đã làm tới chức thiếu tá. Dù gì thì chúng ta cũng là người cùng làng...
Tới lúc đó, tôi mới hiểu lý do vì sao viên sĩ quan Cộng-Sản này lại nương tay với mình.
Cán bộ Vấn thọc tay vào túi, lôi ra một cái phong bì. Mở phong bì, móc cái ảnh cỡ 6x9 cm đưa cho tôi, anh ta nói nhỏ,
- Anh Long có thơ. Nhưng tôi không được phép đưa thơ cho anh. Tôi "diếm" cho anh cái ảnh của vợ con anh. Nhớ giữ kín đừng cho ai biết.
Nói xong câu này, Vấn nhét vào tay tôi một điếu thuốc nữa, rồi đứng lên, lững thững đi về hướng nhà bếp.
Có lẽ cái thư chứa tấm hình đã tới trại trong thời gian tôi tại đào. Trong hình là vợ tôi bế thằng con út ngày nó vừa biết lật. Nay chắc thằng bé đã biết nói, biết chạy rồi?
Ấp cái ảnh vợ con vào lòng, tôi nghe rõ ràng, tim mình đang thổn thức...
Tôi được nhìn thấy mặt bố tôi lần cuối cùng (1946), ngày tôi lên bốn tuổi. Còn thằng con tôi, không biết suốt đời, nó có dịp nào nhìn thấy mặt bố nó hay không?
Từ lúc đó cho tới tối mịt, cứ lâu lâu, tôi lại dở cái ảnh ra xem.
Vằng vặc trăng trôi...
Tôi nằm quay mặt về hướng Tây. Cửa chính của phòng giam không bao giờ đóng. Ngoài kia ánh nguyệt chan hòa.
"Tưng!... Tửng!... Từng!... Tưng!..."
có tiếng đờn ghi ta vọng cổ bay sang từ Lán 1. Tiếp đó là một câu hò (hay sàng xê) não nuột,
"Đêm nay trăng sáng...(á!) lung linh, em ngồi trông trăng.
Lòng nhớ thương anh, mà lòng... (ừ!) buồn mông mênh.
Mình cách xa nhau rồi...(à!) Mình mất nhau muôn đời.
Đêm ngồi trông trăng, mà mắt lệ ...(ý! à!) tuôn rơi..."
Tôi không phân biệt được giọng hò này là của ông trung tá con rể bà Bút Trà, hay là của ông đại úy con rể cụ dân biểu Hoàng Kim Quy?
Ánh trăng lùa tiếng đờn tràn qua cửa phòng giam.
"Từng!" ..."Tưng!"..."Tứng!"..."Tứng!" ..."Tưng!"...
Nhịp đờn bỗng rối rít hẳn lên, quện vào tiếng hát, xoắn lại như con chốt, rồi vút lên thật cao,
" Trời ơi! ... Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn
Nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu ... Hà...
...Tưng! Từng!...Tưng! Tửng!...Từng! Tưng!... Ư...ưng... ư...ưng..."
Giữa đêm trăng lạnh, vô tình, khúc "Võ Đông Sơ" đã như mũi dao nhọn, xoáy vào tim người nghe...
Ngày xưa tôi là chúa ghét vọng cổ. Cứ thấy mấy anh kép cải lương "miệt rừng" trong đơn vị vừa cất giọng,
"Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi!”
... tôi lại bấm bụng cười thầm, lỉnh nhanh đi chỗ khác.
Vậy mà giờ đây, giọng ca của mấy ông nghệ sĩ tay ngang cũng làm cho tim tôi xốn xang. Tôi nằm trằn trọc hoài mà không nhắm mắt được. Đêm sao quá dài...
Từ đầu tháng Sáu, sau giờ ăn trưa mỗi ngày, tôi được mở còng cùm vài phút để đi vệ sinh. Chuyện ỉa đái của tôi xảy ra ngay trong vòng rào mà vệ binh cũng phải kè kè đi kèm. Khi tới đầu Lán 11, vì sợ thối nên tên bộ đội đành dừng lại, ôm súng đứng canh, cách nhà cầu chừng sáu chục thước. Mắt nó cứ lom lom theo dõi những người tù trên đường ra nhà xí. Nó soi mói, kiểm soát kỹ càng những ống vầu chứa nước họ xách theo để rửa đít. Nó sợ bạn tù lén lút liên lạc tiếp tế cho tôi!
Bọn cai tù không thể ngờ rằng, trước khi tôi được mở cùm, đã có hai ba anh bạn tới ẩn mình trong cầu tiêu rồi. Họ tranh nhau nhét vào miệng tôi, cục đường, củ khoai, và cả những viên thuốc bổ. Tôi chỉ được phép ở trong chuồng xí có năm phút. Trong năm phút, tôi vừa ăn, vừa đại tiểu tiện, vừa nói chuyện với bạn bè.
Hàng ngày, bạn tù chia phiên nhau giúp đỡ cho ba người đang bị phạt. Các anh Thiếu Tá Hoàng Văn An, Đại Úy Vương Thành Lân, Đại Úy Nguyễn Hữu Quang, Đại Úy Phạm Xuân Độ, và Đại Úy Đỗ Dũng là những người tôi gặp mặt thường xuyên, ngoài ra còn nhiều bạn khác nữa. Họ lo cho tôi vào giữa trưa, và lo cho anh Trụ, anh Cả vào lúc xế chiều. Nếu hôm nào cả trại phải đi lao động suốt ngày, thì các anh trực lán sẽ làm công tác cứu trợ.
Thời gian này người tù mang cơm cho nhà kỷ luật là Nguyễn Hữu Quang, bạn cùng khóa Võ-Bị của tôi. Những khi có dịp thuận tiện, anh Quang thường lén lút ém thêm phần ăn cho người bị giam.
Cũng may những chuyện này không đổ bể. Chứ cai tù mà biết được thì các bạn tôi chỉ có nước vào cùm!
Trong cảnh hoạn nạn, tôi đã không bị bạn bè bỏ rơi. Những sự trợ giúp ấy đã khiến tôi tăng thêm sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần. "Khốn khó có nhau, là huynh đệ chi binh!" phải gặp cơn nguy biến mới thấy cái cao đẹp của tình đồng đội.
Những tháng tiếp theo, tôi và hai anh bạn bị đưa đi vòng vòng, lần lượt nhốt trong các trại tù quanh vùng Cẩm-Nhân, Yên-Bình. Mỗi khi tới trại mới, ba “cải tạo viên” vượt ngục lại trở thành những cái bao cát cho bọn vệ binh của trại đó thực tập võ nghệ.
Cuối cùng chúng tôi bị dẫn vào Trại 2 trong Tích-Cốc, nhốt chung với một tay "Papillon" của trại này. Anh ta nằm trong căn bìa của nhà kỷ luật, cách tôi một tấm phên.
Ghé mõm sát cái lỗ nhỏ dưới chân vách, tôi hỏi nhỏ,
- Này! Tên gì? Cấp gì?
- Thường! Đại úy!
- Đi lúc nào?
- Sau các cha một tháng.
- Mấy người?
- Bốn.
- Ba ông nội kia đâu?
- Thoát rồi!
- Còn cha? Sao lại nằm đây?
- Mình bị sa ruột, giữa đường đành bỏ cuộc, bị dân quân bắt, dẫn về giao lại cho trại, rồi bị tống vào đây.
- Đã bị chấp cung chưa?
- Rồi!
- Có bị đánh không?
- Tơi bời! Đau lắm các cha ơi!
Mấy ngày sau, người đưa cơm của Trại 2, vốn là một đại úy Biệt Động Quân thì thầm với tôi rằng,
"Một toán vệ binh của Trại 2 đã kêu gọi được ba người bạn của anh Thường ra đầu hàng rồi. Nhưng ngay sau đó, chúng bắn chết hết ba người này, rồi đổ hô là họ bỏ chạy lúc ban đêm!"
Nghe chuyện này, tôi nhớ lại cái đêm trời tối đen như mực cách đó không lâu, nếu tôi nghe lời tên vệ binh, bước ra khỏi cổng để lên ban chỉ huy ký giấy cho về đội lao động, thì tôi đã bị bắn chết rồi!
Cuối năm 1978 có tin Trung-Cộng sắp đánh Việt-Cộng, ba chúng tôi lại bị còng dính vào nhau đưa lên xe, vượt sông Lô, qua đèo Khế, ghé Tân-Trào, rồi chạy một lèo về Trại Phú-Sơn 4, Thái-Nguyên.
Tại đây, vừa được tháo còng ra, tôi đã bị tống vào đội trừng giới số 12 toàn là dân vượt ngục, chuyên làm lò gạch. Đồng cảnh ngộ, nên anh em trong đội này đã thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như người thân trong một nhà.
Tháng Ba năm 1979 quân Tầu ào qua biên giới, chúng tôi lại bị còng từng cặp, đưa lên Molotova, chạy một mạch qua thủ đô Hà-Nội về tuốt miệt Hà-Nam, Phủ-Lý.
Trong lúc chờ phà vượt sông Hát, đoàn xe bị dân chúng ném đá tơi bời. Tù chỉ còn nước ôm đầu, úp mặt xuống sàn xe. Thì ra dân chúng tưởng chúng tôi là tù binh Trung-Quốc!
Đến khi biết trên xe là tù cải tạo Việt-Nam Cộng-Hòa thì dân chúng lại đua nhau ném chúng tôi lần nữa! Chúng tôi lại lo ôm đầu, úp mặt. Nào ngờ, lần này đầu cổ, tóc tai lãnh toàn là xôi, đường, kẹo bánh, xu hào, cải bắp!
Quý hóa hơn mọi món quà mà chúng tôi nhận được ngày hôm đó là, lần đầu kể từ khi bại trận, chúng tôi lại được nghe hai tiếng "Hoan hô!" từ miệng của đồng bào tôi.
Dù chỉ có vài tiếng "Hoan hô!" rụt rè phát ra trong đám đông thôi, đã khiến đôi mắt tôi cay xè. Nhìn sang bên, tôi thấy mặt anh bạn chung còng cũng nhạt nhòa nước mắt...
Từ ấy, cứ vài năm một lần, tôi lại bị chuyển sang trại mới, cuối cùng là Z30 D Hàm-Tân. Tới năm 1988 tôi được tha.
Nhớ lại, một ngày mùa đông năm 1965, tôi đã quỳ xuống giữa vũ đình trường Lê-Lợi Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam để tuyên thệ rằng sẽ đem xương máu mình bảo vệ tổ quốc, phục vụ đồng bào. Sau khi đứng lên, tôi trở thành một sĩ quan Biệt Động Quân. Qua bao nhiêu năm xông pha nơi chiến trường, rồi trầm luân trong tù ngục, tôi vẫn ghi tạc trong lòng một lời khuyên,
“Thà làm một viên ngọc nát, chứ không làm một viên ngói lành!"
Vương Mộng Long
Seattle, tháng 3 năm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét