Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

So sánh cải tổ chính trị ở VN và TQ



Cập nhật: 21:31 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Nhiều trí thức Trung Quốc cho rằng nước họ phải học Việt Nam về cải tổ chính trị
Kể từ năm 2006, cải tổ chính trị ở Việt Nam đã được thực hiện theo cách tương tự ở Trung Quốc trong nửa cuối thập niên 1980 trước khi tàn sát Thiên An Môn năm 1989 làm mọi sự chựng lại.
Đặc biệt, một cơn sốt truyền thông còn mô tả Việt Nam là đi trước Trung Quốc về cải tổ chính trị, sau khi Quốc hội Việt Nam bác bỏ đề nghị của chính phủ về hệ thống đường sắt cao tốc năm 2010. Giới cải cách Trung Quốc xem vụ này là tiến bộ rất đáng kể trong quá trình xây dựng cơ chế kiểm tra ở tầng mức cao nhất trong chính trị Việt Nam. Nhiều người Trung Quốc tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sớm cho phép để hai người nắm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước, giống như ở Việt Nam.
Trước đó, người Trung Quốc còn ca ngợi tiến bộ của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực cải tổ lớn: tranh đua chức Tổng Bí thư, bầu trực tiếp Đại biểu Quốc hội (người Trung Quốc được cho hay một số ứng viên độc lập đã giành được ghế trong Quốc hội), và Quốc hội Việt Nam bác bỏ một số ứng viên bộ trưởng do Thủ tướng đưa ra. Báo chí Trung Quốc nói với độc giả rằng các phiên họp Quốc hội Việt Nam có thể xem trực tiếp, và không phải chuyện hiếm khi các quan chức cao cấp lúng túng, toát mồ hôi trước câu hỏi khó của dân biểu.
Ai ngưỡng mộ ai?
Mặt khác, một số người Việt lại có thể nói rằng thay đổi chính trị ở Trung Quốc đáng được Việt Nam ngưỡng mộ. Trung Quốc đã bỏ tù vài thành viên Bộ Chính trị và tử hình nhiều cán bộ ở cấp bộ trưởng, cấp tỉnh vì tham nhũng. Suốt nhiều thập niên, nông dân Trung Quốc được phép bầu trưởng thôn và bí thư xã cũng được chọn một cách cạnh tranh, trong khi ở Việt Nam, những việc như thế chỉ mới được thí điểm.
Một người bạn Việt Nam bảo tôi rằng sự ngưỡng vọng lẫn nhau như thế có thể xem là hội chứng “cỏ nhà người khác xanh hơn”. Tôi đồng ý, vì ở cả hai nước, đảng cộng sản không tỏ ra có dấu hiệu sẵn sàng chia sẻ quyền lực với người khác. Một dấu hiệu cho thấy cả hai đảng sẵn sàng ở lại nắm quyền vĩnh viễn là sự hình thành “thái tử đảng” ở cả Hà Nội và Bắc Kinh. Một lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nói ngay từ thập niên 1980, trước khi Liên Xô sụp đổ, rằng “chúng ta chỉ có thể tin con cháu của mình”. Sự thách thức mang tính tổ chức chống lại Đảng bị loại hẳn ở hai nước và thường bị trừng phạt nhanh chóng. Nghề báo cũng là nghề nguy hiểm nhất. Kết quả là, ở cả hai nước, khủng hoảng xã hội đã hằn sâu thêm như các vụ tranh chấp đất gần đây ở Ô Khảm và Tiên Lãng.
Dân làng Trung Quốc đã có thể tự bầu trưởng thôn
Với những sự tương tư căn bản như trên, có vẻ hài hước khi bàn nước nào “tiến bộ hơn” về cải tổ chính trị. Nhưng tôi vẫn phải nói rằng thảm cỏ dân chủ ở Việt Nam dường như xanh hơn Trung Quốc một chút, đặc biệt khi xét về tiềm năng tương lai. Niềm tin này chủ yếu được củng cố bằng việc so sánh hiến pháp hai quốc gia.
Cải tổ chính trị ở Việt Nam gặp ít hạn chế hiến pháp hơn, nếu ta so sánh những điều quan trọng nhất trong phần đầu của hai bản hiến pháp. Tôi ngạc nhiên khi biết câu nói “Của dân, do dân và vì dân” của Abraham Lincoln được nhắc lại y chang trong Hiến pháp Việt Nam. Nó cũng nói “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp Việt Nam còn nhấn mạnh “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, mở ngỏ để có thể giải thích rõ hơn về tam quyền phân lập. Những từ này không hề có trong Hiến pháp Trung Quốc.
So sánh Hiến pháp
Hiến pháp Việt Nam không nhấn mạnh bản chất “xã hội chủ nghĩa” của nhà nước”. Nhưng Hiến pháp Trung Quốc, ngay điều đầu tiên, không chỉ tuyên bố Trung Quốc là “nhà nước xã hội chủ nghĩa” mà còn cảnh cáo ngăn cấm việc “phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa”. Hiến pháp Trung Quốc đòi hỏi nhân dân Trung Quốc “chiến đấu chống lại các thế lực, ở cả trong nước và nước ngoài, thù địch và có ‎ định phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc”. Trong khi đó, điều đầu tiên của Hiến pháp Việt Nam chỉ nói “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Ở điều Ba, Việt Nam chỉ nói “nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân” mà không nhắc đến “chủ nghĩa xã hội”.
"Hiến pháp Trung Quốc nhấn mạnh đấu tranh giai cấp sẽ tồn tại thời gian dài, còn của Việt Nam không thấy nhắc đến từ này. Việc đưa cụm từ này vào hiến pháp cho thấy Đảng Cộng sản cố tình đặt tiền đề cho việc đàn áp lớn ở trong nước."
Một điều khác có thể so sánh là quan niệm “đấu tranh giai cấp dưới chế độ xã hội chủ nghĩa”. Hiến pháp Trung Quốc nhấn mạnh đấu tranh giai cấp sẽ tồn tại thời gian dài, còn của Việt Nam không thấy nhắc đến từ này. Việc đưa cụm từ này vào hiến pháp cho thấy Đảng Cộng sản cố tình đặt tiền đề cho việc đàn áp lớn ở trong nước.
So sánh hai hiến pháp, ít nhất về mặt ngôn từ, có vẻ như ở Việt Nam, những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa lập hiến và bản chấp trung lập của nhà nước được tôn trọng nhiều hơn – vì thế có nhiều khoảng trống hơn cho cải tổ chính trị tiếp theo. Hiến pháp Trung Quốc phản dân chủ hơn. Ở Trung Quốc gần đây, một số trí thức đề nghị lập ra “chính thể một đảng lập hiến”, rõ ràng lấy cảm hứng từ “chế độ quân chủ lập hiến” để thỏa hiệp giữa chế độc độc đảng và dân chủ. Nếu thực sự có một chính thể lạ đời như vậy, Việt Nam có thể sẵn sàng hơn một chút và Bắc Kinh chắc chắn sẽ học gì đó từ Hà Nội.
Ngoài ra, tôi lạc quan về Việt Nam hơn một chút khi so sánh sự biến đổi xã hội hậu cộng sản ở hai nước. Ở đây, “hậu cộng sản” ám chỉ việc từ bỏ các học thuyết Stalin-Mao-it, cải tổ kinh tế và mở cửa với thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vượt qua điểm bế tắc năm 1989 cùng khủng hoảng chính thể kèm theo sau đó, và nay tự tin hơn khi Trung Quốc nhanh chóng trở thành tân siêu cường. Đảng Cộng sản Trung Quốc công khai nói với thế giới rằng họ đã tìm ra con đường hiện đại hóa mới bằng cách bác bỏ dân chủ và tự do. Ôn Gia Bảo – thủ tướng ít quyền lực – là lãnh đạo duy nhất còn cổ vũ “cải tổ chính trị”. Chẳng ai nói theo ông. Trong phiên họp gần đây của Quốc hội Trung Quốc, “cải tổ chính trị” gần như trở thành cấm kị.
Nhiều người dễ nói với bạn rằng ở Trung Quốc hôm nay, có nhiều tự do trí thức hay thậm chí tự do ngôn luận. Nó thể hiện qua các tranh luận trái chiều trên và ngoài mạng. Thậm chí có cả cổ vũ chính trị - cả chủ nghĩa tự do, tân tự do, tân tả, tân Mao, cựu Mao, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa hiếu chiến, tân phát xít, tân Nho giáo. Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng một nền văn hóa lành mạnh sẽ sinh ra từ sự bừng nở trí thức này. Phần nào đó, Trung Quốc hôm nay rất giống nước Đức (1919-1933), hay Nhật Bản thập niên 1920 và 1930. Ở hai nước giai đoạn đó, trên bề mặt là sự cạnh tranh của nhiều hệ tư tưởng, nhưng rốt cuộc chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa dân tộc quá khích đã chiến thắng.
"Ở Việt Nam, tình cảm bài phương Tây, bài Mỹ không thu hút như ở Trung Quốc. Chủ nghĩa tự do phương Tây cũng có đôi chút ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam, như thể hiện qua Tuyên ngôc Độc lập của Hồ Chí Minh. "
Tại Trung Quốc, xu hướng này đã phát triển cùng tình cảm chống phương Tây, đặc biệt là bài Mỹ, mặc dù sự thăng tiến của Trung Quốc là nhờ giao thiệp với phương Tây. Chủ nghĩa dân tộc mới này không chỉ phản dân chủ mà còn mang tính bành trướng. Theo nó, lịch sử hiện đại Trung Quốc là “100 năm ô nhục”. Nó xem nhiều nước là kẻ thù của Trung Quốc mà Việt Nam là kẻ gây rối khu vực. Việt Nam bị cho là vô ơn cho dù Trung Quốc đã giúp đỡ trong thập niên 1950 và 1960. Việt Nam đã quên béng “bài học” mà Trung Quốc đã dạy trong chiến tranh Việt – Trung 30 năm trước, không biết về khả năng quân sự hiện nay của Trung Quốc mà lại mong Hoa Kỳ hỗ trợ. Theo những người dân tộc chủ nghĩa bàn luận trên mạng, mà cũng được ủng hộ của nhiều trí thức, viên chức dân sự, quân sự, cuộc chiến đầu tiên khi Trung Quốc đã trở thành quyền lực toàn cầu sẽ có thể là giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản và Ấn Độ cũng nằm trong danh sách trả thù, nhưng đó là kẻ thù khó hơn và chiến tranh sẽ có hậu quả quốc tế nghiêm trọng hơn.
Chính thể Việt Nam chưa gặp khủng hoảng nghiêm trọng như Trung Quốc 1989. Chúng ta không rõ liệu những cải tổ chính trị hiện nay sẽ tiếp tục để chính thể hạ cánh nhẹ nhàng, hay cải tổ sẽ đi đến mức khiến Đảng đối diện tình hình tương tự như Trung Quốc năm 1989. Nhưng ta biết từ năm 2006, Việt Nam đã thảo luận và thí điểm cải tổ theo một cách chưa hề có ở Trung Quốc.
Ở Việt Nam, tình cảm bài phương Tây, bài Mỹ không thu hút như ở Trung Quốc. Chủ nghĩa tự do phương Tây cũng có đôi chút ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam, như thể hiện qua Tuyên ngôc Độc lập của Hồ Chí Minh. Thật không thể hình dung một chính khách Mỹ, dẫu là Lincoln, lại được Hiến pháp Trung Quốc trích dẫn. Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc không đi chung với tư tưởng phản dân chủ như ở Trung Quốc. Thái độ đó với Mỹ và phương Tây chắc chắn có tác động đến những nỗ lực vì dân chủ.
Để kết luận, chính thể cộng sản ở Trung Quốc phản dân chủ hơn và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc bài phương Tây hung hăng hơn. Không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không dân chủ hóa. Nhưng tôi chỉ muốn nói rằng Việt Nam có vị thế tốt hơn để tiến hành thêm cải tổ chính trị.
Tác động qua lại về dân chủ hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam là thế này. Cải tổ ở Việt Nam cho phép những thảo luận hay thậm chí cổ vũ chính trị vốn không dễ xảy ra ở Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có những cải tổ nghiêm túc, nó sẽ tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho Việt Nam. Nhưng nếu Trung Quốc không cải tổ, Việt Nam sẽ đối diện một láng giềng bành trướng và dân tộc quá khích. Dĩ nhiên, chúng ta chỉ nhận biết được tương lai khi nó đã xảy ra.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một sử gia người Mỹ gốc Hoa, là Phó giáo sư thuộc Đại học Delaware State, Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét