Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Ngoại giao VN dính đường dây buôn lậu xe?


Bentley Continental Super Sport (ảnh minh họa) bán tại Ấn Độ với giá 575 ngàn USD.
Giới ngoại giao Việt Nam và Bắc Hàn đang bị điều tra dính vào đường dây nhập xe hơi lậu vào Ấn Độ khi cảnh sát bắt giữ 40 xe hơi hạng sang.
Giới chức từ Cơ quan Tình báo Thuế Vụ Ấn độ (DRI) bắt đầu điều tra cách đây hai tháng và đã thu giữ hàng chục xe Bentleys, Aston Martins và các loại xe cao cấp khác được cho là đưa vào Ấn Độ mà không trả thuế hải quan.
Các đời xe hiện bị giữ gồm Panameras Porsche, được bán ở Ấn Độ với giá 410 ngàn đôla, Bentley Continental Super Sport, giá 575 ngàn đôla, một loạt xe Aston Martin Rapides, giá 476 ngàn đôla, và một chiếc Maserati giá bán ở Ấn độ là 280 ngàn đôla.
Hai nhà ngoại giao chưa được nêu tên bị nghi sử dụng đặc quyền của đại sứ quán để nhập khẩu xe vào Ấn Độ mà không phải trả thuế nhập khẩu áp ở mức 100% đối với xe mới.
Giới chức điều tra nghi ngờ một số xe có thể đã bị đánh cắp ở Anh, Pháp, Singapore và Nhật Bản trước khi nhập khẩu vào Ấn Độ, nơi nhu cầu tậu xe hạng sang ở mức quá trớn.
Báo Anh Bấm The Telegraph trích dẫn một quan chức từ DRI nói với báo này rằng một doanh nhân Ấn đã mua một chiếc Bentley Continental Super Sport từ một nhân viên của tòa đại sứ Bắc Hàn tại New Delhi và một chiếc nữa được một nhà ngoại giao Việt Nam nhập rồi bán cho một doanh nhân khác.
Chúng tôi mới biết có hai nhà ngoại giao này nhưng chúng tôi cho rằng có thể có thêm những người khác như vậy dính líu vào
R.K. Sharma, Cơ quan Tình báo Thuế Vụ

"Các nhà ngoại giao của Bắc Hàn và Việt Nam dính líu vào mảng làm ăn này, họ đưa xe hạng sang vào Ấn Độ và sau đó bán xe phi pháp, R.K. Sharma, một quan chức cấp cao của DRI nói với hãng thông tấn AFP hôm 30/05.
"Tại thời điểm này, chúng tôi mới biết có hai nhà ngoại giao này nhưng chúng tôi cho rằng có thể có thêm những người khác như vậy dính líu vào," ông nói thêm.
Ông Sharma nói các quan chức DRI đã gửi công văn tới Bộ Ngoại giao để yêu cầu hai nhà ngoại giao này, những người được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, ra trình diện cảnh sát để thẩm vấn.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn độ từ chối bình luận về vấn đề này, và nói rằng ông không hay biết về yêu cầu như vậy.
Giới thanh tra nay đang chuẩn bị tiếp cận chính phủ phía Bắc Hàn và Việt Nam để lấy thêm thông tin về vai trò của các nhà ngoại giao của họ tại New Delhi.
Ông Sharma cho biết họ cũng đang liên lạc với các bên liên quan tại Ấn Độ, Anh, Singapore, Nam Phi, và Dubai để mở rộng cuộc điều tra về đường dây nhập xe lậu này.
Giới chức từ DRI được trích dẫn nói họ nghi có khoảng 300-400 chiếc xe sang được nhập khẩu bằng giấy tờ giả và bán tại nhiều thành phố lớn trên khắp Ấn Độ.
Báo Tuổi Trẻ gần đây đưa tin Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ xác nhận qua báo chí rằng đại sứ quán có biết về tin tức liên quan tới hoạt động điều tra buôn lậu xe hơi.
Báo này trích dẫn Bấm Đại sứ Nguyễn Thanh Tân nói đại sứ quán đã yêu cầu cán bộ bị tình nghi liên hệ với Bộ Ngoại giao Ấn Độ để tìm hiểu vụ việc.
Đây không phải lần đầu tiên nhân viên ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài bị đưa lên truyền thông nước sở tại vì dính líu vào hoạt động phi pháp.
Hồi cuối năm 2008, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải Bấm triệu hồi một nhân viên sứ quán bị cáo giác là liên quan buôn bán sừng tê giác lậu tại Nam Phi.
Chương trình truyền hình 50/50 của Nam Phi hồi đó đã công bố đoạn băng nhân viên đại sứ quán, sau này được biết là bí thư thứ nhất, đang nhận sừng tê giác từ một tay buôn lậu ngay trước cửa cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở thủ đô Pretoria.
Nhưng kể từ đó Bộ Ngoại Giao Việt Nam không cho biết biện pháp xử lý cán bộ ngoại giao này là gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét