Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Nhà nước giải phóng Libya đang hình thành

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 29/O3/2011
Nhà nước giải phóng Libya đang hình thành

Biểu tình của phụ nữ tại Benghazi (27/3/2011) ủng hộ bà Eman al-Obaidi, người vừa đột ngột xuất hiện tại một khách sạn ở Tripoli để tố cáo với các nhà báo về việc bản thân bị binh lính của Kadhafi hãm hại.

Biểu tình của phụ nữ tại Benghazi (27/3/2011) ủng hộ bà Eman al-Obaidi, người vừa đột ngột xuất hiện tại một khách sạn ở Tripoli để tố cáo với các nhà báo về việc bản thân bị binh lính của Kadhafi hãm hại.
REUTERS/Suhaib Salem
Trong khi phe nổi dậy đang sắp tiến gần đến Syrte, thành phố quê hương của ông Kadhafi, với sự yểm trợ của NATO, thì bên cạnh đó việc tổ chức một nhà nước Libya tự do cũng đang được tiến hành. Nhật báo Figaro hôm nay đã dành trang 2 để mô tả việc Hội đồng Quốc gia Lâm thời được thành lập và hoạt động như thế nào.
Dưới tiêu đề « Nước Libya tự do đang được tổ chức », Figaro cho biết : « Họ bao gồm khoảng mười mấy người, thậm chí có thể là 30 người. Hiện vẫn còn chưa biết hết tên tuổi của những người này. Nhưng những người này đang phải cùng nhau quản lý một tình thế hết sức đặc biệt, đó là đáp ứng các nhu cầu rõ ràng nhất tại khu vực này: vừa được giải phóng ra khỏi ách cai trị của Kadhafi. Hội đồng Lâm thời do họ thành lập đã được nước Pháp công nhận ».
Trong khi Kadhafi cố gắng bám trụ tại Tripoli, thì Benghazi trở thành thủ đô của các vùng giải phóng. Hội đồng quốc gia lâm thời do phe nổi dậy thành lập ngay từ những ngày đầu của cuộc nổi dậy, đặt trụ sở chính ngay tại Tòa thị chính của thành phố Benghazi. Tại địa điểm lịch sử này, trước đây dưới thời đô hộ của Ý, ông Mussolini từng tuyên đọc các bài diễn văn, nơi mà tướng Đức Quốc xã Rommel từng đến thị sát lữ đoàn xe thiết giáp AfricaKorps và cũng là nơi mà vua Idris, người đứng đầu triều đại đầu tiên của một nước Libya độc lập, đã phát đi lời kêu gọi đến toàn dân.
Theo Figaro, ban đầu Hội đồng này chỉ là một tập hợp không chính thức của các đại diện, đôi khi chỉ là những người tự tuyên bố, của các địa phương vừa được phe nổi dậy giải phóng. Thiện chí của Hội đồng là đại diện cho cả nước Libya. Hiện tại, các thành viên trong Hội đồng chưa muốn xem họ như là một chính phủ lâm thời.
Về vấn đề này, có hai quan điểm trái ngược nhau. Một số lập luận rằng, thủ đô Tripoli vẫn còn nằm dưới quyền kiểm soát của Kadhafi. Điều trước mắt là cần phải giải phóng đất nước. Còn số khác thì cho rằng, nên thành lập một chính phủ lâm thời trước. Việc thành lập một chính phủ lâm thời khiến cho những người trong Hội đồng lo ngại sự chia cắt đất nước giữa phía Đông cách mạng và phía Tây dưới sự kiểm soát của Kadhafi. Tuy nhiên, các đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý ngày càng trở nên hiển nhiên, chưa bàn đến sự cần thiết phải hồi đáp lại một cách đích đáng những lời tuyên truyền bỉ ổi, nhưng rất hiệu quả của nhà độc tài tại Tripoli.
Không những thế, Hội đồng này gặp phải khó khăn trong việc thông tin liên lạc. Ngoài một số tên tuổi đã được biết đến như Tiến sĩ Moustapha Abdeljalil, cựu Bộ trưởng Tư Pháp của Kadhafi, hay ông Ali Essaoui, cựu đại sứ Libya tại Ấn Độ, thì tên của một số thành viên trong Hội đồng hiện vẫn còn được giữ bí mật. Lý do có lẽ là, hoặc họ e ngại bị trả thù, hoặc còn một lý do khác chính là sự khó khăn trong liên lạc, vì một số thành viên trong Hội đồng này thường trú tại các thành phố khác nhau. Những người này hoặc không có đường điện thoại riêng hoặc phải dùng qua đường truyền do Kadhafi quản lý.
Nay bất chấp sự non nớt và những khó khăn, Hội đồng chuyển tiếp lâm thời đã thực sự bắt tay vào việc. Để né tránh vấn đề chính phủ lâm thời, một hội đồng điều hành đã được thiết lập. Một số vị trí quan trọng đã được bổ nhiệm như : vai trò thư ký do ông Abdeljalil đảm nhiệm, Ali Essaoui phụ trách về Ngoại giao, còn phụ trách Quân sự được giao cho Tướng Omar al-Hariri. Cuối tuần rồi, họ cũng đã bổ nhiệm Tiến sĩ Ali Targouni, sống lưu vong tại Hoa Kỳ và từng là giáo sư Tài chính tại Đại học Washington ở Seattle chuyên trách về dầu khí, kinh tế và tài chính. Riêng vấn đề về truyền thông và xã hội thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Khó khăn trước mắt là thế, nhưng họ cũng không giấu niềm vui xen lẫn lo âu. Đối với họ, cuộc Cách Mạng này đến quá bất ngờ, nhanh đến nỗi mà họ, - những người nổi dậy, không kịp làm công tác tổ chức. Họ không biết làm sao để có thể tự tổ chức được một đất nước mà hiến pháp, tất cả các hình thức tổ chức xã hội, quân đội, đảng phái chính trị và luật pháp đã bị hủy diệt dưới 42 năm thống trị của Kadhafi.
Trước mắt, ông Targouni, người phụ trách dầu khí, kinh tế và tài chính của Hội đồng chuyển tiếp, đã vạch ra một kế hoạch. Ông đề ra các mục tiêu cần ưu tiên đảm bảo nhu cầu cơ bản của người dân như trả lương, đảm bảo dự trữ lương thực, thuốc men, xăng dầu và sự vận hành của hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, vấn đề trước mắt là phải có tiền. Trong khi đó, nguồn thu nhập chủ yếu của Libya chính là dầu hỏa. Về điều này, ông Targouni tỏ ra rất tự tin. Theo ông, đội quân Cách mạng đang kiểm soát vùng Đông Nam Libya, một phần rộng lớn của nguồn dự trữ dầu khí của Libya. Ông cũng đã đạt được một số thỏa thuận với Qatar để bán dầu.
Cuối cùng Figaro cũng cho biết thêm, việc bổ nhiệm ông Targouni vào vị trí này cũng nhằm mục đích làm yên lòng các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn dầu khí, đã ký kết các hợp đồng với chế độ Kadhafi.
Ông nói : « Thông điệp của tôi chuyển đến các đối tác là như sau : chúng tôi tôn trọng tất cả các cam kết và các hợp đồng đã được ký trước đây, mà không cần quan tâm đến việc ai đã ký. Nhưng chúng tôi cũng nhớ đến những người bạn đã ủng hộ chúng tôi vào lúc chúng tôi rất cần. Trước hết, đó là nước Pháp và Qatar. Nước Pháp đã đi tiên phong, cho phép chúng tôi đạt được chiến dịch quốc tế lập vùng cấm bay và đã cứu thoát Benghazi. Chúng tôi luôn biết ơn về điều này ».
Libya : Hoạt động cứu thương tại chiến trường
Cũng liên quan đến chiến sự tại Libya, tờ Libération có bài viết, « Libya : Tôi trở lại chiến trường với xe cứu thương buổi tối » mô tả các hoạt động cứu thương của những người nổi dậy tại nơi xảy ra chiến sự vùng Zintan.
Cửa khẩu biên giới Dhéhiba, như chìm đắm trong khung cảnh vùng viễn tây trở nên hoang vắng. Nằm giữa hai khẩu đại bác, là con đường đi về hướng Nalout, xứ Béc-be đang trong tầm kiểm soát của quân nổi dậy. Ở đó, từ bảy ngày qua, chẳng có gì đi ngang qua, người cũng không, mà hàng hóa cũng không.
Chính thức, không có gì quá cảnh tại cửa khẩu này. Ngoại trừ các chiến binh bị thương đến từ vùng Zintan. Từ hơn một tuần nay, các đoàn xe cứu thương đặt những chiến binh bị thương trong thành phố biên giới nhỏ chỉ có 5.000 dân này. Theo Libération, nói là xe cứu thương thì quả là hơi quá, thật ra đó chỉ là những xe tàng, cũ kỹ. Điều kiện vận chuyển thương binh hết sức tồi tệ. Họ phải mất 2 đến 3 ngày đường để tới nơi.
Theo lời giải thích của một người chuyên vận chuyển những người bị thương với Liberation : « Đường đi vất vả nhiêu khê. Bao giờ cũng phải có một xe đi trước mở đường và đảm bảo đường đi an toàn. Trên đường đi còn phải có nhiều xe khác để thay phiên. Nếu như có một chiếc nào đó bị phát hiện, ngay lập tức phải chuyển những người bị thương sang xe thứ ba. Đôi khi, phải mất hàng chục tiếng đồng hồ, mà chỉ đi được có 50 km».
Những người bị thương nhẹ sẽ được tiếp đón tại « Nhà thanh niên ». Ở đó, chỉ có vài tấm đệm, một cái bếp, « đủ để băng bó bằng gạc ». Còn các trường hợp nặng hơn sẽ được chuyển đến bệnh viện Médenine, cách ngôi làng này 3 giờ đường. Điều trớ trêu là, tại bệnh viện này, không những họ tiếp nhận những người bị thương của phe nổi dậy, mà ở đó người ta còn thấy cả những người bị thương của chính quyền Kadhafi.
Khó khăn lớn nhất tại các bệnh viện chính là việc thiếu thuốc giảm đau. Libération mô tả trường hợp của Mohamed, bị thương nơi cánh tay phải, bác sĩ phẫu thuật cho biết, khi gắp viên đạn ra, ông không có thuốc giảm đau, chỉ cho có một liều gluco mà thôi. Mohamed khi ấy chỉ biết cắn môi và nhắm mắt chịu đau.
Tuy vậy, điều đó cũng không làm nản lòng những người nổi dậy. Hussein, bạn đồng hành cùng Mohamed, tuyên bố: « Tôi phải trở lại mặt trận với xe cứu thương buổi tối ». Chiếc xe cứu thương lại hướng về biên giới với Tunisia, chở đầy nhu yếu phẩm và thuốc men. Khi nó đi được khoảng 500m, bất thình lình nó rẽ về hướng sa mạc và lao thật nhanh, làm bụi tung mù lên trong thung lũng đá vôi. Thẳng hướng đến Zintan.
Khi được hỏi quân chính phủ có thể cầm cự được trong bao lâu, Hussein cười và nói : "Tuần rồi, chúng tôi có bắt giam được một đại tá của Kadhafi. Theo anh ta, Kadhafi nói rằng muốn gạt bỏ thành phố này ra khỏi bản đồ". Ông khẳng định, "Nếu như liên quân không kích 15 xe tăng của Kadhafi đang bao vây thành phố Zintan, thì chúng tôi sẽ nhanh chóng đặt chân lên Tripoli. Nó chỉ cách đây có 170 cây số thôi".
Thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Tepco cầu cứu các chuyên gia Pháp
Thảm họa hạt nhân tại Fukushima tiếp tục chiếm các trang báo Pháp ngày hôm nay. Liberation cho rằng « Hạt nhân, lời kêu cứu chậm trễ của Nhật Bản ». Trong khi đó, trên trang nhất tờ Le Figaro đăng tít «Fukushima : Nhật Bản kêu gọi sự giúp đỡ các chuyên gia Pháp ». 
Trên báo Le Monde, các tác giả dành riêng trang 4, trong mục Hành tinh, mô tả sự bế tắc của Tập đoàn khai thác điện hạt nhân Nhật Tepco trong việc xử lý thảm họa hạt nhân đang diễn ra. Mở đầu bài báo, tác giả đã đặt ra hàng loạt các câu hỏi : « Liệu có còn hy vọng ổn định được tình hình tại Fukushima, để dần dần lấy lại kiểm soát nhà máy và hạn chế tầm ảnh hưởng của thảm họa hay không ? Hay đã quá trễ để dập tắt nguy cơ thảm họa ? Mỗi ngày trôi qua, người ta lại nhận thấy thêm sự bất lực của Tepco ».
Trước việc tình thế ngày càng trở nên trầm trọng, Tepco hôm qua đã chính thức lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ kỹ thuật từ Tập đoàn AREVA (Pháp), trong khi trước đây Tepco đã từng một lần từ chối nhận kiện hàng dụng cụ của Pháp, trong đó bao gồm các rôbốt can thiệp do Tập đoàn điện lực Pháp EDF, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Areva và Uỷ ban chế tạo năng lượng nguyên tử.
Sự bất lực trong việc quản lý thảm họa được thấy rõ nhất, khi mà chủ nhật vừa qua, Tepco cho thông báo nước tích tụ trong bộ phận tuốc-bin của lò số 2 có nồng độ phóng xạ một triệu lần cao hơn mức bình thường. Để rồi hôm sau, chính Tepco lại nhìn nhận là đã nhầm lẫn và cho biết con số chính xác là 100.000 lần cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, con số này cũng là quá lớn. Chính quyền Nhật Bản đã chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng đó một nhầm lẫn không thể nào chấp nhận được. Người ta còn chỉ trích Tepco đã phớt lờ những lời cảnh báo sóng thần của các nhà địa chất Nhật hồi năm rồi. Những người này đã từng nhắc nhở Tepco rằng : sóng thần năm 1896 cao 38m và năm 1933 là 29m. Tuy nhiên, Tepco chỉ cho xây bờ tường chắn sóng bảo vệ nhà máy cao 5,5m mà thôi. Họ lập luận rằng, đã tham chiếu đợt sóng thần tại Chilê năm 1956.
Le Monde trích dẫn nhận định của phát ngôn viên chính phủ, theo đó, việc nồng độ phóng xạ cao đo được trong nước chảy lan tràn trong tòa nhà của lò phản ứng số 2 có lẽ do các thanh nhiên liệu bị nóng chảy và đã tiếp xúc với nước dùng để làm hạ nhiệt lò phản ứng.
Không những thế, tại lò số 3 tình hình cũng không kém phần bấp bênh. Có khả năng các thùng chứa thanh nhiên liệu cũng bị hư hại nặng. Còn tại lò số 1, thanh nhiên liệu đã bị hư hỏng hoàn toàn. Không những Tepco phải đối phó cấp bách trong việc vận hành lại hệ thống làm lạnh, họ còn phải tìm cách thải nước đã bị nhiễm xạ cực mạnh được tích tụ trong các tuốc-bin.
Ông Thierry Charles, giám đốc lò phản ứng hạt nhân Viện bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân (IRSN) bình luận : « Bây giờ cần phải tìm cách chặn không cho nó lan rộng ra, những người khắc phục đứng giữa hai mệnh lệnh đối nghịch, một bên là sự cần thiết phải dùng nước làm nguội các lò phản ứng và bên kia là đòi hỏi không nên đổ thêm nước chứa phóng xạ ra biển ».
Cuối cùng, Figaro và Le Monde cùng đi đến kết luận thông qua lời thú nhận của phó Chủ tịch tập đoàn Tepco, ông Sakae Muto : « Hiện nay, chúng tôi chưa biết lịch trình cụ thể cho phép chúng tôi nói, trong bao nhiêu tháng hay bao nhiêu năm nữa, khủng hoảng sẽ chấm dứt »
Chính trường Pháp sau cuộc bầu cử hội đồng tỉnh
Kết quả bầu cử Hội đồng tỉnh tại Pháp đang là những đề tài nóng trên các trang báo Pháp ngày hôm nay, khi mà chỉ còn 13 tháng nữa sẽ diễn ra bầu cử tổng thống năm 2012.
Ngay khi kết quả bầu cử được công bố chính thức, trang nhất các báo Pháp hôm nay nhất loạt đăng phản ứng của các đảng.
Trên trang nhất của nhật báo Le Monde chạy hàng tít « Bầu cử Hội đồng tỉnh : điểm xuất phát tồi tệ của đảng UMP cho năm 2012 ». Trong khi đó, đứng trước thất bại của cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh này, theo thông tin trên trang nhất của Le Figaro, tổng thống « Sarkozy kêu gọi UMP đoàn kết », đồng thời đề nghị phải thận trọng với những người theo ông là nguy hiểm cho toàn thể đảng UMP. Ông muốn ám chỉ đến những người theo đảng cấp tiến của Jean-Louis Borloo và những người theo cánh trung hữu.
Trên trang nhất, tờ La Croix với hàng tít « Nghi ngờ đường lối chiến lược trong lòng nội bộ », cho thấy, bất chấp lời kêu gọi đoàn kết, nội bộ đảng cầm quyền cũng không tránh được bất đồng chính kiến.
Cùng ý kiến với La Croix, tờ Libération ghi nhận « Mặt trận Quốc gia – Tính thế tục, những xung đột trong cánh hữu» (FN - Laicité. ça bastonne à droite). Không những thế, trong trang 2, tờ báo còn cho biết rõ thêm nội bộ UMP đang xung đột qua việc lãnh đạo đảng UMP, ông Copé, liên tục chỉ trích thủ tướng François Fillon. 
Cuối cùng, tờ L’Humanité dành hẳn trang nhất với ảnh biếm họa Nicolas Sarkozy, hai tay chấp sau lưng, khuôn mặt buồn bã, bên cạnh đó là tiêu đề « Sarkozy áp đặt sự im lặng trong hàng ngũ đảng ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét